Việc đắp các loại kem nền trang điểm hay kem che khuyết điểm lên mặt chỉ giúp cải thiện màu da. Chứ nó không thật sự hữu ích cho người có làn da mặt bị sần sùi. Làm sao để cải thiện bề mặt làn da? Các bác sỹ da liễu tư vấn Harper’s Bazaar các liệu pháp tại nhà và tại thẩm mỹ viện bạn có thể thử nghiệm.
Vì sao làn da mặt bị sần sùi?
Các yếu tố dẫn đến làn da mặt bị sần sùi bao gồm: Gen di truyền, tuổi tác, sẹo mụn, lỗ chân lông nở to. Chu trình dưỡng da không phù hợp cũng mang lại bề mặt da không được trơn láng.
“Nếu mẹ của bạn có lỗ chân lông to, làn da thiên dầu, thì bạn có lẽ cũng phát triển theo chiều hướng ấy”, bác sỹ da liễu Heather D. Rogers từ viện Modern Dermatology ở Seattle, Mỹ, giải thích. “Ngoài ra, khi làn da chúng ta lão hóa đi, nó mất đi khả năng tái tạo tế bào da. Bề mặt cũng đọng lại lớp tế bào chết – nếu không được tẩy đi, nó sẽ biến thành những lớp sần sùi xỉn màu”.
Những người có da mụn cũng dễ gặp trường hợp sẹo mụn để lại làn da sần sùi, lồi lõm. Sau tuổi 30, khả năng tái sinh của làn da kém đi, nên những vết sẹo mụn sẽ càng khó biến mất.
Để cải thiện bề mặt da sần sùi, bác sỹ Heather cho biết bạn có thể kết hợp điều trị tại viện thẩm mỹ cùng điều trị tại nhà. Các liệu pháp công nghệ thẩm mỹ sẽ mang lại hiệu quả nhanh nhất. Sau đó kết hợp với chu trình dưỡng da hợp lý tại nhà để bảo toàn độ trơn láng cho gương mặt.
Công nghệ thẩm mỹ chữa làn da mặt sần sùi
1. Dermaplaning (cạo da mặt)
Dermaplaning là liệu pháp loại bỏ da chết, tẩy lông mặt với dao cạo. Nó là một phương pháp tẩy tế bào chết vật lý vô cùng mạnh. Chuyên viên sẽ dùng dao cạo sắc, đã khử trùng, để cạo đi lớp da chết cũng như lông mặt. Nếu có da mặt bị sần sùi vì lớp tế bào chết và dày lông, đây là liệu pháp dành cho bạn.
View this post on Instagram
Ưu điểm: Sau chỉ một lần thực hiện, bạn sẽ có làn da mềm mại hơn hẳn rồi.
Nhược điểm: Cần nhiều thời gian hồi phục. Sau khi cạo, da mặt bạn sẽ ửng đỏ, hơi đau châm chích do sưng tấy. Lúc này, bạn nên hạn chế dùng các hoạt chất dưỡng da mạnh (như vitamin C, retinol, axít tẩy tế bào chết). Tìm đến các hoạt chất dưỡng da dịu nhẹ như lô hội, axít hyaluronic, và phải sử dụng kem chống nắng vật lý chứa zinc oxide để giúp làn da chữa thương.
2. Tẩy da chết hóa học Chemical Peels
Tương tự như việc dùng toner chứa AHA/BHA để tẩy tế bào chết hóa học tại nhà, liệu pháp Chemical Peel tại các viện thẩm mỹ có tác dụng tương tự, nhưng mạnh hơn.
View this post on Instagram
Ưu điểm: Có tác dụng kích thích làn da sản sinh collagen và elastin tăng độ đàn hồi. Như vậy, da không chỉ mướt mát mà còn trẻ hóa từ bên trong.
Nhược điểm: Cần 48 tiếng đồng hồ để hồi phục. Làn da cũng dễ bắt nắng hơn. Kể cả tia ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, laptop cũng có thể ảnh hưởng đến da bạn. Vì vậy bạn phải bôi kem chống nắng liên tục.
3. Tẩy tế bào chết Microdermabrasion
Cũng là một dạng tẩy tế bào chết nhưng Microdermabrasion khác với Dermaplaning. Phương pháp Microdermabrasion kết hợp cả công nghệ tẩy tế bào chết hóa học và vật lý. Công cụ Microdermabrasion sẽ phun sương lên mặt bạn hóa chất tẩy tế bào chết. Sau đó hút đi lớp tế bào chết và bụi bẩn đóng cặn trong lỗ chân lông. Đây là liệu pháp được đề nghị cho những ai có da mặt bị sần sùi vì lỗ chân lông tắc nghẽn.
View this post on Instagram
Ưu điểm: Vừa loại bỏ lớp da sần sùi trên mặt, vừa làm sạch lỗ chân lông. Về lâu dài, lỗ chân lông nhỏ gọn sẽ mang lại vẻ mềm mịn hơn cho da mặt bạn. Đồng thời nó cũng ít gây kích thích da hơn là Dermaplaning.
Nhược điểm: Da sẽ hơi mẩn đỏ và sưng tấy sau khi trị liệu. Không có tác dụng nhanh như Dermaplaning trong việc làm trơn láng bề mặt da ngay sau lần đầu trị liệu.
4. Lăn kim Microneedling
Microneedling là liệu pháp được đề nghị cho làn da bị mụn và sẹo mụn. Chuyên viên thẩm mỹ sẽ dùng dụng cụ lăn kim để gây châm chích cho làn da, gây tổn thương nhân tạo nhẹ. Qua đó kích thích tái tạo da non, collagen và elastin dưới da. Đồng thời, trong kim microneedling có chứa các hoạt chất dưỡng da như axít hyaluronic và vitamin C. Đây là liệu pháp tốt cho những ai có làn da mặt bị sần sùi vì sẹo mụn.
View this post on Instagram
Ưu điểm: Khá an toàn (chỉ không được khuyên dùng cho phụ nữ có thai hoặc những ai đang dùng thuốc trị mụn đặc trị).
Nhược điểm: Thời gian hồi phục lâu. Làn da bạn sẽ đỏ, hơi chảy máu dưới da trong suốt một ngày. Sau đó, da sẽ đóng vẩy trong vòng ba đến năm ngày. Bạn sẽ cần khoảng 4-5 lần điều trị để thấy hiệu ứng láng mượt da.
6. Trị liệu Laser Low-Energy 1927nm/Clear and Brilliant
Bác sỹ da liễu Heather Rogers cho biết, liệu pháp Laser Clear and Brilliant (hoặc các phương pháp laser tương tự ở mức năng lượng thấp) gây kích thích trẻ hóa da nhanh chóng. Tia laser gây thương tổn nhân tạo đến khoảng 5% bề mặt da. Tương tự như lăn kim, làn da vì vậy mà bị bắt buộc phải sản sinh collagen, elastin và tế bào da non để chữa lành.
View this post on Instagram
Ưu điểm: Thực hiện khoảng 2 tuần trước một sự kiện lớn và bạn sẽ thấy làn da láng mượt, trắng sáng lên trông thấy. Cơ mặt cũng sẽ căng hơn, tạo vẻ trẻ trung tức thì.
Nhược điểm: Mất một thời gian để có hiệu quả. Sau khi thực hiện liệu pháp laser, da mặt bạn sẽ sưng đỏ trong vòng một ngày. Bảy ngày sau đó, da sẽ khá khô. Nhưng đến mốc hai tuần thì làn da mới láng mượt trông thấy. Xuyên suốt giai đoạn này, bạn chỉ nên dùng serum và kem dưỡng tăng cường độ ẩm cho da.
7. Trị liệu laser phân đoạn Fraxel
Fraxel cũng là một loại laser. Nhưng nó mạnh hơn khi so với phương pháp Laser Clear and Brilliant. Cũng vì vậy mà Fraxel có hiệu ứng mạnh hơn và lâu hơn, nhưng đồng thời cần thời gian hồi phục gần gấp đôi so với Laser Clear and Brilliant.
Ưu điểm: Ngoài việc tốt cho làn da sần sùi, Fraxel còn có tác dụng trị cả nám và đốm nâu ưu việt. Nó là liệu pháp được khuyên dùng cho làn da hư tổn vì tia UV.
Nhược điểm: Sau khi thực hiện liệu pháp Fraxel, da bạn sẽ sưng đỏ trong vòng 2 ngày, nổi lớp vảy trong vòng 7 ngày, và bị khô trong vòng 14 ngày.
>>> Xem thêm: NHẬT KÝ TÁI TẠO DA CỦA MỘT NGƯỜI ĐÃ THỬ ĐIỀU TRỊ LASER FRAXEL
8. Trị liệu laser xâm lấn CO2 Fractional
Đây là phương pháp trị liệu laser mạnh bạo nhất. Trị liệu laser xâm lấn có tác động sâu vào trong da, xóa đi những nếp nhăn khó trị, đốm nâu và nám, những vết sẹo lâu ngày. Liệu pháp laser xâm lấn này kích thích tế bào chân bì, đẩy mạnh sản sinh collagen.
Hai loại liệu pháp laser xâm lấn thường thấy nhất sử dụng CO2 và erbium. Laser erbium thường chỉ dùng cho nếp nhăn. Còn laser xâm lấn CO2 Fractional có hiệu quả ưu việt nhất trong việc tái tạo bề mặt da. Nhưng cũng vì lý do này mà thời gian hồi phục của da hậu laser xâm lấn CO2 khá lâu.
Ưu điểm: Có hiệu quả triệt để trong việc trị liệu làn da mặt bị sần sùi. Đồng thời trị các triệu chứng lão hóa da khác.
Nhược điểm: Gây tổn thương cho da khá lâu. Làn da bạn sẽ sưng tấy trong vòng 4 ngày, mất 7-14 ngày đóng vảy, và 14-28 ngày bị khô da. Có thể thấy thời gian hồi phục gần như gấp đôi khi so với Fraxel.
Bảo dưỡng da mặt tại nhà để kéo dài hiệu quả trị liệu cho da mặt bị sần sùi
Các liệu pháp thẩm mỹ trên sẽ có kết quả hơn khi bạn kết hợp với việc dưỡng nhan cẩn thận ở nhà. Như bạn có thể thấy, các phương pháp trị liệu thẩm mỹ trên khá mạnh bạo, lại yêu cầu bạn phải ở nhà trong vòng vài ngày để cho phép da mặt hồi phục. Mà điều này khá khó khả thi trong nhiều trường hợp.
Để kéo dài hiệu quả trị liệu, sau khi làn da đã hồi phục, bạn hãy chú ý tẩy tế bào chết đều đặn, sử dụng serum và kem dưỡng da có nhiều chất chống ôxy hóa, và thêm retinol vào chu trình dưỡng da ban đêm. Đừng quên sử dụng kem chống nắng ban ngày.
Serum PETER THOMAS ROTH kết hợp Retinol và Peptide để cho kết quả chống lão hóa tốt nhất. Rất tốt để chăm sóc làn da trung niên. Có thể quá mạnh cho người dưới 40 tuổi.
>>> Xem thêm: BẠN CÓ ĐANG SỬ DỤNG KEM CHỐNG NẮNG SAI?
Trích Harper’s Bazaar Anh, Who What Wear
Harper’s Bazaar Việt Nam