Thổ cẩm: Tinh hoa của ngành dệt may thủ công đất Việt

Thổ cẩm là di sản, tinh hoa của nghề dệt may thủ công truyền thống Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung

BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade-tho-cam-feature

Các thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những cú chuyển mình lớn trong lĩnh vực in kỹ thuật số ở ngành dệt may. Tuy vậy, dệt may thủ công vẫn luôn là nghề cổ truyền gắn kết văn hóa truyền thống từ bao đời. Không giống như những sản phẩm dệt kỹ thuật số, các loại vải dệt thủ công rất độc đáo. Điển hình là vải thổ cẩm. Thổ cẩm ra đời cùng lúc với lịch sử của từng dân tộc thiểu số tại Việt Nam hàng nghìn năm.

Tinh hoa thổ cẩm Việt Nam

Trong từ vựng, thổ cẩm là loại vải dệt đẹp như gấm (cẩm) của các dân tộc thiểu số địa phương (thổ). Chất liệu thổ cẩm vì thế được xem là biểu tượng thể hiện đời sống văn hóa và tinh thần của các dân tộc thiểu số. Mỗi loại vải thổ cẩm đều mang một nét văn hóa riêng, gắn liền với thuần phong mỹ tục của nơi sản xuất ra nó.

BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade_0008-tho-cam

Trang phục thổ cẩm với các họa tiết trang trí khác nhau.

Để ra thành phẩm, thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người dệt.

Trong truyền thống của các dân tộc ít người, các cô gái từ tuổi vị thành niên đã bắt đầu khâu tước lanh làm sợi, nhuộm màu, dệt vải, cho đến may vá. Vải thổ cẩm dùng làm trang phục như váy áo, khăn, khố. Vải cũng dùng may chăn, ga trải giường. Chúng thể hiện sự khéo léo và là của hồi môn của người con gái khi về nhà chồng.

BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade_0007-tho-cam

Các cô gái H’Mông tại Mộc Châu.

Sau này, khi du lịch phát triển, thổ cẩm hay được sử dụng làm chất liệu cho các mặt hàng lưu niệm như balo, túi xách, khăn trải bàn, tấm lót ly… Kỹ thuật dệt tay đã cho ra đời những tấm vải tuyệt đẹp cùng những màu sắc và hoa văn độc đáo.

Vải thổ cẩm được dệt chủ yếu là sợi bông thô, sợi lanh kết hợp với màu nhuộm từ thiên nhiên. Mỗi dân tộc thiểu số đều có cách dệt thổ cẩm riêng biệt với hoa văn khác nhau. Mỗi loại hoa văn gắn liền với môi trường sống, qua đó thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.

Mỗi dân tộc thiểu số đều có cách dệt thủ công riêng biệt

  • Người H’Mông: Dân tộc thiểu số H’Mông dệt thổ cẩm bằng cách thêu hoa văn hình chữ thập, hình thoi hoặc hình tam giác.
BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade_0001-tho-cam

Cô gái người người H’Mông, Lào Cai.

  • Người Dao: Phần lớn dân tộc Dao nhuộm vải thổ cẩm bằng màu đỏ sáng. Các loại vải thổ cẩm sáng màu được thêu hoa văn màu xanh sẫm trông rất trang nhã.
  • Người Tày: Nét đặc biệt của vải thổ cẩm của người Tày là sự sắp xếp các hoa văn hình thoi màu sẫm trên nền trắng.
  • Người Nùng: Người Nùng thường mặc trang phục có màu sắc sặc sỡ, đặc biệt màu của phần tay áo và đuôi áo khác với thân áo.
  • Người Khmer: Kỹ thuật dệt của người Khmer là tạo trực tiếp các họa tiết lên vải ngay khi dệt.
  • Người Chăm: Thổ cẩm của người Chăm có màu sẫm hoặc màu đỏ, được trang trí hoa văn hình học.
  • Người H’Rê: Thổ cẩm của người H’Rê được nhuộm màu đỏ và đen cùng những hoa văn theo mô típ hình học kết thành những ô nối tiếp nhau, hoa văn đường thẳng, đường lượn sóng.
  • Người Bana: Màu sắc chủ đạo của thổ cẩm Bana là đen, đỏ và trắng.
  • Người Lô Lô: Người Lô Lô sử dụng kỹ thuật chắp vá các mẫu vải có màu sặc sỡ với bố cục rõ ràng lên nền vải đen.
BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade_0002-tho-cam-1

Cô gái người Lô Lô, Hà Giang.

  • Người Thái: Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc sử dụng các màu chủ đạo như trắng, đỏ, vàng, xanh lá, tím,…tạo ấn tượng thị giác. Các họa tiết đối xứng nhau phản ánh về vũ trụ, triết lý âm dương,…

Màu nhuộm sử dụng từ các nguyên liệu thiên nhiên

Vải thổ cẩm được nhuộm bằng những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên.

  • Màu đen: là hỗn hợp của lá chàm hoặc loại lá có màu xanh sẫm ngâm với bùn tươi.
  • Màu tím: có thể dùng bắp cải tím, củ dền…
  • Màu xanh lam: là vỏ nướng của các loại ốc sống ở suối hòa với nước vôi trong, lá Krum hoặc lá chàm.
  • Màu đỏ: lấy từ cây Krung cổ thụ.
  • Màu nâu đỏ: là hỗn hợp đun sôi của vỏ cây, giấm và phèn chua. Sợi dệt nhuộm ở nhiệt độ 800ºC.
  • Màu vàng: lấy từ củ nghệ hay bột khoáng chất hùng hoàng từ đất.

Vai trò của thổ cẩm trong xu hướng phát triển bền vững của ngành thời trang là gì?

Hiện nay, các nhà thiết kế thời trang rất ưu ái thổ cẩm. Ở Việt Nam, người khởi đầu đưa thổ cẩm lên trang phục thời trang và áo dài trong các show diễn trong nước và quốc tế là nhà thiết kế Minh Hạnh. Tiếp đến là Sĩ Hoàng, nhà thiết kế với thương hiệu áo dài đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế từ năm 1989. Harper’s Bazaar đã có dịp trò chuyện cùng anh về những tiềm năng sáng giá của ngành công nghiệp dệt may thổ cẩm.

BZ_03_22_Si-Hoang-H1160410-1

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Sĩ Hoàng cho rằng việc đưa chất liệu vải này vào các thiết kế thời trang cao cấp cực kỳ thuận lợi. Với xu hướng thời trang hiện nay, giới mộ điệu luôn muốn ghi lại dấu ấn cá nhân qua mỗi trang phục họ mặc trên người. Vải thổ cẩm là công cụ tuyệt vời để những người yêu thời trang thể hiện được bản sắc riêng của mình.

“Hoa văn thổ cẩm cực kỳ cá tính. Mỗi sản phẩm thời trang được làm từ thổ cẩm đều là độc bản. 100 chiếc váy của người H’Mông Hoa không có cái nào giống nhau. Mỗi chiếc váy đại diện cho một cá tính và sự khéo tay của mỗi cô gái”.

“Cả thế giới đang theo đuổi xu hướng thời trang bền vững. Những chất liệu thổ cẩm đều được dệt từ các sợi thiên nhiên. Màu nhuộm cũng là màu tự nhiên. Một bộ trang phục làm từ sợi tự nhiên chỉ cần vài tháng là có thể tự phân hủy trong đất. Bên cạnh đó, sau khi phân hủy, chúng không làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn đem lại lợi ích cho đất. Đó chính là điểm mạnh khi ngành thời trang tận dụng được các thế mạnh của chất liệu vải này”.

Việc nhìn thấy những tiềm năng của vải thổ cẩm không chỉ có lợi trong lĩnh vực thời trang. Nó còn góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu: về môi trường, về khí hậu, xu hướng tiêu dùng, sức khỏe… khi ủng hộ trào lưu slow fashion và không sử dụng màu nhuộm có hại cho môi trường.

Bên cạnh đem vào thời trang cao cấp, họa tiết thổ cẩm còn có thể ứng dụng trong các thiết kế đồ họa và sử dụng trong trang trí nhà cửa như trên các bình gốm, thảm trải sàn, tách trà,…

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh: “Hoa văn thổ cẩm “khoe” được tay nghề của người thợ. Kho tàng văn hóa của 54 dân tộc tựa như một cánh cửa mở ra những khám phá lý thú, tìm hiểu mãi hết”.

Tiềm năng của chất liệu thổ cẩm là gì?

BZ_03_22_HISTORY_Vietnamese-Brocade_464281982-tho-cam

Các thiếu nữ H’Mông thêu hoa văn lên thổ cẩm.

Để lưu giữ nét văn hóa này, nhiều địa phương đã khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng các dân tộc. Thực tế, hầu hết các sản phẩm thổ cẩm của Việt Nam đều do dân tộc H’Mông, chủ yếu là thợ thủ công ở Hà Giang, Bắc Hà, hay các dân tộc Tây Nguyên làm. Một số địa phương đã có chính sách cho vay vốn và tổ chức các lớp dạy nghề.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là sản phẩm không có đầu ra ổn định và chỉ phục vụ cho du lịch. Để bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế văn hóa của nghề dệt thổ cẩm Việt Nam, cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về việc quảng bá thị trường và sản phẩm.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng từng tham gia Sakura Collection, cuộc thi thiết kế thời trang tại Nhật. Sự kiện hội tụ các nhà thiết kế khắp châu Á. Các sản phẩm mang dấu ấn của văn hóa từng nước, tuy nhiên đều thực hiện trên nền vải kimono. Anh bảo: “Nếu thổ cẩm Việt Nam được đưa vào những cuộc thi thiết kế thời trang lớn thì chất liệu này đến gần hơn nữa với thế giới”.

BZ-tho-cam-viet-ly-qui-khanh-1

Các mẫu thiết kế trong BST Hái Mơ của NTK Lý Quí Khánh tại triển lãm Expo Dubai, giới thiệu ngành dệt vải thủ công truyền thống Việt Nam.

BZ-tho-cam-viet-ly-qui-khanh-2

Thổ cẩm truyền thống được Lý Quí Khánh kết hợp cùng phom dáng hiện đại

BZ-tho-cam-viet-ly-qui-khanh-3

Thổ cẩm Việt là một loại vải dệt kiểu brocade, phù hợp cho cả trang phục cổ truyền lẫn đầm kiểu Tây

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống vừa bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, lại đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, ngành thời trang hiện nay tôn vinh yếu tố văn hóa bản địa. Khai thác thổ cẩm là cơ hội mở cánh cửa vào thị trường quốc tế cho các nhà thiết kế Việt.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm