Cảm thấy mệt mỏi suốt ngày dài? 7 lý do này có thể là nguyên nhân

Đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi nhưng không rõ nguyên nhân?

Cảm thấy mệt mỏi suốt ngày dài? 8 lý do sau có thể là nguyên nhân

Ảnh: Harper’s Bazaar Hàn Quốc

Bạn đã ngủ đủ giấc nhưng sáng dậy vẫn uể oải? Xuyên suốt ngày làm việc, bạn cảm thấy mình khó tập trung, dễ lo ra, hiệu suất kém? Việc cảm thấy mệt mỏi này có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu 8 lý do phổ cập nhất, cũng như cách giúp bạn tăng cường năng lượng.

1. Bạn đang ăn quá nhiều tinh bột…

Các món ăn và thức uống nhiều tinh bột cũng như đường khiến tâm trạng của bạn lên xuống thất thường trong ngày. Lý do là vì tinh bột/đường đều là carbohydrate đơn giản.

Carbohydrate đơn giản được hấp thu vào máu rất nhanh, nhưng cũng đồng thời vì vậy mà được cơ thể chuyển hóa thành năng lượng nhanh không kém. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu (blood glucose level) thay đổi thất thường. Khi nó tăng đột biến, bạn sẽ cảm thấy no căng bụng, buồn ngủ díp mắt. Khi nó giảm, bạn lại cảm thấy mệt mỏi, buồn bực do tụt huyết áp.

Món ăn Việt chúng ta đã khá nhiều carbohydrate đơn giản vì cơm trắng, cũng như đường trong các món sốt. Chưa kể là chúng ta hay nhâm nhi thêm bánh quy, trà sữa trân châu, trái cây ngọt như xoài… tại văn phòng.

Bánh quy, trà sữa, nước ép trái cây…ngon miệng nhưng dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi về lâu dài. Ảnh: Instagram @urbanritualcafe

CÁCH KHẮC PHỤC

Chọn gạo lứt, gạo huyết rồng thay vì gạo trắng cho bữa ăn trưa. Tăng cường thêm thịt cá và rau trong bữa ăn. Khi ăn vặt tại văn phòng, bạn hãy thay thế các món ngọt bằng các loại hạt (như quả óc chó, hạt mắc ca, hạt hướng dương hay hạnh nhân) vì chúng sẽ giúp kiểm soát chỉ số đường huyết của bạn tốt hơn.

2. …hoặc nạp không đủ calorie

Nhiều người tìm đến giải pháp nhịn ăn như một cách giảm cân cấp tốc. Hoặc, bạn cảm thấy mình đã ăn quá nhiều trong giai đoạn giãn cách xã hội, và bây giờ muốn giảm bù. Hậu quả là bạn không nạp đủ lượng calorie cần thiết cho cơ thể (khoảng 1200 calorie/ngày).

Khi cơ thể không đủ năng lượng, ngay lập tức chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Đồng thời, cơ thể thiếu năng lượng để củng cố hệ miễn nhiễm.

Cơ thể bạn cần một hàm lượng chất khoáng, vitamin và năng lượng nhất định để hoạt động. Ảnh: Instagram @vegan.dy

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Bí quyết ăn kiêng sao cho không tăng cân là: không nạp vào cơ thể nhiều năng lượng hơn cần thiết. Vì vậy, bạn kết hợp với việc tập thể dục để tăng cường hàm lượng năng lượng mà cơ thể sử dụng. Đồng thời, bạn có thể thử giải pháp ăn nhiều bữa nhỏ xuyên suốt cả ngày, thay vì chỉ ăn một bữa lớn, để kiểm soát chỉ số đường huyết.

>>> Xem thêm: WHOLE30, CHẾ ĐỘ GIẢM CÂN ĐƯỢC CHO LÀ HIỆU QUẢ HƠN NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN

3. Bạn không tập thể dục đủ

Nghe thì có vẻ không logic, vì đã cảm thấy mệt mỏi trong tâm trí sao lại còn tập thể dục cho mệt hơn? Nhưng khi tập thể dục, cơ thể bạn đang tiết ra nội tiết tố endorphin. Đây là hoóc-môn khiến bạn cảm thấy phấn chấn, vui vẻ. Không tập thể dục đủ thì hàm lượng endorphin thấp, tạo cảm xúc mệt mỏi.

Đặc biệt, những bài tập phức tạp, phối hợp luyện tập trí não – như khiêu vũ / nhảy zumba, múa cột, boxing, tập crossfit – sẽ giúp bạn giữ vững độ minh mẫn cho não bộ. Về lâu dài, đây là cách tăng cường sức mạnh não bộ, chống quên lãng khi bạn lớn tuổi hơn.

Tập thể dục lúc buổi sáng ban mai là tốt nhất. Ảnh: Instagram @caothientrang

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Để việc tập thể dục có hiệu quả hơn, bạn hãy tập ngoài trời khoảng 20-30 phút/ngày, vào lúc sáng sớm (trước 8 giờ sáng). Cơ thể bạn cần sản sinh vitamin D, loại vitamin tăng cường năng lượng, và điều này chỉ xảy ra khi da bạn tiếp xúc với ánh mặt trời. Ánh nắng ban mai luôn là lựa chọn tốt nhất, ít nguy cơ làm cháy da vì có hàm lượng tia UV thấp.

>>> Xem thêm: GIỮ DÁNG NƠI CÔNG SỞ VỚI 5 MẸO ĐƠN GIẢN SAU

4. Bạn ngủ không đủ sâu

Một giấc ngủ 8 tiếng có lẽ không quan trọng bằng giấc ngủ sâu. Giấc ngủ gồm 5 giai đoạn: 4 giai đoạn đầu thuộc chu kỳ NREM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và giai đoạn cuối là REM (chu kỳ cuối của giấc ngủ, lúc chúng ta hay mơ).

Để cơ thể minh mẫn khi thức dậy, bắt buộc chúng ta phải trải qua chu kỳ REM. Vì vậy, nếu ngủ không đủ sâu, cơ thể không tiến vào chu kỳ REM, thì bạn sẽ thức dậy trong tâm trạng mệt mỏi, đau đầu.

Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy? Có lẽ bạn ngủ không đủ sâu.

Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy? Có lẽ bạn ngủ không đủ sâu. Ảnh: Instagram @junvu95

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Để ngủ ngon hơn, bạn hãy lưu ý về bữa ăn tối của mình. Đồng thời, bạn có thể dùng thêm viên uống magnesium, viên uống melatonin, hoặc một tách sữa oải hương. Tất cả những lựa chọn này đều giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.

Để pha sữa oải hương: Bạn đun sữa (có thể là sữa tươi hoặc sữa chay như sữa hạnh nhân, hạt dẻ, v.v.) cùng một muỗng mật ong và vài cánh hoa oải hương (loại hoa hữu cơ có thể dùng trong nấu ăn). Dùng ấm để có tác dụng tốt.

>>> Xem thêm: CẢM THẤY BỰC BỘI KHI THỨC DẬY? NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ VÌ BỮA TỐI CỦA BẠN

5. Bạn cảm thấy mệt mỏi vì quá stress

Ở liều lượng nhỏ, stress là điều cần thiết để kích thích chúng ta làm việc tốt hơn. Khi chúng ta hơi lo lắng – ví dụ khi bạn chuẩn bị trình bày một dự án mới, hoặc ký một hợp đồng quan trọng – não bộ chúng ta sản sinh epinephrine, norepinephrine và cortisol. Các hoóc môn này khiến nhịp tim đập nhanh hơn, đẩy lượng ôxy trong máu lên do hít thở gấp, và suy nghĩ minh mẫn.

Tuy nhiên, stress kinh niên  lại gây hiệu ứng ngược. Bị stress kinh niên sẽ khiến bạn đờ đẫn, khó tập trung, đau đầu, dễ nổi cáu… Ngoài việc cảm thấy mệt mỏi, stress kinh niên còn khiến bạn dễ ốm đau.

Tập yoga và thiền để giảm stress kinh niên. Ảnh: Instagram @yinyogamats

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Để giảm stress, bạn hãy thử các liệu pháp thư giãn tại nhà. Ví dụ như ngâm bồn, massage, thư giãn cũng liệu pháp hương thơm (aromatherapy). Đồng thời, dành ít thời gian để tập yoga và thiền mỗi ngày cũng là giải pháp hiệu quả.

>>> Xem thêm: 3 BÀI TẬP THIỀN CHỐNG LÃO HÓA, GIẢM STRESS

6. Bạn uống không đủ nước

Việc uống đủ nước cũng quan trọng không kém để giữ vững năng lượng cả ngày. Những triệu chứng cho thấy bạn đang không uống đủ nước bao gồm: khát nước, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, táo bón.

Infused Water: Thêm vài lát trái cây, thảo dược vào nước uống để tăng cảm giác hấp dẫn

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Hãy cố gắng uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Đừng chờ cho đến khi cảm thấy khát rồi mới uống, vì lúc này có thể cơ bạn đã cạn kiệt. Nếu cảm thấy nhạt miệng khi uống nước, bạn có thể thử các loại thức uống khác ví dụ: trà thảo mộc; nước infuse trái cây và rau củ; nước có gas và hương thơm. Tuy nhiên, hạn chế dùng nước ép trái cây (nhiều đường), hay trà và cà phê (nhiều caffeine).

>>> Xem thêm: 4 THỨC UỐNG GIÚP TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG HIỆU QUẢ, DỄ LÀM

7 . Bạn uống quá nhiều trà và cà phê

Chúng ta thường cho rằng uống nhiều trà và cà phê tốt cho sự minh mẫn, vì chúng giàu caffeine, hoạt chất giúp chúng ta tỉnh táo. Điều này chỉ đúng đến một mức độ nhất định.

“Khi nạp quá nhiều caffeine vào cơ thể, nhịp tim bạn tăng cao. Đi đôi là cảm giác bồn chồn, lo lắng, hoặc hưng phấn quá độ. Buổi tối, bạn khó ngủ hơn. Kết quả là ngày hôm sau, bạn cảm thấy mệt mỏi khi vừa mở mắt, dẫn đến việc tăng cường dùng trà và cà phê. Đây là một vòng xoáy rất có hại.” Chuyên viên dinh dưỡng Jane Clark giải thích.

Cà phê dalgona dẻo quánh vui mắt nhưng vừa nhiều đường vừa nhiều caffeine, dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi về lâu dài.

Cà phê dalgona dẻo quánh vui mắt nhưng vừa nhiều đường vừa nhiều caffeine, dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi về lâu dài. Ảnh: Eater

TIPS TỪ HARPER’S BAZAAR

Nếu có thói quen dùng trà và cà phê buổi chiều, bạn hãy chọn loại không chứa caffeine. Cà phê thì có các loại decaf. Trà thảo mộc thì có trà hoa cúc, trà lài, trà bạc hà… Đặc biệt, trà bạc hà là lựa chọn tốt, vì mùi hương bạc hà giúp bạn mau chóng lấy lại tinh thần.

>>> Xem thêm: 5 LOẠI TRÀ DETOX

Theo Harper’s Bazaar Anh
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm