Bao bì sản phẩm tác động lớn đến hành vi tiêu dùng. Vì đó là điều đầu tiên đập vào mắt người mua để đi đến quyết định có mua sản phẩm hay không. Tuy nhiên, cứ mỗi sản phẩm làm đẹp sau khi sử dụng là môi trường lại có thêm một lượng rác thải.
Mỗi năm, có hơn 120 tỷ đơn vị bao bì được sản xuất phục vụ cho ngành công nghiệp làm đẹp toàn cầu. Những tấm các tông làm bao bì cho nước hoa, serum và kem dưỡng góp phần làm mất đi 18 triệu mẫu rừng mỗi năm. Nếu mức độ tiêu thụ mỹ phẩm này vẫn tiếp tục, đến năm 2050, sẽ có 12 tỷ tấn nhựa ở các bãi chôn lấp, tương đương với 35.000 tòa Empire State Building ở New York.
Vai trò của bao bì mỹ phẩm
Không thể phủ nhận rằng bao bì mỹ phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu, cung cấp thông tin sản phẩm và bảo vệ sản phẩm khỏi tác động của môi trường bên ngoài.
Xu hướng làm đẹp bền vững ra đời khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh, lành tính hoặc các loại mỹ phẩm không bao bì. Đây được xem là giải pháp đáng quan tâm cho vấn đề về rác thải từ bao bì mỹ phẩm.
Những phương pháp cải thiện bao bì mỹ phẩm để hạn chế rác thải nhựa
1. Áp dụng sản phẩm làm từ vật liệu tái chế
Một số loại nhựa như nhựa PET, thủy tinh, thép, nhôm đều có thể được tái chế để tiếp tục tạo nên bao bì mỹ phẩm mới. Việc tái sử dụng nguyên vật liệu giúp hạn chế tác động tiêu thụ năng lượng và hao tổn tài nguyên thiên nhiên gin.
2. Chọn mua mỹ phẩm không bao bì
Bao bì mỹ phẩm sử dụng sản phẩm tái chế chỉ hợp lý nếu khách hàng có thói quen tái chế. Ở một số quốc gia nghèo, nơi việc phân loại rác thải còn sơ khai, điều này chưa khả thi. Vậy, nhất thiết mỹ phẩm nào cũng cần bao bì nhựa hay thủy tinh không? Câu trả lời là không.
Chỉ có các loại sản phẩm dạng lỏng, trong thành phần có chứa nước, mới cần đến loại bao bì cứng cáp. Còn các loại mỹ phẩm dạng khô thì thực tế không cần. Chúng có thể được đặt trong hộp làm từ vật liệu có khả năng tự phân hủy như bìa carton làm từ bột bắp hay bã mía, bên trong có thêm gói hút ẩm là được.
Các mặt hàng như xà phòng, bath bomb, kem đánh răng dạng bột, sáp dưỡng thể dạng rắn… là một số ví dụ. Một thương hiệu tiên phong trong phong trào sản phẩm làm đẹp không bao bì là Lush đến từ Mỹ.
3. Tăng cường sử dụng mỹ phẩm dạng refill
Để bảo đảm vệ sinh cũng như chất lượng, ngành công nghiệp làm đẹp là nguyên nhân hàng đầu trong việc tạo ra rác thải nhựa. Một số thương hiệu mỹ phẩm đã cho ra đời các sản phẩm có thể “refill” sau khi sử dụng.
Bắt đầu với các lọ kem dưỡng thể, kem dưỡng da, giờ đây các dòng sản phẩm như son môi, cushion, nước hoa đều có thể refill. Điều này giúp kéo dài thời gian sử dụng các chai, lọ, giảm thiểu nhu cầu khai thác vật liệu mới và giảm lượng khí thải CO2.
GUERLAIN ÁP DỤNG CỒN HỮU CƠ VÀ BAO BÌ REFILL CHO DÒNG NƯỚC HOA AQUA ALLEGORIA
HERMÈS THIẾT KẾ SON MÔI VỚI LÕI CÓ THỂ THAY THẾ, THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam