Trước xu hướng mua sắm của người trẻ có ý thức về môi trường và tìm kiếm các mặt hàng xa xỉ phẩm second hand với giá cả phải chăng, nhiều nhãn hàng cao cấp đã và đang bước chân vào thị trường kinh doanh đồ cũ (resale). Vào cuối tháng 10/2021, nhà mốt nước Ý Valentino cũng gia nhập thị trường resale cao cấp bằng sáng kiến Valentino Vintage.
Dự án Valentino Vintage được đưa ra toàn cầu một cách bài bản
Ở giai đoạn một của dự án, Valentino khuyến khích chủ sở hữu những món đồ cũ của thương hiệu, nếu không còn yêu thích hay thường xuyên sử dụng nó, gửi sản phẩm về cho chính hãng. Ngược lại, họ sẽ được tặng voucher mua sắm những sản phẩm mới của hãng.
Ở giai đoạn hai, nhà mốt Ý làm sạch và làm mới các món đồ cũ này rồi bày bán chúng ở không gian Valentino Vintage. Ngoài các sản phẩm second hand còn có những sản phẩm từ kho lưu trữ của thương hiệu. Dự án này không được bày bán trong chính cửa hàng Valentino, mà ngược lại “pop up” trong các cửa hàng chuyên bán thời trang second hand như Madame Pauline Vintage ở Milan, Vintage Dress ở Tokyo, và New York Vintage.
Năm 2023, khởi động giai đoạn 3 của chương trình, Valentino tiếp tục mở rộng số lượng các địa điểm bày bán trên toàn cầu. Ngoài ba của hàng vintage trước đó, Valentino Vintage được mở rộng ở bốn điểm liên kết mới là The Plaisir Palace ở Paris, Rellik ở London, Recess ở Los Angeles và Janemarch Maison ở Seoul.
Đây cũng là cơ hội để thương hiệu Ý tiếp cận giới sinh viên, khách hàng trẻ
Bên cạnh đó, Valentino cũng hợp tác với các trường thời trang nổi tiếng ở các thành phố trên, bao gồm IED ở Milan, Coconogacco ở Tokyo, Parsons School of Design ở New York, Institut Français de la Mode ở Paris, Central Saint Martins ở London, Otis College of Art and Design ở Los Angeles và ESMOD ở Seoul.
Theo thương hiệu, việc đưa Valentino Vintage đến các trường thời trang nhằm nghiên cứu các giải pháp tái thiết kế hoặc tái chế, “nơi những câu chuyện mới nhất và nguyên bản nhất sẽ được sinh ra”. Nỗ lực này nhằm thể hiện sự tập trung của Valentino vào các vấn đề bền vững và môi trường, qua đó duy trì mối quan hệ trung thành giữa khách hàng và nhà mốt nước Ý.
>>> XEM THÊM: VALENTINO BIẾN Ô CỬA SỔ TRƯNG BÀY THÀNH TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
Hướng phát triển bền vững của Valentino
Trong vài năm qua, Valentino đã cam kết sẽ thay đổi để thân thiện hơn với môi trường. Từ năm 2022, hãng không sử dụng lông thú và len lạc đà alpaca. Bên cạnh đó, thương hiệu cho ra mắt giày thể thao Open for a Change dành cho nam và nữ được làm từ các nguyên liệu tái chế, đồng thời tham gia chương trình hợp tác Nhiên liệu Hàng không bền vững do Air France và KLM quảng bá nhằm hạn chế lượng khí thải carbon.
Năm ngoái, thương hiệu xa xỉ Ý cũng đã ra mắt Creating Shared Value (Tạo giá trị chung), đăng tải trên trang web chính thức với phần miêu tả chi tiết mô hình kinh doanh định hướng có ý thức và cam kết tắt đèn tại các cửa hàng của mình trên toàn thế giới sau 10 giờ tối.
THỜI TRANG XA XỈ BỀN VỮNG:
LOUIS VUITTON, PRADA VÀ VALENTINO THAY ĐỔI LOGO CHO DÒNG SẢN PHẨM TÁI CHẾ
DIOR DÙNG RÁC THẢI NHỰA CHẾ TÁC THỜI TRANG ĐI BIỂN
GUCCI DÙNG NHỰA SINH HỌC CHO DÒNG ĐỒNG HỒ LẶN THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
DA THUỘC TÁI CHẾ, TƯƠNG LAI CỦA SỰ XA XỈ
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam