Nhật ký tái tạo da của một người đã thử điều trị Laser Fraxel

Nhật ký của một người đi tìm lại làn da non trẻ qua phương pháp trị liệu với laser Fraxel

Tôi là một người mê thể thao. Đây là một thói quen từ những năm đi du học nước ngoài. Tôi từng tham gia nhiều cuộc chạy marathon. Khi chạy, tôi luôn ưu tiên mang theo kẹo năng lượng, vitamin, nước uống…và vì vậy chẳng còn chỗ để mang theo kem chống nắng. Hậu quả là chỉ mới hơn 30 tuổi mà mặt tôi xuất hiện nhiều tàn nhang. Bây giờ, cho dù tôi chống nắng đến cỡ nào thì làn da tôi ngày càng xuất hiện nhiều đốm nâu, vì nó đã bị tổn thương từ khi còn trẻ.

Cách đây vài tháng, tôi được mách là nên thử nghiệm điều trị laser Fraxel. Nghe đồn, đây là một kiểu liệu pháp tái tạo da, tốt cho rất nhiều triệu chứng như sẹo, đốm nâu, tàn nhang. Chị bạn mách tôi về laser Fraxel là một người hay đi biển, bị đốm nâu quanh vùng ngực và cổ. Chị ấy rất vui về kết quả, khiến cho tôi cũng nôn nao muốn thử.

Điều trị Laser Fraxel là gì?

Đầu tiên, tôi đã tìm đến bác sỹ chuyên khoa để tìm hiểu thêm về Laser Fraxel và nó khác biệt như thế nào so với các phương pháp laser khác.

Nói ngắn gọn, Fraxel là một dạng laser phân đoạn (fractional laser). Khi so sánh với phương pháp điều trị laser cũ, Fraxel an toàn hơn. Vì nó chỉ tập trung chữa trị vùng da cần được cứu chữa, nhờ tia laser siêu nhỏ và chính xác. Trong khi đó, những phương pháp cũ xử lý toàn bộ bề mặt da cho dù không cần thiết. Như vậy, các phương pháp cũ khiến da bị tổn thương nhiều hơn và kéo dài thời gian hồi phục.

Fraxel có thể dùng để chữa trị da bị tổn thương vì tia cực tím, sẹo và sẹo mụn.

Điều trị Laser Fraxel hoạt động như thế nào?

Các laser phân đoạn tập trung vào phân tử nước trong da. Các tia laser siêu nhỏ có độ chính xác cao thâm nhập sâu vào lớp hạ bì để kích thích sự hình thành collagen.

Điều này quan trọng ư, tôi hỏi.

Và bác sỹ gật đầu, “Tất nhiên”. Mỗi loại laser được thiết kế để xử lý một loại phân tử hay tế bào chuyên biệt. Ví dụ laser triệt lông vĩnh viễn thì nhắm vào những vùng nhiều melamin. Còn laser loại bỏ hình xăm thì nhắm vào phân tử màu trong da. Điều này xác định độ mạnh, yếu của tia laser. Như vậy để bạn không phải lo lắng rằng tia laser sẽ “triệt tiêu” lông mày của bạn khi điều trị da mặt.

Quá trình chuẩn bị da không mấy phức tạp Laser Fraxel

Trước khi bắt đầu trị liệu, bác sỹ yêu cầu tôi phải chuẩn bị làn da thật tốt để đảm bảo da mau lành sau khi chữa trị.

Các yêu cầu cũng khá đơn giản. Tôi cần đảm bảo không gây kích ứng da. Không dùng sản phẩm tẩy, lột da; không dùng mỹ phẩm có chứa retinoids; và tránh ánh nắng mặt trời tối đa. Ngoài ra, không bóp mụn, không có vết thương hở miệng hay nhiễm trùng trên mặt trước khi điều trị.

Điều trị Laser Fraxel có đau không?

Theo lời bác sỹ, tôi đã chuẩn bị tinh thần thật tốt trong vòng 1 tuần trước khi điều trị.

Đến ngày chữa trị, tôi được bôi kem gây tê lên vùng da được chữa. Đây là vì tia laser Fraxel mạnh hơn, nên cũng đau hơn so với các kiểu chữa trị bằng laser khác.

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy được độ nóng và cảm giác hơi châm chích nhẹ. Làn da đỏ lên như vừa cháy nắng. Nhưng tôi hoàn toàn có thể chịu được. Tôi nghĩ, cảm giác cũng sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào nơi được chữa trị. Như chị bạn tôi chữa trị vùng da ngực thì cho rằng chỉ hơi tê nhẹ chứ không đau.

Chăm sóc da hậu điều trị Fraxel

Trong ngày đầu tiên

Sau khi làn da đã bớt đỏ, tôi được bác sỹ “thả” về nhà. Đây là lúc việc chăm sóc da hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn.

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, cảm giác rát da như cháy nắng đã biến mất. Và trong 2 ngày đầu tiên, tôi chỉ dám vỗ mặt bằng nước lạnh. Bình thường tôi có dùng nước ấm để rửa mặt nhằm làm nở lỗ chân lông, nhưng việc này sẽ khiến vùng da điều trị bị đau!

Trong 3-5 ngày kế tiếp

Sau đó, da mặt tôi bắt đầu xuất hiện những vết nâu sần, nơi tia laser đã điều trị các đốm nâu. Nó không xấu, nhưng nó không khiến tôi tự tin cho lắm. Theo lời bác sỹ, làn da sẽ cần từ 5-7 ngày để lành lặn. Vì vậy, tôi đã xin làm việc từ nhà suốt cả tuần. Vừa là để tránh đi ra đường, tiếp xúc với ánh nắng. Vừa là để cho da lành lặn thêm.

Chị bạn tôi, người đã chữa trị vùng da ngực, thì “dễ thở” hơn. Chị ấy bảo chỉ cần mặc áo cổ lọ là được. Và do chị ấy làm trong môi trường văn phòng máy lạnh nên chẳng ai để ý đến cách ăn mặc “kín cổng cao tường”.

Tuy nhiên tôi nghĩ, việc khó làm nhất trong suốt giai đoạn điều trị là ngăn ngừa cảm giác ngứa ngáy khi lên da non. Có nhiều lúc tôi đã muốn dùng bông lau mặt để…gãi cho đỡ ngứa. Nhưng bác sỹ dặn là tôi phải để những lớp da non lành tự nhiên. Không gãi, không cào lớp vẩy đi.

Trong tuần đầu tiên này, tôi cũng được khuyên chỉ dùng những mỹ phẩm nhẹ nhàng nhất để chăm sóc da. Ví dụ mặt nạ lô hội hay axít hyaluron. Đây là vì làn da non mẫn cảm hơn, và dễ nổi mụn hay bị kích ứng khi tiếp xúc với các thành phần dưỡng da “nặng đô” như sản phẩm tẩy tế bào chết, niacinamide hay retinol. Bác sỹ cũng khuyên tôi bỏ qua các tinh dầu thiên nhiên hay mỹ phẩm có hương thơm.

Tôi đã phải điều trị 3 lần để có kết quả tốt nhất

Do da mặt tôi bị đốm nâu khá dày nên tôi phải điều trị đến 3 lần. Lần đầu tiên, bác sỹ đã thử phản ứng của da tôi với mức tia laser cấp độ thấp nhất. Đến hai lần sau thì tôi được “tăng độ”. Để có làn da mượt như ý.

Và có lẽ bạn cũng như vậy.

Tất nhiên, chi phí không phải quá rẻ. Vì vậy ban đầu tôi còn khá lưỡng lự khi điều trị da bằng laser Fraxel. Nếu tôi chọn liệu pháp laser cũ, có lẽ chỉ cần một lần là tôi đã có làn da mượt hơn hẳn. Nhưng những liệu pháp ấy không an toàn cho sức khỏe bằng laser Fraxel (hãy nhớ, Fraxel chỉ chữa trị vùng tế bào bị tổn thương; không kích ứng tế bào khỏe; thời gian lành da nhanh hơn). Nên cuối cùng tôi đã gật đầu chọn biện pháp này.

Fraxel an toàn cho sức khỏe, nhưng bạn phải nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện điều trị

Theo lời bác sỹ, bạn phải chọn một địa chỉ uy tín; có máy móc tối tân; cùng bác sỹ có tay nghề cao để điều trị. Ví dụ, trong trường hợp của tôi, bác sỹ đã khuyên thực hiện 3 lần thay vì chỉ 1 lần để có kết quả tốt, không gây đau, để làn da tôi từ từ thích ứng. Nếu tôi đến một nơi thiếu chuyên nghiệp hơn, có lẽ họ sẽ tư vấn chỉ thực hiện 1 lần (cho rẻ, theo ý ban đầu của tôi); để rồi kết quả không được như ý.

Nếu bạn có làn da nhiều tàn nhang, đốm nâu như tôi, có lẽ bạn cũng nên thử laser Fraxel. Không chỉ vì lý do đẹp, mà còn để ngăn ngừa ung thư da.

Do laser Fraxel loại bỏ những đốm nâu có khả năng hình thành tế bào ung thư da, nó là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả.

Nói tóm lại…

Tôi khá hạnh phúc vì làn da mới của mình. “Khá hạnh phúc” vì quy trình dưỡng da có phần thêm mệt. Tôi phải sử dụng các mỹ phẩm dưỡng trắng da song song (như vitamin C), chống nắng đầy đủ và dưỡng ẩm liên tục. Nhưng ai cũng khen làn da mới của tôi, nên thôi, tôi sẽ chịu khó!

Ghi lại theo lời kể của chị N.
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm