Trào lưu sống tối giản của người Nhật Bản

Trào lưu sống tối giản – Minimalism phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản và lan rộng trên khắp thế giới, trở thành một phong cách sống hiện đại

Tôi đã từng sở hữu rất nhiều giày dép, quần áo, mỹ phẩm… và chưa hề biết đến trào lưu sống tối giản. Có những chiếc áo mãi đến khi dọn tủ đồ mới phát hiện còn chưa tháo mác giá. Mỗi khi đi tiệc, tôi từng phân vân không biết chọn loại nước hoa hay mang đôi giày nào. Đến khi quyết định sang Nhật sinh sống, tôi mới “thanh lý” bớt. Bởi vì không thể nào mang theo quá nhiều thứ cho cuộc sống mới. Bắt đầu từ tủ quần áo, tôi loại bỏ rất nhiều thứ mà từ lâu không dùng đến. Tôi chỉ giữ lại những món đồ thật sự cần thiết. Tuyệt nhiên bỏ hẳn khái niệm “cứ để đấy biết đâu có lúc cần dùng”.

Phong cách sống tối giản

Chúng ta đang sống và sở hữu vô vàn đồ vật dưới hai hình thức, cả vật chất và tinh thần. Loại vật chất từ những món đồ nhỏ như thỏi son, đôi giày đến xe cộ, nhà cửa… Tất cả phục vụ cho nhu cầu cuộc sống thường ngày. Đồ vật có giá trị tinh thần mang ý nghĩa đặc biệt với riêng mỗi người. Như lá thư tình đầu tiên, chiếc áo thời còn đi học với chi chít những chữ ký. Hay những món quà kỷ niệm, hình ảnh trong máy tính, tin nhắn điện thoại…

Nếu lỡ sau này chúng ta chết đi, mọi người sẽ làm gì với những món đồ được để lại? Loại vật chất không mấy giá trị như quần áo, giày dép, vật dụng cá nhân… Mọi thứ có thể sẽ tiêu hủy vì không ai muốn sử dụng lại những món đồ của người đã khuất. Loại vật chất có giá trị như đồng hồ, máy tính, điện thoại… thì tùy từng gia đình sẽ quyết định tiếp tục sử dụng ra sao. Còn những thứ mang giá trị tinh thần thì sao? Nếu bạn là một vĩ nhân thì tất cả những gì bạn để lại, cho dù mang giá trị vật chất hay tinh thần, cũng có thể được giữ lại.

Tư duy “Nghĩ cho người khác” của người Nhật

Với người Nhật Bản, họ không muốn làm phiền ai. Đến khi chết đi, họ vẫn sẽ như thế. Chính vì vậy mà người Nhật chọn cách sống tối giản để giảm thiểu sự phụ thuộc vào vật chất. Tôi chọn trào lưu sống tối giản cả về vật chất lẫn tư duy. Vì mong muốn một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi vẫn mua sắm nhưng trước khi mua một món đồ nào đó, tôi thường suy nghĩ đến việc loại bỏ bớt vài món đồ cũ không còn giá trị sử dụng. Tối giản không chỉ ở tủ quần áo mà còn là tư duy mới mẻ về phong cách sống. Chọn lối sống tối giản hay không còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi người. Mục đích để hướng đến cuộc sống tích cực và hạnh phúc hơn.

20170805 toi gian minimalism

Sắp xếp tủ đồ gọn gàng, lược bớt những món đồ không cần dùng

Trào lưu sống tối giản dành cho người Việt…

(Nguyễn Phương Chi – Nghiên cứu sinh ngành giáo dục tại Mỹ)

Tôi từng nghe rất nhiều người nói rằng: chỉ có sống ở “Tây” hay ở các nước phát triển mới thực hiện được lối sống tối giản. Vì “người Việt Nam” đã quá quen với việc gom góp, lưu giữ đồ đạc từ hàng thế hệ rồi. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn bắc cái loa phóng thanh to nhất để hét lên rằng: “Chính vì vậy, trào lưu sống tối giản sinh ra là để cho Việt Nam!” Rất nhiều gia đình Việt Nam sống cùng nhiều thế hệ. Khi mà càng nhiều người sinh ra, nhà cửa càng chật thêm. Với nhu cầu ngày một lớn hơn với đồ đạc không được bỏ đi. Chẳng mấy chốc gia đình nào cũng sẽ ngập chìm trong chính những món đồ. Có thể là vô giá trị do mình tự mang về nhà.

Nguy hiểm hơn ở chỗ, qua thời gian, ta dễ xem việc sống trong bừa bộn, thừa thãi, căng thẳng, ngột ngạt là hiển nhiên. Từ đó không có động lực để thay đổi nữa. Nhìn vào trải nghiệm của cá nhân mình, tôi chỉ thực sự nhận ra mình đã stress đến thế nào khi bỏ đi 80% đồ đạc và bắt đầu lối sống mới. Trước đó, tôi thường xuyên đổ lỗi cho lịch làm việc bận rộn. Rằng không có thời gian thư giãn, rồi nhà cửa chật chội, không có người giúp đỡ… Tôi không để ý rằng mình cần bắt đầu từ việc tối giản hóa đồ đạc dư thừa. Từ đó dần cân bằng cuộc sống.

…hay chỉ hợp với “Tây”?

Chủ nghĩa tối giản cũng là điều mới mẻ với phương Tây. Nơi rất nhiều người lớn lên với thói quen mua sắm vô độ (consumerism). Họ chịu sự kiểm soát, giật dây của các nhãn hàng với chiêu thức marketing hấp dẫn. Nhưng vài năm nay, làn sóng anti-consumerism dần trở nên mạnh mẽ. Khi rất nhiều người tìm lại được sự kiểm soát cuộc sống của mình từ khi ngừng mua sắm. Họ bỏ đi những đồ đạc không dùng tới. Trân trọng hơn vào những gì mình đã có. Vì vậy, dù cho có ở đâu, tất cả những người theo Chủ nghĩa tối giản đều trải qua một quá trình tương đối đồng nhất. Họ thanh lọc cuộc sống, tìm về những giá trị cơ bản và quan trọng nhất của cuộc sống.

20170505-toi-gian-minimalism1

Phong cách tối giản: Từ nghệ thuật…

(Phùng Anh Kiệt – Nhà văn tự do)

Minimalism chưa bao giờ là một chủ nghĩa đúng nghĩa. Tối giản gần với một trào lưu từ hậu Thế chiến thứ hai. Thành công của phong trào tối giản nổi bật trước hết ở phong cách hội họa thập niên 1960. Và trong âm nhạc thập niên 1970. Trước khi nó bước chân vào lĩnh vực văn học thể nghiệm thập niên 1990. Ở văn học, minimalism không thành công cho lắm. Nó vẫn chỉ là thể nghiệm rồi nhanh chóng bị lãng quên. Ở hội họa, nó cũng không dừng lại quá lâu và nhanh chóng biến thành hình thức nghệ thuật thị giác. Ở âm nhạc, minimalism gần như thất bại hoàn toàn. Lí do vì không thể vượt qua bản nhạc tối giản nhất. Bản nhạc ấy dài hơn bốn phút và không có lấy một note nhạc.

Nhưng minimalism lại phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực thời trang, trang trí và kiến trúc. Từ đó gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở Nhật Bản. Đất nước vốn phần nào tương thích với nghệ thuật trang trí và Thiền đạo. Chỉ có ở đây, minimalism mới mang tính chủ nghĩa và lan rộng thành một phong cách sống từ những năm 2000.

…đến cuộc sống

Thái độ sống tối giản của nhóm người Nhật chủ yếu vì phản ứng tâm lý với chính áp lực đời sống ở Nhật. Có thể nói, người Nhật chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Trong đó có cả áp lực về đời sống đầy đủ. Khi mà mỗi món đồ là một thứ tình cảm chịu lệ thuộc. Người Nhật là một trong những chủng dân hiện đại có triệu chứng khô héo trong tình dục lẫn tình yêu. Vì thế họ rời bỏ sự lệ thuộc vật chất. Họ tìm đến trào lưu sống tối giản như một thiền sư khổ hạnh, nhằm đạt hạnh phúc không lệ thuộc.

Phong cách sống tối giản không hẳn phù hợp với mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa tối giản trong đời sống thường ngày có một điều rất hay: tối giản tư duy. Khi giản lược những gì không cần thiết trong đầu, những thứ còn lại sẽ được xử lý tốt hơn và tối ưu hóa hiệu quả công việc. Đồng thời cũng giúp mỗi cá nhân thanh thản hơn, hạnh phúc hơn.

Bài: Mai Hoàng Thọ
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm