Công ty The RealReal, chuyên thẩm định và bán lại các mặt hàng xa xỉ phẩm second hand, vừa lên sàn chứng khoán Mỹ. Từ lúc lên sàn, chỉ trong một hôm, giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 50%. Sự thành công của The RealReal đã chứng tỏ rằng: chúng ta mê đồ hiệu và chúng ta luôn muốn sở hữu món đồ mới; cho dù nó có là…đồ cũ từ tủ quần áo của ai khác. Chính vì vậy, thị trường thời trang cũ, thời trang second hand đang có rất nhiều tiềm năng.
Thời trang cũ, second hand không còn là “hàng sida”
Khi nghĩ về thời trang cũ, chúng ta hay nghĩ đến những sạp quần áo ven lề đường, nhỏ và khá bẩn. Tuy nhiên, nếu dạo một vòng những website bán hàng thời trang second hand và bạn sẽ tìm thấy rất nhiều các sản phẩm thời trang xa xỉ. Từ túi xách Balenciaga, giày Yves Saint Laurent đến đồng hồ Cartier. Giá bán dao động tuỳ theo chất lượng của món đồ.
Thời trang cũ hoàn toàn có thể xa xỉ và tạo ra một làn sóng cuồng nhiệt không kém gì thời trang mới. Làn sóng này được gọi là re-commerce (chơi chữ của e-commerce và từ “re” trong bán lại).
Khi khủng hoảng tài chính diễn ra liên tiếp toàn cầu từ 2007, người dân khắp nơi phải thắt áo buộc bụng. Một số người tìm cách tăng nguồn thu bằng việc bán đi những sản phẩm còn tốt trong tủ quần áo mình. Những người khác thì hạn chế mua sản phẩm mới; ngược tìm mua hàng thời trang cũ tại các tiệm bán đồ vintage và website.
Từ đấy nảy sinh một loạt cộng đồng mạng dành riêng cho thời trang second hand, như The RealReal, Poshmark và ThredUp.
Giới trẻ Millennial và Gen-Z, những người tiêu dùng có tư duy khác biệt
“Tôi nghĩ sự chấp thuận của thời trang cũ là minh chứng cho việc một tầng lớp đang thay đổi suy nghĩ về việc mua sắm.”
– Liz Dunn, nhà sáng lập công ty tư vấn Pro4ma –
Quả thật, giới trẻ toàn cầu lớn lên trong một môi trường rất khác biệt. Dân số toàn cầu tăng trưởng, khiến nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm. Ô nhiễm môi trường đến từ ngành thời trang sản xuất quá đà. Một loạt khủng hoảng kinh tế khiến giới trẻ khó tìm việc làm, với mức lương thấp hơn cha mẹ mình thuở trước.
Tất cả những yếu tố này đều cộng hưởng. Tạo nên một tầng lớp giới trẻ không còn quá câu nệ việc phải “sở hữu” một sản phẩm. Chính vì thế mà giới trẻ đi Uber thay vì mua xe hơi; thuê nhà ở thay vì mua nhà; và chi tiền để đi du lịch nhiều hơn là mua sắm.
Tương tự, giới trẻ cũng không quá câu nệ việc phải sở hữu một chiếc túi mới coóng từ các nhà mốt cao cấp. Những chiếc túi xách, đôi giày cao cấp, nếu được bảo dưỡng đúng cách, có thể được sử dụng trong hàng chục năm. Tại sao phải mua sản phẩm mới nếu sản phẩm cũ vẫn còn tốt nguyên vẹn? Chưa kể thói quen này còn tốt cho môi trường khi không phải hao tốn tài nguyên để sản xuất mặt hàng mới.
>>> Xem thêm: Lạm phát thời trang: Vì sao thời trang cao cấp lại có giá thành cao như vậy?
Sự đối đầu giữa các hãng thời trang cao cấp và đơn vị kinh doanh hàng second hand
Tất nhiên, thị trường luôn từng có những cửa hàng bán hàng vintage và thời trang cũ. Tuy nhiên, sự ra đời của các website chuyện trị hàng thời trang second hand xa xỉ mang lại những trải nghiệm mua sắm mới lạ cho người dùng. Chính vì vậy, nó gây sự chú ý từ giới đầu tư…cũng như các nhà mốt cao cấp.
Không phải ai cũng yêu thích mô hình bán hàng thời trang cũ. Nhất là những thương hiệu luôn muốn bảo vệ hình tượng của mình.
Điển hình là Chanel.
Tháng 11/2018, Chanel đã đệ đơn kiện the RealReal “bán hàng nhái”. Đơn kiện còn cho rằng cách quảng cáo của the RealReal khiến người dùng nghĩ rằng họ đang mua trực tiếp từ Chanel chính hãng. “Chanel là đơn vị duy nhất được phép chứng minh độ tin cậy của sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể bảo vệ bản thân khi giao dịch tại các cửa hàng và website Chanel”, đơn kiện ghi.
The RealReal phản bác rằng nhà mốt Pháp “e ngại những đơn vị họ cho là đối thủ cạnh tranh.” The RealReal cũng có một đội ngũ hơn 100 chuyên gia thẩm định đồng hồ, trang sức, thời trang để kiểm tra mặt hàng trước khi rao bán lại. Như vậy, khả năng buôn bán hàng đạo nhái gần như bằng không.
>>> Xem thêm: Cuộc chiến chống hàng nhái và 8 bí quyết tránh mua phải đồ giả
“Chúng tôi không cần sự đồng tình hay ủng hộ của các thương hiệu. The RealReal là nơi mua bán, trao đổi giữa người dùng và người dùng. Không có sự can thiệp với các thương hiệu ở đây.”
– Cô Julie Wainwright, nhà sáng lập The RealReal tuyên bố –
Vụ kiện cho thấy sự đôi co vốn dĩ luôn tồn tại giữa các nhà mốt và thị trường bán hàng second hand. Các nhà mốt cao cấp không sản xuất số lượng đại trà, nâng giá sản phẩm cao, và hủy những sản phẩm tồn kho. Họ e ngại việc các sản phẩm second hand xuất hiện đại trà, ở mức giá thấp hơn, sẽ làm giảm trị giá thương hiệu của họ. “Đây là nguyên nhân khiến Chanel đối đầu với chúng tôi,” cô Julie Wainwright phát biểu.
Kinh doanh thời trang trong một thị trường đang thay đổi quá nhanh
Sự thành công của những công ty bán sản phẩm second hand như The RealReal. Hay những công ty cho thuê mặt hàng thời trang như Rent the Runway. Là minh chứng cho suy nghĩ của giới trẻ: Sở hữu ít lại, sống bình dị hơn, tốt hơn cho môi trường và bản thân.
Tuy nhiên, suy nghĩ này làm rúng động giới thời trang nói riêng và giới bán lẻ nói chung. Những đơn vị mà sự sống còn phụ thuộc vào sức mua sắm.
Tất nhiên, những mô hình kinh doanh thời trang này còn khá mới mẻ. Chẳng ai sẽ nói trước được chúng liệu có trường tồn với thời gian. Nhưng, chí ít, đối với giới trẻ, những website bán hàng thời trang cũ như the RealReal ngày càng trở thành địa điểm đầu tiên để họ mua món phụ kiện xa xỉ đầu tiên của mình.
Theo NY Times, CNBC
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam