Thời trang resale, “mảnh đất màu mỡ” của các thương hiệu xa xỉ

Chiến dịch 'Re-sell' của Balenciaga là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới xa xỉ đối với thị trường thời trang bán lại (resale)

Balenciaga tuyên truyền cho thị trường thời trang resale. Ảnh: Reflaunt

Từ show diễn phản ánh biến đổi khí hậu trong bộ sưu tập Thu Đông 2022 cho đến show diễn “chơi bùn” của mùa Xuân Hè 2023 vừa qua đã cho thấy Balenciaga là một thương hiệu thời trang hiếm hoi dám nhìn thẳng vào thực trạng hiện tại. Không phải là sự pha trò gây chú ý, Balenciaga đã một lần nữa quyết liệt hơn khi có động thái hợp tác với platform Reflaunt, một nền tảng bán lại (resale).

Trước đó, đã có nhiều thương hiệu như Gucci, Valentino, Jean Paul Gaultier, Oscar de la Renta… và các thương hiệu dưới “trướng” của tập đoàn Kering cũng tham gia vào thị trường bán lại. Động thái này đã cho thấy thời trang resale đang trên đà tăng trưởng và là xu hướng kinh doanh tương lai.

Tại sao thị trường thời trang bán lại (resale) được các thương hiệu xa xỉ nhòm ngó?

Ảnh: Instagram @vestiaireco

Sự tăng trưởng ở thị trường bán lại được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm sự thay đổi trong nhận thức về quần áo cũ. Nếu trước đây đồ cũ bị thải hồi và vứt vào các bãi rác, thì giờ đây, khách hàng có xu hướng đặt nhiều giá trị hơn vào các sản phẩm cũ.

Nghiên cứu cho thấy 40% người tiêu dùng dưới 30 tuổi cân nhắc giá trị bán lại của một mặt hàng trước khi đưa ra quyết định mua. Một con số nổi bật khác là số lượng lớn (35%) người có thu nhập cao tham gia kinh doanh đồ cũ.

Ảnh: The Real Real

Trong năm qua, các thương hiệu đã tập trung xây dựng tương lai phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường hơn so với quá khứ. Trong công cuộc tìm cách đảo ngược tác động tiêu cực của ngành đối với khí hậu, đa dạng sinh học và cộng đồng, các thương hiệu đẩy mạnh tạo ra các hệ thống vòng tròn (circular system) tăng cường tái chế, tái sử dụng và bây giờ là bán lại (resale). Phương pháp này cho phép thương hiệu tiếp tục tăng trưởng mà không cần tăng sản lượng quá mức và khai thác tài nguyên.

Tham gia vào thị trường thời trang resale, các thương hiệu thời trang xa xỉ có thể khai thác cả nhóm Gen-Z và thế hệ millennial “khát” hàng hiệu nhưng bị giới hạn về hầu bao. Đối với nhiều thương hiệu, bán lại là cơ hội quan trọng nhất để thương hiệu thể hiện sự cam kết “xanh” với môi trường và người tiêu dùng.

Cách gia nhập thị trường resale của các thương hiệu thời trang

Alexander Mcqueen đăng tải hình ảnh thông báo hợp tác cùng Vestiaire Collective trên instagram của mình (Ảnh: Instagram @alexandermcqueen)

Có nhiều cách để một thương hiệu thời trang gia nhập thị trường resale.

1. Liên kết với các nền tảng e-commerce đã có tên tuổi

Ví dụ, đầu năm 2021, Alexander McQueen đã liên kết với Vestiaire Collective để khởi động chương trình mua lại có tên “Brand Approved”, cho phép người tiêu dùng ký gửi các sản phẩm đã sử dụng của hãng để nhận tín dụng trong lần mua sắm tiếp theo tại cửa hàng.

Như Alexander McQueen, Balenciaga cũng tạo điều kiện cho khách hàng của mình. Khi hợp tác với nền tảng bán lại nhãn trắng Reflaunt, Balenciaga cho phép khách hàng bán quần áo và phụ kiện Balenciaga đã sử dụng. Số tiền bán được sẽ quy ra tín dụng để khách hàng sử dụng để mua sắm trong tương lai tại Balenciaga.

Khách hàng có thể gửi hàng bán tại một số cửa hàng Balenciaga để gửi đến Reflaunt xác thực, chụp ảnh chuyên nghiệp và định giá. Các sản phẩm này sau đó được liệt kê trên mạng lưới toàn cầu của Reflaunt, bao gồm hơn 25 thị trường thứ cấp, chẳng hạn như Tradesy, Vestiaire Collective và nền tảng bán lại Rebelle có trụ sở tại Hamburg.

2. Hoặc các thương hiệu có thể tự mở ra nền tảng số hóa riêng

Cửa hàng online Gucci Vault. Ảnh: Pinterest

Với phương pháp này, các thương hiệu tự xuất ra sản phẩm cũ/vintage, có thể được mua lại từ khách hàng hoặc đến từ kho lưu trữ của riêng mình. Điển hình là Gucci Vault, một cửa hàng nơi chứa các sản phẩm Gucci cổ điển được phục chế bởi Alessandro Michele. Hoặc Coach có (Re)Loved, nơi bán túi xách vintage đã được phục chế, nâng cấp.

Phương thức này cho phép các thương hiệu kiểm soát chất lượng mặt hàng, giá cả, cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tránh tiếp tay cho hàng fake trên thị trường thời trang resale.

3. Cung cấp dịch vụ vừa cho thuê vừa bán lại

Ảnh: My Wardrobe HQ

Resale là thị trường thời trang giúp nhiều người tiếp cận với thời trang xa xỉ. Do đó một số thương hiệu cung cấp dịch vụ cho thuê mặt hàng. Vào tháng 10/2021, Jean Paul Gaultier đã tự mở kho lưu trữ hơn 30.000 thiết kế để người tiêu dùng có thể mua hoặc thuê.

Cao tay hơn, Burberry đã biến động thái gia nhập thị trường resale của mình như một hoạt động vì xã hội và từ thiện. Hãng thời trang Anh hợp tác với nền tảng cho thuê và bán lại hàng thời trang xa xỉ My Wardrobe HQ, để tặng 30 mặt hàng (một số trong số đó có nguồn gốc từ người tiêu dùng). Song song là hỗ trợ cho Smart Works – một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh chuyên cung cấp quần áo phỏng vấn cho phụ nữ thất nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ phục trang.

4. Biến hàng resale thành một trải nghiệm thời trang độc đáo, thay đổi suy nghĩ về thị trường second hand

thoi-trang-ban-lai-manh-dat-mau-mo-cua-cac-thuong-hieu-xa-xi

Một trong bốn địa điểm bán trực tiếp của Valentino Vintage. Ảnh: Valentino

Khác với nhiều thương hiệu thời trang chọn bán hàng resale qua mạng, Valentino lại giới hạn các mặt hàng resale tại bốn cửa hàng offline. Bốn địa điểm cung cấp dòng Valentino Vintage tọa lạc ở Milan, New York, Los Angeles và Tokyo. Hàng second hand và vintage được đặt trong không gian mua sắm cao cấp mang tính trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Một số thương hiệu vẫn chưa thỏa hiệp

Ảnh: Getty Images

Không phải thương hiệu thời trang nào cũng xem trọng việc gia nhập thị trường resale. Có thể kể đến Louis Vuitton, Dior, Chanel, Hermès…

CEO của Hermès, Axel Dumas, đã dứt khoát từ chối gia nhập thị trường bán lại. Ông cho rằng sự tham gia tích cực của thương hiệu vào thị trường bán lại “sẽ gây bất lợi cho khách hàng thường xuyên đến cửa hàng của chúng tôi.”

Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận hình ảnh và môi trường của LVMH Antoine Arnault tiết lộ trong thời điểm hiện tại tập đoàn “sẽ tránh xa thị trường đồ cũ đó”, mặc dù trước đó ông từng nói rằng LVMH đang “xem xét phân khúc bán lại một cách cẩn thận”.

Và Bruno Pavlovsky, chủ tịch mảng thời trang Chanel, đã giải thích sự ác cảm của thương hiệu đối với việc thị trường thời trang resale: “Chúng tôi muốn giữ quyền kiểm soát việc phân phối của mình”.

6 trang web nổi tiếng trong thị trường thời trang resale, second hand và vintage

Cho dù bạn đang muốn bán một chiếc túi xách hàng hiệu, một đôi giày hay có lẽ là một bộ quần áo không còn “khơi nguồn niềm vui” cho bạn nữa mà có thể cho người khác, thì hãy truy cập một trong những trang web dưới đây. Chúng là những tên tuổi đáng tin cậy nhất trong thị trường thời trang resale ở thời điểm hiện tại.

Vestiaire Collective

thoi-trang-ban-lai-manh-dat-mau-mo-cua-cac-thuong-hieu-xa-xi

Ảnh: Instagram @vestiaireco

Với cộng đồng thời trang trực tuyến có hơn 23 triệu người mua sắm, các mặt hàng bạn mua trên Vestiaire Collective cũng được đảm bảo là hàng thật do đã trải qua các quá trình xác minh. Nếu bạn đang săn lùng một món đồ nhất định, Vestiaire Collective có tính năng hữu ích là thông báo qua email cho bạn nếu sản phẩm ấy xuất hiện.

The RealReal

thoi-trang-ban-lai-manh-dat-mau-mo-cua-cac-thuong-hieu-xa-xi

Ảnh: Instagram @therealreal

RealReal là thị trường resale thời trang trực tuyến tập trung vào ngành hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, có hơn 25 triệu thành viên. Được biết đến với quy trình thẩm định nghiêm ngặt, được giám sát bởi các chuyên gia, trang web cung cấp một nền tảng an toàn và đáng tin cậy để người tiêu dùng mua và bán các mặt hàng xa xỉ của họ. Các sản phẩm đa dạng từ thời trang nữ và nam, trang sức cao cấp và đồng hồ, cùng sản phẩm trang trí nhà cửa nghệ thuật.

HURR

Ảnh: Instagram @hurr

Một nền tảng cho phép bạn thuê hàng xa xỉ đã qua sử dụng. Nền tảng được thành lập vào năm 2018 và kể từ đó đã thay đổi cách thức thuê quần áo, với một không gian cố định trong Selfridges cho phép khách hàng dùng thử trước khi thuê. HURR cũng là nền tảng cho thuê đầu tiên đạt được trạng thái B Corp – tiêu chuẩn cao như một doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh.

Rites

Ảnh: Instagram @rites

Rites là một nền tảng cho thuê thời trang sang trọng cũng như một nền tảng bán lại hàng thời trang cũ, với mục đích làm cho ngành thời trang trở thành một nơi xanh hơn. Rites có các thương hiệu thời trang được yêu thích như Prada, Reformation, Rixo, Stella McCartney và Ganni. Rites cũng tổ chức quyên góp đồ, nơi khách hàng có thể góp một phần doanh số bán hàng vào các hoạt động thiện nguyện.

Lampoo

thoi-trang-ban-lai-manh-dat-mau-mo-cua-cac-thuong-hieu-xa-xi

Ảnh: Instagram @lampoo

Lần đầu tiên ra mắt tại Milan và có cửa hàng trên đường King’s Road tại Anh, Lampoo mang đến cuộc đời thứ hai cho những món đồ xa xỉ. Nền tảng này chủ yếu tập trung vào thị trường thời trang resale xa xỉ ở châu Âu, với các thương hiệu lớn như gồm Dolce & Gabbana, Alexander McQueen và Chloe. Công ty muốn giúp người tiêu dùng tận dụng tối đa tủ quần áo của họ và có thể nắm bắt các xu hướng thân thiện hơn với môi trường.

1stDibs

Ảnh: Instagram @1stdibsstyle

1stDibs là một thị trường trực tuyến độc nhất vô nhị kết nối người mua sắm với những sản phẩm đặc biệt, từ đồ nội thất, mỹ nghệ đến đồ trang sức và thời trang. Nó chỉ chấp nhận những người bán hàng đáng tin cậy. Để bán hàng trên 1stDibs, bạn phải được giới thiệu bởi hai đơn vị có uy tín. Những sản phẩm đặc biệt quý hiếm và cao giá có thể được bán qua hình thức đấu giá.

>>> XEM THÊM: KHAI TRƯƠNG CỬA HÀNG JOOLUX, ĐỊA ĐIỂM BÁN HÀNG HIỆU SECOND HAND UY TÍN Ở VIỆT NAM

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm