Jadeite hay Nephrite: Hiểu về cẩm thạch và ngọc bích để đầu tư đúng

Đầu tư vào ngọc cũng có thể mang lại trị giá không kém gì vàng hoặc kim cương

Trâm cài áo bằng phỉ thúy xanh (một loại cẩm thạch jadeite) và kim cương. Vật phẩm trong cuộc đấu giá Sotheby’s Magnificent Jewels 2020. Ảnh: Sotheby’s

Ngọc thạch luôn là thứ đá quý cao sang trong văn hóa châu Á. Từ xa xưa, những viên ngọc cao cấp nhất chỉ dành cho giới thượng lưu. Chúng đại diện cho sự cao sang, thanh khiết. Chẳng vì vậy chúng ta hay gọi một người phụ nữ sang đẹp là “ngọc nữ”.

Lần đầu tiên con người bắt đầu mê mẩn ngọc thạch đã hơn 7000 năm về trước. Lúc ấy, chưa có khoa học và kỹ thuật cao để giúp con người hiểu hơn về ngọc. Nên các loại ngọc thạch được gọi chung là jade. Mãi đến năm 1863, nhà khoa học người Pháp Alexis Damour mới phát hiện ra thực chất có hai giống ngọc khác nhau: Jadeite (cẩm thạch) và Nephrite (ngọc bích). Trông thì rất giống, nhưng cấu trúc lại vô cùng khác. Giá trị cũng vì vậy có sự khác biệt rõ rệt.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu sự khác nhau của hai loại ngọc này, cũng như cách chọn mua để đầu tư tốt nhất.

Sự khác biệt giữa cẩm thạch jadeite và ngọc bích nephrite

Trái: Cẩm thạch jadeite. Nước ngọc trong suốt, bóng loáng. Phải: Ngọc bích nephrite. Chất ngọc đục, đủ cứng cáp để khắc vật dụng trang trí nhà cửa. Ảnh: Sotheby’s

Thoạt nhìn, khó mà phân biệt được sự khác nhau của jadeite và nephrite bằng mắt thường. Cả hai loại này đều là ngọc thạch, có màu sắc tương tự nhau. Nhưng, nếu để ý kỹ hơn thì bạn sẽ tìm được nhiều điểm khác biệt.

Ngọc bích nephrite là loại ngọc thường hơn. Cấu trúc khoa học của nó là calcium magnesium iron silicate. Độ cứng trên thang điểm Mohs (thang đo độ cứng khoáng thạch) là từ 6 đến 6.5. Màu sắc nephrite thường khá nhạt, ví dụ như xanh xám, đen, trắng sữa, vàng hoặc đỏ. Bề mặt của nephrite có độ bóng lì (matte). Soi qua ánh sáng thì nephrite khá đục mờ.

Ngọc bội nephrite cổ từ Trung Quốc. Ảnh: Jadeite Atelier

Cẩm thạch jadeite là loại quý hiếm hơn. Cấu trúc khoa học của jadeite là sodium aluminum silicate. Độ cứng cao hơn nephrite, từ 6.5 đến 7 điểm trên thang điểm Mohs. Bề mặt của jadeite bóng loáng hơn hẳn khi so với nephrite. Sắc xanh cũng đậm hơn, khi chiếu qua ánh sáng có độ trong suốt đều màu. Tương tự như nephrite, jadeite có nhiều màu như tím, xanh lá cây, vàng, đen và trắng trong. Nhưng loại cẩm thạch đắt đỏ nhất có màu xanh biếc, gọi là ngọc phỉ thuý. Màu xanh này tương tự sắc xanh của ngọc lục bảo (emerald).

Các màu sắc khác nhau của ngọc cẩm thạch jadeite. Ảnh: Jadeite Atelier

Xuất xứ của ngọc bích và cẩm thạch

Chỉ dựa vào các yếu tố trên, bạn có thể thấy rằng cẩm thạch có giá trị cao hẳn khi so với ngọc bích. Nếu một viên cẩm thạch được rao bán với mức giá rẻ mạt, bạn có thể biết chắc chắn rằng đấy là ngọc bích, chứ không thể là cẩm thạch!

Ngoài việc so sánh giá cả và cấu trúc đá, thì bạn còn có thể phân biệt giữa jadeite và nephrite dựa vào xuất xứ. Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có mỏ khoáng thạch hiếm.

Hiện nay, cẩm thạch jadeite trên thế giới thường đến từ hai quốc gia Myanmar và Guatemala. Các quốc gia khác như Nga, Canada, Nhật và Mỹ cũng có mỏ quặng, nhưng khan hiếm hơn.

Còn ngọc bích nephrite thì chủ yếu đến từ Trung Quốc, Canada, Nga, Úc, New Zealand và Mỹ.

Điều đáng ngạc nhiên là quốc gia mê ngọc – Trung Quốc – lại không sở hữu bất kỳ mỏ cẩm thạch nào. Tất cả các cổ vật làm từ ngọc như tượng Phật, bình ngọc, ngọc bội tại Trung Quốc đều là nephrite. Mãi đến thế kỷ 18, cẩm thạch từ Myanmar mới được xuất khẩu sang Trung Quốc, từ đó soán ngôi vị trí của ngọc bích.

Đầu tư mua ngọc bích và cẩm thạch như thế nào cho hợp lý?

Vòng cổ ngọc phỉ thúy của nữ thừa kế Hutton-Mdivani. Đây là một thiết kế của Cartier. Nó gồm 27 viên ngọc jadeite đều tăm tắp. Mỗi viên có bán kính 15mm, cực kỳ quý hiếm. Cartier đã đấu giá để mua lại món vật phẩm này, đưa vào bộ sưu tập các bảo vật của hãng. Ảnh: Sotheby’s

Giới thượng lưu xem đá quý như một loại hình đầu tư lâu dài. Không khác gì vàng và kim cương, cẩm thạch – đặc biệt là ngọc phỉ thuý xanh – luôn luôn mang lại giá trị liên thành ở châu Á. Vì người châu Á tin rằng ngọc là loại đá phong thủy, tâm linh, bảo vệ sức khỏe và tiền tài gia chủ.

Ví dụ như, trong lịch sử sàn đấu giá vật phẩm quý hiếm Sotheby’s, chiếc vòng ngọc phỉ thúy Hutton-Mdivani (ảnh trên) từng trực thuộc bộ sưu tập của nữ thừa kế Barbara Hutton đã được Cartier Collection mua lại năm 2014 với trị giá 214 triệu đô Hồng Kông (640 tỷ đồng).

Ngọc bích nephrite có giá trị thấp hơn, nhưng cũng có các loại khá đắt đỏ. Sau đây, Harper’s Bazaar sẽ ghi chú một vài điều cần lưu ý khi bạn đầu tư mua ngọc bích và cẩm thạch cao cấp.

Cách chọn mua jadeite

Trâm cài áo bằng phỉ thúy xanh hạng A, kim cương và garnet tsavorite. Ảnh: Sotheby’s

Ngọc cẩm thạch được phân loại theo chữ số. Loại A cao cấp nhất, rồi đến B, C. Màu sắc càng rực rỡ, càng trong suốt, không có vân rõ rệt, thì là loại ngọc càng đắt giá – nếu nó hoàn toàn tự nhiên. Bạn cũng nên yêu cầu bên bán hàng cung cấp giấy thẩm định chất lượng ngọc. Nhìn chung, nếu mua ngọc để đầu tư, thì bạn chỉ nên mua loại A.

Cẩm thạch loại A: Màu phải tươi tự nhiên, không được nhuộm. Ngọc trong suốt, không có vân, khi soi qua ánh sáng thì tạo hiệu ứng như đang phát sáng. Đắt giá nhất là ngọc tím và xanh (ngọc phỉ thúy). Chúng thường đến từ mạch khai thác Hpakan-Tawmaw ở Bắc Myanmar.

Nhẫn phỉ thúy hạng A, viền bằng ruby và kim cương. Ảnh: Sotheby’s

Cẩm thạch loại B: Trong cẩm thạch thiên nhiên đôi khi có những vết nâu đen lốm đốm. Để tạo cảm giác trong suốt như loại hạng A, cẩm thạch loại B được tẩy màu, giảm các đốm nâu. Nó cũng được bơm thêm chất polymer để tăng độ trong suốt.

Cẩm thạch loại C: Đã được nhuộm màu. Ví dụ, các loại jadeite có màu trắng được nhuộm màu xanh để mô phỏng loại phỉ thúy cao cấp. Khi nhuộm màu, màu ngọc thạch sẽ phai theo thời gian. Điều này tạo cảm giác “ngọc đổi màu” trong phong thủy. Thực chất nó chỉ là dấu hiệu của ngọc thấp cấp.

Cẩm thạch loại B+C: Đầu tiên được tẩy màu, rồi nhuộm màu, và bơm thêm polymer cho trong. Nói chung, đây là loại bạn không nên tốn tiền đầu tư.

Cách chọn mua nephrite

Ngọc bội bằng ngọc bích mỡ cừu (mutton fat jade), một loại nephrite. Cổ vật của thế kỷ 18. Ảnh: aaada.org.au

Do ngọc bích nephrite có nhiều màu “hợp mệnh” nên chúng khá đắt đỏ trong giới phong thủy. Đặc biệt là các mẫu chạm khắc biểu tượng phong thủy. Nhưng đối với giới chơi trang sức và đầu tư đá quý thì chỉ duy nhất có một loại ngọc bích đáng giá. Đó là ngọc bích mỡ cừu (Mutton Fat Jade) thuộc loại Tân Cương Hoà Điền (Hetian jade).

Loại ngọc bích này đến từ khu vực Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc, giáp ranh Mông Cổ và Nga. Cái tên Hoà Điền (Hetian) được đặt theo địa khu ốc đảo Hoà Điền ở khu vực này. Ngọc bích mỡ cừu có màu trắng sữa đục và đều màu. Vì vậy mà nó được gọi nôm na là mỡ cừu. Về mặt cấu trúc, nó phải chứa 99% tinh thể tremolite. Lý do viên ngọc mỡ cừu này đắt giá, vì nó không bị những tạp chất khác làm thay đổi màu sắc.

Ngọc bích mỡ cừu có giá trị từ 12,500 đến 30,000 đô-la Mỹ/kg. Tất nhiên, viên ngọc càng to và càng mượt thì càng đắt.

Tránh mua phải ngọc giả

Một số các loại đá bán quý được dùng để mô phỏng ngọc bích. Ảnh: MAYS.com.au

Hiện tại không có công nghệ làm giả nephrite và jadeite. Tuy nhiên, trong thiên nhiên có rất nhiều loại đá mô phỏng chúng. Ví dụ như amazonite, chrysoprase, serpentine… Hãy yêu cầu bên bán hàng xuất trình giấy tờ cho thấy nguồn gốc xuất xứ của viên ngọc để tránh tiền mất tật mang.

>>> Xem thêm: SAPPHIRE, VIÊN ĐÁ QUÝ BẢO MỆNH CỦA THÁNG 9, KHÔNG CHỈ CÓ MÀU XANH

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm