TỪ ĐIỂN THỜI TRANG: THẾ NÀO LÀ CHẤT LIỆU VẢI XANH?

Một hướng dẫn cụ thể cho những người ủng hộ xu hướng thời trang bền vững. Hãy đọc nhãn mác kỹ trước khi mua hàng và lưu ý những chất liệu vải sau đây.

Ảnh: The Beautiful Bed Co

Ảnh: The Beautiful Bed Co

“Ông lớn” Zara vừa thông báo sẽ đầu tư nhiều hơn cho mảng thời trang xanh. Trong số các mục tiêu cải thiện quy trình và sản phẩm được đề ra, một trong những hạng mục chính là cải thiện chất liệu. Đặc biệt là những chất liệu được xem là có giá trị bền vững (sustainable). Không chỉ Zara, một loạt những thương hiệu thời trang khác, từ fast fashion đến thời trang cao cấp, đều nhắm đến việc sử dụng chất liệu xanh như một biện pháp kinh doanh bền vững.

Vậy đâu là những chất liệu được xem là xanh, bền vững và giúp bảo vệ tài nguyên?

Phân loại các chất liệu thân thiện với môi trường

Có nhiều loại vải được xem là đạt chuẩn bền vững. Thị trường này cũng ngày càng xuất hiện nhiều loại vải đạt chuẩn nhờ các nghiên cứu mới, và các phương thức cải thiện quy trình sản xuất. Nhìn chung, chúng ta có thể gộp chúng theo các nhóm sau.

1. Vải hữu cơ

Chất liệu hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, làm ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, khi mặc lên người, chất liệu hữu cơ cũng an toàn hơn cho làn da.

Cotton và Linen (vải lanh) là hai nhóm vải hữu cơ dễ tìm mua nhất. Len và Cashmere cũng có nguồn sản xuất hữu cơ, dù hiếm gặp hơn. Ngoài ra, vải Tơ Tằm cũng được xem là chất liệu tốt cho thiên nhiên vì không sử dụng hóa chất nặng khi xử lý, lại phân hủy sinh học.

Cotton hữu cơ là chất liệu được ưa thích cho thời trang trẻ em cao cấp. Vì nó nâng niu làn da của bé.

Cotton hữu cơ là chất liệu được ưa thích cho thời trang trẻ em cao cấp. Vì nó nâng niu làn da của bé.

>>> Xem thêm: THỜI TRANG TRẺ EM XA XỈ MỞ RA CƠ HỘI KINH DOANH MỚI

2. Vải làm từ thân thực vật

Các chất liệu này thuộc loại nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo. Các thớ gỗ và thân xơ được hoà tan trong dung môi; hóa lỏng; rồi được kết sợi; sau đó mới đem dệt thành cả cuộn vải.

Chất liệu này được gọi chủ đạo là viscose hay rayon. Sau đó được phân nhánh nhỏ thêm thành modal, lyocell…tuỳ cách dệt/xử lý hay chất liệu được khai thác. Các loại chất liệu được ưu tiên là những thân gỗ mọc nhanh hoặc mọc trên đất cằn (như tre nứa, bạch đàn), cũng như thân bã thực phẩm (thân cây đậu nành). Thay vì khai thác gỗ từ rừng rậm cần hàng trăm năm để phát triển.

Sở dĩ nó được xem là thân thiện với môi trường vì viscose là vải có thể phân hủy tự nhiên, khác với polyester vốn là một chất liệu nhựa. Trong số đó, Tencel là loại viscose tốt cho môi trường nhất, nhờ quy trình sản xuất khép kín: không lãng phí dung môi; không tạo ra chất thải ô nhiễm môi trường.

>>> Xem thêm: TENCEL LÀ GÌ? VÌ SAO VẢI TENCEL ĐƯỢC GIỚI THỜI TRANG ƯA CHUỘNG?

3. Vải tái chế

Các loại vải polyester, nylon được sản xuất từ dầu mỏ. Việc khai thác dầu mỏ mới để sản xuất vải cực kỳ lãng phí. Chưa kể các loại vải này không phân hủy tự nhiên, nên gây ô nhiễm nặng nề. Khi tái sử dụng các vải polyester, nylon cũ, chúng ta vừa hạn chế được việc khai thác quá đà mỏ dầu thiên nhiên, và cũng giảm lượng rác thải đổ xuống đất/biển hàng năm.

Vải polyester tái chế có thể đến từ vỏ chai nhựa, lưới đánh cá hỏng, hay từ những bộ quần áo cũ. Polyester tái chế cũng được sử dụng để sản xuất chất liệu giả da.

Ngoài polyester, còn có len và cashmere tái chế. Để sản xuất len, cashmere hay da thuộc cần nhiều tài nguyên trong quá trình chăn nuôi gia súc. Khi tái chế những chất liệu này, chúng sẽ không tốn kém như lần sản xuất ban đầu.

Những loại vải đang được phát triển

Ngoài những chất liệu trên, cả thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại vải mới.

Một hướng nghiên cứu đi về phía sử dụng bã thực vật – ví dụ lá dứa, lá và thân cây chuối… Khi được dệt thành vải, những sản phẩm này không cần tiêu tốn thêm nguồn nước để xử lý. Hiện tại, Piñatex từ Philippines đã bắt đầu sản xuất vải giả da từ lá dứa.

Túi xách và giày dép từ chất liệu giả da Piñatex

Túi xách và giày dép từ chất liệu giả da Piñatex. Ảnh: Piñatex

Một hướng nghiên cứu khác đến từ các phòng thí nghiệm. Khi được chế tạo từ gốc tế bào trong phòng thí nghiệm, các chất liệu sẽ không tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên để sản xuất. Tại Berkeley, California, phòng lab Bolt Thread đã thành công trong việc dệt vải từ tơ nhện nhân tạo. Stella McCartney, nhà thiết kế đi đầu trong xu hướng sống thiên nhiên, đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho phòng lab này. Dự kiến chất vải từ tơ nhện sẽ xuất hiện sớm trong các bộ sưu tập của bà.

Stella McCartney (phải) cùng đại diện từ Bolt Threads (trái) bên các thiết kế từ vải tơ nhện

Stella McCartney (phải) cùng đại diện từ Bolt Threads (trái) bên các thiết kế từ vải tơ nhện

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm