Tập đoàn sở hữu Coach mua lại Versace, Jimmy Choo

Việc tập đoàn Tapestry ngỏ ý mua lại công ty Capri Holdings với giá trị 8,5 tỷ đô-la Mỹ sẽ hợp nhất sáu thương hiệu thời trang, giúp Tapestry tăng cường sức cạnh tranh với các đối thủ châu Âu.

Liệu tương lai sẽ có màn kết hợp giữa Coach và Versace khi hai thương hiệu này về chung nhà? Ảnh: Coach, Versace

ĐỌC NHANH:

  • Tập đoàn Tapestry Inc., đơn vị sở hữu các thương hiệu Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, đã đồng ý mua lại Capri Holdings, công ty chủ quản của Michael Kors, Versace và Jimmy Choo, với giá trị 8,5 tỉ đô-la Mỹ.
  • Thương vụ này cho thấy làn sóng mua bán và sáp nhập vẫn đang diễn ra mạnh mẽ trong thị trường xa xỉ phẩm, mặc cho những tiên đoán rằng doanh số ở ngành hàng này sẽ suy giảm trước khả năng suy thoái kinh tế trong thời gian tới.
  • Ngay khi quyết định này được thông báo, giá cổ phiếu của tập đoàn Capri đã tăng 58%, bước nhảy vọt lớn nhất trong 12 năm lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Tapestry giảm 10%.
  • Giao dịch dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024, tùy thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan quản lý và các cổ đông của Capri.

Tập đoàn Tapestry tạo ra sức mạnh cộng hưởng ở địa hạt thời trang khi mua lại Capri

Thuơng vụ mua lại tập đoàn Capri là một nỗ lực của Tapestry trong việc tạo ra thế mạnh cạnh tranh với các đối thủ châu Âu.

Hai tập đoàn Tapestry và Capri trong những năm qua đã thành công tạo dựng nên chỗ đứng cho các thương hiệu dưới trướng của mình. Tuy nhiên, thành tích của họ còn quá nhỏ bé khi so sánh với các tập đoàn thời trang hàng đầu châu Âu như LVMH, Kering và Hermès. Những gã khổng lồ ở châu Âu không chỉ sở hữu thương hiệu thời trang, mà còn có cả mỹ phẩm, trang sức, đồng hồ, nội thất và phong cách sống (resort, rượu).

Tuy chưa sở hữu các ngành hàng đa dạng như kể trên, nhưng chí ít tập đoàn Tapestry có thể tạo được chỗ đứng nhất định trong lĩnh vực túi xách (thế mạnh của cả Coach và Michael Kors) lẫn giày dép cao cấp (nhờ Stuart Weitzman, Jimmy Choo và Versace) sau khi hoàn thành thương vụ này.

Hyunjin, tân đại sứ Versace. Ảnh: Versace

Thương vụ này còn giúp Tapestry lần đầu tiên sở hữu một thương hiệu xa xỉ châu Âu là Versace. Versace về dưới trướng tập đoàn Capri năm 2018. Từ đó đến nay, thương hiệu đã được đầu tư đúng mực, cải thiện doanh số và hình ảnh đáng kể. Đặc biệt, Versace đã hồi sinh mạnh mẽ sau khi bắt tay với các thần tượng trẻ tuổi như Dua Lipa hay Hyunjin của nhóm Stray Kids.

Mong muốn tạo ra tập đoàn thời trang Mỹ hùng cường

Nói về thương vụ mua bán và sáp nhập này, John Idol, Giám đốc điều hành của Capri, cho biết: “Bằng cách gia nhập Tapestry, chúng tôi sẽ có nhiều nguồn lực và khả năng để đẩy nhanh quá trình mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu”.

Còn giám đốc điều hành tập đoàn Tapestry, Joanne Crevoiserat, cho biết rằng sự kết hợp của sáu thương hiệu “tạo ra một tập đoàn thời trang xa xỉ toàn cầu mạnh mẽ mới, nâng cao giá trị cho khách hàng, nhân viên và cổ đông”.

Công ty Coach được đổi tên thành Tapestry Inc. khi kết nạp thêm 2 thành viên Kate Spade và Stuart Weitzman. Bây giờ lượng thương hiệu sở hữu sẽ được nhân đôi. Ảnh: Coach

Trong buổi báo cáo hôm thứ Năm 10/8 (theo giờ địa phương), Tapestry cho biết hai công ty, khi kết hợp, đã tạo ra doanh thu hơn 12 tỉ đô-la Mỹ và có sự hiện diện tại hơn 75 quốc gia trong năm tài chính vừa qua.

Theo nhà phân tích Neil Saunders của GlobalData, khi công ty chủ quản của Coach và Versace về chung nhà, họ sẽ kết hợp tạo nên tập đoàn xa xỉ lớn thứ tư trên thế giới, chiếm thị phần khoảng 5,1%. Còn tại Bắc Mỹ, quê nhà của đa phần các thương hiệu trưc thuộc tập đoàn, nó sẽ là công ty lớn thứ nhì sau LVMH.

Trong buổi báo cáo, Tapestry cho biết việc mua bán và sáp nhập sẽ giúp tiết kiệm chi phí lên đến 200 triệu đô-la Mỹ, trong vòng ba năm sau khi ký kết thành công. Lý do nhờ sự cộng hưởng trong chuỗi cung ứng, cũng như hiệu suất tăng cao trong hoạt động thường nhật.

Những khó khăn phải đối mặt

Dương Mịch hiện là đại sứ Michael Kors ở Trung Quốc. Ảnh: Michael Kors

Thương vụ mua bán và sáp nhập này được giới đầu tư đánh giá cao ở mặt tiềm năng.

Công ty thống nhất mới được cho là có khả năng thống trị thị trường túi xách Mỹ, nhờ Michael Kors và Coach. Hai thương hiệu này mang tới những mặt hàng cao cấp ở mức giá dễ tiếp cận cho số đông, lại có biên độ lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, thời gian qua thì sức mạnh thương hiệu Michael Kors có phần suy giảm. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại, đã gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh thu của Michael Kors. Trước tình cảnh này, Tapestry đã lên kế hoạch tái sinh thương hiệu như cách tập đoàn đã làm được với Coach, ví dụ giảm sự phụ thuộc vào các kênh bán sỉ tới trung tâm thương mại, hạn chế giảm giá, v.v.

Ngoài ra, như mọi tập đoàn thời trang khác, Trung Quốc là thị trường được quan tâm hơn cả. Thị trường này còn rất nhiều cơ hội cải thiện; cụ thể, hiện chỉ 15% tổng doanh thu hàng năm của tập đoàn Tapestry đến từ Trung Quốc, còn đối với Capri là 6-8%.

Dự kiến tập đoàn Tapestry sẽ tập trung vào việc thúc đẩy doanh số của Michael Kors tại Trung Quốc, cân bằng doanh thu có phần sụt giảm ở Mỹ.

TIN KINH DOANH ĐÁNG QUAN TÂM KHÁC:

Trích dẫn Bloomberg, USA Today
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm