Lịch sử thời trang cung đình Việt: Vì sao chỉ vua chúa mới được mặc trang phục sắc vàng?

Lý do màu vàng trở thành sắc màu cung đình của bậc chí tôn đến từ một căn nguyên có từ hàng ngàn năm

Sắc vàng cung đình Việt: NSUT Thành Lộc hóa thân Hoàng đế Thiệu Trị trong phim Phượng Khấu.

Sắc vàng cung đình Việt: NSUT Thành Lộc hóa thân Hoàng đế Thiệu Trị trong phim Phượng Khấu.

Trong văn hoá phương Đông, màu vàng tượng trưng cho sự vương giả, quyền quý. Màu vàng cũng là màu sắc phục sức của vua chúa. Qua mỗi đời vua cũng như triều đại, trang phục màu vàng cũng mang nhiều yếu tố văn hoá lịch sử đa dạng.

Tuy nhiên, bạn có bao giờ suy nghĩ về vì sao sắc vàng lại được xem là màu sắc quyền quý nhất? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về sự quan trọng của sắc vàng trong lịch sử.

Màu sắc phân chia giai cấp xã hội

Trong văn hóa và lịch sử châu Á, sắc màu không chỉ đại diện cho một ý niệm, mà còn đại diện cho tầng lớp trong xã hội.

Điều này bắt nguồn từ thời triều Chu của Trung Quốc cổ đại (năm 1046 – 256 trước Công Nguyên). Thời bấy giờ đã có một hệ thống rõ rệt phân chia màu sắc, chất liệu và hoa văn của phục trang cho từng giai cấp trong xã hội.

Qua đến thời nhà Tần (221 – 207 trước Công Nguyên) bắt đầu xuất hiện sự phân biệt rõ rệt của màu sắc. Mà trong số đó, màu vàng trở thành màu quan trọng nhất, thống lĩnh mọi sắc màu khác. Hệ thống phân chia triều phục này lan rộng ra quốc gia xung quanh, trong đó có Văn Lang (Việt Nam cổ đại).

Sắc màu của sự vương giả

Hoàng đế Thiệu Trị (NSƯT Thành Lộc thủ vai) trong áo tấc cũng màu vàng.

Nguyên nhân sắc vàng được chọn làm màu cung đình, dành riêng cho bậc vua chúa, liên quan nhiều đến thuyết Ngũ hành.

Thuyết Ngũ hành được hoàn thiện vào thời đầu triều đại nhà Hán. Thuyết này phân chia vạn vật theo năm nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, Thổ nằm ở vị trí trung tâm, cũng là vị trí trọng yếu. Tương tự, mỗi màu sắc được gán cho một nguyên tố riêng. Chiếu theo thuyết Ngũ hành thì màu vàng ứng với Đất (Thổ). Vì vậy, người xưa cho rằng đây là màu phù hợp để đại diện cho quyền uy của thiên tử.

Từ đó, trong các triều đại phong kiến phương Đông, màu vàng chỉ xuất hiện trên các phục sức của vua chúa.

Ở Việt Nam, sử sách ghi chép rằng: Trong quá khứ, màu vàng được sử dụng khá phổ biến. Trước thời Lý, dân chúng vẫn có thể mặc trang phục màu vàng. Thế nhưng, kể từ khoảng năm 1182, triều đình thắt chặt quy định: Nghiêm cấm thường dân sử dụng màu sắc này. Sắc vàng từ đó chỉ xuất hiện trên long phục của vua chúa để thể hiện sự quyền uy. Dưới thời Nguyễn, thậm chí còn có sự phân định vai vế và giai cấp qua các sắc độ của màu vàng.

Các sắc độ màu vàng đánh giá vai vế, đẳng cấp trong cung đình

Phục chế long bào Hoàng Thái Tử của Hoàng Đế Bảo Đại. Ông là vị hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Hiện vật do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi thực hiện. Ảnh: Phòng trưng bày áo dài của NTK Sĩ Hoàng

Sắc vàng cung đình không chỉ có một. Mà nó được phân chia khá rõ rệt theo tông sáng, tối, và độ ngả màu.

Theo quan niệm xưa, sắc vàng chính thống (hoàng) gồm màu đất sét vàng (hoàng thổ) và vàng nghệ.

Vàng chính thống tức màu vàng rực rỡ nhất, màu vàng của mặt trời ban trưa. Sắc độ này trong trang phục cung đình được coi là chính hoàng.

Thứ đến là màu vàng lông chim yến, hay còn gọi là vàng hoàng yến. Gam vàng này nhạt hơn. Hai sắc vàng này thường chỉ dành cho hoàng đế và hoàng thái hậu.

Mỹ Lương Công chúa, húy là Tốn Tùy - chị gái Vua Thành Thái, và hai nữ hầu. Bà mặc áo Nhật Bình màu hỏa hoàng. Ảnh: Robert Moore/National Geographic

Mỹ Lương Công chúa, húy là Tốn Tùy – chị gái Vua Thành Thái, và hai nữ hầu. Bà mặc áo Nhật Bình màu hỏa hoàng. Ảnh: Robert Moore/National Geographic

Đẳng cấp vàng thứ hai là màu vàng lửa (hỏa hoàng). Đây là màu da cam hay màu của vỏ quả quýt. Sắc vàng này được dùng trong trang phục của các bậc thiên tuế, bao gồm: Hoàng hậu, Hoàng thái tử, trưởng công chúa và thân vương.

Ngoài ra, sắc vàng màu da đồng (cổ đồng) được dành cho tứ trụ triều đình là các quan văn võ đầu triều.

Hoàng hậu duy nhất được phục sức cung đình màu vàng

Nam Phương Hoàng hậu trong áo dài màu vàng vương giả

Trong lịch sử Việt, màu vàng chỉ dành cho thiên tử. Thế nhưng, trong triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, có một vị Hoàng hậu được đặc cách sử dụng màu sắc này. Đó là Nam Phương Hoàng hậu.

Năm đó, vua Bảo Đại đem lòng thương mến người con gái gốc Gò Công là Nguyễn Hữu Thị Lan. Khi lập bà làm chính thất, ông đã phá vỡ nhiều quy củ của triều Nguyễn. Vua Bảo Đại lập tức phong Hậu cho cô Nguyễn Hữu Thị Lan. Đây là điều đi ngược với quy củ. Bởi lẽ các vua của triều Nguyễn chỉ phong Hậu sau khi qua đời. Trong cuốn hồi ký Con rồng An Nam, vua Bảo Đại viết:

“Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam. Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế.”

Những sự phá lệ liên tiếp này cho thấy sự ưu ái của vua Bảo Đại đối với Hoàng hậu Nam Phương.

>>> Xem thêm: HOÀ MINZY TÁI HIỆN THỜI TRANG NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU ĐÚNG VỚI LỊCH SỬ

Cách nhuộm vải màu vàng cung đình

Những màu nhuộm truyền thống

Ảnh: akrithi.com

Trong quá khứ, vải vóc chỉ có thể được nhuộm bằng màu thiên nhiên. Để tạo nên những sắc độ vàng cung đình khác nhau cần sự nghiên cứu tỉ mẩn. Và phương pháp cổ xưa này đã được ghi chép lại trong sách sử Trung Hoa.

Màu vàng tươi được nhuộm bằng nụ chùa và phèn chua. Còn màu vàng đậm và vàng mơ được nhuộm bằng nụ chùa, khói và phèn chua.

Hoa và hạt cây nụ chùa (Styphnolobium japonicum) làm nên màu nhuộm

Nụ chùa và gỗ tâm hương đều là những loại thuốc nhuộm màu vàng phổ biến có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng cũng được xác nhận qua việc phân tích hóa học của thuốc nhuộm trên một số áo khoác thêu rồng được thu thập tại Bảo tàng Victoria & Albert và trong các bộ sưu tập tư nhân ở Anh.

Hoa nụ chùa được thu hoạch rồi đun sôi để chiết lấy chất màu. Sau khi lọc sạch cây, sợi hoặc vải được ngâm trong bể nhuộm đã được làm nóng và bắt đầu nhuộm. Phèn chua có vai trò như chất tăng cường liên kết giữa màu nhuộm và vải. Đồng thời, nó cũng làm tăng độ sáng bóng cho vải.

Phẩm vàng đắt đỏ nhất: Nghệ tây Saffron

Cảnh thu hoạch hoa nghệ tây (saffron)

Lý do màu vàng là màu dành riêng cho vua chúa, một phần, vì màu nhuộm của nó đắt đỏ.

Thời cổ đại, nụ chùa không phải là thứ duy nhất tạo vải màu vàng tươi. Một loại chất tạo màu khác, cho màu đẹp nhất là nghệ tây Saffron.

Từ xa xưa nghệ tây đã rất đắt. Mỗi bông hoa chỉ tạo ra ba sợi (nhụy) của nghệ tây. Loài hoa này chỉ nở trong một tuần mỗi năm. Nghệ tây chỉ được thu hoạch bằng tay vào giữa buổi sáng. Khi hoa vẫn còn khép lại để bảo vệ các nhụy mỏng manh bên trong. Cần khoảng 1.000 bông hoa để tạo ra một ounce nghệ tây.

Ban đầu, nghệ tây được biết đến như một loại gia vị. Nó có nguồn gốc từ hoa Crocus sativus hay nghệ tây crocus. Hoa Crocus sativus chứa sắc tố carotenoid, crocin, mang lại màu vàng đậm đà.

Lịch sử ghi lại rằng: Vào thế kỷ thứ 7 TCN, thời đế chế Assyria dưới thời Ashurbanipal, nghệ tây đã được buôn bán và sử dụng làm chất màu và gia vị thực phẩm.

Về sau, người ta bắt đầu sử dụng nó cho các mục đích khác. Và nghệ tây trở thành một trong những loại thuốc nhuộm vải đắt tiền nhất. Nó cũng được sử dụng trong mỹ phẩm và nước hoa.

Mặc dù giá thành cao, nghệ tây được sử dụng làm thuốc nhuộm vải. Đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Quần áo nhuộm bằng nghệ tây theo truyền thống chỉ dành cho các tầng lớp quý tộc. Ví dụ, các nhà sư đạo Phật và đạo Hindu. Họ mặc quần áo màu vàng nghệ như một dấu hiệu của địa vị.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm