
Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Thập niên 1980 là một giai đoạn bản lề trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, không chỉ về mặt chính trị và kinh tế, mà còn là sự khởi đầu cho một cuộc cách mạng thẩm mỹ âm thầm trong đời sống hàng ngày của người dân.
Sau hàng thập kỷ đóng cửa với thế giới và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc bước vào thời kỳ “Cải cách và Mở cửa” dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Cùng với việc nới lỏng tư tưởng và phát triển kinh tế thị trường, người dân bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với các luồng văn hóa ngoại lai, đặc biệt là từ Hong Kong, Nhật Bản và phương Tây. Những thay đổi này được phản ánh rõ nét qua trang phục, thứ từng bị kiểm soát chặt chẽ và gắn liền với lý tưởng tập thể, nay dần trở thành công cụ thể hiện bản sắc cá nhân.
Bộ phim ngắn Trong Nhà Ngoài Nhà đang rầm rộ ở Trung Quốc lấy bối cảnh thập niên 1980 đã đưa khán giả quay trở về với giai đoạn này thông qua thời trang và màu phim hoài niệm.
>>> XEM THÊM: PHIM NGẮN TRONG NHÀ NGOÀI NHÀ: REPLY 1988 PHIÊN BẢN TRUNG
Thời trang Trung Quốc đầu thập niên 1980: Âm hưởng còn tồn đọng từ thời bao cấp và Mao Trạch Đông

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Ở giai đoạn đầu của thập niên 1980, thời trang Trung Quốc vẫn mang đậm dấu ấn của thời kỳ bao cấp.
Người dân như mặc đồng phục với “áo Mao”, một loại áo khoác có cổ đứng, túi hộp ở ngực và phần thân suôn thẳng, thường được may bằng chất liệu kaki dày, màu xanh lam, xanh rêu hoặc xám tro. Đây là kiểu áo tượng trưng cho sự giản dị, tiết kiệm và tinh thần cách mạng, từng được coi là đồng phục quốc dân trong suốt những năm 1960 – 1970. Nam giới lẫn nữ giới đều mặc giống nhau, phản ánh lý tưởng bình đẳng về giới trong xã hội thời kỳ đó.
Ngoài ra, bộ đồ công nhân, bao gồm áo khoác dạng sơ mi dày và quần kaki ống rộng cũng rất thịnh hành, thể hiện hình ảnh người lao động mới cần mẫn và khiêm nhường. Bạn có thể thấy hình ảnh này rất rõ ở những người công nhân nhà máy trong phim Trong Nhà Ngoài Nhà cùng với ông chú tập 1 mà người chị dâu muốn gả Thái Hiểu Diễm đi.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Trong bối cảnh đó, nhen nhóm trong thập niên 1980 ở Trung Quốc là sự phát triển thời trang hơn của trang phục dành cho phái nữ.
Trang phục nữ thường ngày cũng bắt đầu chuyển mình với nhiều kiểu dáng hơn, mềm mại hơn. Phom dáng nhấn mạnh vào đường nét cơ thể và vòng eo. Chất liệu thường là các loại vải mỏng nhẹ, bán xuyên thấu như lụa, giúp trang phục gần gũi hơn với nhu cầu mặc thực tế, đồng thời thể hiện rõ thú vui hưởng thụ cái đẹp thời trang trong cuộc sống.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Mùa hè năm 1982, một kiểu váy dài có hàng nút to cài từ trên xuống dưới âm thầm trở thành mốt. Không lâu sau đó, quần bó sát màu đen có phần gót cố định cùng áo hở bụng cũng lần lượt xuất hiện. Bên cạnh đó, quần ống loe là một biểu tượng thời trang không thể lay chuyển. Quần jeans cũng bắt đầu phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc và cho đến nay vẫn chưa từng lỗi thời.
Đặc biệt, màu đỏ trở nên vô cùng ăn khách trong thập niên 1980 ở Trung Quốc nhờ vào hai bộ phim Red Skirt Popular in the Street (1984) và Hồng Y Thiếu Nữ (The Girl in Red, 1985). So với các gam màu hồng, vàng, tím, phụ nữ đô xứ Trung ưa chuộng sắc đỏ hơn.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Bộ phim Trong Nhà Ngoài Nhà có nhiều phân cảnh cho thấy người dân mặc áo len đan. Thời đó, áo len của nam giới và con cái gần như đều do vợ tự tay đan. Những đứa trẻ sinh vào đầu thập niên 1980 ở Trung Quốc thường mặc áo len kẻ caro từ khi còn nhỏ, rất có thể món đồ này là của anh, chị để lại. Mặc đồ thừa của anh chị là điều rất phổ biến lúc bấy giờ.
Cuối thập niên 1980: Làn sóng Hồng Kông và ảnh hưởng từ phương Tây

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Giai đoạn cuối thập niên 1980, thời trang Trung Quốc ở Đại Lục bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Sau năm 1985, phim ảnh và âm nhạc Hong Kong tràn vào đại lục qua băng cassette và truyền hình, người dân bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hiện đại, lãng mạn của các ngôi sao xứ Cảng thơm. Học theo các minh tinh, phụ nữ đại lục cũng đỏm dáng hơn, dù không quá phô trương khi ưu tiên trang phục thực tế, gọn gàng.
Những chiếc áo len cổ tròn hoặc cổ lọ mỏng nhẹ trở nên phổ biến, được phối cùng quần tây cạp cao hoặc váy midi dài qua gối. Chân váy xếp ly, váy bút chì, vốn từng bị xem là biểu tượng của tiểu tư sản, nay quay trở lại với hình ảnh mới: hiện đại, thành thị và trí thức. Kính mắt “cóc”, tóc uốn xù và quần ống loe trở thành bộ ba kinh điển trong phong cách thời trang của giới trẻ Trung Quốc thập niên 1980. Để phối hợp với quần ống loe, các loại giày cao gót kiểu cách cũng bắt đầu trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, họa tiết chấm bi cũng trở thành một trong những xu hướng nổi bật nhất, như được thể hiện qua mẫu đầm dài chấm bi đen trắng của Thái Hiểu Diễm trong phim Trong Nhà Ngoài Nhà.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Đàn ông ngày một mặc vest nhiều hơn, nhờ sức ảnh hưởng của các du học sinh.
Trong thời kỳ mười năm hỗn loạn, vest từng bị chỉ trích và gần như biến mất khỏi Trung Quốc. Năm 1983, Hồ Diệu Bang tiên phong mặc vest, sau đó phong trào diện vest lan rộng khắp cả nước.
Có lần, một lãnh đạo Trung Quốc mặc áo Tôn Trung Sơn khi tiếp khách quốc tế đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Trung Quốc sẽ đóng lại cánh cửa cải cách mở cửa. Nhưng sau đó, năm vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đồng loạt diện vest xuất hiện trước báo giới, dùng thời trang phản bác ý kiến này. Trang phục của các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời điểm đó giống như bản tuyên ngôn về cải cách mở cửa.
Nam giới Trung Quốc trong thời kỳ này cũng có sự chuyển biến rõ rệt trong phong cách ăn mặc. Họ dần rời xa hình ảnh người công nhân mặc đồng phục, để thay bằng sơ mi trắng, quần âu, giày da đen và mái tóc vuốt keo gọn gàng. Những ai đi làm cơ quan hoặc buôn bán như nam chính Trần Hải Thanh thường mang theo cặp da và thắt lưng bản lớn. Áo khoác da bóng, kiểu áo bomber có khóa kéo hoặc áo dạ cổ ve to cũng được yêu thích.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Không chỉ nam giới, nữ giới cũng diện áo vest nữ có cầu vai lớn. Cầu vai to không chỉ mang hơi hướng thời trang phương Tây, đặc biệt là phong cách “power dressing” của thập niên 1980, mà còn là một cách để phụ nữ thể hiện vai trò mới trong xã hội đô thị hóa. Họ không còn chỉ là những người vợ hiền mẹ đảm mà còn là nhân viên văn phòng, cán bộ kỹ thuật, giáo viên, biên tập viên,… những vị trí từng là “đặc quyền” của nam giới.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Hậu những năm 80, mũ beanie, kính râm gọng nhỏ, giày đế bánh mì, băng đô phổ biến do chịu ảnh hưởng từ nhạc Hàn Quốc đầu đời (Gen 1 của làn sóng văn hóa K-pop) và cả văn hóa Mỹ. Ngoài ra, áo sơ mi rộng, váy midi, áo len dày có họa tiết kẻ ca rô và áo măng tô, kết hợp với các phụ kiện như khăn quàng cổ và mũ beret trở thành items ai cũng diện. Màu sắc phổ biến là các tông màu trung tính như xám, nâu, be và xanh rêu, phản ánh sự giản dị và thực tế của cuộc sống thời bấy giờ.
Phong cách không còn cứng nhắc như thời bao cấp mà trở nên cá tính, phi giới tính và linh hoạt hơn, đại diện cho thế hệ đang định hình bản sắc của chính mình trong xã hội thay đổi từng ngày.
Thời trang phim Trong Nhà Ngoài Nhà thể hiện rõ sự phân hoá vùng miền ở Trung Quốc
Trong Nhà Ngoài Nhà kể về người Tứ Xuyên, do đó, phong cách của người em chồng nam chính từ Quảng Châu về hay người dân ở Bắc Kinh sẽ khác biệt hoàn toàn thẩm mỹ của vợ chồng nam nữ chính ở Tứ Xuyên.

Ảnh: Weibo
Tại các thành phố lớn, phụ nữ có điều kiện tiếp cận với xu hướng sớm hơn, họ chú trọng trang điểm nhẹ, làm tóc thẳng để mái chéo hoặc tết lệch tiểu thư hào môn.
Trong khi đó, ở nông thôn và các vùng sâu vùng xa, trang phục vẫn nghiêng về tính tiện dụng và giữ ấm: áo bông chần, quần kaki buộc ống, khăn len thủ công, giày vải màu đen cùng với mái tóc xoăn kinh điển. Tuy nhiên, không vì thế mà họ thiếu đi vẻ đẹp, sự mộc mạc, nền nã, cùng những chi tiết nữ tính nhỏ nhắn vẫn hiện diện, từ chiếc kẹp tóc, trang sức vàng cho tới túi xách.

Ảnh: Trong Nhà Ngoài Nhà
Thập niên 1980 còn là thời kỳ mà các biểu tượng đại chúng như Đặng Lệ Quân, Trương Quốc Vinh, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc,… trở thành hình mẫu lý tưởng cho thanh thiếu niên Trung Quốc. Những bản tình ca du dương, những bộ phim tình cảm hiện đại đã giúp định hình “thị hiếu mới”, nơi thời trang không chỉ là để mặc, mà còn là để mơ mộng, để thể hiện sự khát khao đổi mới và bước ra thế giới.
Người ta bắt đầu thêu hoa lên áo len, xếp gấu quần cao để ăn gian chiều cao, đánh phấn nhẹ và chuốt mascara, những hành vi từng bị xem là phù phiếm, nay trở thành tuyên ngôn của một thế hệ đang thức tỉnh sau cơn mê dài. Có thể nói, thời trang Trung Quốc thập niên 1980 là một bản giao hưởng đầy đối lập: giữa cái cũ và cái mới, giữa tập thể và cá nhân, giữa sự tiết chế của thời bao cấp và sự bùng nổ của đô thị hóa.
LỊCH SỬ THỜI TRANG TRUNG QUỐC QUA PHIM:
THỜI TRANG THƯỢNG HẢI THỜI KỲ DÂN QUỐC TRONG TRƯỜNG PHONG PHÁ LÃNG (TRUY PHONG GIẢ)
THỜI TRANG THẬP NIÊN 1990 TRONG PHIM PHỒN HOA CỦA VƯƠNG GIA VỆ
PHIM NGỌC LÂU XUÂN TÁI HIỆN TRANG SỨC NHÀ MINH GIỐNG HỆT VỚI CỔ VẬT THẬT
Harper’s Bazaar Vietnam