NHỮNG CÚ HÍCH GÂY SỐC GIỚI THỜI TRANG CỦA TOM FORD

Chúc mừng sinh nhật nhà thiết kế Tom Ford! Nhân dịp sinh nhật của ông, chúng ta hãy nhìn lại những gì Tom Ford đã làm cho ngành thời trang.

Chúc mừng sinh nhật nhà thiết kế Tom Ford! Ông vừa bước sang tuổi 58 ngày 27/8 vừa qua.

Từ khi đặt chân vào ngành thời trang trong thập niên 1990, Tom Ford đã tỏa một ánh hào quang khó cưỡng. Một trong những người thường xuyên gây scandal trong giới thời trang. Cái tên Tom Ford luôn dính liền với những hình ảnh gợi cảm quá mức cho phép. Nhưng nó cũng đi liền với sự hào nhoáng từ Gucci và Yves Saint Laurent; Tom Ford đã nắm vai trò giám đốc sáng tạo tại các thương hiệu này từ 1994 đến 2004 trước khi mở một thương hiệu dưới tên riêng của mình.

Nhân dịp sinh nhật Tom Ford, hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc gây sốc nhất trong sự nghiệp thời trang của ông.

1. Thích dùng người mẫu nude trong ảnh quảng cáo

Sophie Dahl trong chiến dịch quảng cáo nước hoa Opium của YSL năm 2000. Ảnh: YSL

Tom Ford nổi tiếng về những hình ảnh gợi dục. Tuy nhiên, giọt nước làm tràn ly có lẽ là tấm ảnh quảng cáo nước hoa Opium cho thương hiệu Yves Saint Laurent, lúc Tom Ford còn là giám đốc sáng tạo tại đây. Trên hình, người mẫu Sophie Dahl hoàn toàn khỏa thân. Chiến dịch quảng cáo này đã lập tức bị cấm. Nhiều người cho rằng Tom Ford lạm dụng việc dùng hình ảnh khỏa thân của mẫu nữ.

Tuy nhiên, Tom Ford phủ nhận. Ông bảo: “Tôi thực ra thích dùng hình khỏa thân của cả nam lẫn nữ cơ. Nhưng văn hóa của chúng ta dễ chấp nhận hình ảnh người mẫu nữ khỏa thân hơn người mẫu nam.”.

Để chứng minh cho lời biện giải của mình, năm 2002, ông một lần nữa sử dụng hình ảnh nuy trong quảng cáo nước hoa YSL M7. Chỉ có điều, lần này Tom Ford đã dùng một người mẫu nam, với phần nhạy cảm hoàn toàn phơi bày. Giống với chiến dịch Opium trước đấy, ngay lập tức nó bị lên án và bị cấm xuất hiện.

Tom Ford dường như chẳng hề chùn bước trước dư luận. Vì đến năm 2004, ông lại tiếp tục sử dụng hình ảnh nhạy cảm để quảng cáo, lần này còn táo bạo hơn.

2. Cách quảng cáo logo sáng tạo

Ảnh quảng cáo cho Gucci, khi Tom Ford nắm vị trí giám đốc sáng tạo tại đây. Ảnh: Gucci

Năm 2004, Tom Ford lúc này đã đến đầu quân tại Gucci. Cho chiến dịch quảng cáo sốc nhất năm, ông đã yêu cầu người mẫu cạo lông phần kín để tạo thành logo chữ “G” nổi danh của Gucci.

Tương tự như ảnh quảng cáo của YSL trước đó, chiến dịch này đã bị cấm truyền bá. Nhưng động thái này đã mang lại biệt danh cho Tom Ford: “Ông hoàng Sex”. Và Tom Ford rất tự hào về điều này. “Sự gợi cảm mang về doanh thu,” ông phát biểu về hành động của mình.

Năm 2019, khi được phỏng vấn về giai đoạn này, Tom Ford rất hoài niệm. Chiến dịch nữ quyền #MeToo đã khiến ông phải suy nghĩ rất kỹ trước khi chụp ảnh quảng cáo. “Bây giờ, tôi chẳng thể làm như hồi 2004 được nữa. Giới thời trang bây giờ rất nhạy cảm; chẳng ai được phát biểu điều mình suy nghĩ thật nữa.”

3. Đeo “của quý” lên cổ

Chiếc vòng cổ của quý. Ảnh: Twitter Tom Ford

Năm 2014, Tom Ford giới thiệu mẫu thiết kế mới trong bộ sưu tập trang sức của mình: chiếc vòng đeo cổ bọc vàng hình “của quý” giá $800. Trong khi người tiêu dùng thẫn thờ trước cái giá, thì một tổ chức chống LGBT theo đạo Công giáo đã lên án rằng cái vòng này nhìn giống hệt với thánh giá, một biểu tượng thiêng liêng trong đạo Thiên chúa giáo. Họ yêu cầu Tom Ford phải gỡ bỏ sản phẩm này.

Động thái của Tom Ford? Đáp lại trên Twitter: “Vòng đeo “của quý” có 3 kích cỡ nhỏ, vừa và to. Phù hợp với nhu cầu của tất cả mọi người.”

4. Cuộc từ biệt Gucci đầy drama

Tom Ford là một cái tên đã giúp vực lại nhà mốt Gucci. Từ 1994 đến 2004, ông một lần nữa biến cái tên Gucci thành một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi Gucci được tập đoàn Kering mua lại, ông François Pinault, giám đốc điều hành của Kering mong muốn Tom Ford phải tiết chế những hành động gây sốc. Nhà thiết kế cảm thấy mình bị kềm hãm và không có hứng thú sáng tạo. Và năm 2004, Tom Ford rời bỏ Gucci.

Khi được hỏi về giai đoạn ấy, Tom Ford luôn cho rằng đấy là giai đoạn đen tối nhất cuộc đời của ông. Tom Ford gần như suy sụp, trước khi tìm lại cảm hứng để gầy dựng thương hiệu riêng mang tên mình.

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ GUCCI: THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG MÊ HOẶC CÁC NGÔI SAO

5. Từ chối không thiết kế quần áo cho Melania Trump

Sau khi bị Tom Ford từ chối, đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã tìm đến nhà thiết kế Hervé Pierre

Khi Trump đắc cử Tổng Thống Mỹ năm 2016, vợ của ông, bà Melania Trump, đã tìm đến Tom Ford để được thiết kế quần áo trong buổi lễ nhậm chức. Tuy nhiên, Tom Ford đã từ chối (ông cũng không phải nhà thiết kế thời trang duy nhất từ chối nhiệm vụ này).

Khi được hỏi vì sao, Tom Ford trả lời đơn giản: “Melania Trump không phải hình tượng người phụ nữ của Tom Ford.”

Mãi khi những chuyện lùm xùm vẫn không ngớt, Tom Ford mới phải tiếp tục biện giải: “Tôi nghĩ, tổng thống và đệ nhất phu nhân phải đại biểu cho công dân của họ. Mà quần áo của tôi thì không dành cho số đông người dân nước Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã từ chối.”

6. Những thói quen sống kỳ lạ

Tom Ford nổi tiếng là lập dị. Ông ngâm bồn từ 3 đến 5 lần một ngày. Ông phải đo cân nặng của bản thân mỗi ngày. Tom Ford cũng nổi tiếng là ghét quần sweatpants và giày thể thao. Và ông cũng ghét đi ra đường lúc buổi trưa.

“Tôi không thích ban trưa. Bạn thử chụp tấm hình của bản thân ngay giấc trưa xem? Ai nhìn cũng thấy ghê! Ngoại trừ nếu bạn nhỏ hơn 18 tuổi.”

7. Nghiện công nghệ thẩm mỹ…

Tom Ford luôn trả lời rất chân thật khi được hỏi về nhan sắc của mình. “Tôi dùng Botox và các chất tiêm làm đầy. Nhưng không lạm dụng. Bạn thấy đấy, cơ mặt tôi vẫn bình thường. Tôi chỉ sử dụng chúng khoảng 8 tháng/lần. Khi tôi đến bác sỹ thẩm mỹ, tôi lấy một cái bút ra và khoanh vùng trên gương mặt mình chỗ cần được tiêm. Nếu như có thể tự tiêm cho bản thân, hẳn tôi cũng sẽ làm.”.

8. …Nhưng vẫn không thể bỏ qua kem dưỡng da

Bộ đôi sản phẩm dưỡng da Tom Ford: Serum và kem dưỡng da mặt.

Với lối sống rất kỳ quặc và sở thích kén cá chọn canh, Tom Ford tự nhận là không có loại mỹ phẩm dưỡng da nào làm ông hài lòng. Chính vì vậy, ông quyết định cho ra mắt bộ đôi dưỡng da của riêng mình. Một serum và một kem dưỡng. Không cầu kỳ; không đòi hỏi 10 bước dưỡng da; và không câu nệ người sử dụng là nam hay nữ.

Sản phẩm dưỡng da của Tom Ford sử dụng tinh chất caffeine chiết xuất từ hạt cà phê và trà xanh Nhật, tăng cường ion trong da để giữ ẩm. Được biết, phòng thí nghiệm đã phải cho ra mắt 75 mẫu sản phẩm trước khi được Tom Ford gật đầu chấp thuận. Và cái giá phải trả cũng không nhỏ: Serum $350, kem dưỡng da mặt $450.

9. Trở thành chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA)

Tháng 03-2019, Tom Ford được bổ nhiệm làm người kế nhiệm bà Diane von Furstenberg để lãnh đạo hiệp hội thời trang Mỹ CFDA.

Đây là một sự kiện đáng kinh ngạc. Vì năm 1996, Tom Ford từng phát biểu:

“Nếu muốn trở thành một nhà thiết kế giỏi, tôi phải rời Mỹ. Văn hóa Mỹ không giúp tôi trở nên khá hơn. Thị hiếu thẩm mỹ khá “ghê”. Nếu bạn ăn mặc chỉn chu một chút, ai cũng cho rằng bạn quá chải chuốt. Còn ở châu Âu thì khác. Châu Âu thích sự chỉn chu.”

Tuy nhiên, năm 2019, ông đã thay đổi quan điểm của mình. Tại lễ trao giải CFDA 2019, Tom Ford phát biểu về nguồn gốc từ Texas, Mỹ của mình. “Tôi đã dành đa phần thời gian để làm việc tại châu Âu, nhưng trong trái tim tôi vẫn là một nhà thiết kế Mỹ.”

Theo E!
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm