Nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẻ chia tâm nguyện cho 10 năm cuối sự nghiệp

Ở tuổi 60, nhà thiết kế gạo cội – nhà nghiên cứu Lê Sĩ Hoàng, đã chuẩn bị tâm thế cho chặng cuối của sự nghiệp và chuẩn bị “về hưu”

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và những tâm nguyện trong 10 năm cuối sự nghiệp

“Khi chúng ta rủ nhau đi uống cà phê, chúng ta phải biết ở đâu, ngày nào, mấy giờ, mặc cái gì. Trước khi đi còn dặn dò bố mẹ ăn cơm trước hay con về muộn… Tức là làm cái gì mình cũng có sự chuẩn bị trước. Thế thì tại sao cuộc đời của mình lại không có sự chuẩn bị lúc về già?”, Nhà thiết kế Sĩ Hoàng trải lòng khi tiếp Harper’s Bazaar.

Chính vì thế, trong cuộc trò chuyện, Sĩ Hoàng nhiều lần nhắc đến tuổi già. Anh bộc bạch: “Nói ra bây giờ thì có lẽ hơi sớm nhưng nếu trời cho tôi sống thêm 20 năm nữa thì 10 năm tới tôi chạy nước rút để hoàn tất những điều muốn làm. Và năm 70 tuổi, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, trò chuyện, viết sách, tu thiền. Như vậy là tôi đã có một cuộc đời toàn vẹn”.

Khát khao xây dựng một Nhà hát Áo dài

Mong muốn lớn nhất trong 10 năm cuối chặng đường sự nghiệp của Sĩ Hoàng là có một Nhà hát Áo dài. Đây sẽ là nơi trình diễn những câu chuyện về văn hóa Việt thông qua áo dài, âm nhạc hoặc những vở diễn lịch sử. Anh quan niệm, kinh tế phát triển phải đi đôi với việc giữ gìn lễ nghĩa, phong tục tập quán. Bởi vậy những hoạt động trong Nhà hát Áo dài sẽ hướng đến giáo dục về thẩm mỹ và văn hóa.

“Tôi sẽ không biểu diễn thời trang hay trưng bày trang phục ở đây mà sẽ diễn những vở kịch kể câu chuyện về các danh nhân, anh hùng thời xưa. Đó là những câu chuyện không ở trong chính sử. Ví dụ như vở Yêu là thoát tội, kể câu chuyện ngang trái giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Vua. Hay vở Khóc giữa trời xanh kể về Thái sư Lê Văn Thịnh… Sắp tới tôi cũng sẽ dựng một vở kịch mang tên Lãnh cung kể câu chuyện của các phi tần tài sắc, khắc khoải trông chờ một lần được gần vua”, Sĩ Hoàng tiết lộ.

Bên cạnh kịch lịch sử, những hoạt động về văn hoá ăn mặc, văn hóa âm nhạc lồng ghép với phong tục tập quán đặc trưng của người Việt… như áo tứ thân, ngũ thân, têm trầu cánh phượng, mời trầu, mời trà… cũng diễn ra ở đây. Tất cả các hoạt động được dựng thành những hoạt cảnh liên tục để có thể đưa vào khai thác làm tour du lịch văn hóa.

Tâm huyết với kịch

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và những tâm nguyện trong 10 năm cuối sự nghiệp

“Tôi đến với kịch là cả một quá trình. Vậy nên tôi rất sợ ai đó nói rằng tôi “lấn sân”, “thử sức” hay “dạo chơi”. Tôi bỏ tiền tỷ để làm kịch nên tôi không thử sức, và càng không dạo chơi”.

– Sĩ Hoàng –

Vậy lý do gì khiến Sĩ Hoàng tâm huyết như thế với kịch nghệ ở ngưỡng tuổi 60? Anh chia sẻ: “Năm 18 tuổi, tôi đã mơ ước trở thành diễn viên. Bởi vậy tôi thi vào trường Sân khấu điện ảnh và đồng thời cũng thi vào Đại học Mỹ thuật. Lúc đó tôi nghĩ, cùng là nghệ thuật nhưng vẽ thì chủ động hơn. Còn diễn viên thì phải lệ thuộc vào ê-kíp. Tôi lại trầm tính và hướng nội, không hợp với diễn viên nên quyết định tập trung học mỹ thuật”.

Trong hơn 30 năm sau, Sĩ Hoàng vẫn luôn dành tình yêu cho kịch nghệ. Nhưng anh chuyển tình yêu sân khấu từ diễn viên sang nhà thiết kế phục trang. Tính đến nay Sĩ Hoàng đã thiết kế phục trang cho hơn 100 vở diễn và phim truyền hình.

Đến năm 2015, nghệ sĩ Ái Như gọi điện mời Sĩ Hoàng tham gia vào một vở kịch. “Tôi thích lắm nên nhận vai liền. Đêm diễn phúc khảo, các anh chị phóng viên nói: Sĩ Hoàng diễn một lúc tôi mới nhận ra anh. Tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ mình được tổ đãi rồi!”, Sĩ Hoàng hồi tưởng. Sau này, anh chứng minh tài năng của mình trong làng kịch bằng hai giải huy chương Bạc ở hạng mục Diễn viên và một giải Huy chương Vàng cho vở Khóc giữa trời xanh do anh sản xuất.

“Một lý do khác đưa tôi đến với kịch là lúc đứng trên bục giảng, tôi thấy sự tương tác giữa tôi và sinh viên dường như chỉ từ một chiều. Chiều ngược lại từ sinh viên rất mỏng. Nhưng khi đi xem kịch, tôi nhận ra rằng, tại sao người diễn viên xuất hiện trên sân khấu có một chút nhưng lời thoại, khuôn mặt, hình thể của họ có thể làm cho hàng trăm khán giả khóc cười thổn thức? Vậy nên tôi quyết định học những kỹ năng này để áp dụng cho bài giảng của mình”, anh cho hay.

Và lý do cuối cùng khiến anh hao tâm tổn khí là bởi anh nhận ra bộ môn Văn, Sử đang dần không được chú trọng trong chương trình học của học sinh cấp II và III. Là một nhà giáo, anh muốn những vở kịch lịch sử của mình sẽ trở thành một bài học ngoại khóa ý nghĩa cho các em học sinh. Đó cũng là lý do để Sĩ Hoàng có động lực thành lập một công ty chuyên về kịch sử. Và vở Khóc giữa trời xanh chính là vở ra mắt đầu tiên.

Sẵn sàng trao lại thương hiệu Sĩ Hoàng cho thế hệ trẻ

Sĩ Hoàng cho biết: Trong vài năm tới anh sẽ trao lại thương hiệu Sĩ Hoàng cho người thừa kế. Người anh lựa chọn là học trò mà anh đào tạo suốt 12 năm qua. Một người có tài năng, có tâm, có đức, thức thời và có phong cách phù hợp với thương hiệu.

“Sau này, trong các show diễn bạn sẽ nghe, thương hiệu Sĩ Hoàng được thiết kế bởi NTK Mai Thanh Duy; rồi có thể là thương hiệu Sĩ Hoàng bởi NTK Vũ Huy… Giống như các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đều có lịch sử hàng trăm năm. Vẫn thương hiệu ấy, nhưng qua từng giai đoạn lại có một giám đốc sáng tạo mới. Thương hiệu vẫn được duy trì, miễn là giữ được phong cách của người sáng lập và cốt lõi của thương hiệu đó”, nhà thiết kế gạo cội chia sẻ.

Sĩ Hoàng đã chuẩn bị cho một tuổi già không cô đơn

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng và những tâm nguyện trong 10 năm cuối sự nghiệp

Sĩ Hoàng tự nhận mình là người hay lo. Vừa bước sang ngưỡng 60, nhưng anh tiết lộ đã chuẩn bị xong 50% cho tuổi già. Anh nói: “Tôi từng chứng kiến những người thầy, người nghệ sỹ trong showbiz, hay bố mẹ tôi tuổi xế chiều. Tuổi già của họ buồn quá. Nghèo, bệnh tật, cô đơn. Tôi không muốn như vậy. Sau khi hoàn tất những điều cần làm trong 10 năm cuối sự nghiệp, tôi sẽ lui về lối sống tối giản để thân tâm được khỏe, được sạch”.

Sĩ Hoàng vạch ra lộ trình rất rõ ràng trong mỗi năm. Riêng năm nay anh đặt ra ba mục tiêu rất thú vị. Thứ nhất là sức khỏe phải được sáu múi. Anh thực hiện bằng cách sáng nào cũng đạp xe 15km dọc kênh Nhiêu Lộc. Hít đất 100 cái. Ăn thực phẩm thô, rau củ quả; hạn chế thịt động vật, thịt đỏ. Thứ hai là phải đạt được ít nhất 70 suất diễn Khóc giữa trời xanh. Và thứ ba là chuẩn bị Gallery House.

Anh tiết lộ: “Gallery House sẽ là chỗ trưng bày những tác phẩm tiêu biểu của tôi về hội họa; điêu khắc; thời trang; gốm; tranh thảm… Để khi về già vẫn có người đến hỏi, có người giỏi đến thăm. Tôi vẫn sẽ sáng tác, rồi lâu lâu trên Facebook sẽ có những đăng tải như: “Ngày… tôi sẽ có một buổi trò chuyện về chủ đề áo dài mặc sao cho đẹp. Mời quý bạn đến chơi, uống trà, đàm đạo. Cứ như vậy thì tuổi già làm sao mà cô đơn, buồn, khắc khoải. Phải không!”

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm

Nhân vật

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẻ chia tâm nguyện cho 10 năm cuối sự nghiệp
Sĩ Hoàng

Quê quán: TP. HCM 

Lĩnh vực hoạt động: giáo dục, thời trang, hội hoạ, điêu khắc, diễn xuất…

Sáng lập thương hiệu Áo dài Sĩ Hoàng

Nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài

Chủ tịch Viện nghiên cứu Trang phục Việt