Nếu từng đọc qua lịch sử thời trang Gucci, bạn sẽ biết nhà mốt này từng suy sụp vào thập niên 1980.
Sự tranh chấp nội bộ gia đình Gucci đã đẩy thương hiệu đến bờ vực phá sản. Những người con trai của nhà sáng lập Guccio Gucci, Aldo và Rodolfo Gucci, thành công trong việc đẩy mạnh doanh thu của thương hiệu; nhưng họ không thành công trong việc tìm đến người kế thừa xuất sắc. Con trai của Rodolfo Guci, Maurizio Gucci, rất cố gắng để đẩy mạnh doanh thu, nhưng ông không phải là người am hiểu thị trường thời trang. Về sau, ông bị vợ ám sát. Dẫn đến tình hình bất ổn trầm trọng tại Gucci.
Luật sư lâu năm của nhà mốt, ông Domenico De Sole, phải trở thành chủ tịch. Ông hiểu rằng Gucci đã mất đi sự hấp dẫn của một thương hiệu. Để trở nên phát đạt trở lại, Gucci cần phải thoát khỏi hình tượng hiện tại.
Năm 1994, ông phát hiện ra tài năng 32 tuổi đến từ Texas, Tom Ford.
Vực dậy Gucci
Chủ tịch Gucci Domenico De Sole đã cho phép Tom Ford được thoải mái sáng tạo, thậm chí có phần điên rồ.
Năm 1994, lúc Tom Ford ra mắt bộ sưu tập đầu tay dưới cương vị giám đốc sáng tạo, Gucci phải mời mọc đủ kiểu để cánh phóng viên tham dự show diễn.
Năm 1995, không cần mời, cánh nhà báo cũng đổ xô xin được vào xem show.
Chỉ trong một năm được bổ nhiệm, Tom Ford đã tạo được ma lực cho Gucci, một lần nữa. Làm sao? Bằng những hình ảnh gợi cảm quá mức cho phép. Những chiếc váy trắng ôm sát người, cắt cut-out táo bạo ngay gần vùng kín, mùa Ready-to-wear 1996. Những bộ vest ôm sát người, tôn đường cong ma mị. Nhiều trang phục khiến giới mộ điệu phải e thẹn khi ngắm nhìn.
Gucci trở nên đồng nghĩa với sexy.
Trên sàn catwalk, trong hình ảnh quảng cáo; sự gợi dục và gợi cảm tỏa hương mãnh liệt. Cùng với Carine Roitfeld và Mario Testino, Tom Ford đã làm nên những chiến dịch quảng cáo không tưởng. Khiến ông về sau này được biệt danh là “Ông hoàng sex”, kẻ bán sự gợi cảm trong thời trang.
Cho dù sự gợi cảm này bị lên án mãnh liệt, nó rất hiệu quả. Doanh thu của Gucci một lần nữa lại tăng trưởng vượt bậc. Cánh báo chí luôn tìm cách săn những thông tin mới nhất về Gucci, vì người đọc cũng rất tò mò về thương hiệu. Vị trí của Tom Ford tại Gucci tưởng như không thể lung lay.
>>> Xem thêm: NHỮNG CÚ HÍCH GÂY SỐC GIỚI THỜI TRANG CỦA TOM FORD
Sự chia tay đột ngột
Không ai có thể ngờ Tom Ford sẽ rời khỏi Gucci. Ông hơn cả một giám đốc sáng tạo. Có tin đồn rằng Tom Ford được đề nghị trở thành CEO của thương hiệu vào năm 2006. Nhưng ông đã rời Gucci năm 2004, sau cuộc cãi cọ lớn với nhà đầu tư lớn nhất của Gucci lúc bấy giờ: PPR (sau này là tập đoàn Kering).
Chúng ta hẳn sẽ nghĩ tập đoàn PPR phải rất hài lòng với Gucci lúc ấy. Nếu không, PPR hẳn đã không đánh nhau kịch liệt với tập đoàn LVMH để mua lại cổ phiếu Gucci. Năm 1999, tập đoàn LVMH ngấp nghé muốn thâu tóm Gucci. Tuy nhiên, Domenico De Sole lại không thích thái độ của tập đoàn LVMH nên đã mời PPR hùn vốn. Tranh chấp giữa hai tập đoàn lớn chỉ được giải quyết hai năm sau đó, vào 2001.
Quay lại câu chuyện chia tay giữa Tom Ford và Gucci.
Nó là một cuộc chiến chẳng mấy đẹp đẽ. Tập đoàn PPR không hài lòng với phong cách Gucci dưới thời Tom Ford. Quá gây sốc. Còn Tom Ford thì cho rằng PPR can thiệp quá nhiều vào vấn đề thiết kế, trong khi tập đoàn nên tập trung vào các dự án đầu tư và kinh doanh hơn. Truyền thông liên tục đăng bài đầy rẫy những sự bôi bác từ cả hai bên.
Về sau này, Tom Ford cảm thán: “Lúc đó tiền bạc đâu quan trọng. Quan trọng là ai được nắm quyền, thế thôi.”
Năm 2004, Tom Ford rời khỏi nhà mốt. Frida Giannini, người thay thế Tom Ford, lèo lái Gucci về với phong cách vintage. Đẹp nhưng nhạt nhẽo và không có một phong cách cốt lõi. Gucci một lần nữa chới với trong việc tìm ra một giám đốc sáng tạo có sức ảnh hưởng như Tom Ford.
Cho đến khi Alessandro Michele được bổ nhiệm, năm 2015.
>>> Xem thêm: ALESSANDRO MICHELE CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC SÁNG TẠO MỚI CỦA GUCCI
Sự xoa dịu từ Alessandro Michele
Năm 2011, bảo tàng Gucci mở cửa ở Florence, Ý. Khi bước vào, giới hâm mộ Gucci có thể thấy ngay rằng nhà mốt vẫn còn tức giận hành động của Tom Ford. Cụ thể là: trong khi bảo tàng nhiều tầng trưng bày rất nhiều vật phẩm từ thời xa xưa của Guccio Gucci; cho đến những trang phục thảm đỏ mà Frida Giannini thiết kế. Nhưng, tất cả những sản phẩm từ Tom Ford đều bị bỏ qua.
Mãi đến năm 2016, hơn một năm sau khi Alessandro Michele được bổ nhiệm, thì bảo tàng mới xuất hiện những thiết kế từ Tom Ford. Chúng được tự tay chọn lọc bởi giám đốc sáng tạo mới. Những chiếc váy trắng cut out, lông thú đa sắc và những bản in của chiến dịch thời trang dưới thời Tom Ford.
Có thể hiểu vì sao Alessandro Michele luôn có một sự ngưỡng mộ dành tặng cho đàn anh. Chính Tom Ford là người đã tận tay tuyển dụng, chỉ bảo cho anh những ngày đầu vào làm việc tại Gucci. Tuy có một tầm nhìn khác với Tom Ford, như Alessandro Michele vẫn giữ được cái chất điên mà Tom Ford đã mang lại cho Gucci ngày ấy.
Trong tiếng lóng ngành thời trang, việc vực dậy một thương hiệu từng có tiếng tăm đã rơi vào dĩ vãng, được gọi là “doing a Gucci” (tạm dịch: tạo cú ngoặt như Gucci).
Có thể nói rằng, nếu như không có Tom Ford vực dậy Gucci thời thập niên 1990, hẳn sẽ không có Gucci của ngày nay. Ngoài ra, Tom Ford còn là minh chứng cho việc các giám đốc sáng tạo không chỉ nên giấu kín mình sau bàn làm việc; có thể trở thành một bộ mặt quảng cáo cho thương hiệu; quan trọng không kém gì những minh tinh trên ảnh quảng cáo.
Theo Sleek Mag
Harper’s Bazaar Việt Nam