Quanh mắt nổi đốm cứng và sần? Có thể bạn bị mụn thịt milia

Bác sỹ da liễu tư vấn những điều bạn cần biết về milia, còn gọi là mụn thịt hay mụn hạt kê

Quanh mắt nổi đốm cứng và sần? Có thể bạn đang bị mụn thịt milia

Mụn hạt kê / mụn thịt milia là gì? Chúng là những đốm sần cứng thường xuất hiện quanh vùng mắt. Ảnh minh họa: Harper’s Bazaar Hàn Quốc

Cách đây khoảng một năm, trên bọng mắt của tôi nổi những đốm nhỏ màu trắng. Sờ vào thấy cứng, không đau, không có mủ. Thoạt nhiên, tôi nghĩ đây là mụn cám bình thường, vài hôm sẽ hết. Nhưng cả nửa năm sau đó, cái đốm cứng ấy vẫn không biến mất. Lo lắng, tôi tìm đến bác sỹ để hiểu thêm về tình trạng này. Sau khi nhìn tình trạng gương mặt tôi, bác sỹ cười, bảo, “chỉ là milia (mụn thịt) thôi, em đừng lo”.

Trước khi đến gặp bác sỹ da liễu, tôi chưa từng nghe tới milia. Vậy, milia là gì và nó có nguy hiểm?

Mụn thịt milia là gì?

Milia là những nang nhỏ chứa keratin. Lớp keratin lấp đầy nang lông và tuyến bã, tạo một khối u thoạt nhìn giống mụn cám. Mụn thịt milia còn gọi là mụn hạt kê ở trẻ sơ sinh, nhưng cũng xuất hiện ở tuổi teen và người lớn. Thông thường, loại mụn này không hại sức khỏe, chỉ gây mất thẩm mỹ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn thịt milia ở người lớn.

Dạng thứ nhất là milia hình thành từ da chết. Lớp da chết không được tẩy đi, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, và biến thành một cục keratin cứng. Đặc biệt, ở vùng mắt, mụn thịt milia có thể hình thành do kem dưỡng da mắt không phù hợp. Kem dưỡng da mắt thường chứa nhiều hoạt chất quá mạnh – như silicones, petrolatum hay dimethicone – nên khó được hấp thụ nhanh vào da nếu sử dụng quá nhiều hoặc ở khối lượng lớn. Kết quả là chúng gây tắc nghẽn lỗ chân lông quanh vùng da mắt, gây nên milia.

Dạng mụn thịt milia thứ hai hình thành do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Lý do chính là vì da bị tổn thương hay nhiễm trùng. Ví dụ như sau khi sử dụng các dịch vụ laser, hoặc vì những thói quen sống không lành mạnh như hay hút thuốc, dùng nhiều chất steroid, hay không chà rửa sạch sẽ cho vùng da này.

Mụn thịt milia là gì?

Ảnh: Getty

Cách chữa mụn thịt milia

Đầu tiên, đừng nặn mụn hạt kê như nặn mụn thông thường

Nhân keratin của mụn thịt milia có thể khá sâu, chứ không nông như bạn tưởng. Việc nặn, bóp chỉ gây viêm da và có thể kích thích khiến cho nó tăng trưởng. Đồng thời làm hư hại lớp da mỏng manh trên mặt bạn.

Dùng chất tẩy tế bào chết hóa học để xử lý tại nhà

Trước khi tìm đến các dịch vụ thẩm mỹ để loại bỏ mụn thịt milia, bạn nên lưu ý rằng chúng có thể tự biến mất tự nhiên. Làn da chúng ta luôn điều độ loại bỏ tầng da chết, nên qua một thời gian, nhân keratin sẽ được da đẩy lên bề mặt và tự loại bỏ.

Để đẩy nhanh tiến độ này, hãy tẩy tế bào chết cho da thường xuyên. Bạn có thể chọn chất tẩy tế bào chết hóa học hoặc peeling gel, có tác động sâu vào lớp biểu bì hơn là sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý.

Tìm đến công nghệ thẩm mỹ

Tại các viện điều trị da chuyên nghiệp, bác sỹ có loại dụng cụ như kim dài, dùng để kéo nhân mụn keratin ra. Đây là biện pháp xử lý nhanh nhất cho những người có nhiều mụn thịt milia, hoặc đã chờ lâu nhưng không thấy milia tự loại bỏ.

Công cụ giúp loại bỏ mụn thịt milia

Để loại bỏ mụn hạt kê, bác sỹ sẽ dùng đầu kim châm một lỗ vào da và nạo nhân keratin lên. Ảnh: Beautlex

Cách ngăn chặn sự hình thành của mụn hạt kê

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Để tránh mụn hạt kê hình thành trên da (hoặc tái hình thành), bạn nên thực hiện 5 bước sau.

1. Rửa mặt thật sạch

Khâu rửa mặt bắt buộc không được qua loa. Bạn nên áp dụng phương thức rửa mặt hai bước nếu như đã makeup nặng tay trong ngày.

Bước tẩy trang kỹ đầu tiên sẽ loại bỏ lớp trang điểm, lớp chống nắng và các bã dầu nhờn trên da. Ở bước rửa mặt thứ hai, hãy mát-xa da mặt nhẹ nhàng để giúp rửa sạch sâu vào lỗ chân lông. Khâu rửa mặt là khâu quan trọng để loại bỏ việc tế bào da chết bị đọng lại trong các nang lông và lỗ chân lông, gây nên mụn hạt kê.

>>> Xem thêm: XU HƯỚNG DOUBLE CLEANSING: LỢI ÍCH CỦA VIỆC RỬA MẶT 2 BƯỚC

2. Tránh các loại tẩy trang mỹ phẩm mắt gốc dầu

Bạn có thể hoàn toàn dùng các loại sản phẩm tẩy trang khác nhau cho từng khu vực trên mặt. Ở vùng da quanh mắt, hạn chế sản phẩm tẩy trang gốc dầu đặc biệt nếu bạn có da nhờn hoặc vùng chữ T nhiều dầu. Thay thế bằng loại nước micellar tẩy trang dịu nhẹ.

Sản phẩm rửa mặt Refreshing Cleansing Water, SHISEIDO. Công thức cân bằng độ pH trên da mặt. Sản phẩm gốc nước, không cồn, không dầu.

3. Tập thói quen tẩy tế bào chết đều đặn

Các hóa chất tẩy tế bào chết như AHA và BHA đều có hiệu quả tốt trong công cuộc phòng ngừa mụn thịt milia hình thành. Nếu chưa từng sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học, bạn có thể bắt đầu thử nghiệm với axít glycolic 5% hoặc axít salicylic 10%.

>>> Đọc thêm về CÁCH SỬ DỤNG SẢN PHẨM TẨY TẾ BÀO CHẾT HÓA HỌC SAO CHO AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

4. Đã qua tuổi 25? Hãy thử Retinol

Retinol, một loại vitamin A, có tác dụng mạnh trong việc thúc đẩy sự tái sinh của da, sản sinh tế bào mới và loại bỏ tế bào da chết cũ. Hoạt chất dưỡng da này được xem là công cụ giúp chống lão hóa hiệu quả. Tuy nhiên, tránh bôi retinol lên mí mắt mỏng manh.

Serum Retinol pha với dầu Squalane, THE ORDINARY. Có hai nồng độ Retinol cho bạn chọn, 0.2% hoặc 0.5%. Sản phẩm tốt cho da khô, không khuyên dùng cho da dầu.

>>> Đọc thêm: BÁC SỸ DA LIỄU TƯ VẤN: AI NÊN – VÀ KHÔNG NÊN – DÙNG RETINOL?

5. Chọn kem dưỡng mắt phù hợp để ngăn ngừa mụn hạt kê hình thành

Làn da dưới mắt dễ bị thâm quầng, sưng phù nếu bị trữ nước. Đặc biệt nếu bạn từng sử dụng biện pháp tiêm Botox, khiến việc tuần hoàn máu càng thêm trì trệ. Sau đó, kết hợp với tầng kem dưỡng da mắt quá dày cộm và nặng sẽ khiến cho làn da ở đây không được thông thoáng, dẫn đến môi trường thích hợp cho mụn hạt kê hình thành.

Kem dưỡng da mắt Hydra Sparkling dạng gel của GIVENCHY BEAUTY. Cấp ẩm, làm dịu mát mắt ngay tức khắc. Kết cấu gel thẩm thấu nhanh vào da.

Hãy chọn các loại kem dưỡng da mắt mỏng nhẹ, ví dụ dạng ampoule hay gel để thẩm thấu nhanh. Kết hợp với một loại thiết bị chăm sóc cá nhân có xung động nhẹ, giúp cho dưỡng chất mau thấm vào da hơn.

Máy chăm sóc da Lifetrons sử dụng xung điện (microcurrents) để nâng da mặt, giảm sưng quầng mắt và chống nhăn.

>>> Xem thêm: KEM DƯỠNG DA VÙNG MẮT LIỆU CÓ THẬT SỰ CẦN THIẾT?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm