PHÁP DỰ ĐỊNH CẤM CÁC THƯƠNG HIỆU XA XỈ HỦY BỎ HÀNG TỒN KHO

Pháp đang tiến hành công cuộc giảm tải sức ép của ngành công nghiệp thời trang trên tài nguyên môi trường. Nhà Gucci sẽ dẫn đầu chiến dịch.

Trong thời đại mua sắm cấp tốc, mẫu mã ra đời liên tục, việc phải giảm giá sản phẩm hết mốt là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, vẫn hiện hữu một số thương hiệu cao cấp giữ tục lệ không giảm giá sản phẩm hết mùa. Nếu có hàng tồn kho, họ sẽ hủy chúng thay vì bán giảm giá.

Lý do? Có thương hiệu không muốn tạo dựng thói quen mua hàng giảm giá cho khách hàng. Họ tôn trọng những người đã mua hàng của họ ở mức giá gốc. Thương hiệu khác lại mong muốn giữ vững hình ảnh cao cấp của mình, và việc trưng bảng “giảm giá” không đi đôi với hình mẫu này. Một số thương hiệu tiêu biểu cho phong trào này là Louis Vuitton, Hermès (dòng Birkin), Goyard hay trang sức Tiffany’s.

Tuy nhiên, việc này có lẽ sắp thay đổi, nếu Pháp ban hành lệnh cấm việc huỷ hàng tồn kho.

Đã đến lúc ngành thời trang phải tích cực hơn trong công cuộc tái chế

“Quá nhiều công ty cảm thấy việc phá hủy giày dép, túi xách hay quần áo cũ chưa bán hết là chuyện bình thường.” Phó bộ trưởng Môi trường Brune Poirson phát biểu trong một cuộc họp. “Chuyện này không thể tiếp diễn”.

Đề nghị được đưa ra nhằm giảm tải sự phí phạm tài nguyên môi trường từ ngành thời trang. Tất nhiên, do ngành thời trang là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mang lại lợi ích lớn cho Pháp, việc này không thể qua loa. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định CEO tập đoàn Kering, ông François-Henri Pinault, dẫn đầu chương trình cải cách. Tập đoàn Kering sở hữu các thương hiệu như Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga và có tiếng nói không nhỏ trong giới thời trang xa xỉ.

“Thói quen [loại bỏ sản phẩm cũ] không phải lúc nào cũng đúng.” Ông Pinault phát biểu. “Cho dù có thể sẽ khó tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề, chúng ta vẫn nên cố gắng thử.”.

Thời hạn thực hiện

Pháp mong muốn các thương hiệu xa xỉ đầu tư gây quỹ và tham gia công cuộc bảo vệ sự đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm đại dương cũng như nghiên cứu biến đổi môi trường. Các thương hiệu cũng phải tích cực tái sử dụng nhựa, ngừng sử dụng nhựa dùng một lần, và chuyển sang sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Mục tiêu phải đạt được trước năm 2030.

Ông François-Henri Pinault, CEO tập đoàn Kering, phát biểu tại buổi họp

Ông François-Henri Pinault, CEO tập đoàn Kering, phát biểu tại buổi họp

“Các công ty lớn đều đang đóng góp,” Ông Pinault khẳng định. “Vấn đề là ai cũng thực hiện ở phương diện đơn lẻ, nên hiệu quả chung khó thấy được.”.

Ví dụ, Burberry đã chấp nhận sẽ không hủy sản phẩm thời trang hết mốt. LVMH sẽ tiếp sức cho Unesco, bảo vệ các nguồn sinh thái cung cấp tài nguyên cho ngành thời trang và làm đẹp cao cấp. Bắt đầu với việc bảo tồn tổ ong mật đen, nguồn cung cấp mật ong thiên nhiên cho các mỹ phẩm Guerlain của nhóm. Các thương hiệu khác thì hạn chế dùng da thuộc, vì quá trình nhuộm da gây ô nhiễm môi trường rất nặng.

Điều lệ này có nghĩa gì đối với người mua hàng thời trang?

Nếu đang đọc bài này, hẳn bạn thầm mong [cuối cùng] có thể mua được chiếc túi Louis Vuitton giảm giá. Chưa hẳn. Có thể các thương hiệu sẽ tích cực tái sử dụng phụ tùng cũ trong các thiết kế mới. Hoặc họ sẽ tung ra nhiều mẫu mã với số lượng có hạn (limited edition) hơn để giảm việc sản xuất thừa thãi.

Nguồn: Bloomberg
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm