Nhà thiết kế – nghệ nhân Trung Đinh khoác áo mới cho lụa Việt

Suốt 10 năm qua, nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh dành toàn bộ tâm huyết để phục hồi mảng vẽ thủ công trên lụa

Dưới bàn tay tài hoa của nhà thiết kế – nghệ nhân Trung Đinh, những thước vải lụa mộc mạc của Việt Nam trở thành các tác phẩm nghệ thuật và thời trang vô cùng tinh tế. Người nghệ nhân đã dành suốt 10 năm tuổi trẻ của mình để nghiên cứu, tìm tòi, và sáng tạo ra kỹ thuật nhuộm ombré và vẽ thủ công trên lụa, góp phần phục hồi ngành lụa cũng như dòng tranh lụa Việt Nam.

Từ Giám đốc Sáng tạo của tập đoàn thời trang nổi tiếng thế giới…

Mười năm trước, Trung Đinh giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo cho một tập đoàn thời trang lớn của nước Ý có trụ sở tại Việt Nam. Dù đang giữ vị trí và mức lương đáng mơ ước đối với nhiều người khi đó, nhưng nhà thiết kế gốc Phú Yên vẫn quyết định nghỉ việc.

Anh bộc bạch: “Lúc đó tôi đảm nhiệm việc thiết kế những bộ sưu tập giới hạn cho tập đoàn. Các sản phẩm này xuất ngược sang châu Âu và bán ra với giá thành cực kỳ đắt đỏ. Tuy vậy, tôi muốn làm gì đó gần gũi hơn với người Việt Nam và có sự đóng góp cho nền thời trang nước nhà”.

Dù phải bồi thường chi phí nghỉ việc rất lớn, song Trung Đinh quyết tâm từ bỏ để làm lại từ đầu. Anh bắt tay vào mảng vẽ thủ công trên lụa từ năm 2013.

… đến người hồi sinh hội họa trên lụa

Trung Đinh chọn mảng vẽ thủ công trên lụa, bởi anh nhận thấy dòng tranh lụa Việt đang ngày càng mai một trên thị trường. Nhà thiết kế 8X đặt câu hỏi tại sao tranh lụa Việt Nam không phát triển? Anh tự đi tìm câu trả lời và nhận ra rằng: quy trình, kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ của Việt Nam mất quá nhiều công đoạn và thời gian. Dù vậy, hiệu quả mỹ thuật lại không cao cùng giá thành đắt đỏ đã khiến người tiêu dùng quay lưng.

Trung Đinh bắt tay nghiên cứu lại từ đầu. Anh muốn làm sao để kỹ thuật vẽ tranh lụa vừa hiện đại mà vẫn thể hiện được vẻ tinh tế. Đặc biệt là làm sao để ứng dụng kỹ thuật đó vào thời trang giúp nâng tầm giá trị cho lụa Việt Nam.

Để làm được những điều này, suốt 10 năm qua Trung Đinh gần như “trốn” khỏi thị trường thời trang Việt Nam. Anh dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật mới về vẽ thủ công và nhuộm ombré trên lụa. Tuy vậy, Trung Đinh không giữ cho riêng mình mà đem những kỹ thuật ấy truyền lại cho thế hệ học trò.

Anh cho rằng: “Nếu giữ độc quyền, tôi có thể kiếm được nhiều lợi nhuận. Nhưng nếu như vậy sẽ không có cơ hội phát triển. Tôi nghĩ một mình tôi không thể nào vực dậy được mảng vẽ trên lụa. Tôi cần một hệ sinh thái, một cộng đồng cùng chung tâm huyết”. Cũng chính vì vậy mà trung tâm dạy vẽ trên vải của Trung Đinh ra đời. Hiện tại, trung tâm của anh đã đào tạo nghề thành công cho hơn 3.500 học viên trên toàn quốc.

>>> XEM THÊM: NTK TRUNG ĐINH LAN TỎA THÔNG ĐIỆP “NGƯỜI VIỆT DÙNG LỤA VIỆT” TẠI LỄ HỘI ÁO DÀI

Trung Đih muốn chinh phục chất liệu “khó chiều” nhất

Tranh lụa của Trung Đinh cùng học trò

Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh thừa nhận: “Lụa là một chất liệu đỏng đảnh, khó chiều. Vẽ và nhuộm trên lụa là khó nhất!”. Anh cho biết, lụa không giống như các chất liệu khác, bởi nó được làm hoàn toàn từ sợi tự nhiên nên dẫn nước rất nhanh. Vì vậy khi nhuộm hoặc vẽ, lụa sẽ có một độ giãn nở nhất định.

“Khi vẽ, tốc độ loang màu trên lụa rất nhanh nên đòi hỏi tốc độ xử lý của người vẽ phải nhanh hơn tốc độ loang màu của lụa. Cách đi cọ cũng nhẹ nhàng vừa phải để tránh làm tổn thương lụa”, nhà thiết kế giải thích thêm.

Dành nhiều thời gian để xử lý lụa kỳ công như vậy nên mỗi tác phẩm của Trung Đinh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là câu chuyện về văn hóa dân tộc và trách nhiệm xã hội đằng sau nó.

Học trò Trung Đinh đang hoàn thiện một bức tranh lụa

Trung Đinh cho rằng để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhà thiết kế phải thay đổi đầu tiên. Anh tin rằng lụa Việt có thể chưa cạnh tranh được với các nước về màu sắc, mẫu mã, nhưng với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của người Việt, lụa nước ta sẽ cho thấy những góc nhìn, ứng dụng khác mang tính chất mỹ thuật rất cao.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh mong muốn sẽ tổ chức những buổi workshop lớn về nhuộm và vẽ thủ công trên lụa tại nhiều tỉnh thành và trong các trường đại học để lan tỏa tinh thần về lụa thủ công đến thế hệ trẻ.

Anh cũng hy vọng một ngày nào đó, kỹ thuật nhuộm và vẽ thủ công trên vải sẽ trở thành một môn học chính thức trong ngành thời trang của các trường đại học. Bởi anh hiểu rằng kỹ thuật xử lý chất liệu rất quan trọng đối với các nhà thiết kế tương lai. Nó giúp các bạn trẻ không bị phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu bên ngoài.

Trung Đinh mở màn cho chương trình truyền hình thực tế Fashion Tour

Một mẫu thiết kế bằng lụa Việt Nam của Trung Đinh

Sắp tới đây, Trung Đinh sẽ là một trong hai nhà thiết kế được chọn để mở màn cho Fashion Tour. Đây là một chương trình truyền hình thực tế kết hợp giữa thời trang, du lịch, âm nhạc với sự tham gia của nhiều nhà thiết kế và các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực.

Nhà thiết kế, nghệ nhân Trung Đinh sẽ mang đến Fashion Tour ba bộ sưu tập được thiết kế chủ đạo trên nền lụa Bảo Lộc. Trong đó gồm có một bộ sưu tập áo dài và hai bộ sưu tập thời trang ứng dụng khác.

Trung Đinh cho biết anh vẫn sẽ sử dụng lối xử lý chất liệu là nhuộm ombré và hội họa trên lụa để thiết kế ba bộ sưu tập này. “Tôi muốn cho mọi người thấy lụa có thể ứng dụng được trong nhiều kiểu trang phục khác nhau. Nhưng để làm được như vậy, các mẫu thiết kế của tôi ít nhiều đều tốn thời gian cho khâu xử lý chất liệu như: nhuộm, thêu, vẽ…”.

Chương trình truyền hình thực tế Fashion Tour sẽ được quay trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Theo đó, các nhà thiết kế, mentor và khách mời có quê hương tại địa danh dừng chân sẽ cùng nhau trải nghiệm thực tế, khám phá những điểm đến này và lấy cảm hứng để sáng tạo nên bộ sưu tập thời trang. Chương trình truyền tải đến người xem văn hóa, con người, ẩm thực, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Fashion Tour dự kiến sẽ phát sóng tập đầu tiên vào khoảng tháng 10–2023.

ĐỌC THÊM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm