Trong nhiều thế kỷ xưa, thời trang nam luôn đại diện cho sự cải tiến, vì nữ giới hầu như hiếm ra khỏi nhà và không đòi hỏi chưng diện. Tuy nhiên, từ thế kỷ 19 đến 21, điều này đảo ngược. Nhờ trào lưu giải phóng nữ giới, phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, có thu nhập riêng, chi tiêu cũng phóng tay hơn. Lúc này, thời trang nam bị giới hạn trong những chuẩn mực truyền thống, do đó phát triển chậm hơn khi so với thời trang nữ.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, thời trang nam có những thay đổi vượt bậc, khi nhiều nhà thiết kế nỗ lực định nghĩa lại sự nam tính trong thời trang. Nếu như Xuân Hè 2021 là cuộc đổ bộ của những chiếc váy nữ tính vào làng thời trang nam. Thì mùa Thu Đông 2022, phong cách đàn ông mặc váy trở lại với hình hài dễ được đám đông chấp nhận hơn. Dáng hình thanh lịch vừa đủ, nhưng vẫn bật chất nam tính.
Những chiếc đầm cho nam giới trong mùa Thu Đông 2022 làm dấy lên câu hỏi về định nghĩa nam tính, nữ tính cũng như chuẩn mực ăn mặc.
Đàn ông từng mặc váy trong quá khứ. Vì sao điều này thay đổi?
Trong quá khứ, váy và đầm là trang phục hàng ngày của hầu hết các nền văn minh cổ đại.
Người Ai Cập mặc schenti (khố tương tự như váy), thắt đai ở eo và đôi khi xếp nếp ở phía trước. Giới thượng lưu Hy Lạp mặc chiton, một dạng áo dài như đầm buộc ở vai, còn người La Mã mặc toga, mảnh vải lớn quấn trên người. Trong khi đó trang phục cơ bản dành cho cả hai giới và mọi tầng lớp xã hội thời Hy Lạp, La Mã cổ đại là áo tunic.
Ở La Mã cổ đại, đàn ông tuyệt đối không mặc quần. Họ thậm chí xem trang phục này là lố bịch. Lý do vì họ xem thường các nền văn minh mặc quần – Ba Tư, Scythia (Ấn Độ), Gaul (Pháp) – cho rằng những xã hội ấy không văn minh bằng mình. Văn thư cổ cho thấy họ miêu tả người Gaul là “ẻo lả” khi mặc quần dài. Người lính La Mã mặc ngắn biểu lộ cho sự dũng cảm và nhanh nhẹn trong khi chiến đấu.
Vậy, vì sao chiếc quần dài lại dần thay thế chiếc váy trong phục trang nam giới? Các nhà sử gia cho rằng lý do vì quần cần thiết khi cưỡi ngựa, đặc biệt là trong thời tiết lạnh. Mà ngựa chiến là một công cụ của chiến tranh, giúp các cường quốc phát triển. Từ đó, quần trở thành một thứ cần thiết cho đàn ông.
Lấy ví dụ, người Nhật mặc kimono là một loại váy kèm áo choàng, nhưng samurai lại mặc quần thụng. Đàn ông Trung Quốc vốn mặc váy trước Công Nguyên, nhưng qua đến thời kỳ chiến tranh loạn lạc cũng chuyển sang mặc quần. “Những kẻ không chịu nuôi dạy ngựa chiến và chuyển sang mặc quần, hoặc làm điều ấy chậm trễ, thua cuộc so với những người mau chóng thay đổi”, theo nhà nghiên cứu Peter Turchin của đại học Connecticut, Mỹ.
Những kẻ chiến thắng trong chiến tranh sẽ giàu có hơn và quyền lực hơn. Dần dần, đàn ông mặc quần trở thành biểu tượng cho giới cầm quyền, và văn hóa đàn ông mặc váy biến mất.
Bây giờ, một số quốc gia vẫn lưu giữ văn hóa đàn ông mặc váy, bao gồm Fiji, Myanmar, Bhutan. Ở Hy Lạp, nó là một phần không thể thiếu của quân phục. Người Scotland cũng tự hào vì chiếc váy kilt của họ. Tuy nhiên, việc đàn ông mặc váy chỉ còn xuất hiện trong các nghi lễ chứ không được áp dụng hàng ngày.
Sự trở lại của những chiếc váy trên sàn diễn thời trang nam
Tại lễ Oscar năm 2019, cả thế giới sửng sốt khi Billy Porter mặc chiếc váy của Christian Siriano xuất hiện trên thảm đỏ. Sự thể hiện táo bạo bất chấp dư luận của diễn viên đã làm dấy lên một làn gió mới trong xu hướng thiết kế thời trang nam.
Ba năm sau, sàn diễn Thu Đông 2022 chứng kiến hàng loạt cảnh mẫu nam mặc váy trên sàn catwalk. Từ nhà mốt Burberry, Riccardo Tisci chiêu đãi giới mộ điệu những thiết kế ngẫu hứng nhưng vẫn mang đậm tinh thần di sản. Trong khi đó Gucci khiến khách mời trầm trồ khi collab cùng Adidas, cho các mẫu nam mặc váy cùng quần thể thao. Còn ở Egonlab và Dolce & Gabbana là những chiếc váy có họa tiết tartan phối đồng bộ ngẫu hứng.
Đàn ông mặc váy không chỉ là một xu hướng. Đó còn là một tuyên ngôn.
Harry Styles là một trong những nam nghệ sỹ thường xuyên mặc váy đầm, mặc dù anh thuộc diện trai thẳng hơn khúc gỗ. Đặc biệt, sau buổi chụp ảnh bìa Vogue năm 2020, mạng xã hội bàn tán rần rần về bộ ảnh này. Nhìn chung, các phản hồi đều tích cực, dẫu cho vẫn có một số ít người phản đối.
Dần dần, gạt bỏ đi những lời dèm pha và nhận xét tiêu cực, những người đàn ông có sức ảnh hưởng trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, thời trang bắt đầu “phất cờ”, tự tin xuất hiện với váy đầm. Đàn ông mặc váy có thể vì họ đại diện cho quyền bình đẳng giới của cộng đồng LGBTQIA+, cũng có thể vì họ muốn chứng tỏ sự nam tính thể không bị đóng khung trong phục trang.
Có thể kể đến nam thần X-Men Oscar Isaac và ca sỹ Bad Bunny oanh tạc thảm đỏ Met Gala 2022 với những chiếc đầm dài. Ngôi sao bóng rổ Russell Westbrook mặc váy kiểu kilt xuống phố. Rapper Lil Nas X diễn show với set áo crop và váy ngắn.
Sau tất cả, những gì xuất hiện trên sàn diễn đã tiếp thêm động lực cho bất kỳ người đàn ông nào muốn mặc váy. Đàn ông mặc váy không phải là trào lưu, mà là một sự thật đã tồn tại từ rất lâu. Đã qua thời của chuẩn mực khuôn thép, khoảnh khắc quý ông mặc váy ở hiện tại cũng bình thường như phụ nữ mặc suit. Vậy thì, đó đâu phải là sự nổi loạn mà phải chịu sự khước từ hay phản ánh. Và thế giới đang trên tiến trình hướng đến Thời trang dành cho tất cả. Không phân biệt tầng lớp hay giới tính!
>>> XEM THÊM: PHONG CÁCH SOFT BOY: MẶC SAO CHO TRENDY NHƯNG KHÔNG BỊ GẮN MÁC NỮ TÍNH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam