9 lợi ích tuyệt vời bạn sẽ nhận được khi ăn quả sung

Nếu bạn thường ăn quả sung nhập từ Nhật, Đài, Mỹ, Úc... và thắc mắc các công dụng của quả này thì khám phá ngay!

ăn quả sung có tác dụng gì

Quả sung (tên khoa học là Ficus carica) là loại trái cây có hình giống với giọt nước, to hơn hoặc gấp đôi ngón tay cái, vỏ màu tím hoặc xanh lục. Thậm chí có giống sung Mỹ quả to bằng quả trứng gà. Thịt quả sung màu hồng, có vị ngọt nhẹ.

Trước đây Việt Nam không có nhiều loại sung này, nhưng giờ bạn có thể tìm mua sung Nhật, Mỹ, Úc… tại các siêu thị bán đồ ngoại nhập. Thậm chí từ năm ngoái, một số nhà vườn ở Đà Lạt cũng có trồng loại sung này. Trong khi sung Việt Nam chát, ăn dễ bị táo bón do nhiều nhựa, thì quả sung này có tác dụng gì bạn đã biết chưa?

Thành phần dinh dưỡng

Quả sung tươi giàu chất dinh dưỡng nhưng lại tương đối ít calo. Vì vậy, loại quả này là một nguồn bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống lành mạnh.

Một quả sung tươi nhỏ (40g) chứa:

  • Lượng calo: 30
  • Chất đạm: 0g
  • Chất béo: 0g
  • Carbs: 8g
  • Chất xơ: 1g
  • Đồng: 3%  DV
  • Magiê: 2% DV
  • Kali: 2% DV
  • Riboflavin: 2% DV
  • Thiamine: 2% DV
  • Vitamin B6: 3% DV
  • Vitamin K: 2% DV

*DV: giá trị dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày

Bạn lưu ý quả sung tươi chỉ chứa một số ít calo từ đường tự nhiên, vì vậy nó là một món ăn nhẹ hợp lý. Trong khi đó, quả sung khô lại nhiều đường và giàu calo, vì trong quá trình sấy khô đường đã được cô đặc lại.

Ăn quả sung có tác dụng gì? Tác dụng của quả sung

Tác dụng của quả sung

Ảnh: Anthony Shkraba/Pexels

Quả sung có nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm:

1. Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa

Quả sung từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc điều trị cho các vấn đề về tiêu hóa như táo bón.

Sung giàu chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa bằng cách làm mềm và bổ sung lượng lớn chất xơ vào phân, giảm táo bón và đóng vai trò như một loại prebiotic – nguồn thức ăn cho các vi khuẩn lành mạnh cư trú trong ruột.

Trong các nghiên cứu trên động vật, chiết xuất quả sung giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn, giảm táo bón và cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như viêm loét đại tràng.

Một nghiên cứu ở 150 người bị hội chứng ruột kích thích kèm táo bón cho thấy những người ăn khoảng 4 quả sung khô (45g) 2 lần mỗi ngày giảm đáng kể các triệu chứng đau bụng, đầy hơi và táo bón so với nhóm đối chứng.

Một nghiên cứu tương tự ở 80 người cũng cho thấy rằng việc bổ sung khoảng 300g bột trái sung mỗi ngày trong 8 tuần làm giảm đáng kể tình trạng táo bón, so với nhóm đối chứng.

2. Có thể cải thiện sức khỏe mạch máu và tim

quả sung có thể cải thiện sức khỏe mạch máu và tim

Quả sung có thể cải thiện huyết áp và lượng mỡ máu, vì vậy cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất quả sung có thể làm giảm huyết áp ở chuột (cả những con có huyết áp bình thường cũng như huyết áp cao).

Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy sự cải thiện về mức cholesterol toàn phần, cholesterol HDL (tốt) và chất béo trung tính khi bổ sung chiết xuất lá sung.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu kéo dài 5 tuần ở 83 người có cholesterol LDL (có hại) cao, các nhà nghiên cứu cho biết rằng những người bổ sung khoảng 14 quả sung khô (120g) vào chế độ ăn uống hàng ngày, lượng mỡ máu không có sự thay đổi so với nhóm đối chứng.

Vì vậy, theo các nhà khoa học, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa quả sung và sức khỏe tim mạch.

3. Ăn quả sung có tác dụng gì? Kiểm soát lượng đường trong máu

 Ăn quả sung có tác dụng gì? Kiểm soát lượng đường trong máu

Năm 1998, một nghiên cứu trên 10 người mắc bệnh tiểu đường loại 1 cho thấy uống trà lá sung vào bữa sáng có thể làm giảm lượng insulin mà cơ thể cần. Trong một tháng họ được uống trà lá sung, liều lượng insulin giảm khoảng 12%.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy đồ uống có chứa liều lượng cao chiết xuất từ ​​quả sung có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn so với đồ uống không có chiết xuất loại quả này. Có nghĩa là những đồ uống này sẽ có tác động thuận lợi hơn đến lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, quả sung, đặc biệt là quả sung khô, chứa nhiều đường và có thể làm tăng lượng đường trong máu trong thời gian ngắn. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn quả sung khô.

4. Làm cho làn da khỏe mạnh

công dụng của quả sung giúp da khỏe mạnh

Quả sung rất tốt cho da, đặc biệt là ở những người bị viêm da dị ứng hoặc da khô, ngứa do dị ứng. Đây chính là công dụng của quả sung đã được các nhà khoa học chứng minh.

Một nghiên cứu ở 45 trẻ em bị viêm da cho thấy bôi loại kem chiết xuất từ quả sung khô 2 lần/ngày trong 2 tuần có thể điều trị các triệu chứng viêm da hiệu quả hơn so với kem hydrocortisone (một loại kem dùng để điều trị các vấn đề về da như ngứa, kích ứng, sưng).

Hơn nữa, trong một nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm đã cho thấy sự kết hợp của các chất chiết xuất từ quả sung có tác dụng chống oxy hóa tế bào da, giảm phân hủy collagen và cải thiện sự xuất hiện của nếp nhăn.

5. Chữa rối loạn cương dương

Chữa rối loạn cương dương

Một số người xem một số loài cây như chất xúc tác kích thích tình dục. Và họ chọn quả sung cùng với lý do đó.

Một nghiên cứu trên chuột đã kiểm tra khả năng kích thích tình dục của ba loại cây: Fumaria officinalis (một loại cây có hoa thuộc họ anh túc), quế Trung Quốc và quả sung. Kết quả là những con chuột được cho dùng chiết xuất của các loại quả này có hoạt động tình dục tăng lên so với nhóm đối chứng.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, rất khó để xác định loại nào trong số ba loại trên đã làm tăng hoạt động tình dục.

6. Ăn quả sung có tác dụng gì? Cải thiện sức khỏe mái tóc

Có rất ít các nghiên cứu chứng minh mối liên hệ giữa quả sung với sức khỏe mái tóc. Tuy nhiên, loại quả này rất giàu chất sắt – một khoáng chất quan trọng, giúp duy trì một mái tóc khỏe mạnh.

7. Công dụng của quả sung giúp trị mụn cóc

Công dụng của quả sung giúp trị mụn cóc

Một nghiên cứu cũ trên International Journal of Dermatology đã so sánh tác dụng của nhựa (mủ) cây sung với tác dụng của phương pháp áp lạnh đối với mụn cóc thông thường.

25 người tham gia nghiên cứu bị mụn cóc thông thường ở cả hai bên cơ thể. Các nhà nghiên cứu bôi nhựa cây sung ở một bên, bên kia sử dụng phương pháp áp lạnh. Kết quả: nhựa sung giải quyết hoàn toàn mụn cóc cho 44% người tham gia, song liệu pháp áp lạnh lại có hiệu quả hơn: chiếm 56%.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu tại sao nhựa sung có thể giúp giải quyết mụn cóc. Song đây là một phương pháp điều trị an toàn và dễ sử dụng mà ít gây ra hoặc không có tác dụng phụ.

>>> Bạn có thể quan tâm: CÁCH TRỊ MỤN CÓC BẰNG VÔI

8. Ăn quả sung có tác dụng gì? Giúp hạ sốt

Ăn quả sung có tác dụng gì? Hạ sốt

Một nghiên cứu trên chuột cho thấy một liều chiết xuất rượu sung làm giảm nhiệt độ cơ thể đến 5 giờ. Đến thời điểm hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải thích được tác dụng làm giảm nhiệt độ của quả sung, vậy nên vẫn cần một số nghiên cứu sâu sơn về vấn đề này.

9. Đặc tính chống ung thư tiềm năng

Nhiều nghiên cứu trên ống nghiệm đầy hứa hẹn đã được tiến hành về tác dụng của lá sung đối với tế bào ung thư. Lá và nhựa sung đã được chứng minh là có hoạt tính kháng u, chống lại ung thư ruột kết ở người, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và các tế bào ung thư gan.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ăn lá sung hay uống trà lá sung cũng mang lại hiệu quả tương tự. Các nghiên cứu cần tiến hành trên người để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc ăn lá sung hoặc lá sung ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư.

Tác hại của quả sung

quả sung khô

Mặc dù những công dụng của quả sung là vô cùng hữu ích, nhưng loại quả này cũng có một số tác hại tiềm ẩn.

♦ Gây ra một số vấn đề về tiêu hóa

Khi chúng được sử dụng như một biện pháp điều trị táo bón tại nhà, quả sung có thể gây tiêu chảy hoặc các vấn đề tiêu hóa khác. Vì loại quả này có hàm lượng chất xơ cao, nên ăn quá nhiều quả sung, đặc biệt là quả sung khô, có thể gây tiêu chảy.

♦ Tương tác thuốc

Quả sung cũng khá giàu vitamin K, có thể cản trở các loại thuốc làm loãng máu như warfarin và khiến chúng kém hiệu quả hơn.

♦ Dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng với quả sung. Các nhà nghiên cứu ở Vienna phát hiện ra rằng nhiều người dị ứng với phấn hoa bạch dương có kết quả xét nghiệm dị ứng da với quả sung tươi.

Cách thêm quả sung vào chế độ ăn uống

cây sung

Nên chọn quả sung tươi hay sung khô? Việc chọn quả sung khô hay tươi tùy thuộc vào khẩu vị, sở thích của mỗi người. Quả sung khô chứa nhiều calo, đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất hơn quả sung tươi. Quả sung tươi có nhiều vitamin C, vitamin A và beta-carotene.

• Tươi: Quả sung tươi có hàm lượng calo thấp và là một món ăn nhẹ tuyệt vời. Bạn có thể cho sung tươi vào món salad, làm món tráng miệng hoặc biến tấu thành mứt sung để ăn dần.

• Khô: Quả sung khô điều trị táo bón hiệu quả hơn so với quả sung tươi. Tuy nhiên, chúng chứa nhiều đường và calo nên bạn đừng ăn quá nhiều.

• Trà lá sung được làm từ lá sung khô. Bạn có thể tự làm hoặc mua trà lá sung bán tại các cửa hàng đặc sản.

• Lá sung dùng để bọc các món ăn có cơm, thịt hoặc băm nhỏ cho vào món ăn có nhân.

Ăn quả sung có tác dụng gì? Quả sung có lợi cho sức khỏe, vậy nên bạn có thể sử dụng với lượng phù hợp để loại quả này phát huy tác dụng nhé!

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm