Áo thun (T-shirt) bắt nguồn từ Mỹ. Nó có từ thời… không ai biết. Mục đích ban đầu của nó là giữ ấm cho cơ thể người mặc. Đến thế kỷ 20, vai trò của áo thun thay đổi. Nó trở thành chiếc áo lót để ngăn cách da người với những trang phục đắt tiền mặc ngoài. Vì thế, áo thun luôn bị coi là thứ trang-phục-không-cho-ai-xem trừ “người ấy”. Làm sao chiếc áo thun trở thành một phần không thể thiếu trong tủ thời trang của các fashionista? Harper’s Bazaar bật mí cho bạn 10 điều hài hước về lịch sử chiếc áo T-shirt nhé!
LỊCH SỬ CHIẾC ÁO T-SHIRT RẮC RỐI
1. Áo thun hầu như không thay đổi kiểu dáng kể từ thời Trung cổ
Áo thùng thình. Thân dưới hình chữ nhật. Hai tay căng ra tạo thành hình chữ T nên gọi là T-shirt.
2. Cuối thế kỷ 19 là thời kỳ nở rộ những chiếc T-shirt may bằng len
Người ta mặc áo để chống cảm cúm và giúp da thở! May quá, ngành bông vải của nước Mỹ phát triển. Giờ đây, chúng ta được mặc áo T-shirt bằng sợi cotton. Cotton mềm, mịn và thoải mái hơn len nhiều.
3. Trong lịch sử chiếc áo T-shirt, đa số áo có tay ngắn
Riêng có một loại áo thun không tay: áo tank-top. Sao gọi là tank-top? Năm 1920, người ta mặc loại áo này đi bơi. Hồ bơi hồi đó không gọi là swimming pool mà gọi là swimming tank (bể bơi). Thế là chiếc áo có tên là tank top – áo bể.
4. Giữa những năm 1990, giới trẻ Mỹ gọi chiếc áo tank top là “hành hung vợ”
Tất cả chỉ vì show truyền hình Cops của Mỹ. Show này có những episode cảnh sát bắt những người đàn ông hành hung vợ. Cảnh sát xông vào nhà. Đa số các gã hành hung vợ ngồi trên sô-pha và súc miệng bằng bia. Bụng thì bự. Áo ống thun trắng bó sát người khoe ngấn mỡ. Sốt cà chua dính tèm lem trên áo. Những kẻ hành hung vợ mặc chiếc “hành hung vợ”!
5. T-shirt thoạt tiên dành cho đàn ông
Năm 1913, áo thun trắng là trang phục lót bắt buộc của lính hải quân Mỹ. Năm 1943, quân đội Mỹ đổi màu trắng sang màu khaki để tăng tác dụng nguỵ trang cho người lính trong chiến tranh.
6. T-shirt suýt nữa bị điện ảnh tiêu diệt
Ngành may mặc áo thun mau chóng phát triển thành ngành công nghiệp khổng lồ ở Mỹ. Thế mà ngành này suýt nữa bị diệt dưới tay diễn viên điện ảnh Clark Gable, biểu tượng của vẻ đẹp nam tính. Năm 1934, chàng đóng một cảnh nóng trong phim It Happened One Night. Lột chiếc áo sơ-mi trước khi lên giường, dưới đó không có chiếc áo T-shirt mà chỉ có sáu múi rắn chắc. Cánh đàn ông Mỹ đua nhau bắt chước Clark Gable. Chiếc áo thun bị vứt vào thùng rác.
7. Chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã cứu chiếc T-shirt
Lính Mỹ mặc áo thun ra chiến trận. Họ chiến thắng trở về trong chiếc T-shirt. Thế là chiếc áo thun trở thành biểu tượng vẻ đẹp nam tính.
8. Áo T-shirt trắng và quần jeans gắn liền với giới lao động chân tay
Giới trẻ nổi loạn những năm 1950 không muốn hình ảnh mình gắn liền với giới văn phòng (white-collar). Họ mặc quần jeans với áo thun trắng để tỏ thái độ đứng về phía người lính và người lao động. Họ thường cuốn ống tay áo lên, dắt vào đó điếu thuốc lá.
9. Chiếc áo thun có in câu khẩu hiện đầu tiên xuất hiện năm 1948
Câu đó là “Dew It With Dewey”. Fan của Thomas Dewey, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hoà, mang áo này để ủng hộ ông. Thế nhưng ông thua, tổng thống Truman của Đảng Dân chủ thắng! Chỉ có câu khẩu hiệu trên áo là chiến thắng vì được nhớ mãi. Trào lưu mặc T-shirt có in chữ để thể hiện triết lý hay tình cảm phổ biến hơn từ những năm 1960. Chiếc T-shirt in câu I Love NY (Tôi Yêu New York) do Milton Glaser thiết kế năm 1976 được hưởng ứng nhiệt liệt.
10. T-shirt giờ đây là tất cả
Vốn dành cho đàn ông, T-shirt nay mang tính unisex. T-shirt trắng biểu tượng cho sự gợi cảm giới tính. T-shirt biểu tượng cho trào lưu giải phóng phụ nữ. Hình ảnh trên T-shirt thể hiện quan điểm chính trị, như chiếc áo nổi tiếng in hình Che Guevara. T-shirt là thời trang. Mùa SS2017, mốt T-shirt in thương hiệu xuất hiện trong sưu tập của tất cả các nhà mốt lớn như Gucci hay Dolce & Gabbana. T-shirt đã là một món không thể thiếu trong tủ trang phục của phụ nữ.
Người ta ít khi mua T-shirt trong các cửa hàng thời trang cao cấp. Mỗi khi đi du lịch, bạn thường mang về một chiếc T-shirt làm kỷ niệm phải không? Chiếc T-shirt vì thế gìn giữ những kỷ niệm, cảm xúc gắn liền với địa danh bạn đã đến.
T-shirt trông đơn giản mà chẳng đơn giản. Bên cạnh lịch sử chiếc áo T-shirt rắc rối, mặc chiếc áo này đòi hỏi rất nhiều kiến thức về thời trang. Mời bạn đón đọc phần kế tiếp: 5 bí quyết khi phối áo thun.
Harper’s Bazaar Vietnam