Áo dài Việt Nam có xuất xứ từ đâu?

Áo dài là một phần quốc hồn, quốc túy của dân tôc Việt. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn luôn tôn vẻ đẹp dịu dàng truyền thống của phụ nữ Việt Nam

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_ava

Chiếc áo dài Việt Nam có xuất xứ từ đâu?

Sẽ không ngoa khi nói rằng áo dài là trang phục trang trọng không thể thiếu của phụ nữ Việt. Khi chúng ta là nữ sinh cấp ba, áo dài trắng là đồng phục. Ngày lên xe hoa, tà áo dài là trang phục các nàng dâu diện trong lễ gia tiên. Không chỉ là trang phục, lịch sử áo dài còn hiện thân cho văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt. 

Nguồn gốc, xuất xứ của tà áo dài Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, chúng ta không nên quá bức xúc trước những ý kiến cho rằng trang phục cổ Việt Nam phát triển từ trang phục Trung Hoa. Không có gì đáng ngạc nhiên. Sau một nghìn năm phương Bắc đô hộ, giao thoa văn hóa là điều không thể tránh khỏi. 

Giáo sư Trần Quốc Vượng cho hay:

“Nền văn hóa Việt Nam không co lại để tự vệ một cách bảo thủ và cô lập. Nó không từ chối từ những đóng góp của những yếu tố bên ngoài, mà còn tỏ ra có khả năng thu nạp và dung hóa mạnh những cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa ngoại lai, kể cả các nước đang xâm lược và đô hộ mình”.

Giáo sư Đào Duy Anh cũng nói rõ

“Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu-chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách chép đó thì ta có thể đoán rằng trước hồi Bắc thuộc thì dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”. 

Riêng về áo dài của người Việt, đến nay chưa có ghi chép bằng văn bản nào có thể xác định chính xác lịch sử và thời điểm xuất hiện của nó. Chỉ thấy phần cổ áo dài có nét tương đồng với cổ áo thường phục của phụ nữ Mãn Thanh thế kỷ 17 – 18 ở Trung Quốc, tuy nhiên kiểu cách thân áo hoàn toàn khác. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì trang phục phải phù hợp với khí hậu. Phương Nam ấm nóng hơn, trang phục mỏng nhẹ và ít lớp hơn trang phục của người phương Bắc.

Những hình ảnh sơ khai của tà áo dài Việt

Hình ảnh sơ khai nhất về nguồn gốc áo dài được ghi nhận là áo Giao lĩnh vào khoảng năm 1744. Giai đoạn này chúa Nguyễn Phúc Khoát trị vì Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào Nam). Đàng Ngoài (từ Quảng Bình trở ra Bắc) là chúa Trịnh.

Thời đó, phụ nữ Việt mặc áo tứ thân với váy. Vạt trước xẻ rời thành hai. Người mặc có thể buộc hai vạt phía trước bụng. Áo tứ thân phổ biến ở tầng lớp nông dân quanh năm với ruộng đồng. 

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_7

Áo tứ thân của nông dân miền Bắc, do thực dân Pháp chụp

Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải tổ trang phục xứ Đàng Trong. Nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và ghi chép nước ngoài khẳng định, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã đặt ra quy định về việc “mặc áo ngũ thân, cài khuy bên phải và mặc quần”. Đó là tiền thân chính thức được ghi nhận cho đến nay của áo dài Việt Nam ngày nay.

Áo dài ngũ thân ra đời đã tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc và nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo. Đó chính là vạt áo thứ năm. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỷ 20.

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_6

Một phụ nữ quý tộc diện áo dài ngũ thân

VUI VUI VỀ ÁO DÀI NGŨ THÂN

Chiếc áo dài ngũ thân luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Áo ngũ thân vốn được tạo ra để cả nam và nữ cùng mặc. Tuy nhiên theo thời gian, chiếc áo dài nam dần biến mất. 

Áo dài Lemur và Lê Phổ: Xuất xứ của tà áo dài Việt hiện đại

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_4

Áo dài Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường sáng chế. Nguyễn Cát Tường là họa sĩ nam. Áo dài Lemur là tên đặt theo hiệu may Lemur của vợ chồng ông, đồng thời là nghệ danh của ông

Đầu thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Cát Tường cho ra đời một kiểu áo dài trên cơ sở tham khảo chiếc váy của người châu Âu. Ông đã biến chiếc áo tứ thân chỉ còn hai vạt trước và sau. Áo may nối vai, tay phồng. Áo được đặt tên là Lemur. Tuy vậy, áo dài Lemur bị cho là “lai căng”, nên lịch sử áo dài Lemur chỉ thịnh hành đến khoảng năm 1943. 

Từ năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã khắc phục những hạn chế của áo dài Lemur. Những điểm nhấn từ Lemur và áo tứ thân, ngũ thân được kết hợp. Lê Phổ thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam. Cầu vai áo được đẩy lên cao hơn, tà áo dài chạm đất. Nhiều người cho rằng, áo dài Lê Phổ là nguyên bản của áo dài Việt Nam hiện đại. 

Áo dài Trần Lệ Xuân: Áo dài Raglan

Đến năm 1958, tà áo dài chứng kiến một cuộc đột phá khác, với sự ra đời của áo dài Trần Lệ Xuân. Áo có phần cổ thuyền, thường được tạo điểm nhấn với các loại cài áo sang trọng.

Sang thập niên 1960, áo dài tay raglan ra đời gắn liền với tên tuổi của hiệu may Dung ở Dakao, Sài Gòn. Áo raglan nổi bật với phần eo xiết chặt, nhờ một sợi dây bí mật luồn vào vị trí này.

Kiểu tay raglan nối từ cổ chéo xuống một góc 45 độ và hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này. Trước năm 1975, áo dài xuất hiện ở khắp mọi nơi: trong công sở, ở sân trường, ngoài phố chợ, ở đền miếu, chùa chiền. Phụ nữ hầu như mặc áo dài mỗi khi ra khỏi nhà, kể cả lúc đi chợ búa. 

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_10

Bà Trần Lệ Xuân và tà áo dài mang tên mình. Áo dài Trần Lệ Xuân có đặc trưng cổ thuyền. Ảnh: LIFE

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_3

Thập niên 1960–1970, áo dài có mặt trong mọi hoạt động của người phụ nữ miền Nam. ảnh: LIFE

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_2

Áo dài Raglan với phần eo thít chặt. Ảnh: LIFE

Một thời gian hậu chiến, do đời sống khó khăn, chiếc áo dài vắng bóng trong đời sống hằng ngày. Đến thập niên 1990 của thế kỷ trước, chiếc áo dài lại quay trở lại. Để rồi trở thành đồng phục của nữ sinh, nhân viên nữ trong nhiều ngành nghề…

Áo dài Việt Nam trong thời trang quốc tế 

Với bạn bè quốc tế, trang phục mang quốc hồn quốc túy của Việt Nam là áo dài. Chúng tựa như bánh mì và phở trong ẩm thực, hay sen khi nhắc về quốc hoa. Mùa Xuân Hè 2022, Peter Do (nhà thiết kế gốc Việt) giới thiệu thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài tại Tuần lễ thời trang New York. Anh lấy những ký ức từ tà áo dài của mẹ, biến tấu chúng thành hiện đại hơn. 

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_1

Thiết kế biến tấu từ tà áo dài trong ký ức tuổi thơ của Peter Do. Ảnh: Imaxtree

Năm 2019, Jil Sander giới thiệu trang phục lấy cảm hứng từ áo dài trong Tuần lễ thời trang Milan. BNB 12 cũng giới thiệu các thiết kế lấy cảm hứng từ áo dài tại Tuần lễ thời trang Seoul Xuân – Hè 2019. Polly Ho, Grace Choi và Janko Lam, ba nhà thiết kế Hồng Kông từng trình làng bộ sưu tập lấy cảm hứng từ áo dài. 

Trước khi trở thành đặc trưng văn hóa Việt Nam, chiếc áo dài trải qua nhiều biến động thời cuộc. Như một sự chọn lọc tự nhiên, các yếu tố phù hợp được giữ lại và kết tinh. Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn ở chỗ nó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt. 

Tết Nhâm Dần này, bạn đã có cho mình chiếc áo dài yêu thích chưa?  

Harpers_Bazaar_lịch_sử_áo_dài_8

Anh Thư diện trang phục áo dài của nhà thiết kế Minh Châu tại Vietnam International Fashion Week Thu Đông 2021. Ảnh: Kiếng Cận team

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm