Nhà thiết kế Cường Đàm nhìn truyền thống qua lăng kính vị lai

Nhà thiết kế thời trang xuất thân là kiến trúc sư, với giác quan mạnh mẽ về phom dáng, diễn giải các giá trị Việt Nam truyền thống một cách mới lạ

Nhà thiết kế Cường Đàm

Nhà thiết kế Cường Đàm

Trước ngày show diễn Inflowing (Hướng tâm) và triển lãm về hành trình làm nghề của Cường Đàm diễn ra, chúng tôi ngồi với nhau. Trong cuộc nói chuyện dài, có lúc Cường trầm ngâm: “Có lẽ sau show diễn, tôi sẽ đi đâu đó một thời gian, để hoạch định tương lai cho C.Dam”. Ước mơ của Cường là một thương hiệu thời trang vững mạnh, tạo dựng được những di sản riêng và đi thật xa, kể cả có anh hay không.

Lúc mới gặp, Cường Đàm dễ khiến người ta cảm thấy sự rụt rè, xa cách bởi tính “ngại gặp người” của mình. Mọi năng lượng và thời gian, Cường đặt vào thời trang và các sáng tạo. Phần lớn thời gian trong ngày, cậu vùi mình vào studio, làm việc cùng đội ngũ của mình. 

Cường Đàm: Kiến trúc sư đi làm thời trang 

Trước khi đến với thời trang, Cường Đàm là kiến trúc sư. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội với thành tích xuất sắc, Cường nhận được học bổng du học Kiến trúc. 

Giai đoạn 2008–2012, Cường Đàm từng đạt được giải thưởng Festival kiến trúc toàn quốc 2010 và giải thưởng Kiến trúc toàn bộ Tư lệnh 2013. Sau năm năm gắn bó với môi trường kiến trúc, Cường nhận ra thời trang mới phù hợp với mình. Không ngại làm lại từ đầu, Cường ghi danh theo học tại Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF), tại Hà Nội. 

“Đó không phải là quyết định bột phát, mà là tôi đã yêu thời trang từ khi là một đứa trẻ. Hạnh phúc của tôi là ngắm nhìn những người phụ nữ xinh đẹp và tự tin trong những thiết kế của mình”, Cường chia sẻ về quyết định chuyển hướng sang thời trang. 

Trở về trường lớp để đầu tư bài bản cho thời trang

Với nền tảng kiến trúc, Cường tiếp cận thời trang dựa trên tư duy logic về bố cục – hình khối – sắc màu của nghệ thuật kiến trúc. Ở LCDF, Cường Đàm nổi bật hẳn so với bạn đồng niên khóa. Bộ sưu tập Những chiến binh ở Yoshiwara của Cường được đánh giá cao tại Tuần lễ tốt nghiệp 2020 của LCDF Hà Nội. Đó cũng là bộ sưu tập lọt vào top 6 cuộc thi Vietnam NewGen Award do Harper’s Bazaar Việt Nam tổ chức. Đêm trình diễn, tôi có mặt tại Hà Nội để tham dự. Đó là một bộ sưu tập nổi trội, bật hẳn lên, khiến người xem phải bật lên lời tán thưởng “xuất sắc”. 

Nhờ điểm mạnh ở phom dáng, hình khối và cách kết hợp sắc màu, các thiết kế của Cường Đàm được ví von như một tác phẩm kiến trúc. Với Những chiến binh ở Yoshiwara, Cường Đàm mang đến một cách phối màu lạ: xanh cốm và hồng sen. Hai sắc màu này giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc trong các sáng tạo của anh. 

 bộ sưu tập Inflowing của Cường Đàm

Bảng màu xanh cốm – hồng sen trở lại trong bộ sưu tập Inflowing của Cường Đàm

Nặng lòng với văn hóa dân tộc, Cường mang các giá trị và hình tượng truyền thống vào hành trình sáng tạo. Có lúc, đó là sắc màu của những chiếc bánh oản. Đôi khi, lại là một chút cảm hứng từ tranh Hàng Trống. 

“Để đi thật xa, chúng ta phải đi thật sâu vào tâm để khám phá các tầng nghĩa và “chất liệu” của văn hóa truyền thống”, Cường chia sẻ về một trong những triết lý thiết kế của mình. 

Tóc Tiên tại show diễn Inflowing

Tóc Tiên tại show diễn Inflowing

Thương hiệu CHATS by C.DAM

Ngay từ khi còn là sinh viên LCDF, Cường Đàm đã mày mò kinh doanh thời trang. Những ngày đầu, chàng sinh viên đến với thời trang bằng bản năng. “Có lúc, tôi kiệt quệ về tài chính, thời gian lẫn sức lực”, Cường hồi tưởng về những ngày đầu khởi dựng CHATS by C.DAM. Là người cầu toàn và luôn muốn đạt đến sự hoàn hảo, Cường Đàm tìm ra hướng đi mới cho thương hiệu. 

Anh đưa CHATS by C.DAM đến với thị trường cao cấp hơn bằng những thiết kế được đầu tư chất xám và độ hoàn thiện cao. “CHATS by C.DAM mang đến những vẻ đẹp thời trang đương đại, thông minh chứ không chỉ vừa mắt hay hợp thời”. 

Sự cầu toàn của Cường thể hiện trong từng tiểu tiết của thiết kế. Một nếp xếp, cầu vai cũng được nhà thiết kế trẻ thể nghiệm nhiều lần, đến khi vừa ý mới thôi. Cuối cùng, kết quả vượt ngoài dự đoán, CHATS by C.DAM  chinh phục khách hàng và phát triển ngày một mạnh mẽ. 

Một thiết kế từ bộ sưu tập Artifact

Một thiết kế từ bộ sưu tập Artifact

Luôn mang nghệ thuật vào thời trang, trong bộ sưu tập Artifact của CHATS by C.DAM, Cường Đàm còn tiếp xúc với điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền. Thời trang và điêu khắc hòa quyện với nhau thông qua các kỹ thuật xếp ly, ly rút nhỏ đầy tinh xảo, nhằm biểu đạt chuyển động của trang phục. 

Từ kiến trúc sư chuyển hướng sang thời trang và bắt đầu từ con số 0, giờ đây, đội ngũ của Cường đã lên đến 50 người. Trong đại dịch, Cường và các cộng sự “thậm chí còn làm tốt hơn” ngày thường. Để rồi, một dự án mới ra đời và thực sự khác biệt. 

Những dự định tương lai: Inflowing và C.Dam

Nếu Những chiến binh ở Yoshiwara là quá khứ, CHATS by C.DAM là hiện tại, thì Inflowing và C.Dam là tương lai của Cường Đàm.

Sau những thành tựu nhất định trong thời trang, anh tiếp tục ra mắt thương hiệu thời trang mới C.Dam. Inflowing là bộ sưu tập mở màn cho C.Dam, thương hiệu thời trang tôn vinh các giá trị thủ công, dành cho những cá tính trẻ, tìm kiếm sự độc đáo.   

Với Inflowing, Cường tiếp tục “đi thật sâu” vào các tầng nghĩa văn hóa. Anh tìm ra một chất liệu không thể truyền thống hơn: hạt thóc. Cường Đàm diễn giải: “Hạt thóc vốn là thứ gắn liền với người dân Việt Nam kể từ thời nguyên thủy. Tại sao qua ngàn đời, hạt thóc ấy vẫn tồn tại và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống?”. Trăn trở và các giá trị văn hóa truyền thống ấy được Cường soi rọi qua lăng kính vị lai. 

Hồ Ngọc Hà tại show diễn Inflowing

Hồ Ngọc Hà tại show diễn Inflowing. Hạt thóc được Cường Đàm biến tấu thành chiếc phi thuyền hướng về tương lai

Trong buổi trình diễn chỉ gói gọn 100 khách, Inflowing là bản giao hưởng của âm thanh – ánh sáng – thời trang. Những hạt thóc, qua triết lý thiết kế của Cường Đàm, trở thành một chiếc phi thuyền. Có lúc, chúng lại biến thành clutch trên tay người mẫu hay chiếc khuy trên trang phục. 

Không gian trình diễn bộ sưu tập Inflowing của Cường Đàm

Không gian trình diễn bộ sưu tập Inflowing của Cường Đàm

Đào sâu vào cội nguồn văn hóa dân tộc, Cường Đàm chọn sơn mài làm một trong những chất liệu chủ đạo cho bộ sưu tập. Một thiết kế được in 3D trên nhựa rồi phác thảo tay sau đó vẽ tay trong nhiều tháng để đưa vào các chi tiết trên nón, túi hạt thóc, hay áo yếm. 

Từng chiếc khuy nhỏ trên trang phục được Cường Đàm và đội ngũ xử lý kỳ công: nặn bằng đất sét, vẽ trên máy, đúc đồng, mạ bạc, trải qua nhiều giai đoạn thủ công trước khi đưa lên trang phục. Nghiêm túc và cầu toàn, Cường đòi hỏi các thiết kế phải hoàn hảo trong từng chi tiết nhỏ nhất. Show diễn đã “vắt kiệt mọi thứ” của Cường, anh chia sẻ. Nhưng Inflowing, hành trình hướng tâm ấy, lại mở ra một kỷ nguyên mới cho Cường Đàm và C.Dam. 

Chiếc nón chế tác từ sơn mài, "chất liệu truyền thống" Cường Đàm khai thác trong Inflowing

Chiếc nón chế tác từ sơn mài, “chất liệu truyền thống” Cường Đàm khai thác trong Inflowing

“Hạt thóc trong Inflowing chính là hạt mầm tôi gửi đến tương lai. Nếu đưa cho bạn một hạt mầm, bạn sẽ làm gì với nó? Bạn sẽ dùng nó để nấu cơm, làm đồ trang sức, hay thậm chí phi thuyền?”, Cường gửi gắm những ý niệm thời trang của mình. 

Dahan Phương Oanh tại show diễn Inflowing

Dahan Phương Oanh tại show diễn Inflowing.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm

Nhân vật

Nhà thiết kế Cường Đàm nhìn truyền thống qua lăng kính vị lai
Cường Đàm
  • Tên đầy đủ: Đàm Tiến Cường
  • Founder và Creative Director thương hiệu C.Dam và CHATS by C.DAM
  • Giải thưởng: Vietnam Newgen Award 2020, Giải thưởng Tuần lễ Thời trang Hanoi Fashion Week 2014, Giải thưởng Festival Kiến trúc Toàn quốc 2010, Giải thưởng Kiến trúc toàn Bộ Tư Lệnh 2013. 
Nơi sinh : Bắc Ninh, Việt Nam
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Kiến trúc, Thời trang