U ống tuyến mồ hôi: Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp trị liệu

Vấn đề ở da này đa phần vô hại. Tuy nhiên, nó có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý nguy hiểm. Ngoài ra, u ống tuyến mồ hôi còn làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài, nhất là đối với nữ giới

BZ-u-ong-tuyen-mo-hoi-feature

Bỗng một ngày bạn thấy trên vùng da quanh mắt xuất hiện các nốt sần nhỏ. Chúng thoạt nhìn rất giống mụn hạt kê. Một thời gian sau, chúng vẫn ở đó. Đôi khi chúng khiến vùng da xung quanh trở nên ngứa, đỏ và đau. Có thể bạn đang mắc phải tình trạng da u ống tuyến mồ hôi. Vậy, u ống tuyến mồ hôi là gì?

U ống tuyến mồ hôi là gì?

U ống tuyến mồ hôi hay còn gọi là mụn thịt (syringomas), là một dạng u da lành tính, hình thành do các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức. U ống tuyến mồ hôi thường phát triển ở cổ, má trên và vùng da dưới mắt. Đôi khi, chúng cũng phát triển trên bụng, nách, da đầu, rốn và ở bộ phận sinh dục.

Trong hầu hết các trường hợp, u ống tuyến mồ hôi đều vô hại và không gây nên các triệu chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở một số trường hợp hiếm, nó gây nên cảm giác đau và ngứa, đặc biệt khi cơ thể đổ mồ hôi.

Vì đâu gây nên bệnh lý này?

U ống tuyến mồ hôi phát triển khi các tế bào ống dẫn mồ hôi ở lớp ngoài cùng của da phát triển quá mức hay các tuyến mồ hôi phản ứng quá mức. Hoạt động này tạo thành các khối u hoặc các mô phát triển bất thường. Bệnh lý này chủ yếu phát triển ở tuổi trưởng thành, trong độ tuổi từ 25 đến 30. Bệnh lý có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe khác nhau, trong đó có bệnh tiểu đường.

U ống tuyến mồ hôi trông như thế nào?

BZ-03-22_BEAUTY_syringomas-1

Chúng là những nốt sần nhỏ, có đường kính từ 1mm đến 3mm. Các nốt sần thường mọc thành từng nhóm nhỏ, có màu vàng, nâu, hồng nhạt hoặc màu da. Các cụm u ống tuyến mồ hôi có xu hướng xuất hiện đối xứng. U ống tuyến mồ hôi thường bị nhầm lẫn với các tình trạng da khác như:

  • Mụn hạt kê
  • Tăng sản bã nhờn
  • Mụn trứng cá
  • Mụn cóc dẹt

Thông thường, các khối u ống sẽ phát triển theo thời gian. Nhưng ở một số người, đặc biệt ở những người trẻ, các khối u có thể tự dưng mọc lên đột ngột. Nếu các khối u da phát ban sẽ gây ngứa dữ dội, đỏ và đau.

Đối tượng có thể gặp tình trạng bệnh lý u ống tuyến mồ hôi?

Những người trong độ tuổi 25 đến 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ da trắng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe liên quan đến việc phát triển các khối u da, bao gồm:

  • Tiểu đường
  • Hội chứng Down
  • Hội chứng Ehlers Danlos
  • Hội chứng Marfan

Các phương pháp y khoa

Cách duy nhất để điều trị các khối u da là phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn nên tìm đến các phương pháp điều trị y khoa khi chúng gây nên những triệu chứng khó chịu. Một số khối u da phát triển gần với các mô mỏng, chẳng hạn như ở vùng da mắt hoặc bộ phận sinh dục. U ống tuyến mồ hôi xuất hiện ở những khu vực nhạy cảm này làm tăng nguy cơ kích ứng và tổn thương da nên cần phải loại bỏ.

Các loại phẫu thuật u ống bao gồm

Tia laser

Các sóng ánh sáng đỏ có trong tia laser giúp phá hủy các mô của khối u ống. Liệu pháp laser thường là lựa chọn đầu tiên khi muốn điều trị vì tia laser sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ để lại sẹo và nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, sử dụng tia laser sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn sự phát triển của u ống tuyến mồ hôi.

BZ-u-ong-tuyen-mo-hoi-laser

Phẫu thuật điện

Trong quá trình điều trị này, các dòng điện được tập trung vào các khối u. Chúng sẽ phá hủy các mô bất thường. Nhìn chung, các bác sĩ thích lựa chọn phẫu thuật điện và sử dụng tia laser hơn các thủ thuật khác vì chúng không để lại sẹo và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phương pháp áp lạnh

Phương pháp áp lạnh là sử dụng nhiệt độ cực lạnh để làm đông và loại bỏ các mô bất thường. Trong quá trình áp lạnh bác sĩ sẽ sử dụng các hóa chất, điển hình là nito lỏng để làm đông cứng các khối u.

Kỹ thuật mài da

Đối với phương pháp mài da, bác sĩ sẽ sử dụng một bánh xe nạm kim cương hoặc dây kim loại mảnh để tác động vật lý và làm đều các lớp trên cùng của da. Tuy vậy, phương pháp này thường không phù hợp với các khối u mọc sâu trong da. Theo Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ, việc cải thiện 50% tình trạng da bị u ống tuyến mồ hôi được coi là một ca phẫu thuật thành công.

Lột da sinh học

Phương pháp lột da sinh học sử dụng các loại axit có thể bôi trực tiếp lên các khối u, khiến cho chúng khô lại và rụng đi. Phương pháp này thường không để lại sẹo.

Phẫu thuật cắt bỏ

Ở một số trường hợp, u ống cần được phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật thường là lựa chọn cuối cùng vì việc cắt bỏ có khả năng lớn sẽ để lại sẹo và tổn thương mô. Tuy nhiên, chỉ có thể lựa chọn phương pháp này khi các nốt sần nằm sâu trong da.

Cách ngăn ngừa u ống tuyến mồ hôi

BZ-u-ong-tuyen-mo-hoi-2

Ảnh: Pexels.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải u ống tuyến mồ hôi, bạn nên tẩy da chết thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung Astringent vào chu trình dưỡng da của mình. Astringent là dung dịch chăm sóc da được sử dụng sau bước rửa mặt để loại bỏ triệt để cặn bẩn còn sót lại trên da. Khác với toner, astringent có nồng độ cồn cao hơn và thường được bổ sung thêm các hoạt chất axit chống mụn. Astringent thích hợp được sử dụng trên làn da dầu hoặc hỗn hợp, giúp se khít lỗ chân lông và hạn chế hoạt động của tuyến mồ hôi.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm