Chất liệu Tencel là gì và vì sao vải Tencel đang được giới thời trang ưa chuộng?

Nếu nhắc đến trào lưu xanh và eco-friendly toàn cầu, không thể không nhắc đến chất vải Tencel đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các bộ sưu tập thời trang mới.

Chất liệu Tencel đang xuất hiện ngày càng nhiều trong thiết kế của các thương hiệu hướng đến xu hướng xanh. Nó được xem là một trong những chất liệu thân thiện với môi trường nhất trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vải Tencel là gì và phù hợp để sử dụng với các thiết kế thời trang nào? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.

Vải Tencel là gì?

Chất liệu Tencel thực chất là một loại vải lyocell. Vải TENCEL® là tên gọi của chất liệu sợi lyocell được sản xuất độc quyền bởi công ty Lenzing AG. Nói cách khác, Tencel là một loại lyocell đặc biệt.

Chất liệu lyocell được làm từ thực vật thân gỗ, ví dụ cây gỗ, tre nứa, cọ… Sự khác biệt duy nhất giữa sợi lyocell thông thường và sợi Tencel là: lyocell được làm từ sợi gỗ nói chung, trong khi đó Tencel được làm duy nhất từ cây bạch đàn Eucalyptus của Úc.

Chất liệu Tencel là gì? Cây bạch đàn Eucalyptus của Úc là nguồn cung cấp gỗ duy nhất làm nên sợi Tencel

Cây bạch đàn Eucalyptus của Úc là nguồn cung cấp gỗ duy nhất làm nên sợi Tencel. Nguồn ảnh: National Geographic.

Quy trình dệt sợi vải Tencel

Quy trình dệt sợi Tencel giống như quy trình dệt lyocell, với các bước sau:

1) Vụn gỗ bạch đàn được làm ướt và hoà tan trong một dung môi đặc chế.

2) Sau khi vụn gỗ hóa lỏng hoàn toàn, dung dịch được ép qua những lỗ nhỏ để kết sợi tơ.

3) Tơ lyocell hình thành được giặt rửa để loại bỏ dung môi.

4) Tơ được quấn lại thành những sợi lyocell, rồi được mang đi dệt vải.

Chất liệu Tencel được xem là xanh, sạch một phần nhờ quá trình sản xuất khép kín, không lãng phí dung môi. Tuy chất dung môi này được làm từ dầu mỏ, nhưng nhờ quá trình khép kín, dung môi có thể được tái sử dụng liên tục. Theo Lenzing AG, phần dung môi được tái chế là 99%.

Tuy nhiên, sợi Tencel thường được pha với các loại chất liệu khác để tạo thành nhiều chất vải khác nhau, ví dụ cotton, lụa, rayon, acrylic… Ngoài ra, có một số loại vải pha trộn sợi Tencel và sợi lyocell bình thường để giảm giá thành. Trong trường hợp này, chỉ có chất liệu chứa hơn 30% sợi Tencel mới được gọi là vải TENCEL®.

Vải Tencel là gì? 4 bước quy trình sản xuất sợi Tencel

Quy trình sản xuất sợi Tencel. Bạn có thể thấy rõ sự hình thành của tơ Tencel qua từng bước.

Vì sao chất liệu Tencel được gọi là vải sinh học?

Hiện tại, sợi Tencel nói riêng và lyocell nói chung đang được xem là cứu tinh của ngành thời trang quá dựa dẫm vào polyester.

Bạn có biết, khi giặt quần áo chứa polyester, bạn đang góp phần làm ô nhiễm nguồn nước? Sợi polyester rơi vãi từ trong trang phục trôi theo dòng nước xả, khi về đến biển trở thành  hạt vi nhựa (microplastic, có kích thước nhỏ hơn 5mm). Những hạt vi nhựa lây nhiễm vào chuỗi thực phẩm khi được tôm cá, nghêu sò… ăn phải, và sau đó đầu độc sức khỏe của chúng ta khi trở thành thủy hải sản trên bàn tiệc.

Khi sử dụng Tencel, chúng ta an tâm không đầu độc nguồn nước như một cách tương tự, vì sợi Tencel có khả năng phân hủy sinh học.

Ngoài ra, do được làm từ cây bạch đàn, loài cây gỗ sinh trưởng trên đất cằn cỗi, nên sợi Tencel cần ít nước để sản xuất hơn cotton. Việc này quan trọng khi nguồn nước sạch ngày càng khan hiếm. Cây bạch đàn còn chứa tinh dầu tự nhiên xua đuổi côn trùng nên không cần dùng thuốc trừ sâu, hạn chế ô nhiễm khu vực canh tác.

Chất liệu Tencel là gì: Vải Tencel được ưa chuộng cho các thiết kế có form rộng.

Vải Tencel phù hợp cho các thiết kế có form rộng.

Cách áp dụng Tencel trong thiết kế thời trang

Chất liệu Tencel được ưa chuộng trong giới thời trang một phần vì sự thân thiện với môi trường, một phần khác vì nó là chất liệu rất đa dạng. Có thể sử dụng sợi Tencel để dệt ra những chất vải tương tự như cotton và linen, denim, len và lụa. Một số đặc tính của Tencel là:

  • Khả năng hút ẩm cao. Chính vì vậy, chất liệu Tencel phù hợp để may áo sơ-mi nam, áo thun, khăn tắm, chăn ga trải giường.
Chất liệu Tencel được ưa chuộng để làm bộ trải giường ở xứ nóng. Trái: Một thiết kế Indonesia. Phải: Sản phẩm của West Elm.
  • Kết cấu bền chắc, phù hợp cho vải dệt (knitwear). Có thể dùng sợi Tencel làm áo đan, mô phỏng kết cấu của len và cashmere.
Sợi Tencel khi đan sẽ mang lại cảm giác mịn như cashmere. Nếu muốn mô phỏng sự thô, dày của len, cần pha thêm các chất liệu khác vào Tencel. Trái: Áo khoác Tencel của Eileen Fisher. Phải: Áo crop top pha Tencel của Vici.

Sợi Tencel khi đan sẽ mang lại cảm giác mịn như cashmere. Nếu muốn mô phỏng sự thô, dày của len, cần pha thêm các chất liệu khác vào. Trái: Áo khoác 50% Tencel của Eileen Fisher. Phải: Áo crop top pha 5% Tencel của Vici.

Trái: Áo Tencel mô phỏng vải denim. Phải: Một thiết kế thể thao của thương hiệu trang phục dã ngoại Patagonia.

Trái: Áo Tencel mô phỏng vải denim. Phải: Một thiết kế thể thao của thương hiệu trang phục dã ngoại Patagonia.

  • Có thể dệt sợi Tencel tạo bề mặt sáng bóng như lụa. Chính vì vậy, vải Tencel thịnh hành để may trang phục nữ tính như váy đầm, áo blouse, váy ngủ.
Các thiết kế haute couture sử dụng vải Tencel của Anita Dongre, xuất hiện trong tuần lễ thời trang Lakme tại Ấn Độ. Nguồn ảnh: Lakme Fashion Week

Collection Xuân Hè 2019 của Anita Dongre tại tuần lễ thời trang Lakme, Ấn Độ. Các thiết kế này dùng loại vải Tencel pha lụa. Nguồn ảnh: Lakme Fashion Week

Nhược điểm của chất liệu Tencel là gì?

  • Không tốt cho người dễ dị ứng. Do quy trình sản xuất chất liệu Tencel sử dụng nhiều hóa chất, sợi Tencel có thể gây dị ứng cho những ai có làn da mẫn cảm.
  • Chi phí cao. Do quy trình sản xuất phức tạp, giá cả của vải Tencel khá cao. Nhìn chung, Tencel đắt tiền hơn polyester và một số loại lyocell khác, ngang giá với cotton hữu cơ.

Nguồn ảnh: Instagram, thương hiệu
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm