“Ai sẽ kế vị Virginie Viard tại Chanel?” là câu hỏi giới mộ điệu băn khoăn nhất lúc này

Khi Virginie Viard rời chiếc ghế cầm quyền của Chanel, giới mộ điệu đưa ra những dự đoán về danh sách những người thừa kế tiềm năng.

virginie-viard-roi-chanel

NTK Virginie Viard rời Chanel. Ảnh: Getty Images

Chanel công bố tin tức Virginie Viard sẽ rời vị trí Giám đốc sáng tạo sau 5 năm nắm giữ mà không nêu tên người lèo lái mới. Điều đó đồng nghĩa một trong những chiếc ghế được khao khát nhất trong làng mốt đang để trống, và ai cũng không khỏi đồn đoán NTK nào sẽ được nêu tên để ngồi vào vị trí này.

Sự ra đi của Virginie Viard diễn ra vào giai đoạn làng mốt đang chứng kiến nhiều đổi mới, và chính vì vậy, giới mộ điệu mau chóng lập danh sách ứng cử viên cho vị trí giám đốc sáng tạo mới của Chanel. Được nêu tên trên hết là Pierpaolo Piccoli với 25 năm đồng hành cùng Valentino, Sarah Burton và 26 năm rực rỡ tại Alexander McQueen, Jeremy Scott với một thập kỷ vui nhộn tại Moschino, và cả “gã quái kiệt” Hedi Slimane được tin là sẽ rời Celine sau 6 năm gắn bó.

Song, ai sẽ là người thực sự kế nhiệm Virginie Viard tại Chanel? Đó là cả một kế hoạch cần sự tính toán kỹ càng đến từng đường đi nước bước, bởi không chỉ phù hợp về lăng kính sáng tạo, người dẫn dắt mới của thương hiệu cũng phải đáp ứng được bài toán kinh doanh và giữ vững được vị thế của nhà mốt Pháp. Dẫu sao, hội tín đồ đang có nhiều những suy đoán thú vị về người tiếp theo sẽ đóng góp vào lịch sử của Chanel, trong thời gian chờ đợi thương hiệu khiến họ bất ngờ với tin tức tiếp theo.

Pierpaolo Piccioli

PIERPAOLO-valentino

Pierpaolo Piccioli. Ảnh: Valentino

Đinh tán (Rockstud), sắc hồng fuchsia “Pink PP” là hai trong số muôn vạn các hiện tượng thảm đỏ gắn liền với thương hiệu Valentino do Pierpaolo Piccioli khởi xướng. Ông có khả năng tạo trend – điều mà Virginie Viard bị cho là không thể mang đến cho Chanel.

Sự rạng rỡ và thú vị từ màu sắc đến chất liệu đã luôn hiện hữu trong những khoảnh khắc định hình nên tên tuổi của NTK người Ý. Chỉ cần xem qua một vài sàn diễn couture của ông, người ta hiểu vì sao ông được gọi là “bậc thầy pha màu.” Không chỉ vậy, Piccioli biết đan xen sự kỳ ảo với tính ứng dụng, chiều lòng những khách hàng mê mẩn sự hoa mỹ, nhưng vẫn luôn hiện hữu với những vị khách thích phục sức thực tế.

valentino-chanel-successor-1

Rockstud trứ danh của Valentino. Ảnh: ImaxTree

valentino-pink-pp

Nỗi ám ảnh màu hồng mang tên Pink PP của Valentino. Ảnh: ImaxTree

Song, Chanel là một nhà mốt được biết đến với thông lệ luôn có những tạo hình trắng – đen đặc trưng trong mỗi bộ sưu tập. Một NTK chuyên “chơi màu” như Piccioli có phù hợp hay không? BST ready-to-wear cuối cùng của ông là lời khẳng định chắc chắn nhất. Toàn bộ sắc đen bao phủ sàn diễn nhưng không hề tẻ nhạt. Ông chứng minh khả năng thiên biến vạn hoá của màu đen không tuổi khi khai thác chiều sâu của màu sắc kinh điển này bằng nhiều chất liệu khác nhau mà vẫn hoà phối mượt mà.

valentino-2

Thiết kế trong BST Ready To Wear Thu Đông 2024. Ảnh: ImaxTree

valentino-3

Thiết kế trong BST Ready To Wear Thu Đông 2024. Ảnh: ImaxTree

Với 25 năm kinh nghiệm tại Valentino, Pierpaolo Piccioli là ứng cử viên nặng ký cho vị trí giám đốc sáng tạo Chanel. Tuy nhiên, khả năng này không cao, bởi lý do ông rời Valentino bởi quá mệt mỏi trước guồng công việc không ngừng nghỉ của một nhà mốt cao cấp. Hiện tại, ông đang tận hưởng giai đoạn nghỉ xả hơi của mình sau khi từ chức tại nhà mốt nước Ý.

Sarah Burton

Sarah Burton tại Met Gala 2011. Ảnh: Getty Images

Có người cho rằng Chanel cần có một “Lagerfeld 2.0”. Nhưng cũng không ít người cho rằng một nữ giám đốc sáng tạo mới để tiếp bước Gabrielle “Coco” Chanel, Virginie Viard là ý tưởng không tồi.

Xét về thành công thương mại, thương hiệu Alexander McQueen có sự tăng trưởng rõ rệt dưới thời kỳ của Sarah Burton. Ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Kering đánh giá dòng sản phẩm may sẵn của thương hiệu vẫn có kết quả kinh doanh tốt. Dẫu cho Alexander McQueen chưa từng đạt cột mốc doanh thu để trở thành thương hiệu dẫn đầu của tập đoàn, thành tích mà Sarah Burton tạo dựng được là không thể ngó lơ.

sarah-burton-design-2

Thiết kế của Sarah Burton. Ảnh: ImaxTree

Khi nói về khả năng thiết kế của Burton, ta còn dễ ấn tượng hơn so với kết quả kinh doanh mà bà mang lại cho thương hiệu. Những đường may, thêu mềm mại tạo nên diện mạo sắc sảo. Kỹ năng của bà được lòng rất nhiều ngôi sao lớn tại Hollywood. Nếu được kết hợp với mạng lưới ngôi sao của Chanel, hội tín đồ hẳn sẽ được thưởng thức nhiều tạo hình mang tính biểu tượng hơn nữa.

Jeremy Scott

jeremy-scott-chanel

NTK Jeremy Scott. Ảnh: The Cut

Moschino là thương hiệu vốn nổi danh về sự vui nhộn và ngông cuồng. Việc một cựu giám đốc sáng tạo của Moschino góp mặt trong danh sách đề cử cho thương hiệu thanh lịch bậc nhất Pháp có vẻ là chuyện đùa. Tuy nhiên, nhưng nếu Chanel muốn tìm lại sự hưng thịnh của thời kỳ Karl Lagerfeld, thì tìm kiếm một nhà thiết kế giỏi hiện thực hóa những ý tưởng bất quy tắc như Scott nên là lựa chọn ưu tiên.

moschino-2

Thiết kế trong BST Moschino Ready to wear Thu Đông 2023. Ảnh: ImaxTree

Chanel dưới thời ông hoàng tóc bạc đâu thiếu những khoảnh khắc khiến khán giả choáng ngợp. Nào là bắt chéo hai chiếc Chanel flap bag trứ danh, hay đeo chiếc túi tròn to bằng cả thân trên của người mẫu, mẫu nam đeo mặt nạ sư tử trên sàn diễn Haute Couture…

Karl Lagerfeld là người bạn thân của Jeremy Scott lúc sinh thời, và cả hai có lẽ tìm được điểm chung trong lăng kính sáng tạo. 10 năm ở Moschino đã chứng minh Jeremy Scott là bậc thầy của niềm vui và sự biến hoá trong thời trang, mà việc thích ứng với mật mã của nhà mốt hoa trà hẳn là một thử thách mà Scott rất hoan hỉ chinh phục.

Ngoài ra, cả Karl Lagerfeld và Jeremy Scott đều có chung khả năng phát hiện những tài năng mới. Họ là những người đi đầu trong việc chiêu mộ tài năng Kpop đến với thời trang, hàng nhiều năm trước khi các thần tượng Kpop nối đuôi nhau trở thành đại sứ toàn cầu của các thương hiệu. Chanel dưới thời kỳ của Virginie Viard dường như bắt đầu thiếu vắng sự liên kết trực diện giữa giám đốc sáng tạo và các ngôi sao; điều này có thể được khắc phục với một nhà thiết kế đầy cá tính như Jeremy Scott.

Hedi Slimane

hedi-slimane-chanel

NTK Hedi Slimane. Ảnh: Hedi Slimane

Trong tất cả ứng cử viên, Hedi Slimane đang được tin tưởng sẽ sớm trở thành người dẫn dắt Chanel, và sự kỳ vọng của số đông là có cơ sở. Nhìn lại hành trình có phần “chuyên quyền” của Hedi Slimane tại Celine, khi anh biến người phụ nữ thanh lịch của Phoebe Philo thành một nàng drug-chic sành điệu và phóng khoáng, thì nỗ lực trẻ hoá thương hiệu mà Virginie Viard mong muốn sẽ được thực hiện dưới sự cầm trịch quyết liệt của gã quái kiệt.

celine-chanel-successor-2

BST Celine Ready to wear Xuân Hè 2024. Ảnh: ImaxTree

celine-chanel-successor-1

BST Ready Celine to wear Xuân Hè 2024. Ảnh: ImaxTree

Trong danh sách “thừa kế” đang được hội tín đồ truyền tai nhau, Hedi Slimane là người từng trải nhất với vẻ đẹp thanh lịch kiểu Pháp. Anh đã quen với những bộ suit chân váy dệt từ vải tweed, thường xuyên đính kết nơ lên trang phục, và cũng đã khai thác ngọc trai không ít lần. Thiết kế của Hedi Slimane luôn đẹp mắt và thời thượng, đầy tính ứng dụng và có lối phối kết rõ ràng, bảo chứng cho thực lực và chuyên môn thương mại.

Đặc biệt, dòng sản phẩm túi xách danh tiếng của Chanel khi được trao quyền cho một NTK cũng từng tạo ra Celine Triomphe điên đảo giới mộ điệu sẽ có tương lai đầy hứa hẹn. Ai cũng chờ đón một Chanel sắc sảo và cá tính hơn nữa khi hòa trộn với sự ngỗ nghịch của Hedi.

Đề cử danh giá: Haider Ackermann

haider-ackermann-chanel

NTK Haider Ackermann. Ảnh: Luc Coiffait

Dáng hình tinh gọn, đối xứng, tính toán đến từng chiếc tà váy – không có chi tiết nào trong thiết kế của Haider Ackermann là không có chủ đích và không mang đến sự thích thú cho khán giả. Tài năng của nhà thiết kế người Pháp dẫn ông đến con đường hợp tác và trình làng BST Couture cho nhiều thương hiệu danh tiếng bậc nhất như Jean Paul Gaultier, đạt được thành công vang dội.

Tuy vậy, việc chưa có nhiều trải nghiệm để đảm nhận một đế chế xa xỉ hàng đầu làng mốt có lẽ là rào cản duy nhất khiến Haider Ackermann chưa phải là lựa chọn ưu tiên cho Chanel.

Từ trước đến nay, NTK duy trì thương hiệu riêng, và chỉ gắn bó với vị trí giám đốc sáng tạo cho Berluti trong 3 năm ngắn ngủi. Trong khi đó, Chanel là một “gã khổng lồ” hoàn toàn khác biệt về quy mô. Cạnh việc thuyết phục khách hàng bằng những thiết kế đẹp mắt, có chiến lược kinh doanh thức thời, đồng thời thích nghi với bộ máy vận hành của thương hiệu lớn là yêu cầu tối quan trọng để lèo lái thương hiệu.

haider-ackermann-2

BST Ready to wear Xuân Hè 2018. Ảnh: ImaxTree

haider-ackermann-1

Ảnh: ImaxTree

ĐỌC THÊM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm