Tuần lễ thời trang New York khai màn cùng ngày tâm điểm thế giới hướng về tin tức: “560 người tử vong bởi Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc”. Bối cảnh đáng báo động này buộc các thương hiệu từ Trung Quốc phải hủy bỏ sàn diễn. Ước tính có khoảng 1.000 khách mời ngôi sao, KOL, biên tập viên và nhà bán lẻ từ Đại lục đã vắng mặt.
Ba tuần kể từ khi sàn diễn thời trang bắt đầu ở New York. Bầu không khí lo lắng về Covid-19 càng leo thang tại Tuần lễ thời trang Milan. Giorgio Armani đã thông báo hủy buổi trình diễn trong vòng chưa đầy 24 giờ trước show. Giải pháp thay thế của thương hiệu là phát trực tiếp show diễn trong khán phòng không có khán giả.
Còn ở tuần lễ thời trang Paris, đa số các buổi diễn lớn tại Pháp vẫn diễn ra theo kế hoạch từ trước. Điển hình là show của Louis Vuitton, tổ chức vào ngày cuối cùng (ngày 4 tháng 3) của Tuần lễ thời trang Thu Đông 2020. Michael Burke, Giám đốc điều hành của Louis Vuitton đã xác nhận với Women’s Wear Daily: “Khách mời Trung Quốc không đến, còn lại thì ai cũng có mặt đông đủ”.
Sự không nhất quán trong phản ứng của ngành công nghiệp thời trang đối với hiểm họa bùng phát của dịch bệnh phần nào đã phản ánh biểu hiện hoang mang trên khắp hành tinh.
Coco Chanel từng nói: “Thời trang phản ánh thế giới chúng ta đang sống”.
Khi chính phủ các nước đang đau đầu sắp xếp một chiến lược hợp lý để đối phó với Covid-19, thì giới thời trang cũng đã cho thấy cách họ đương đầu và giải quyết cho vấn nạn này.
SỰ CHUYỂN HƯỚNG CỦA CÁC NHÀ MỐT:
Phong cách đơn giản, kiểu dáng nữ tính
“Xin đừng hoảng loạn” là thông điệp mà chúng ta nghe được từ các nhà mốt. Họ đã chuyển tải điều đó, chí ít là về mặt thẩm mỹ trên sàn diễn Thu Đông 2020.
Bộ sưu tập theo chủ đề Elegance (Tao nhã) của Miu Miu tựa như luồng gió lạc quan xua tan bớt sự nặng nề chiếm hữu cả một mùa lễ thời trang ảm đạm. Các thiết kế lấy cảm hứng từ thời trang hậu Thế chiến II của thập niên 40. Thời kỳ hoàng kim của nền điện ảnh Tân cổ điển Ý (NeoRealismo).
“Chúng ta có thể vừa mạnh mẽ vừa nữ tính”, “Hãy tận hưởng niềm vui mà thời trang có thể mang lại” là điều mà nhà sáng lập của Miu Miu, Miuccia Prada, muốn lan tỏa trong giai đoạn này.
Không riêng gì Miuccia Prada. Gần như làng thời trang cao cấp đã chuyển sang một trạng thái cởi mở và nữ tính hơn. “Đồ thủ công có thể gợi lên cảm giác lạc quan trong thời điểm khó khăn”, Domenico Dolce và Stefano Gabbana chia sẻ. Họ đã làm việc cùng những người thợ thủ công để cho ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2020 thổi bùng lên “cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng và thân mật”.
MẶT HÀNG BÁN CHẠY NHẤT:
Quần áo, phụ kiện mang tính ứng dụng cao
Xu hướng thời trang lớn nhất của năm 2020? Chính là tính thiết thực. Giám đốc mua sắm thời trang của trang Mytheresa, Tiffany Hsu cho biết. Khách hàng đang quay về với các gam màu tối giản, nhất là màu đen.
“Từ đầu năm 2020 cho đến nay, 25% trang phục từ những thương hiệu xa xỉ bán chạy nhất trên các trang mua sắm trực tuyến của Mỹ và Anh là màu đen”. Krista Corrigan, một nhà phân tích bán lẻ tại công ty theo dõi xu hướng Edited chia sẻ.
Sắc đen cũng chính là gam màu phổ biến trên sàn diễn Thu Đông 2020 của hàng loạt thương hiệu. Gồm: Givenchy, Dolce & Gabbana, Oscar de la Renta, Brandon Maxwell…
Ta có thể thấy ngành công nghiệp thời trang và các lĩnh vực khác đang đối mặt với một thách thức lớn: nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Cựu chủ tịch của LVMH tại Bắc Mỹ, Pauline Brown, nói rằng: “Người tiêu dùng giờ đây tập trung vào sức khỏe của bản thân hơn. Họ không vung tay mua sắm hàng xa xỉ nữa. Và chỉ lựa chọn phụ kiện, giày dép thoải mái cho cuộc sống hàng ngày”.
Tập đoàn nghiên cứu Euromonitor nhận định thị trường toàn cầu cho giày thể thao ước tính có khả năng đạt 178,8 tỷ đô-la vào năm 2024, tăng từ 90 tỷ đô-la từ năm 2014.
Một trong những nhà thiết kế nắm bắt rất nhanh nhu cầu này là Daniel Lee của Bottega Veneta. Ngoài sắc đen chủ đạo. Tất cả mẫu đầm, áo dệt kim cho nữ hay suit cho nam của Bottega Veneta đều sử dụng chất liệu có thể co giãn.
“Quần áo cần linh hoạt theo chuyển động của người mặc”, Daniel Lee nói. “Quan trọng là vẻ ngoài chỉn chu, thanh lịch mà vẫn cảm thấy thoải mái”.
>>> Xem thêm: BOTTEGA VENETA THU ĐÔNG 2020 GIỚI THIỆU GIÀY PHÂN HỦY TỰ NHIÊN 100%
Cũng trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự bùng phát của Covid-19, nhà thiết kế người Pháp Marine Serre đã kịp trình làng những thiết kế khẩu trang đồng họa tiết với trang phục. Cô mô tả chúng như “tấm che mặt chống ô nhiễm của tương lai”. Nhiều chuyên gia đã ca ngợi Marine Serre về tính thiết thực và nhạy bén khi giải quyết được “tính thời trang vào nhu cầu của đời sống”.
THỰC TRẠNG CỦA NGÀNH THỜI TRANG XA XỈ
Covid-19 đã tấn công ngành công nghiệp thời trang xa xỉ từ nhiều góc độ. Dịch bệnh này bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc; nơi chiếm hơn 1/3 lượng khách hàng cho các thương hiệu lớn toàn cầu. Rồi tiếp đến là Hàn Quốc và Ý. Hai thủ phủ thời trang của thế giới trở thành tâm dịch lớn châu Á và châu Âu.
Ngay lúc này đây, dịch bệnh đã lan khắp thế giới. Ngành du lịch và hàng không khủng hoảng trầm trọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự đình trệ của cả ngành công nghiệp thời trang. Khi 40% doanh số bán hàng xa xỉ là từ nguồn khách du lịch quốc tế.
Business Insider cho biết, theo một báo cáo dựa trên khảo sát của Bernstein kết hợp Boston Consulting Group, đại dịch Covid-19 có thể khiến thị trường xa xỉ thất thoát 43 tỷ đô-la doanh thu.
Người đứng đầu Phòng thời trang quốc gia Ý, Carlo Capasa, cho hay: “Sự bùng phát của Covid-19 là cơn ác mộng đối với ngành công nghiệp thời trang trị giá 100 tỷ đô-la của Ý. Chúng tôi đã mong đợi một sự khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2020. Mọi thứ hiện đã đảo lộn hoàn toàn”. Chắc chắn, không riêng gì nước Ý, “sáu tháng đầu năm 2020 sẽ rất thảm”.
XU HƯỚNG SẢN XUẤT THỜI TRANG:
Ưu tiên chất liệu vải tái chế
Covid-19 không chỉ đánh mạnh vào phân khúc hàng cao cấp. Nó còn khiến các thương hiệu tầm trung và thấp nhận ra sự dựa dẫm của mình vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán các thương hiệu bình dân cũng khó mà ra mắt các bộ sưu tập vào mùa tới, do sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất. Giống như nhiều ngành công nghiệp khác, thế giới thời trang từ lâu đã xem Trung Quốc là nhà sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới. Quốc gia này cũng là nguồn sản xuất giá rẻ, chuyên cung cấp mặt hàng phụ liệu thời trang khác như chỉ may, nút áo, khóa kéo…
“Đại đa số các sản phẩm đặc thù chỉ được thực hiện tại Trung Quốc”, ngài Gary A. Wassner, CEO của Hilldun Corporation kiêm Chủ tịch của Interluxe cho biết.
Việc các nhà máy đóng cửa, hoặc cắt giảm chuỗi cung ứng gây ra tác động vô cùng lớn. Khi Trung quốc đang đóng cửa,các nhà bán lẻ và bán sỉ thời trang đường phố, đồng phục trường, đồ thể thao… đều lo sợ các đơn đặt hàng sẽ không kịp đáp ứng với nhu cầu của cửa hàng. Sự chậm trễ này, theo nhiều chuyên gia, sẽ gây ra vấn đề lớn trong vận hành kinh doanh vì quần áo được bán theo mùa.
“Kinh doanh thời trang nhanh chăm chăm vào xu hướng như đang đứng trên bờ vực”. Margaret Bishop, một chuyên gia về chuỗi cung ứng hàng dệt may cho biết. “Thời gian từ thiết kế đến giao hàng luôn căng như dây đàn. Nếu vì sự chậm trễ nào đó, các nhãn hiệu sẽ phải đương đầu với lượng hàng tồn khổng lồ”. Thế rồi, khi sản xuất ở Trung quốc phục hồi thì các quốc gia Âu, Mỹ lại giảm cầu, do dịch bệnh vào giai đoạn đỉnh cao.
Hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ cho rằng sự bí bách này mở ra cách tiếp cận mới. Chúng khiến các thương hiệu phải xem lại quy trình sản xuất của mình.
Chúng khiến các nhà thiết kế chịu sức ép tích cực để tạo ra các bộ sưu tập bền vững hơn, đặt sự bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu. Trong Tuần lễ thời trang vừa qua, phần lớn các bộ sưu tập đều làm bằng vải tái chế và tự nhiên. Một vài cái tên có thể kể đến như Emporio Armani, Marni, Maison Margiela, Gabriela Hearst, Prada…
GIẢI PHÁP CHO TƯƠNG LAI:
Mô hình mua hàng trực tuyến
Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến doanh số của mọi thương hiệu. Nó cũng phá vỡ mô hình bán buôn truyền thống. Tuy nhiên, trong cái khó mới ló cái khôn!
Tập đoàn phân phối và bán lẻ Saks Fifth Avenue và các nhà bán lẻ khác của Mỹ phải rời show sớm. Hay thậm chí hủy kế hoạch dự Tuần lễ thời trang Paris. Do họ phải thực hiện cách ly 14 ngày sau khi tham dự ở Ý. Kết quả, nền công nghiệp thời trang đã nếm mùi thế nào là tuần lễ thời trang ảo. Các nhà bán lẻ xem hàng và thực hiện đơn hàng qua ứng dụng đặt hàng kỹ thuật số Joor và phòng trưng bày ảo Ordre.
Theo thống kê của Joor, giá trị trung bình của một đơn hàng trong Tuần lễ thời trang Paris mùa này cao gấp bốn lần so với năm ngoái. Thậm chí số lượng hàng ở mỗi đơn cũng cao hơn tới ba lần.
Trước đây, việc đặt hàng trực tuyến thường áp dụng cho các nhà bán lẻ quy mô nhỏ; khi họ không đủ khả năng di chuyển đến tuần lễ thời trang lớn. Giờ đây, sự tiện dụng của phần mềm này đã trở thành lựa chọn chủ yếu cho mọi người. Thao tác cũng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần đặt hàng trên iPad sau khi đã tải phần mềm Joor.
“Các tương tác trực tuyến (được tính theo mỗi lần click trong phòng trưng bày ảo) tăng 375% trong mùa này”, Simon P. Lock, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Ordre chia sẻ.
“Một số thương hiệu lớn, bao gồm Gucci và Bottega Veneta, liên tục theo dõi và cập nhật các phòng trưng bày ảo của họ trên nền tảng này để phục vụ kịp thời những khách mời vắng mặt”. Lock gọi sự chuyển đổi này như một “điểm bùng phát” bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Các phòng trưng bày ảo tất nhiên chẳng thể thay thế trải nghiệm mà người mua có thể cảm nhận trực tiếp từ những cửa hàng truyền thống. Thế nhưng, những phần mềm số hóa nêu trên là lựa chọn bắt buộc cho các hoạt động mua bán tương lai. Thời thế thay đổi và tình trạng hạn chế đi lại của thế giới như hiện nay bắt buộc người ta phải tìm cách kết nối khác.
>>> Xem thêm: VÌ DỊCH CÚM COVID-19, CÁC TUẦN LỄ THỜI TRANG THAY ĐỔI LỊCH DIỄN
Harper’s Bazaar Việt Nam