Thị trường thời trang second hand toàn cầu dự kiến đạt 350 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2028

Sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thời trang bền vững là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường thời trang secondhand

thời trang secondhand

Áo khoác Helmut Lang Silver Astro Jacket từ BST Thu Đông 1999 được bán lại trên Grailed – nền tảng bán hàng second hand chuyên các sản phẩm dạng hypebeast. Ảnh: Instagram @grailed

Những quan niệm cho rằng thời trang second hand chỉ là một cơn sốt nhất thời giờ đây đã không còn đúng. Thị trường hàng vintage, hàng second hand đang không ngừng phát triển. Mỗi ngày, chúng ta lại thấy sự ra đời của các trang web thương mại điện tử mới chuyên biệt cho lĩnh vực này, cùng với đó là sự gia tăng của các nhà sáng tạo nội dung chuyên săn hàng second hand, nhằm mục đích chia sẻ về phong cách thời trang vintage.

>>>XEM THÊM: CHIẾN LƯỢC KINH DOANH ĐẰNG SAU VIỆC CHỌN THỜI TRANG VINTAGE CHO THẢM ĐỎ

Những số liệu khả quan của thị trường thời trang second hand

thời trang secondhand

Bảng dữ liệu phân tích sự tăng trưởng của thị trường thời trang secondhand của ThredUp. Ảnh: ThredUp

Báo cáo mới nhất từ Thredup tiết lộ rằng thị trường thời trang second hand toàn cầu sẽ không ngừng lớn mạnh, dự kiến đạt giá trị lên tới 350 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2028, với mức tăng trưởng hàng năm ổn định là 12%.

Vào ngày 24/3, Thredup đã phát hành báo cáo thường niên của mình về xu hướng bán lại thời trang (resale), thực hiện cùng GlobalData – công ty phân tích dữ liệu bán lẻ. Báo cáo cho thấy, trong năm 2023, thị trường second hand đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng 18% trên toàn cầu, gấp 3 lần so với thị trường thời trang tổng thể, đạt giá trị lên tới 197 tỷ đô-la Mỹ. Riêng tại Hoa Kỳ, thị trường này tăng trưởng 11%, nhanh gấp 7 lần so với thị trường bán lẻ thời trang nói chung, và dự báo sẽ đạt mức 73 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2028.

Đến năm 2025, thị trường secondhand dự kiến sẽ chiếm khoảng 10% tổng giá trị thị trường thời trang toàn cầu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vào năm 2033, thị trường này sẽ phát triển nhanh hơn tới 6 lần so với việc mua sắm off-price.

Do đâu mà hàng thời trang cũ lên ngôi?

thời trang secondhand

Giới trẻ hiện nay đặc biệt yêu thích săn lùng các món đồ độc lạ, đồ vintage không còn sản xuất qua thị trường thời trang second hand. Ảnh: Instagram @d______avi______d

Sức hút của thị trường second hand đối với người tiêu dùng có khả năng tạo ra một hiệu ứng domino mạnh mẽ. Thực tế là, có tới 74% các thương hiệu chưa áp dụng mô hình bán lại (resale) vào chiến lược kinh doanh của mình đang cân nhắc triển khai trong thời gian sắp tới. Trong năm 2023, những cái tên lớn như H&M, J.Crew, American Eagle, cùng nhiều thương hiệu khác đã bắt đầu hướng tới mô hình này, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận mua sắm của người tiêu dùng.

Sự quan tâm mạnh mẽ từ phía khách hàng đối với thời trang bền vững đang ngày càng tăng. 65% nhân viên và 43% người tiêu dùng vẫn cảm thấy chính phủ chưa thực hiện đủ các biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường từ ngành thời trang. Chính vì thế, thị trường second hand được xem như là một cách đóng góp vào thời trang bền vững đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, 22% người tiêu dùng quan tâm đến việc mua hàng second hand để sở hữu những sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp.

Thậm chí những người ban đầu có quan điểm tiêu cực về việc mặc đồ second hand cũng đã thay đổi suy nghĩ vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, yếu tố kinh tế đã trở nên quan trọng hơn: 55% người tiêu dùng cho biết họ sẽ chuyển sang thời trang second hand để tiết kiệm chi phí nếu tình hình kinh tế không được cải thiện.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế không ổn định, người tiêu dùng đang ngày càng tiết chặt chi tiêu của mình. Theo ThredUp, vào năm 2023, 3/4 người tiêu dùng đã cân nhắc kỹ lưỡng giá trị thực của sản phẩm trước khi mua; đồng thời, 59% người mua hàng sau khi suy nghĩ cẩn thận, giảm bớt xu hướng mua sắm bốc đồng.

Thị trường second hand thích ứng như nào trong thời đại kỹ thuật số?

Depop hiện đang là một trong những nền tảng bán đồ second hand lớn nhất. Ảnh: Instagram @depop, @nickcafua

Mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành kinh doanh hàng second hand. Theo báo cáo của Thredup, có tới 63% người tiêu dùng đã chọn mua sắm thời trang secondhand qua mạng vào năm 2023, con số này tăng 17% so với năm trước đó. Đặc biệt, 45% người thuộc thế hệ Gen Z và millennial ưa chuộng hình thức mua sắm này.

Với sự nổi tiếng của các nền tảng như Vinted và Depop, đã có 25% người tiêu dùng trên toàn cầu chọn bán lại ít nhất một sản phẩm qua các sàn giao dịch này. Họ coi đây là phương pháp bền vững để giảm lượng quần áo không cần thiết, đồng thời cũng là cách để cân đối tài chính, khi mà có tới 41% trong số họ sử dụng số tiền thu được từ việc bán quần áo cũ để thanh toán hóa đơn và tiền thuê nhà.

ĐỌC THÊM VỀ THỊ TRƯỜNG THỜI TRANG SECOND HAND:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm