Tia-Thủy Nguyễn đấu giá bức tranh Những Ngày Nhiều Mây gây quỹ chống dịch

Tia-Thủy Nguyễn bảo, "Life is pink" là câu slogan chị thích. Sau những ồn ào, nhiễu loạn, cuộc sống vẫn và sẽ mang sắc hồng ngọt ngào.

Họa sĩ Tia-Thủy Nguyễn trong xưởng họa với bức tranh Những Ngày Nhiều Mây

Đại dịch và giãn cách xã hội tác động đến chúng ta theo nhiều lẽ. Mỗi người có một phương thức ứng xử trước những ngày lịch sử này. Với họa sĩ Tia-Thủy Nguyễn, chị dành nhiều thời gian trong xưởng sáng tác. Bức họa Những Ngày Nhiều Mây ra đời, được chị bán đấu giá để gây quỹ cho chiến dịch Be Strong Vietnam 24/7. 

Be Strong Vietnam 24/7 là chiến dịch gây quỹ ủng hộ những cộng đồng khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngày 8/8, Những Ngày Nhiều Mây đã được một nhà sưu tập ẩn danh đấu giá thành công, với mức giá 450 triệu đồng. Harper’s Bazaar Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nữ họa sĩ. 

HARPER’S BAZAAR: Chào chị Thủy, thành phố của chúng ta đã trải qua gần hai tháng giãn cách xã hội. Chị sẽ dùng ba tính từ gì để mô tả những ngày qua của chị một cách chính xác nhất?

THỦY NGUYỄN: Sẻ chia, lắng lòng và hồi hộp.

HARPER’S BAZAAR:Với nghệ sĩ, thời gian giãn cách xã hội là giai đoạn trầm lắng nhưng cũng có thể có ích. Chị nghĩ gì về quan điểm này?

THỦY NGUYỄN: “Giãn cách xã hội” trở thành quãng thời gian thiết thực nhất với Thủy . Đây là thời gian học, đọc, thử và tìm. Tôi đọc các cuốn sách ngày xưa và ngày nay để học được cách tư duy của các thế hệ, từ đó có được những suy luận hay những trải lòng của bản thân. Khi nghiên cứu và thử nghiệm những ý tưởng mới trong các tác phẩm, có những thắc mắc, vỡ òa và có cả những trăn trở. Có thử thì sẽ có sai. Mình không vội vàng, ràng buộc về mặt thời gian, nên mình cho phép bản thân được sai, được vấp ngã, để tìm ra điều gì thỏa mãn chính mình.

Thủy không sợ hãi, tránh né mà nhìn nhận mọi thứ như một thử thách với bản thân. Đây là lúc mình góp nhặt thật nhiều cảm xúc, kỹ năng để bắt kịp với thời đại.

HARPER’S BAZAAR: Một ngày điển hình của chị trong giai đoạn giãn cách xã hội ra sao? 

THỦY NGUYỄN: Buổi sáng, Thủy dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình. Khi trẻ con dậy thì cả nhà cùng nhau dùng bữa. Cũng giống như một ngày làm việc bình thường; Thủy họp online cùng với các nhóm cho các dự án khác nhau. Tôi vẫn giữ nhịp sáng tạo từ 11h tới 3h chiều. Sau bữa cơm tối là quỹ thời gian dành cho bản thân: đọc sách, nghe nhạc, xem phim, hỏi han mọi người. 

Thủy giữ trạng thái bình an cho cả nhà và những người quanh mình. Nhưng thực tế thì trong tâm đang rất “động”: Lo lắng việc nhà cửa, các con, cuộc sống của nhân sự, đồng nghiệp và cả những người mà mình có thể giúp đỡ ngoài xã hội. 

HARPER’S BAZAAR: Được biết chị đã dành rất nhiều thời gian để sáng tác tranh và bán đấu giá lấy tiền đóng góp cho các quỹ từ thiện. Trong số các sáng tác của chị giai đoạn này có một bức có tên Những Ngày Nhiều Mây. Trái ngược với tên gọi, bức tranh toát lên cảm giác tươi vui, hy vọng tràn đầy. Chị có thể chia sẻ thêm về sáng tác này?

THỦY NGUYỄN: Ý tưởng tác phẩm Những Ngày Nhiều Mây đến với Thủy vào lúc máy bay đang len qua những tầng mây để đưa mình về với Sài Gòn. Từng đám mây đan vào nhau, bồng bềnh nhưng mịt mù. 

Thật hay rằng, dù mây có dày có đặc nhưng những tia nắng lấp lánh không vì thế mà chùn bước. Đây cũng là thông điệp mà Thủy muốn gửi gắm tới mọi người: Trời càng nhiều mây, lại càng nhiều những vầng sáng bạc. Bởi vì mặt trời sẽ luôn tỏa sáng.

Bức hoạ Những ngày nhiều mây của Tia-Thuỷ Nguyễn

HARPER’S BAZAAR: Chị đã bán bao nhiêu bức tranh trong thời kỳ này và đã đóng góp được bao nhiêu cho quỹ từ thiện? Đóng góp của chị đã được quỹ này sử dụng cho mục đích gì? 

THỦY NGUYỄN: Một vài tác phẩm đã được mua và đóng góp cho các công việc thiện nguyện từ nhiều cá nhân và nhà sưu tập ẩn danh. Lần này Thuỷ nhận được lời mời của chị Jang Kều cùng đồng hành với quỹ Be Strong Vietnam 24/7; bằng việc quyên góp tác phẩm theo hình thức đấu giá trực truyến.  Rất vui khi tác phẩm thu về hơn 450 triệu đồng sau 2 ngày đấu giá.  Quỹ sẽ dành toàn bộ số tiền này được dùng cho việc cứu trợ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa tại Tp. Hồ Chí Minh.

>>> Xem thêm: NGÔI NHÀ ĐẬM HƠI THỞ THIÊN NHIÊN, NGHỆ THUẬT CỦA DOANH NHÂN JANG KỀU

HARPER’S BAZAAR: Ngoài tranh, chị dành thời gian cho thời trang như thế nào trong giai đoạn giãn cách xã hội? 

THỦY NGUYỄN: Thủy đều đặn cập nhật tình hình công việc online với đội ngũ. Tình hình dịch bệnh khiến kế hoạch có nhiều thay đổi; cho mình bài học về một sự kiện bất khả kháng sẽ là như thế nào. Mình phải điều chỉnh kế hoạch ra mắt bộ sưu tập, mô hình kinh doanh thời trang… 

Tất cả phải thích nghi với điều kiện mới. Nếu không thể ngồi lại và làm ra sản phẩm, thì giờ là lúc cùng nhau sáng tạo và tạo hình cho các ý tưởng; nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý xã hội sau mùa dịch, thói quen mua sắm của khách hàng; xem xét lại quy trình làm việc, cách vận hành để sẵn sàng cho giai đoạn mới tiếp theo. Không thể trở lại với những lối mòn xưa cũ.

HARPER’S BAZAAR: Chị có đang ấp ủ dự án thời trang nào không? 

THỦY NGUYỄN: Hiện tại, Thủy dự định ra mắt một bộ sưu tập mới vào cuối năm nay. Thông qua những thiết kế mới này, Thủy muốn mang lại một nguồn năng lực tích cực và tràn đầy sức sống đến với mọi người. Rất rực rỡ – đó là những gì Thủy có thể chia sẻ. Bên cạnh những khoảnh khắc đẹp nhưng ngắn trên sàn diễn thời trang, Thủy sẽ giới thiệu một vài cuốn sách, như một cách nhìn khác về nghệ thuật, có khả năng lưu giữ lâu hơn.

HARPER’S BAZAAR: Hồi đầu năm 2021, chị đã tổ chức một triển lãm rất độc đáo có tên gọi Mộng Bình Thường. Ở Việt Nam có rất ít hoạt động triển lãm, trong ngành thời trang càng đếm trên đầu ngón tay. Triển lãm của chị rất giá trị, không chỉ cho sinh viên mà những ai đang nghiên cứu về thời trang nói chung, thời trang Việt Nam nói riêng. Chị đánh giá như thế nào về kết quả triển lãm? Nó đã đạt được kỳ vọng của chị chưa?

THỦY NGUYỄN: Mộng Bình Thường là dự án có ý nghĩa rất lớn với Thủy. Đó là một “tác phẩm lớn” gồm nhiều “họa tiết nhỏ” mình góp nhặt trong 9 năm sáng tạo nghệ thuật. Cảm giác sau khi triển lãm khép lại có thể gói gọn trong hai từ: “sung sướng”! Mình đã được rất nhiều thứ:

• Được nhìn ngẫm lại hành trình “cùng nhau” của Thủy cùng các cộng sự. 

• Được nhìn thấy sự quan tâm sâu sắc của khán giả. Mọi người chăm chú đọc những thông tin, thông điệp của triển lãm. Khán giả đến từ nhiều giai tầng, ngành nghề; chứ không chỉ là nhóm khán giả quan tâm đến thời trang. 

• Được giới thiệu một mô hình triển lãm chuyên đề chỉn chu. Trong đó, có triển lãm chính và các buổi giao lưu chuyên môn. Các tài liệu nghiên cứu đính kèm, quy cách bố trí không gian trưng bày, concept chủ đạo.

• Được nhận ra mình không hề đơn độc. Có sự đồng hành của rất nhiều anh chị em trong nghề cũng như sự ủng hộ của các đơn vị truyền thông.

Cái “được” hay nhất, đã nhất là “nguyên bản” của chính mình. Cũng còn những thiếu sót, nhưng hơn hết Thủy cảm thấy hài lòng với Mộng Bình Thường.

>>> Xem thêm: THỦY NGUYỄN “PHIÊU” CÙNG KHÁCH MỜI TRONG KHÔNG GIAN TRIỂN LÃM MỘNG BÌNH THƯỜNG

HARPER’S BAZAAR: Giữa họa  sĩ Tia-Thủy Nguyễn và nhà thiết kế Thủy Nguyễn, chị thích danh xưng nào hơn?

THỦY NGUYỄN: Trong hội họa, mình là Tia-Thủy Nguyễn. Trong thời trang, mình là Thủy Nguyễn. Thủy giữ cả hai danh xưng này để được sống, được vui; được tận hưởng, cống hiến một cách tách biệt, rõ ràng. Mọi người sẽ không bị lẫn lộn một người mà làm hai việc. 

Đây là hai “vai” với hai định hướng nghệ thuật khác nhau. Nên, không thể so sánh “thích danh xưng nào hơn”.

Tia-Thuỷ Nguyễn bên bức tranh Sương mù đỏ thẫm (Scarlet Mist) được bán đấu giá khoảng 2,3 tỷ đồng trong chiến dịch (Red) Campaign.

HARPER’S BAZAAR: Thế giới đã trải qua gần hai năm bị tàn phá vì Covid. Ngành thời trang đã bị thiệt hại rất nhiều trong giai đoạn bão táp này. Hiện nay, ở các nước đã phát triển, thời trang bắt đầu phục hồi với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Chị nghĩ điều này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid không? Có những yếu tố nào có thể kìm hãm sự phát triển của thời trang hậu Covid? 

THỦY NGUYỄN: Thủy nghĩ câu chuyện thời trang ở Việt Nam có nhiều khác biệt so với các nước trên thế giới.

Ở mình, đa số các nhà thiết kế làm việc độc lập, tự lực cánh sinh. Chúng ta phải rất nỗ lực gồng gánh qua một “cơn địa chấn không báo trước”. Do đó, cần rất nhiều thời gian để phục hồi.

Còn ở các nước khác, những nhà thiết kế hay các thương hiệu nổi tiếng được ghi nhận có tăng trưởng về kinh doanh vì phía sau họ có các tập đoàn thời trang “chống lưng” về tài chính. Họ có cả một guồng máy khổng lồ, vận hành chuyên nghiệp, hoàn toàn đúng với cách gọi “ngành công nghiệp thời trang”.

Chúng ta không thể không nhắc tới sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Chắc hẳn phải mất một khoảng thời gian để họ làm quen lại. Và có các vấn đề liên quan đến nhân lực và chuỗi cung ứng cũng rất phức tạp. 

HARPER’S BAZAAR: Rất cảm ơn chị đã dành thời gian cho Harper’s Bazaar Việt Nam. Chúc chị luôn khỏe mạnh, yêu đời và đầy sức sáng tạo. 

>>> Xem thêm: THỦY NGUYỄN: KHI HỌA SỸ LÀM NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG

Ảnh: Ngô Nhật Hoàng 
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm