Revlon là thương hiệu mỹ phẩm Mỹ bao gồm các dòng sản phẩm trang điểm, dưỡng da, sơn móng, nước hoa, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể và dụng cụ làm đẹp. Revlon được xem là thương hiệu mỹ phẩm có chất lượng tốt với mức giá dễ chấp nhận.
HOÀN CẢNH RA ĐỜI
Năm 1932, Hoa Kỳ đang trong giai đoạn khủng hoảng nhất trong lịch sử kinh tế của đất nước. Trong thời kỳ đại suy thoái (Great Depression), hai anh em Charles và Joseph Revson lấy cảm hứng từ màu son đỏ của các nữ diễn viên Hollywood để làm ra nước sơn móng tay màu đỏ phù hợp với những đôi môi gợi cảm đó. Để thực hiện được ý tưởng này, hai anh em nhà Revson nghĩ ra cách chế tạo nước sơn sử dụng các chất tạo màu thay cho thuốc nhuộm thông thường. Họ tin rằng cải tiến này sẽ làm cho sơn móng giữ được lâu hơn và cho ra nhiều màu sắc đa dạng hơn. Để hoàn chỉnh công thức, họ hợp tác với Charles Lachman, một nhà hóa học địa phương. Cả ba đặt tên công ty sản xuất sơn móng tay của mình là “Revlon”, dùng họ “Revson” kết hợp thêm chữ “L” trong Lacman mà thành. Trong thời gian sáu năm, ba người đàn ông đã biến Revlon thành một công ty triệu đô chỉ bằng việc kinh doanh nước sơn móng tay.
Trong suốt những năm 1930 và 1940 , Revlon từ từ tạo ra các sản phẩm mới. Họ thêm vào dòng sản phẩm chăm sóc móng với các dụng cụ làm móng và kéo cắt móng. Dòng son môi ra mắt sau đó cũng dựa trên công thức sử dụng các chất tạo màu thay cho thuốc nhuộm. Vào những năm 1950, công ty đã tiến xa hơn khi mua luôn các công ty sản xuất dòng sản phẩm thuốc trị tiểu đường, trang phục thể thao… Tuy nhiên, hầu hết các việc đầu tư không liên quan đến mỹ phẩm đều thất bại. Do đó, Revlon bắt đầu tái tập trung vào các sản phẩm cốt lõi, bao gồm cả trang điểm và chăm sóc da. Đến thập niên 1970, họ bán đi những dòng hàng không thành công và cho ra mắt nước hoa Charlie cùng một số sản phẩm chăm sóc da chuyên nghiệp. Kể từ đó, công ty đã duy trì tập trung vào sản phẩm làm đẹp và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực này.
NHỮNG CỘT MỐC PHÁT TRIỂN
Thập niên 1930
Revlon khởi nghiệp từ việc bán nước sơn móng tay lâu trôi cho các beauty salon. Sau đó công ty tiếp tục đưa sản phẩm sơn móng của mình vào bán trong các trung tâm bách hóa tổng hợp và một số cửa hàng hóa mỹ phẩm tại Mỹ.
Thập niên 1940
Revlon hỗ trợ lính Mỹ tại Thế chiến II bằng cách sản xuất bộ dụng cụ sơ cứu và thiết bị đánh dấu bằng thuốc nhuộm cho hải quân. Sau khi chiến tranh kết thúc, Revlon bắt đầu sản xuất các dụng cụ làm móng.
Thập niên 1950
Sau chiến tranh, Revlon đưa ra các chương trình khuyến mãi cho sơn móng và son môi hai lần môt năm theo các mùa thời trang. Revlon cũng tài trợ cho các chương trình truyền hình để thúc đẩy doanh số. Tháng 12−1955, Revlon lần đầu rao bán cổ phiếu. Vào cuối năm sau, hãng được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.
Thập niên 1960
Revlon đánh dấu thành công của thương hiệu trên thị trường quốc tế khi giới thiệu “vẻ đẹp Mỹ” tới thế giới thông qua các quảng cáo sử dụng người mẫu Mỹ.
Thập niên 1970
Năm 1973 chứng kiến sự ra đời của nước hoa Charlie nhắm vào thị trường các phụ nữ công sở trẻ tuổi. Đến giữa thập niên 1970, nước hoa Charlie đã trở thành nước hoa số một thế giới. Doanh số của Revlon vượt mốc 1 tỷ đô la Mỹ trong năm 1977.
Thập niên 1980
Thập niên 1980 chứng kiến những sự tăng trưởng và đổi mới của công ty. Năm 1985, Revlon được bán cho một công ty con của MacAndrews & Forbes Holdings. Năm 1987 Almay gia nhập vào dòng sản phẩm trang điểm của Revlon.
Thập niên 1990
Vào những năm 1990, Revlon đã hồi sinh ngành kinh doanh mỹ phẩm và tăng cường vai trò lãnh đạo trong ngành công nghiệp này. Revlon lần đầu ra mắt sản phẩm son không trôi mà sau đó là bộ sưu tập hoàn chỉnh mang tên Color Stay.
Revlon trở thành thương hiệu số một trong ngành mỹ phẩm đại chúng. Năm 1996, Revlon một lần nữa được niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Ngày nay, Revlon là một trong những thương hiệu mỹ phẩm hạng trung mạnh nhất thế giới. Các sản phẩm của hãng được bán tại hơn 100 quốc gia trên khắc các châu lục
CHIẾN DỊCH QUẢNG CÁO
Trong suốt thập niên 1950, Revlon bắt đầu đầu tư mạnh ở mảng quảng cáo in. Quảng cáo màu nguyên trang sử dụng người mẫu Dorian Leigh của Revlon là một trong những print ads đầu tiên. Khi Revlon tiến ra thị trường quốc tế, hãng sử dụng người mẫu Mỹ để giới thiệu American Look. Từ đó đến nay công ty tiếp tục mời các minh tinh màn bạc và siêu mẫu làm gương mặt đại diện. Một trong số các quảng cáo nổi tiếng nhất là nữ diễn viên Shelley Hack cho nước hoa Charlie thập niên 1970 và 1980 và siêu mẫu Cindy Crawford cho dòng make-up thập niên 1990. Hiện nay, Halle Berry, Olivia Wilde và Emma Stone đang là các đại sứ toàn cầu của thương hiệu.
Nguồn: Revlon