Tranh Lê Phổ, Mai Trung Thứ được Sotheby’s đấu giá ở Singapore

Buổi đấu giá lần này của Sotheby’s tại Singapore hy vọng sẽ mang về hơn 10 triệu đô-la Mỹ và giúp kích thích sự quan tâm đến mỹ thuật Đông Nam Á

Trái: Tác phẩm Hoa, sơn dầu trên nền lụa, 90.5 x 58.5 cm. Phải: tác phẩm Phi Yến và Mẫu Đơn, sơn dầu trên nền lụa tơ tằm, 99 x 65 cm. Hai tác phẩm của Lê Phổ được Sotheby’s đấu giá tại Singapore cuối năm 2022. Ảnh: Sotheby’s

Sau khi tổ chức triển lãm tranh về Tứ kiệt Đông Dương tại Sài Gòn, Sotheby’s bây giờ mang một số tác phẩm của Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ đấu giá tại Singapore. Phiên giao dịch diễn ra ở khách sạn Regent Singapore Hotel từ 25 đến 27/8 sắp tới.

Theo thông báo chính thức từ Sotheby’s, buổi đấu giá Singapore sẽ có 8 tác phẩm từ Lê Phổ, 3 tác phẩm của Mai Trung Thứ và một từ Vũ Cao Đàm.

Tranh Lê Phổ là một trong những tác phẩm được định giá cao nhất tại phiên đấu giá Sotheby’s ở Singapore

Tác phẩm Phụ nữ Việt Nam, vẽ khoảng năm 1938. Mực và bột màu gouache trên lụa. 28.5 by 23.5 cm. Ảnh: Sotheby’s

Được định giá cao nhất là tác phẩm Phụ nữ Việt Nam bằng màu bột gouache trên lụa. Tác phẩm được vẽ vào khoảng năm 1938, một năm sau khi ông rời Việt Nam đến Pháp.

Phụ nữ Việt Nam cũng là tác phẩm duy nhất sử dụng bột màu gouache trên lụa, là kiểu vẽ truyền thống của các họa sỹ Việt theo học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những tác phẩm khác của Lê Phổ trong phiên đấu giá lần này chủ yếu sử dụng chất liệu sơn dầu trên vải lụa.

Trái: Tác phẩm Les Lavandieres, sơn dầu trên nền lụa, 92 x 65 cm. Phải: Phụ nữ và hoa, sơn dầu trên nền lụa, 73 x 50.5 cm. Hai bức họa này cũng thuộc nhóm tác phẩm Lê Phổ được đấu giá lần này. Ảnh: Sotheby’s

Sinh ra ở Hà Nội năm 1907, Lê Phổ là lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó ông chuyển sang Pháp sinh sống và làm việc. Thời kỳ đầu, ông duy trì lối vẽ truyền thống, với hình ảnh người phụ nữ mong manh trong tà áo dài. Càng về sau trong sự nghiệp, khi đổi sang vẽ sơn dầu trên nền vải lụa, người phụ nữ của Lê Phổ càng phóng khoáng và sống động hơn. Tranh của ông cũng trở nên đa sắc và vui tươi hơn.

Tuy tranh vẽ sơn dầu thời kỳ sau mau chóng tìm được chỗ đứng tại thị trường mỹ thuật Pháp và Mỹ khi ông còn sinh sống và làm việc tại các quốc gia này, thì các tác phẩm cổ điển bằng bột màu gouache trên nền vải lụa trong thời kỳ đầu của sự nghiệp Lê Phổ lại thu hút sự quan tâm cao hơn tại các phiên đấu giá sau khi ông mất.

Ảnh: Sotheby’s

Tại phiên đấu giá Sotheby’s ở Singapore lần này cũng vậy. Tác phẩm Phụ nữ Việt Nam chỉ vỏn vẹn 28.5 x 23.5 cm nhưng có mức giá cao hơn các tác phẩm cỡ đại của cố họa sỹ.

Bức họa này từng mang về 725.000 đô-la Hồng Kông (khoảng 2,16 tỉ đồng) ở phiên đấu giá Christie’s năm 2017. Lần này, tác phẩm dự kiến sẽ đạt từ 620.000 đến 1 triệu đô-la Singapore (từ 10 đến 16 tỉ đồng). Đây cũng là một trong những tác phẩm có định giá cao nhất phiên đấu giá lần này của Sotheby’s tại Singapore.

>>> XEM THÊM: SOTHEBY’S TRIỂN LÃM TRANH “TỨ KIỆT ĐÔNG DƯƠNG” PHỔ-THỨ-LỰU-ĐÀM LỚN NHẤT VIỆT NAM

Sotheby’s trở lại với Singapore sau 15 năm

Tác phẩm Trẻ em nô đùa của Mai Trung Thứ, bột màu gouache trên lụa, 39 x 36 cm, vẽ năm 1955. Tranh đi kèm khung nguyên bản của cố họa sỹ. Ảnh: Sotheby’s

Bên cạnh các tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, phiên đấu giá lần này của Sotheby’s tại Singapore còn có tác phẩm của cố nghệ sỹ siêu sao Zao Wou-Ki, nữ hoàng chấm bi Yayoi Kusama, và họa sỹ Singapore đi trước thời đại Georgette Chen. Tổng doanh số ước lượng sẽ vượt mức 10 triệu đô-la Mỹ. Nhà đấu giá hy vọng sẽ hướng sự quan tâm của giới sưu tầm toàn cầu đến các tác phẩm mỹ thuật Đông Nam Á thông qua sự kiện này.

Tác phẩm Kỵ sỹ và Ngựa (Cavalier et cheval) của Vũ Cao Đàm, sơn dầu trên nền vải canvas, 73 x 60 cm, vẽ năm 1962. Ảnh: Sotheby’s

Sotheby’s từng nhiều lần triển lãm và đấu giá ở Singapore từ 1966, nhưng đến 2008 thì chấm dứt để chuyển sang Hồng Kông, được xem là thị trường lớn hơn khi có thể tiếp cận cả giới sưu tầm Đại Lục. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại, Trung Quốc đóng cửa biên giới vì chính sách Zero Covid, và Hồng Kông cũng đối mặt với sự chảy máu chất xám khi giới sáng tạo dứt áo rời đi do mâu thuẫn chính trị.

Các nhà sưu tầm Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận Singapore hơn Hồng Kông, vì đảo quốc này không đòi hỏi visa và đã mở cửa lại hoạt động bình thường hậu Covid-19.

THÔNG TIN CHO BẠN

Tham khảo thông tin chính thức tại website Sotheby’s. Bên cạnh việc bay đến Singapore để tham dự buổi đấu giá trực tiếp, những người quan tâm cũng có thể đấu giá qua mạng trên chính website này.

>>> XEM THÊM: CƯƠNG VỊ MỚI CỦA CHÂU KIỆT LUÂN: NHÀ GIÁM TUYỂN NGHỆ THUẬT CHO SOTHEBY’S

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm