Phiên bản truyền hình thực tế sống còn của phim Trò chơi con mực ấn định ngày phát sóng

Dựa vào thành công vang dội của "Squid Game", Netflix tiếp tục khai thác thương hiệu này dưới dạng chuơng trình truyền hình thực tế. Show sống còn này vừa tung ra trailer chính thức và sẽ phát sóng vào ngày 22/11

Squid Game (tựa Việt: Trò chơi con mực) được ca ngợi là một trong những chương trình Netflix thành công nhất mọi thời đại. Với hy vọng kéo dài thành tích này, Netflix xác nhận được chuyển thể cốt chuyện thành một chương trình truyền hình thực tế mang tên Squid Game: The Challenge.

Như vậy, dẫu phần 2 còn chưa ra mắt thì phiên bản truyền hình thực tế theo format sống còn đã được Netflix ấn định ngày phát sóng là 22/11 năm nay. Chương trình truyền hình thực tế Squid Game: The Challenge sẽ có 10 tập, có người chơi đa quốc gia, và có ngôn ngữ chính là tiếng Anh thay vì tiếng Hàn.

Squid Game: The Challenge là chương trình thi đấu sống còn có giải thưởng tiền mặt lớn nhất lịch sử

Một cuộc đấu trí thực tế được tổ chức bởi Netflix sắp diễn ra. Ảnh: Netflix

Phiên bản truyền hình thực tế của bộ phim truyền hình ăn khách Hàn Quốc này sẽ chứng kiến người chơi thi đấu trong các trò chơi lấy cảm hứng từ loạt phim gốc để giành giải thưởng 4,56 triệu đô-la Mỹ – tất nhiên không có hậu quả chết người.

Với số tiền thưởng này, chương trình sống còn Squid Game: The Challenge đã nhanh chóng trở thành giải thưởng tiền mặt lớn nhất lịch sử truyền hình thực tế. Để giữ cho mọi thứ gần giống với phim gốc nhất có thể, Netflix cho biết số lượng người tham gia sẽ tương ứng số tiền thưởng là 456 người, họ sẽ cố gắng sống sót đến cuối cùng để mang về nhà phần thắng chung cuộc.

Brandon Riegg, Phó chủ tịch phụ trách chương trình thi đấu sống còn này của Netflix chia sẻ: “Người hâm mộ series phim truyền hình đang tham gia vào một hành trình hấp dẫn và không thể đoán trước khi 456 thí sinh trong thế giới thực của chúng tôi điều hướng loạt phim cạnh tranh lớn nhất từ ​​​​trước đến nay, đầy căng thẳng và khúc mắc, với giải thưởng tiền mặt lớn nhất lịch sử.”

Show sống còn Trò chơi con mực cùng các hoạt động thực tế lấp đầy khoảng lặng giữa phần 1 và 2 của phim truyền hình

Trò chơi tách hình bánh đường Dalgona gây sốt khán giả xem phim. Ảnh: Netflix

Từ khi ra mắt năm 2021, Trò chơi con mực phần 1 đã trở thành một trong những loạt phim gốc thành công nhất của Netflix, cùng với các series Bridgerton, Stranger Things, Money Heist, WednesdayOne Piece live action. Dù Netflix đã mau chóng lên lịch quay mùa 2 cho Squid Game, nhưng dự kiến phim phải tới 2024 mới có thể công chiếu. Như vậy, khoảng cách giữa hai phần kéo dài đến ba năm.

Do đó, để duy trì sức nóng cho Squid Game, Netflix mới quyết định quay phiên bản truyền hình thực tế theo sát kịch bản gốc của phần 1. Vừa có thể tận dụng lại kịch bản có sẵn đã được yêu thích, lại có thể làm mới nó khi đi theo hướng truyền hình thực tế sống còn.

Show sống còn Squid Game: The Challenge có quy mô hoành tráng khi quy tụ sự hợp tác sản xuất của nhiều bên: Studio Lambert (The Circle), The Garden (24 Hours in A&E) và một phần của ITV Studios; Stephen Lambert, Tim Harcourt và Toni Ireland từ Studio Lambert, cùng với John Hay, Nicola Hill và Nicola Brown từ The Garden sẽ tham gia với tư cách là nhà sản xuất điều hành.

Bên cạnh đó, Netflix còn liên tiếp tạo ra những trải nghiệm thực tế cho Trò chơi con mực, ví dụ tạo ra máy chơi bài ở các casino, thiết lập pop up mô phỏng trò chơi trong phim ở các thành phố lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Paris và kế tiếp là Los Angeles.

Những tranh cãi xung quanh việc biến Squid Game thành chương trình truyền hình thực tế

Với thành công không tưởng từ phần đầu tiên, phiên bản thực tế được thực hiện với hi vọng sẽ tiếp nối thành quả này. Ảnh: Netflix

Bên cạnh sự mong đợi của người hâm mộ, Squid Game: The Challenge nhận về nhiều ý kiến lo ngại vì cho rằng sự ra đời của một chương trình truyền hình thực tế ngoài đời thật đã đi ngược lại thông điệp của bộ truyện mà đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã mô tả là “truyện ngụ ngôn về xã hội tư bản hiện đại.”

Nhận thấy điều đó, người sáng tạo Squid Game Hwang Dong Hyuk đã nhanh chóng lên tiếng giải thích: “Tôi biết rằng có một số lo ngại về việc lấy thông điệp đó khi biến nó thành một chương trình thực tế với giải thưởng tiền mặt. Tôi muốn nói rằng việc sáng tạo phiên bản thực tế chỉ là những nỗ lực đơn thuần mang lại ý nghĩa mới cho ngành công nghiệp giải trí, và tôi hy vọng rằng đây sẽ là một hướng đi mới tuyệt vời cho toàn ngành.”

Bên cạnh đó, trong quá trình ghi hình diễn ra ở Vương quốc Anh, chương trình đã bị hoãn và kiểm tra an toàn khi nhiều người chơi đã cần sự hỗ trợ về y tế sau khi tham gia trò chơi “Đèn xanh đèn đỏ”. Được biết trò chơi này được quay ngoài trời khi Anh Quốc đối mặt với thời tiết lạnh bất ngờ, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tham gia.

CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ SQUID GAME MÙA 2:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm