Sự kiện nghệ thuật đặc biệt với chủ đề ANA – Những Sắc Màu diễn ra tại Đà Lạt hôm 10/7 đã đón nhận đông đảo khách tham quan. Đây là sự kiện thứ 12 trong hành trình đồng hành cùng nghệ thuật của Ana Madara Đà Lạt, mang đến cho công chúng những triển lãm hội họa ấn tượng và nhiều trải nghiệm độc đáo trong không gian duy mỹ.
Đến với ANA – Những Sắc Màu, các quan khách không chỉ được chiêm ngưỡng mà còn được trải nghiệm các bức họa bằng đa giác quan: Tham quan xưởng sáng tác của các hoạ sĩ, đăng ký vẽ ký hoạ chân dung cá nhân, workshop nghệ thuật ngoài trời với kỹ thuật vẽ tranh acrylic, khắc bản in, làm nến, tham gia triển lãm, thưởng thức rượu vang độc bản từ thương hiệu Clynk và thưởng thức đêm nhạc cổ điển lãng mạn tại bể bơi…
Tham gia những hoạt động này giúp khách tham quan hiểu thêm về thế giới nghệ thuật của triển lãm hơn việc chỉ dạo quanh phòng tranh thưởng lãm tác phẩm cuối cùng.
Thủ môn Đặng Văn Lâm dự khai mạc triển lãm ANA – Những Sắc Màu
Là một trong những vị khách tham dự khai mạc triển lãm ANA – NHỮNG SẮC MÀU, thủ môn Đặng Văn Lâm bày tỏ sự thích thú khi có cơ hội ngắm các tác phẩm hội họa từ năm họa sĩ nổi tiếng của mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Sau hôn lễ riêng tư vào ngày 7/7 tại Nha Trang, anh đã đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, đồng thời tham quan triển lãm. Anh dành nhiều thời gian để trò chuyện với các họa sĩ và khách mời trong giới mỹ thuật để hiểu hơn về các tác phẩm. Anh cho biết, bố mẹ anh đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở Nga nên từ nhỏ anh đã quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật, trong đó có hội họa.
Không gian triển lãm tranh ANA – Những Sắc Màu là kết tinh của 5 tài năng hội họa Việt
Triển lãm ANA – Những Sắc Màu nằm trong khuôn khổ của trại sáng tác, diễn ra từ ngày 10/7 đến 25/8/2024, với 45 bức tranh đến từ 5 hoạ sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật đương đại: Lê Thế Anh, Lê Đức Tùng, Nguyễn Minh, Đình Ngỡ, Văn Quân.
Giữa không gian cổ điển và sang trọng, thấm đượm văn hoá – di sản – lịch sử của khu nghỉ, 5 hoạ sĩ đã có cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm đầy màu sắc, cảm xúc và mang đậm dấu ấn thời gian. 5 họa sĩ sở hữu 5 phong cách hội họa khác nhau, điều này tạo nên sự khác biệt trong góc nhìn, quan điểm thẩm mỹ.
Do vậy, đề tài sáng tác dù chỉ gói gọn về thiên nhiên Đà Lạt, các biệt thự Pháp có hơn 100 năm tuổi… nhưng lại rất phong phú về cách khai thác, chất liệu. Tuy nhiên có điểm chung kết nối 5 họa sĩ, đó là tình yêu, sự trân trọng với giá trị văn hóa, lịch sử và di sản Việt Nam. Với cách tiếp cận và kỹ thuật riêng, họ đều khám phá và truyền tải vẻ đẹp của thời gian và không gian thông qua những tác phẩm của mình.
1. Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố)
Anh vốn nổi tiếng với các tác phẩm về phố – càng ngày càng đào sâu, chiêm nghiệm, bóc tách… như một nhà khảo cổ học say mê tìm kiếm và khám phá những trầm tích, những giá trị ẩn tàng sau mỗi di sản. Khi đến Đà Lạt tham gia trại sáng tác, anh đã vẽ 5 tác phẩm Acrylic rất dữ dội và cũng rất dịu êm, đặc biệt tác phẩm với chủ đề Phố mưa là những rung cảm của anh về kiến trúc các biệt thự Pháp dưới cơn mưa rào nơi phố núi.
2. Họa sĩ Lê Đức Tùng
Anh được giới mộ điệu ấn tượng với cách khai thác chất liệu sơn mài truyền thống. Ở triển lãm lần này, anh tập trung vào mảng đề tài thiếu nữ. Tác phẩm của anh thể hiện sự thông minh, tinh tế, nhạy cảm và duyên dáng qua cách chọn tư thế phía sau của người phụ nữ – dáng người mềm mại, bờ vai mong manh, cái lưng ong nhỏ nhắn – tất cả đều rất giàu sức gợi. Anh đặt vẻ đẹp ấy trong không gian ước lệ gợi ý niệm về sự trôi chảy của thời gian để nói lên thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa và nay.
3. Họa sĩ Đặng Đình Ngỡ
Đây lại là một tài năng của nền mỹ thuật đương đại ở mảng phong cảnh làng quê. Những rặng tre bốn mùa thay lá, những khoảnh khắc giao thời được anh bắt trọn và vẽ bằng một bút pháp phóng khoáng, đầy cảm xúc. Tranh của anh làm người xem cảm nhận được sự nhẹ nhàng, mát mẻ của gió, cái trong veo của mặt nước, cái lơ lửng của không khí sớm mai. Các tác phẩm sơn đầu anh mang tới triển lãm là hình ảnh làng quê thơ mộng của Bắc Bộ, miền núi phía Bắc và cả thành phố, thể hiện một tình yêu lớn anh dành trọn cho thắng cảnh Việt Nam.
4. Họa sĩ Văn Quân
Anh sở hữu số lượng tác phẩm đồ sộ trong sự nghiệp hơn 10 năm cầm cọ. Anh vẽ phố, người, tĩnh vật… Là một họa sĩ đa tài với khả năng biểu đạt phong phú, Văn Quân vẽ như một cuộc chơi, nhẹ nhàng và thong dong nhưng đầy cảm xúc. Khi đến Đà Lạt – thành phố ngàn hoa cùng những suy tư trầm mặc đã trở thành cảm hứng để anh sáng tạo nên các bức họa sơn dầu về hoa rất sâu lắng và đầy chất đời.
5. Họa sĩ Lê Thế Anh
Trong triển lãm lần này, hoạ sĩ mang đến những tác phẩm giàu tính đối thoại trên chất liệu sơn dầu. Đó là cuộc đối thoại giữa hội hoạ với hội hoạ, của quá khứ và hôm nay. Những bức tĩnh vật được đặt trong nền những bức tranh cổ, những em bé vùng cao được đặt trong không gian những bức tranh thiếu nhi.
Trẻ em, bé nào mà chả thích vẽ. Những nét vẽ, sắc màu hồn nhiên… chính là những biểu đạt chân thực nhất về tâm hồn trong sáng của các em. Và còn gì hợp lý hơn khi đặt các em vào trong thế giới tuổi thơ ấy. Loạt tranh này phát triển từ phong cách Đối thoại – Tiếp đoạt mà hoạ sĩ đang theo đuổi. Nó mang lại một cái nhìn đa chiều, đa không gian, đa bút phá… trong một tư duy nhất quán về hội hoạ.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm ANA – Những Sắc Màu hiện diễn ra tại Ana Mandara Đà Lạt, kéo dài suốt hai tháng 7 và tháng 8. Thời gian Trại sáng tác: 10/7/2024 – 20/7/2024 Đơn vị tổ chức: Trung tâm nghệ thuật khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa và Công ty cổ phần đầu tư Nghệ thuật Thảo Nguyên Địa điểm: 22 Đường Lê Lai, Phường 5, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng |
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
HỌA SĨ TRẦN HẢI MINH DÙNG GIẤY CHUỐI TRONG TRIỂN LÃM KỶ NIỆM 38 NĂM VỚI HỘI HỌA
HỌA SĨ TRẦN NHẬT THĂNG MỞ TRIỂN LÃM MÂY MIỀN TẠI ĐÀ LẠT
DỰ ÁN “ART TRAIL – DU HÀNH & MỞ XƯỞNG” CHẮP CÁNH HỌA SĨ TRẺ KHAI MẠC Ở ĐÀ LẠT
Harper’s Bazaar Việt Nam