Trung Quốc bất ngờ trở thành điểm mua sắm hàng hiệu giá hời

Nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ đang âm thầm hạ giá các sản phẩm của mình trước sức mua giảm nhiệt, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc đang trở thành một địa điểm mua sắm hàng hiệu giá hời khi nhiều thương hiệu áp dụng mức chiết khấu cao. Ảnh: Versace

Các thương hiệu thời trang xa xỉ đang có sự thay đổi ngầm mà không phải ai cũng biết. Một loạt các thương hiệu đang âm thầm giảm giá bán nhiều mặt hàng của mình – trên hết là túi xách – ở thị trường Trung Quốc. Những người săn hàng hiệu đã mau chóng báo hiệu cho nhau để đến Trung Quốc đi du lịch, mua sắm trong thời gian này.

Nhu cầu mua sắm ở thị trường Trung Quốc sụt giảm

Trong những năm hậu đại dịch toàn cầu, doanh số bán hàng xa xỉ ở Trung Quốc – một thị phần quan trọng của ngành xa xỉ phẩm – không hề khả quan. Một vài nguyên nhân bao gồm

  • các thương hiệu tăng giá bán sản phẩm vì chi phí sản xuất tăng cao do lạm phát, bất ổn;
  • kinh tế ảm đạm, thu nhập không ổn định nên người dân thắt lưng buộc bụng;
  • sự cạnh tranh ngày càng tăng của các thương hiệu cao cấp nội địa, đánh vào tâm lý chủ nghĩa dân tộc của người dân;
  • nhiều người chọn mua sắm ở Nhật Bản vì chi phí thấp.

Nhiều thương hiệu đều ghi nhận sự suy giảm ở thị trường này. Cụ thể như Hugo Boss cho biết doanh số Quý 2/2024 ở Trung Quốc đặc biệt kém. Burberry ghi nhận sụt giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận nội địa của tập đoàn Swatch cũng giảm đến 70%. Kết quả là lượng hàng tồn kho cao hơn so với họ mong muốn.

Các thương hiệu giảm giá để giải quyết hàng tồn kho

Vì lẽ đó, theo tờ Wall Street Journal và Bloomberg báo cáo, trong năm nay, nhiều thương hiệu đã giảm giá các sản phẩm ở thị trường Trung Quốc như một cách để giải quyết hàng tồn kho cũ, đồng thời tái tiếp cận với người tiêu dùng trung lưu.

Dữ liệu cho thấy rằng Burberry đã giảm giá túi xách Knight cỡ trung 22%, cũng như hạ giá bán những thiết kế từ tân giám đốc sáng tạo Daniel Lee với mức giảm trung bình là 5%.

Saint Laurent thì hạ giá dòng túi xách Loulou, không chỉ riêng ở Trung Quốc mà còn cả ở Hoa Kỳ. Ví dụ, chiếc túi Loulou nhỏ đã giảm giá 10%, từ 2.950 đô-la Mỹ vào tháng Giêng năm nay xuống còn 2.650 đô-la Mỹ. Tất nhiên mức giá mới này vẫn cao hơn giá nguyên bản của túi năm 2020, chỉ 2.050 đô-la Mỹ lúc đó.

Một thương hiệu khác của tập đoàn Kering là Balenciaga, cũng như Saint Laurent, áp dụng mức chiết khấu trung bình là 40% cho mọi mặt hàng những tháng đầu năm 2024 ở thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, Versace và Givenchy trong mùa hè 2024 có chiến dịch hạ giá hơn 50% trên nền tảng mua sắm sang trọng TMall Luxury Pavilion của Alibaba.

Vì những thương hiệu giảm giá hàng loạt, Trung Quốc bất ngờ trở thành địa điểm mua sắm hàng hiệu giá tốt không kém gì Nhật Bản*.

*Trong hai năm qua, đồng yên Nhật mất giá khiến các mặt hàng xa xỉ trở nên rẻ hơn tại Nhật Bản. Nhiều du khách đã tiện tay mua sắm khi đến đây du lịch. Sức mua của du khách giúp doanh số bán hàng tăng vọt ở Nhật Bản.

Lưu ý gì khi đi Trung Quốc mua sắm hàng hiệu?

Đảo Hải Nam là thiên đường mua sắm miễn thuế mới ở Trung Quốc, sau Hồng Kông và Macau. Ảnh: DFS

Nếu có ý định đi Trung Quốc mua sắm thì bạn lưu ý rằng chỉ có các thương hiệu ở phân khúc xa xỉ dễ tiếp cận (affordable luxury) đang áp dụng chính sách khuyến mãi, giảm giá. Những thương hiệu hướng tới tệp khách hàng thượng lưu (hard luxury) như Hermès, Dior, Louis Vuitton, Chanel thì không có những chính sách ưu đãi giá.

Song, bạn có thể đi mua sắm ở các khu vực hành chính miễn thuế của Trung Quốc, như Hồng Kông, Macau, đảo Hải Nam. Giá cả của các thương hiệu hard luxury sẽ có phần thấp hơn ở những nơi đây khi so sánh với Trung Quốc Đại Lục.

Từ năm 2026 trở đi, tập đoàn LVMH cũng sẽ khai trương khu mua sắm 7-sao ở vịnh Tam Á của đảo Hải Nam, mở rộng các lựa chọn mua sắm cao cấp miễn thuế tại khu vực này.

ĐI DU LỊCH TRUNG QUỐC:

Trích dẫn Bloomberg, Maeil Business Paper, Jing Daily
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm