Cách trang trí nhà phong cách Indochine sao cho hài hoà và cân bằng

Điều tạo nên nét đặc sắc của nội thất Đông Dương là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố đối nghịch như âm – dương, Đông – Tây, kim – cổ... Không chỉ đơn thuần là một xu hướng trang trí nhà cửa, đây còn là sợi dây nối kết giữa hiện tại và quá khứ

Phong cách kiến trúc Indochine là sự giao thoa của vẻ đẹp lãng mạn tinh tế rất Pháp và nét trầm mặc hoài cổ phương Đông. Phong cách thiết kế nội thất Đông Dương là một dư âm đẹp được lưu lại tại Việt Nam sau khi kết thúc 83 năm Pháp thuộc. Những công trình kiến trúc quan trọng mang phong cách này vẫn còn nằm rải rác trên tất cả các thành phố lớn tại Việt Nam. Từ Hà Nội, Huế cho đến Sài Gòn, lối kiến trúc Indochina luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn hoài cổ.

Mỗi khi nhắc đến lối kiến trúc Đông Dương, tôi thường nghĩ đến cảnh kết của bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bộ bàn ghế cổ với hai nhân vật chính trong bóng nắng chiều nhập nhoạng. Cú lia máy tài tình của đạo diễn Việt kiều Pháp này đã cho ta thấy một ngôi nhà tinh tế với những màu sắc tươi tắn. Đây có thể xem là một đại diện tiêu biểu cho nét thanh lịch của lối kiến trúc Pháp với những thay đổi phù hợp với nguồn nguyên vật liệu và điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Một bối cảnh trong phim Mùa đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng

Để hiểu thêm về phong cách này, Harper’s Bazaar đã có một buổi nói chuyện với họa sỹ Phạm Hùng Lâm.

Ông là người sáng lập Bois Indochinois, một cái tên tiêu biểu tại Việt Nam về phong cách nội thất Đông Dương.

Là một người nghệ sỹ, ông luôn nhìn mọi sự vật và tổng thể theo những ý tưởng và cảm xúc mà chúng truyền tải. Đối với ông, lối kiến trúc Đông Dương chính là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện đại, giữa phương Tây và phương Đông.

Không gian mở và mềm mại

Theo họa sỹ Phạm Hùng Lâm, sự khác biệt của phong cách Indochina chính là sự cân bằng giữa hai thái cực. Âm và dương tượng trưng cho sự rộng thoáng và ấm cúng. Hai yếu tố kim – cổ phối hợp rất hài hòa. Phong cách này pha trộn sự đơn giản và tiện dụng hiện đại với những chi tiết trang trí cầu kỳ xưa cũ.

Điều dễ nhận ra nhất trong phong cách kiến trúc Đông Dương là sự tinh tế của một không gian thoáng. Yếu tố thường thấy là trần nhà cao và những khung cửa sổ rộng tràn ngập ánh sáng. Khoảng không rộng mang âm hưởng phương Tây được cân đối bởi cách chia không gian ước lệ. Không gian được phân cách bằng cửa võng, tấm trang trí, vách ngăn hay cột gỗ.

Người Á Đông, nhất là người Việt, thường ưa thích sự ấm cúng trong căn nhà. Một căn nhà đẹp phải thoáng nhưng cũng không trống trải và lạnh lẽo.

Họa sỹ khuyên chúng ta nên chọn những tông màu sáng và nhu như trắng, kem hay vàng nhạt cho tường để tôn lên lớp gạch lót sàn mang những mô-típ lặp lại. Ánh sáng đèn cũng góp phần rất quan trọng giúp tạo điểm nhấn cho những không gian lớn, bạn nên tránh các góc quá tối và lạnh lẽo trong nhà.

 

Khung cửa sổ sáng màu tạo nên điểm nhấn cho không gian rộng

Sự cân bằng của nội thất

“Phong cách thiết kế Đông Dương không đơn thuần chỉ là một xu hướng thiết kế nội thất. Ở trong nó còn mang nét văn hóa và lịch sử của đất nước ta”, họa sỹ Phạm Hùng Lâm chia sẻ.

Nội thất mang phong cách này vừa đơn giản và thực tế, nhưng vẫn mang những nét tinh tế rất riêng trong từng sản phẩm. Ở những món đồ này, bạn có thể dễ dàng nhận thấy những họa tiết truyền thống, những hình kỷ hà quen thuộc được tinh giản hóa.

Những món đồ nội thất thường được giữ màu nguyên bản từ gỗ, mây và tre. Do tâm lý người Á Đông kiêng kỵ những góc nhọn trong nhà, ngay cả những góc cạnh của những món đồ nội thất mang phong cách này thường được bo tròn. Cũng như sự kết hợp từ những yếu tố đối nghịch trong không gian lớn, nghệ thuật bài trí đồ nội thất phong cách Đông Dương phải có sự cân bằng giữa đơn giản và phức tạp, cao và thấp, cứng và mềm.

Những đường nét mềm mại trong phong cách Indochina. Ánh sáng tự nhiên và cây xanh mang sức sống đến một góc nhà.

Nếu bạn đã muốn chọn một chiếc ghế sofa mây đan đơn giản để làm tâm điểm của căn phòng thì hãy cho mình quyền được sử dụng những món đồ cầu kỳ một chút để tạo thêm điểm nhấn cho không gian. Ngược lại, nếu bạn đã chọn một món nội thất lớn như giường, kệ hay bàn ăn với nhiều họa tiết thì hãy tiết chế hơn ở những món đồ còn lại.

>>> Xem thêm: LÀM SAO TRANG TRÍ VỚI ÁNH SÁNG ĐỂ TẠO KHÔNG GIAN SỐNG SANG TRỌNG?

Ý nghĩa trong từng món phụ kiện

Phong cách trang trí nội thất Indochine cũng góp phần quan trọng để tạo nên một không gian hài hoà. Không chỉ đơn thuần là món đồ trang trí, một chiếc bình hay hộp sơn mài sáng màu cũng là giải pháp lý tưởng thể thắp sáng một góc chết. Sử dụng sự mềm mại của cây xanh cũng là một ý hay để cân bằng những nét cứng của nội thất bằng gỗ.

Tuy nhiên hoạ sĩ Phạm Hùng Lâm cũng khuyên chúng ta nên tiết chế trong việc dùng phụ kiện, giúp chính những món đồ cũng có không gian riêng của mình. Sử dụng cây xanh trong nhà là một giải pháp rất tốt để làm đẹp thêm không gian, nhưng bạn cần chọn những loại cây thích hợp với môi trường trong nhà.

Khoảng không gian riêng cho những món đồ trang trí

***

BÀI: SLN
ẢNH: BOIS INDOCHINOIS, TƯ LIỆU

>>> Xem thêm: 12 MÓN ĐỒ NỘI THẤT MANG KIẾN TRÚC INDOCHINE VÀO CĂN NHÀ BẠN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm