Nhà sản xuất phim Ngọc Lâu Xuân vừa tung ra những tấm ảnh đặc tả các món phụ kiện, trang sức của dàn nữ diễn viên chính. Đúng với phong cách của biên kịch Vu Chính, tất cả những bộ phim lịch sử do ông chắp bút đều được đầu tư hết mực để tái hiện rõ nét phong cách sống của gia đình thời xưa. Ngọc Lâu Xuân, do là phim lịch sử lấy bối cảnh triều đại nhà Minh, cũng tái hiện những món trang sức của triều đại này vô cùng chân thực.
Đôi nét về vật phẩm thủ công dưới triều đại nhà Minh
Nhà Minh (1368 – 1644 sau Công Nguyên), còn gọi là Đại Minh, là triều đại cuối cùng của Trung Hoa cổ đại dưới quyền cai quản của người Hán. Triều đại này được nhớ đến với sự phát triển vượt bậc của sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Khi Minh Thái tổ Hồng Vũ Đế lên ngôi, ông đã thành lập một hệ thống bảo tồn các nghệ nhân. Các phường hội được hình thành để đào tạo và truyền thừa kỹ thuật thủ công, từ phường thêu cho đến phường chế tác trang sức. Vì vậy, nghệ thuật phát triển vượt bậc dưới thời kỳ Đại Minh.
Các vật phẩm tinh xảo không những là đồ quý cống nạp cho triều đình, mà còn là sản phẩm cao cấp để xuất khẩu ra ngoài biên giới. Gốm sứ, lụa tơ tằm, vải thêu Trung Hoa mau chóng được châu Âu đón nhận, khi được xuất khẩu đến đối tác giao dịch của Trung Quốc là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan. Chúng góp phần làm giàu nhanh chóng cho các lái thương đủ can đảm để vượt biển để giao dịch với nước ngoài.
Trang sức thời nhà Minh tái hiện hoàn hảo trong phim Ngọc Lâu Xuân
Kỹ thuật chế tác trang sức nổi tiếng của thời nhà Minh là vàng bạc chạm lộng (filigree). Kim loại hiếm – vàng hoặc bạc – được đánh thành những sợi mỏng, sau đó quấn tay để tạo thành những họa tiết tinh xảo và hình thái đặc sắc.
Kỹ thuật filigree được thấy rõ nhất trên mũ miện và cài tóc thời nhà Minh. Người phụ nữ có địa vị xã hội càng cao, món đồ cài tóc càng to bản, hình thù của món trang sức cũng càng cầu kỳ. Trong phim Ngọc Lâu Xuân, phụ kiện cài tóc cũng là những món trang sức tinh xảo nhất.
Trên nền vàng bạc là những viên đá quý được nạm xen kẽ. Thời nhà Minh chưa hình thành kỹ thuật cắt giác đá quý để tạo sự lấp lánh. Nên các viên đá thường chỉ được mài tròn (cabochon), quấn quanh với dây chỉ vàng bạc rồi gắn trực tiếp lên món trang sức. Những loại đá quý được ưa chuộng nhất là ngọc trai và ngọc bích (nephrite).
Lụa tơ tằm cũng được dùng trong trang sức
Phối hợp cùng đá quý trên trang sức thời nhà Minh là các loại hoa vải được thêu tay từ chỉ tơ tằm. Cả lụa tơ tằm lẫn kỹ thuật thêu đều được nâng lên một tầm cao mới dưới thời nhà Minh. Những nguyên liệu mới được sử dụng và đưa vào họa tiết thêu tay, ví dụ như chỉ vàng bạc thật, chỉ bản to kết hợp vàng quấn quanh sợi lụa tơ tằm… Kỹ thuật thì có kỹ thuật thêu chích điểm (needlepoint) bên cạnh thêu nổi truyền thống.
Do sự ra đời của các phường thêu, không chỉ gia đình hoàng tộc mà những gia đình khá giả cũng có thể đặt thêu những món đồ hàng ngày. Giày dép, áo khoác, quạt và thậm chí rèm cửa đều có thể được mang thêu. Chi tiết lịch sử này được thể hiện trong phim Ngọc Lâu Xuân qua những trang phục thêu cầu kỳ của dàn nhân vật chính.
Bên cạnh trang sức và phụ kiện, khoản phục trang của Ngọc Lâu Xuân cũng được thiết kế cho đúng với trang phục triều đại nhà Minh. Màu sắc, phom dáng, kiểu dáng trang phục đều được dựa trên những tranh vẽ thật trong lịch sử. Sự kỹ lưỡng trong các tiểu tiết, mô tả lịch sử một cách chân thực nhất, luôn là một điểm nhấn đặc sắc trong phim của biên kịch Vu Chính.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam