Matthieu Blazy là tân giám đốc sáng tạo Chanel, Bottega Veneta cũng có người thay thế

Cuối cùng, sau nhiều tháng đồn đoán và chờ đợi, Chanel đã gọi tên Matthieu Blazy ở vị trí giám đốc sáng tạo mới cho mảng thời trang và phụ kiện

Matthieu Blazy chào cuối show Bottega Veneta Xuân Hè 2024. Ảnh: ImaxTree

Hành trình đi tìm giám đốc sáng tạo của Chanel đã kết thúc. Không phải là John Galliano, Hedi Slimane hay nhà thiết kế gạo cội tên tuổi nào khác, Matthieu Blazy mới chính là người được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo mới của Chanel.

“Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được gia nhập ngôi nhà Chanel. Tôi mong muốn được gặp gỡ tất cả các thành viên trong đội ngũ và cùng nhau viết nên chương mới này”, nhà thiết kế người Pháp cho biết trong một tuyên bố vào tối 12/12 (theo giờ địa phương).

“Chúng tôi hy vọng sẽ ở bên nhau trong 10, 15 năm hoặc lâu hơn nữa. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu câu chuyện của mình”, Bruno Pavlovsky, chủ tịch thời trang của Chanel, chia sẻ cùng hãng tin WWD. “Cùng nhau, chúng tôi sẽ có thể viết nên một chương mới cho thương hiệu”.

Matthieu Blazy là giám đốc sáng tạo thứ tư trong suốt 114 năm lịch sử Chanel

Kể từ khi Virginie Viard rời khỏi Chanel vào tháng Sáu năm ngoái, Chanel đã bình thản, từ tốn trong quá trình lựa chọn giám đốc sáng tạo mới. Nhà mốt vẫn tổ chức show diễn đều đặn, ra mắt các bộ sưu tập được đảm nhiệm bởi đội ngũ thiết kế nội bộ mà không có sự dẫn dắt của một giám đốc sáng tạo.

Thay vì nói rằng Chanel bình chân như vại, đúng hơn thì nói rằng nhà mốt nước Pháp cẩn thận và kỹ tính. Bất kỳ ai hợp tác cùng Chanel cũng nhận một hợp đồng lâu năm, có thể tính bằng thập kỷ, chứ không phải chỉ vài năm chóng vánh. Ví dụ cựu giám đốc sáng tạo Virginie Viard đã đồng hành cùng nhà mốt nước Pháp suốt ba thập kỷ, còn Karl Lagerfeld thì tận từ năm 1983 đến năm 2019 khi ông qua đời.

Để tránh tình huống nhà thiết kế nhảy việc sau chỉ vài năm nhậm chức giám đốc sáng tạo, Chanel dành thời gian để phỏng vấn, tìm hiểu tính cách. Cuối cùng, thương hiệu đã gọi tên Matthieu Blazy. Nhà thiết kế 40 tuổi này cũng sẽ là giám đốc sáng tạo thứ tư của Chanel trong suốt lịch sử 114 năm hình thành.

Đến với Chanel, Matthieu Blazy ngoài việc thiết kế phụ kiện và thời trang ready-to-wear cũng sẽ được thử sức với dòng thời trang cao cấp (haute couture).

Một cuộc xoay vòng nhân sự cấp cao

Hiện tại, Matthieu Blazy đang gấp rút hoàn thành nốt những công việc cuối cùng trong cương vị giám đốc sáng tạo ở Bottega Veneta. Bởi vì anh sẽ lập tức đến Chanel trong những ngày tới, để có đủ thời gian chuẩn bị cho show diễn Thu Đông 2025, được trình làng ở Tuần lễ thời trang Paris vào tháng 2/2025.

Có thể Matthieu Blazy đã rời Bottega Veneta trong sự êm đẹp, khi cùng đêm mà Chanel tuyên bố Matthieu Blazy sẽ là giám đốc sáng tạo mới của mình, thì Bottega Veneta cũng gọi tên Louise Trotter (từ Carven). Sự chuyển giao quyền lực và nhiệm vụ giữa các nhà thiết kế sẽ diễn ra một cách nhịp nhàng và êm ấm.

Lý do vì sao Chanel lựa chọn Matthieu Blazy

Chàng trai sinh năm 1984 ở Paris và học thời trang ở trường La Cambre tại Bỉ có tất cả những gì Chanel cần. Anh có khả năng cân bằng tính nghệ thuật và thương mại trong các bộ sưu tập. Anh có thể tạo ra điều bất ngờ với thời trang cổ điển, vận dụng kỹ thuật thủ công gia truyền để làm những điều mới mẻ mà không làm mất đi thẩm mỹ di sản của thương hiệu. Và anh có thể tạo ra những món phụ kiện hot chứ không chỉ thành công với thời trang, hứa hẹn sẽ góp phần làm tăng sự phong phú cho bộ sưu tập túi xách của Chanel.

Chiếc quần jeans thực chất làm bằng da thuộc, từ BST Bottega Veneta Thu Đông 2022. Ảnh: ImaxTree

Khi đến Bottega Veneta, Matthieu Blazy đã chịu sức ép dư luận cực kỳ cao. Lúc này, thương hiệu Ý vừa được hồi sinh ngoạn mục bởi nhà thiết kế người Anh Daniel Lee, người đã giúp Bottega Veneta liên tiếp tạo ra những trào lưu mới, từ trào lưu túi xách chần bông cho đến màu xanh Kelly bị đạo nhái cực kỳ nhiều. Giới mộ điệu không rõ liệu Matthieu Blazy có thể tiếp nối thành công của Daniel Lee được hay không. Nhưng anh đã chứng tỏ là mình có thể, và thậm chí làm được hơn kỳ vọng.

Matthieu Blazy đã biến chất liệu da thuộc cổ điển ở Bottega Veneta thành điều ngộ nghĩnh, kỳ thúc và mới lạ bất ngờ. Anh dùng da thuộc để mô phỏng quần jeans, tua rua trên váy áo hay thậm chí là giả lông. Ngay trong bộ sưu tập đầu tay Matthieu Blazy thực hiện cho Bottega Veneta, những màn biến hóa tài tình của da thuộc đã khiến giới mộ điệu phải ngả mũ kính phục.

Da thuộc hóa tua rua và mềm mại như vải cho chân váy. Ảnh: ImaxTree

Mỹ thuật được đánh giá cao, sản phẩm của Matthieu Blazy cũng rất thành công về mặt thương mại. Trên hết, phải gọi tên dòng túi xách Andiamo được chế tác từ da đan intrecciato kinh điển của Bottega Veneta. Những thành công khác bao gồm túi Sardine với quai xách hình con cá bằng kim loại vàng, túi Kalimero có kỹ thuật đan intrecciato phức tạp, và túi Hop rộng rãi.

Túi Sardine trên sàn diễn Bottega Veneta Thu Đông 2022 ở Milan. Ảnh: ImaxTree

Dưới sự lãnh đạo của Matthieu Blazy từ tháng 11/2021, thương hiệu xa xỉ nước Ý chinh phục những người nổi tiếng hạng A bao gồm Jacob Elordi, Julianne Moore, ASAP Rocky, Dương Tử Quỳnh và Kendall Jenner. Bottega Veneta cũng thành công tiến vào địa hạt hard luxury với các sản phẩm giá đắt đỏ nhưng hiếm khi nhận về lời chê, và là một trong những thương hiệu vẫn tiếp tục tăng trưởng của tập đoàn Kering.

Tất cả những lý do trên là vì sao Chanel lựa chọn Matthieu Blazy cho vai trò giám đốc sáng tạo.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm