Triển lãm Dệt may Italy FABRICA giới thiệu thế nào là vải vóc mang đẳng cấp Made in Italy

“FABRICA” là một hành trình nghệ thuật bằng hình ảnh và xúc giác, mô tả lịch sử và sự phát triển của ngành sản xuất dệt may Italy thông qua một loạt các tấm vải và sáu mô đun được xếp đặt tương tác khác nhau, được thực hiện bởi mạng lưới gồm hơn 20 công ty trong lĩnh vực này.

Triển lãm Dệt may Italy – Phong cách và đột phá (FABRICA) đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Triển lãm do Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy, Liên đoàn Công nghiệp Thời trang Italy (Sistema Moda Italia), Hiệp hội các nhà sản xuất máy dệt Italia (ACIMIT) và Hiệp hội Thủ công nghiệp vừa và nhỏ Italy (Confartigianato Imprese) phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Triển lãm lần này nhằm mục tiêu nâng cao các tiến bộ công nghệ và chuyển giao kiến thức trong sản xuất dệt may giữa Việt Nam và Ý, không chỉ tôn vinh những thành tựu trong quá khứ, mà còn hướng tới những tiến bộ trong tương lai, nhấn mạnh vào sức mạnh sáng tạo của ngành sản xuất dệt may Italia và cam kết với sự đổi mới và bền vững.

Triển lãm FABRICA kể lại hành trình trở thành một cường quốc trong ngành sản xuất vải vóc của nước Ý

Triển lãm FABRICA là một hành trình nghệ thuật bằng hình ảnh và xúc giác, mô tả lịch sử và sự phát triển của ngành sản xuất dệt may nước Ý thông qua một loạt các tấm vải và 6 mô đun được xếp đặt tương tác khác nhau, được thực hiện bởi mạng lưới gồm hơn 20 công ty trong lĩnh vực này.

Các mô đun ghi lại sự phong phú và đa dạng của ngành sản xuất vải vóc nước Ý, từ vải dành cho thời trang cao cấp và đồ nội thất cho đến các ứng dụng hiện đại nhất như vải làm từ sợi tự nhiên và vật liệu phế thải.

1. Từ thời Trung Cổ đến thế kỷ 18

Vị trí đắc địa ở biển Địa Trung Hải giúp nước Ý trở thành một trong những nơi trung chuyển thương mại và lai tạp văn hóa lâu đời nhất giữa các khu vực trong vùng. Sự thuận lợi địa lý giúp truyền thống dệt may phát triển sớm ở Ý.

Bắt đầu từ len. Việc chế biến len được phát triển trước năm 1000 tại quốc gia này. Ban đầu là dùng nguồn len địa phương. Sau đó là tiến đến sản xuất vải chất lượng cao khi lái thương Ý nhập khẩu len tốt nhất châu Âu từ Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.

Nối tiếp len là lụa tơ tằm. Con đường tơ lụa bắt kết nối Trung Quốc và Ý đã đưa lụa tơ tằm đến xứ sở hình chiếc ủng, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành tơ lụa tại Ý. Các xưởng sản xuất địa phương mọc lên, biến Ý thành một quốc gia dệt và xuất khẩu vải lụa, chứ không chỉ nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc.

Uy tín của ngành dệt may Ý đã được củng cố trong thời Phục hưng, với các thành phố như Genova, Venice và Florence trở thành những trung tâm chính sản xuất các loại vải xa xỉ.

Giai đoạn cuộc Cách mạng Công nghiệp thế kỷ 18, nhờ sự ra đời của máy móc tiên tiến, nước Ý bắt đầu xuất hiện các khu dệt may công nghiệp hiện đại. Công nghệ chính là cầu nối giữa kỹ thuật cổ truyền, lâu đời, tinh thần sáng tạo, cùng chất lượng cao cấp vẫn được thấy trong vải vóc Ý ngày nay. Công nghệ mới cũng cho phép Ý mở rộng các loại vải sản xuất, ngày nay chuyên về: lụa tơ tằm, len, cotton, lanh (linen), vải tổng hợp, cùng ngành công nghiệp sợi.

2. Những nghiên cứu và công nghệ vượt trội trong ngành dệt may của nước Ý

Ngành dệt may của Ý tạo nên sự khác biệt nhờ các vật liệu chất lượng cao, sự nghiên cứu thẩm mỹ không ngừng trong thiết kế cùng với sự đổi mới công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các loại vải có đặc tính chức năng đáng kinh ngạc. Đặc trưng của các loại vải “kỹ thuật” là có hiệu suất cao và đáp ứng các nhu cầu cụ thể. Ví dụ như đồ thể thao và quần áo ngoài trời cần vải có độ co giãn đặc biệt, thoáng khí và nhẹ,…

Vải kỹ thuật được chế tác ra để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ vải không thấm nước, vải phản quang, vải y tế… bên cạnh đó là loại vải thông minh có thể kết nối với các thiết bị kỹ thuật số để điều chỉnh nhiệt hay bộ nhớ hình dạng.

Sợi tổng hợp bao gồm sợi nylon, polyester, elastam, acrylic và cao su tổng hợp chủ yếu được sử dụng để sản xuất các loại vải kỹ thuật, vì đặc tính của chúng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ý thức bảo vệ môi trường tăng cao, ngành dệt may Ý đang đi tìm những loại sợi tự nhiên có thể thay thế sợi tổng hợp trong việc dệt vải kỹ thuật. Những sáng chế đầu tiên đã bắt đầu được các ngành dệt may đón nhận.

3. Vải cho nội thất quan trọng không kém vải thời trang

Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, sự phát triển của thiết kế hiện đại đã tái định nghĩa lại tầm quan trọng của các loại vải vóc, sự đa dạng của sợi và vật liệu, trong thiết kế, màu sắc và kỹ thuật dệt may, tăng cường nghiên cứu và phát triển chúng. Bên cạnh ngành công nghiệp may mặc, ngành nội thất cũng là một đầu ra quan trọng đối với dệt may.

Triển lãm FABRICA ghi nhận rằng chất liệu sản xuất cho nội thất có sự khác biệt so với chất liệu sản xuất cho thời trang.  Vải nội thất không thể được coi là vật trang trí đơn thuần, mà nó còn phải đáp ứng những thông số kỹ thuật khắt khe giúp định hình cấu trúc của sản phẩm.

Kể từ đó, sự thành công của hàng dệt may nội thất Ý đã phát triển không có điểm dừng, và nó tiếp tục năm này qua năm khác để tạo ra sự đổi mới và chất lượng. Ngày nay, hàng ngàn loại vải, thiết kế và công nghệ Made in Italy xác đinh ra tính thẩm mỹ của không gian sống đương đại trên toàn thế giới.

4. Hiệu suất cao trong máy móc dệt may của Ý, từ thời Leonardo Da Vinci đến tương lai

Triển lãm FABRICA ghi nhận, Ý là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu máy móc dệt may hàng đầu thế giới. Với 300 công ty, hơn 12.000 nhân viên và sản xuất 2,7 tỷ euro và xuất khẩu 2,3 tỷ euro. Máy móc dệt may đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất vải, góp phần vào hiệu quả và đổi mới trong ngành dệt may.

Tầm quan trọng của cơ khí dệt may ở Italia đã được công nhận từ thế kỷ 15, khi Leonardo da Vinci được giao nhiệm vụ nghiên cứu máy móc mới cho ngành công nghiệp tơ lụa, theo đơn đặt hàng của công tước Ludovico il Moro ở Milan. Đại danh họa nhận ra rằng dệt may là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng nhất trong thời đại của ông.

Sau khi quan sát cẩn thận tất cả các giai đoạn của quy trình, ông đã xác định được các nút thắt làm chậm quá trình sản xuất. Vì vậy ông đã cố gắng giải quyết chúng bằng cách thiết kế rất nhiều các máy móc để kéo sợi và để hoàn thiện, cũng như một khung dệt cơ khí mang tính cách mạng được trang bị tàu con thoi phóng tự động.

Tuy nhiên phải đến tận 300 năm sau, đến thời đại của Cuộc Cách mạng Công nghiệp, loại máy móc đặc biệt theo tưởng tượng của Leonardo da Vinci mới được tạo ra.

Đến tận ngày nay, truyền thống là một trong những chìa khóa thành công của máy móc dệt may Ý. Các đơn vị sản xuất này được đặt tại các khu vực có nghề dệt cổ xưa, nơi mà sự trao đổi kinh nghiệm với các công ty trong chuỗi cung ứng (kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn thiện) đã mang đến một động lực mạnh mẽ để cập nhật công nghệ máy móc liên tục. Các cụm dệt may được đặt tại miền Bắc và miền Trung nước Ý như: Bergamo, Biella, Brescia, Como, Milan, Prato, Vicenza.

Các nhà sản xuất máy móc dệt may của Ý là những công ty nhỏ, có sự cam kết sâu vào nghiên cứu và phát triển và tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ với người dùng cuối để tạo ra những cơ hội mới, máy móc và công nghệ mới. Ngày nay, thách thức mới là tính bền vững: thiết kế các giải pháp có thể giảm tiêu thụ nước, năng lượng và nguyên liệu thô, đồng thời tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

5. Sợi tự nhiên trong thời trang và nội thất

Nhận thức về môi trường và quan tâm đến các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng đã góp phần vào xu hướng quay lại sử dụng sợi tự nhiên trong sản xuất quần áo và hàng dệt gia dụng. Bông, vải lanh và len là những nguyên liệu tự nhiên được biết đến nhiều nhất và quan trọng nhất trong lịch sử. Ngoài ra còn có các loại sợi ít phổ biến hơn như sợi gai dầu (hemp), tre (bamboo) và sợi gai xanh (ramie).

  • Bông (Cotton) hiện là sợi tự nhiên phổ biến nhất, rất phù hợp để sản xuất những loại vải tiếp xúc trực tiếp với da, như đồ dùng cho giường ngủ. Nó mềm mại, thoáng khí và bền. Nhờ đặc tính thấm hút tốt, các sản phẩm làm từ bông tự nhiên rất thích hợp sử dụng trong mùa hè và trong các hoạt động thể thao.
  • Vải lanh (Linen) cũng có đặc tính thấm hút cao, trước đây nó đã được sử dụng rộng rãi để sản xuất khăn gia dụng, hơn nữa, nó là một loại sợi không gây dị ứng và so với bông, nó thậm chí còn thoáng khí hơn.
  • Len (Wool) là một loại sợi quý, và nó có thể sử dụng trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Ngoài khả năng thấm hút cao, len còn có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tối ưu.

Ngoài ra, các sản phẩm thời trang cao cấp gắn mác Made in Italy còn ưu tiên sử dụng các loại sợi “quý” như len cashmere từ dê núi, len alpaca và lông lạc đà. Việc xử lý các vật liệu này cần công nghệ và bí quyết riêng cũng như mức độ chuyên môn hóa cao.

6. Green Journey: Hành trình phát triển bền vững và trách nhiệm với môi trường

Thời trang Made in Italy có tiêu chuẩn cao về tính bền vững về môi trường, đạo đức và xã hội trong chuỗi cung ứng của mình, từ nguyên liệu thô đến thành phẩm. Đây là một đặc điểm thực hành tốt nhất của Made in Italy, cũng quan trọng như chất lượng cao của các vật liệu được sử dụng.

Triển lãm FABRICA cho thấy các công ty thúc đẩy nghiên cứu các sản phẩm mới, quy trình mới, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Để đạt được mục tiêu này, cần thiết kế và lựa chọn các vật liệu ít gây ô nhiễm hơn, nhưng cũng phải đảm bảo tính bền vững của quy trình sản xuất và tôn trọng quyền của người lao động.

Nhờ sự phát triển của các vật liệu mới như sợi sinh học, tái chế, sinh học hoặc phân hủy sinh học và các quy trình công nghệ tiên tiến (như máy móc tiết kiệm nước và năng lượng), ngày nay ngành dệt may Italia đang tiến lên phía trước với việc chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh thực sự bền vững.

THAM QUAN TRIỂN LÃM FABRICA

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 2/6/2024
Từ 9h00 đến 18h30 hàng ngày

Địa chỉ: Đại học Bách khoa Hà Nội – HUST
số 1 phố Đại Cồ Việt, Bách Khoa, Hai Bà Trưng

MỘT SỐ TRIỂN LÃM GẦN ĐÂY:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm