Nữ chính của tác giả Thiên Sơn Trà Khách: sau Trang Hàn Nhạn, ai là người có kết cục thảm nhất?

Tác giả Thiên Sơn Trà Khách đứng sau hàng loạt bộ phim nữ cường như Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ), Mặc Vũ Vân Gian, Cẩm Nguyệt Như Ca...

Những nữ chính trong các tiểu thuyết của Thiên Sơn Trà Khách đều có kết cục rất thảm. Ảnh: Weibo

Gần đây, sau khi bộ phim Khi Chim Nhạn Trở Về công chiếu, tác giả Thiên Sơn Trà Khách đã gặt hái thành công lớn và thu về một lượng fan hâm mộ phim mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sau khi thưởng thức bộ phim cũng như đọc các tác phẩm khác của Thiên Sơn Trà Khách, không ít người đã chợt nhận ra một điều thú vị: tác giả này dường như có một sở thích đặc biệt với những tình tiết thảm khốc, bi kịch và kết thúc không mấy tươi sáng. Những nhân vật trong thế giới của Thiên Sơn Trà Khách không ít lần phải chịu đựng những thử thách cực kỳ đau đớn, từ sự phản bội đến những cái chết tàn nhẫn, tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả.

Thiên Sơn Trà Khách: “Mẹ đẻ” của những nữ chính báo thù

Ảnh: Weibo

Không phải tự nhiên mà Thiên Sơn Trà Khách trở thành cái tên bảo chứng cho những bộ tiểu thuyết phục thù khiến dân tình mất ăn mất ngủ.

Thiên Sơn Trà Khách, sinh năm 1994, bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm 2012. Trong hơn 10 năm cầm bút, cô duy trì nhịp độ sáng tác ổn định, cho ra đời 7 tiểu thuyết với tổng số chữ vượt mốc 7,75 triệu lượt đọc. Cô là một trong những tác giả bạch kim nổi bật trên nền tảng tiểu thuyết mạng Tiêu Tương Thư Viện. Năm 2023, cô được vinh danh trong Top 100 tác giả văn học mạng có sức ảnh hưởng lớn nhất.

Tác phẩm gốc của bộ phim Khi Chim Nhạn Trở Về chính là cuốn tiểu thuyết Quý Nữ đầu tay của Thiên Sơn Trà Khách, được cô chấp bút khi mới 18 tuổi. Dù đã được Tencent mua bản quyền từ sớm, dự án ban đầu không nhận được nhiều kỳ vọng, thậm chí từng đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Mãi đến gần thời điểm hết hạn bản quyền, bộ phim mới được khởi động sản xuất với định hướng tiết kiệm chi phí. Không ai ngờ, tác phẩm này lại trở thành hiện tượng.

Một tác phẩm khác của Thiên Sơn Trà Khách là bộ phim Mặc Vũ Vân Gian cũng trở thành hắc mã của mùa hè 2024. Khi phim phát sóng, nữ chính Ngô Cẩn Ngôn tên tuổi đã xuống dốc, nam chính Vương Tinh Việt lại không mấy tên tuổi, chẳng ai kỳ vọng vào chất lượng của tác phẩm. Sự thành công ngoài mong đợi của Mặc Vũ Vân Gian giúp Ngô Cẩn Ngôn hồi phục danh tiếng và đưa Vương Tinh Việt lên hàng ngũ top các nam diễn viên lưu lượng nổi tiếng nhất hiện tại.

>>> ĐỌC TIẾP: VƯƠNG TINH VIỆT ĂN MAY KHI ĐÓNG PHIM MẶC VŨ VÂN GIAN

Ảnh: Weibo

Điểm khiến người ta “nghiện” truyện của Thiên Sơn Trà Khách chính là cái chất máu lửa trong cách xây dựng nhân vật. Truyện của cô không tập trung quá nhiều vào tuyến tình cảm lãng mạn mà chủ yếu xoáy sâu vào hành trình phục thù rực lửa, lột xác mạnh mẽ của nữ chính.

Mỗi nữ chính của cô đều từng rơi xuống đáy cùng của bi kịch, từng tuyệt vọng, từng bị phản bội, thậm chí từng chết một cách thê thảm, nhưng rồi lại từng bước, từng bước ngẩng cao đầu trở lại, khiến kẻ từng làm hại mình phải trả giá. Nợ máu trả máu, nợ mạng đền mạng, nữ chính của Thiên Sơn Trà Khách không nương tay trong hành trình phục thù.

Tuýp nữ chính này cũng không hạ mình xin xỏ tình yêu. Những người phụ nữ này có tình thì giữ, nhưng nếu bị phản bội thì xin mời kẻ phụ bạc xuống địa ngục.

Lối hành văn cũng rất dứt khoát. Truyện mở đầu không dài dòng, mà ngay lập tức một phát chặt vào đúng điểm đau của độc giả. Bi thương, phẫn uất, tức giận, rồi sau đó là sảng khoái tột độ khi thấy nữ chính vùng lên mạnh mẽ.

5 nữ chính nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết của Thiên Sơn Trà Khách

1. Nữ chính Trang Hàn Nhạn trong phim chuyển thể Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) do Trần Đô Linh đóng

Ảnh: Weibo

Khi Chim Nhạn Trở Về được chuyển thể từ tiểu thuyết Quý Nữ Khó Cầu. Tuy tiểu thuyết khai thác đề tài trọng sinh, một mô-típ quen thuộc trong văn học mạng Trung Quốc, nhưng bản chuyển thể truyền hình lại chọn hướng đi gia đấu, tập trung vào những mâu thuẫn, đấu đá trong gia đình.

Trong nguyên tác, nhân vật chính, Trang Hàn Nhạn, vốn xuất thân cao quý, nhưng ngay trong đêm tân hôn, cô lại bị chồng đầu độc. Bi kịch này không đơn thuần xuất phát từ sự phản bội, mà là hệ quả của một âm mưu tàn nhẫn do chính chị gái ruột và mẹ kế dựng nên nhằm chiếm đoạt địa vị và tài sản của cô. Cái chết oan khuất ấy trở thành động lực để Hàn Nhạn trọng sinh, quay ngược thời gian về năm 12 tuổi, mang theo ký ức và mối hận sâu sắc, quyết tâm giành lại tất cả những gì đã mất.

>>> ĐỌC TIẾP: TRANG HÀN NHẠN, TIẾNG NÓI NỮ QUYỀN TRONG KHI CHIM NHẠN TRỞ VỀ (QUÝ NỮ)

2. Nữ chính Tiết Phương Phi trong phim chuyển thể Mặc Vũ Vân Gian do Ngô Cẩn Ngôn đóng

Ảnh: Weibo

Mặc Vũ Vân Gian đã thu hút rất nhiều sự chú ý sau khi phát sóng vào năm ngoái. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Đích Gả Thiên Kim, tuy nhiên kịch bản đã có nhiều điều chỉnh đáng kể so với nguyên tác.

Trong bản phim, Tiết Phương Phi sống sót và chiếm lấy thân phận của Khương Lê, ái nữ của Thái sư Trung thư lệnh. Tuy nhiên, phía sau lựa chọn ấy là cả một quá khứ đẫm máu mà khán giả truyền hình không được thấy hết. Trong tiểu thuyết gốc, Tiết Phương Phi từng là nạn nhân của mưu đồ chính trị và dục vọng. Vì bị công chúa si mê chồng cô, nàng bị hãm hại, đầu độc, mất đi sự trong trắng, bị gán mác “kẻ mất phẩm hạnh”, mất đi đứa con chưa kịp chào đời, em trai bị sát hại, cha ruột cũng vì quá đau lòng mà qua đời. Và bi kịch lên đến đỉnh điểm khi công chúa ra lệnh giết nàng bằng cách tàn nhẫn nhất: siết cổ.

Sự trọng sinh trong tiểu thuyết không chỉ là cơ hội sống lại, mà còn là hành trình cô đòi lại quyền được lựa chọn, được sống đúng với lòng tự tôn. Khi trở về trong thân phận Khương Lê, Tiết Phương Phi không còn là một thiếu nữ yếu đuối, mà là một linh hồn từng chết đi sống lại, mang theo sự tỉnh táo và khát vọng báo thù lạnh lùng.

>>> ĐỌC TIẾP: SỐC VISUAL NGÔ CẨN NGÔN TRONG PHIM MẶC VŨ VÂN GIAN

3. Nữ chính Hoà Yến trong phim chuyển thể Cẩm Nguyệt Như Ca do Châu Dã đóng

Ảnh: Weibo

Bộ phim Cẩm Nguyện Như Ca do Châu Dã và Thừa Lỗi đóng chính lấy trọng tâm là Hòa Yến (Châu Dã), một nữ tướng tài ba, người đã gác lại thân phận nữ nhi để khoác áo giáp ra trận thay anh trai suốt nhiều năm. Nữ chính không chỉ gây ấn tượng bởi trí dũng song toàn, mà còn bởi số phận nghiệt ngã mà cô phải gánh chịu.

Sau khi lập được chiến công, Hòa Yến bất ngờ bị gạt ra vì anh trai hồi phục. Từ một nữ tướng được vạn người kính nể, cô bị buộc phải trở thành công cụ hôn nhân chính trị. Thế rồi bi kịch nối tiếp bi kịch. Chỉ ba tháng sau khi kết hôn, Hòa Yến bị mù do chính chén thuốc độc được trưởng lão trong gia tộc đưa tới. Với họ, sự tồn tại của cô là một mối đe dọa tiềm tàng, cần phải loại bỏ. Không dừng lại ở đó, trong khi mang thai, Hòa Yến còn bị người trong gia tộc sai người hành hung. Cuối cùng, cô chết đuối trong sự uất nghẹn, một cái chết vừa oan khuất, vừa lạnh lẽo.

Sự trở lại của Hòa Yến trong nguyên tác không đơn thuần là hành trình trả thù, mà là tiếng nói phản kháng của một người phụ nữ từng bị chính gia đình ruồng bỏ. Nếu được xử lý tốt, Cẩm Nguyệt Như Ca hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm cổ trang ấn tượng, không chỉ vì kịch bản cuốn hút, mà còn bởi hành trình phục sinh và thức tỉnh của nữ quyền trong xã hội đầy định kiến và tranh đoạt.

>>> ĐỌC TIẾP: 8 PHIM CỔ TRANG TRUNG QUỐC NỮ CƯỜNG ĐƯỢC KỲ VỌNG NHẤT 2025

4. Nữ chính Thẩm Diệu của tiểu thuyết Trùng Sinh Chi Tướng Môn Độc Hậu

Ảnh: Weibo

Trùng Sinh Chi Tướng Môn Độc Hậu là một trong những tiểu thuyết thành công nhất của Thiên Sơn Trà Khách, thậm chí còn được đánh giá là nổi bật hơn cả Quý Nữ hay Mặc Vũ Vân Gian. Sau những thành công chuyển thể trước, tiểu thuyết này là dự án kế tiếp được lên lịch, mặc dù danh tính dàn diễn viên chưa được quyết định.

Nữ chính Thẩm Diệu là ngũ tiểu thư dòng chính của Thẩm gia, một nữ nhân thông tuệ và can trường, từng dốc toàn bộ tâm huyết, thậm chí cả sinh mệnh, để phò tá Định Vương lên ngôi. Nhưng như một bi kịch đã được viết sẵn trong những trang sử phong kiến, khi vinh quang đạt đỉnh, công thần lập nên giang sơn lại trở thành cái gai cần nhổ bỏ. Thẩm Diệu bị phế truất, đẩy vào lãnh cung, và cuối cùng là ban chết bằng một thước lụa trắng, kết cục cay đắng dành cho người đã từng hết lòng vì người mình yêu.

Gia tộc của nàng, Thẩm gia, không thoát khỏi số phận “Thố tử cẩu phanh” (Thỏ chết, chó săn bị thịt: Dùng để hình dung một số người có thể có hoạ cùng chịu nhưng có phúc không thể cùng hưởng. Được hiểu là những thứ không còn tác dụng nữa sẽ bị bỏ đi). Dưới danh nghĩa phản quốc, cả gia đình bị tru di, của cải bị tịch thu, người thân bị hành quyết, kể cả những gia nhân vô tội. Đau đớn hơn, chính người chị họ từng ẩn sau cái bóng của nàng lại được đưa vào cung thay thế, khoác lên người chiếc áo hoàng hậu.

Sau khi trọng sinh, Thẩm Diệu không còn là một nữ tử chỉ biết hy sinh. Nàng bước vào hành trình báo thù, không chỉ để đòi lại công đạo cho bản thân, mà còn để khẳng định giá trị và trí tuệ của người phụ nữ trong một thời đại luôn phủ nhận điều đó.

Đồng hành cùng Tạ Cảnh Hành, vị tiểu Hầu gia mưu trí, tài năng, Thẩm Diệu lần lượt tháo gỡ từng mắt xích bi kịch cũ, đối mặt với kẻ thù xưa và xây dựng lại một đế chế mới, cuối cùng, trở thành hoàng hậu thực thụ của một vương triều thịnh trị.

5. Nữ chính Tưởng Nguyễn của tiểu thuyết Trọng Sinh Chi Đích Nữ Họa Phi

Ảnh: Weibo

Trọng Sinh Chi Đích Nữ Họa Phi tuy chưa chính thức công bố chuyển thể thành phim, nhưng bản quyền đã được bán. Và đây chắc chắn sẽ là một trong những tác phẩm cổ trang có số phận nữ chính bi thảm bậc nhất của Thiên Sơn Trà Khách.

Tưởng Nguyễn, là đích nữ của Tưởng gia, một gia tộc danh giá. Nàng sở hữu nhan sắc khiến người đời mê muội (dung mạo quyến rũ như yêu), nhưng lại bị một đạo sĩ giang hồ từng xem mệnh cho rằng bát tự không may mắn, vì thế từ nhỏ nàng đã bị người đời khinh miệt. Mẹ ruột mất sớm, anh trai tử trận nơi sa trường, Tưởng Nguyễn lớn lên trong ánh mắt lạnh nhạt và định kiến của gia tộc.

Sau khi trở về phủ, nàng từng tin rằng đã tìm thấy chút hơi ấm, mẹ kế yêu thương, em gái cùng cha khác mẹ dịu dàng gần gũi. Cũng vì thế, nàng đã chấp nhận thay muội muội tiến cung, trở thành quân cờ trong một ván cờ quyền lực. Nhưng khi người nàng yêu giành được thiên hạ, tất cả những gì nàng nhận lại chỉ là sự phản bội. Tưởng Nguyễn bị vu là “yêu nữ họa quốc”, gánh trên vai tội danh không thể rửa sạch. Em gái trở mặt, người cha ruột lạnh lùng quay lưng, đẩy nàng vào tận cùng tuyệt vọng.

Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi nàng tận mắt chứng kiến đứa con trai nhỏ bị sát hại ngay trước mắt, một đòn đánh chí tử vào người mẹ từng bất chấp tất cả vì tình yêu và gia đình. Cái chết của Tưởng Nguyễn là biểu tượng tột cùng của nỗi oan khuất, nàng bị biến thành “nhân trư”, hình phạt dã man nhất từng được mô tả trong văn học cổ trang: cắt cụt tứ chi, bịt miệng, chọc mù mắt và giam trong xó xỉnh tối tăm cho đến khi chết trong nỗi nhục nhã và đau đớn. Bạn còn nhớ trong Chân Hoàn Truyện, chỉ vì Chân Hoàn kể với Phú Sát quý nhân về chuyện “nhân trư” mà nàng ta đã phát điên không? Vì thật sự rất kinh khủng.

Nhân vật Tưởng Nguyễn không đơn thuần là bi kịch cá nhân. Nàng đại diện cho sự phơi bày tận cùng của xã hội phong kiến tàn nhẫn, nơi người phụ nữ dù sinh ra cao quý cũng có thể trở thành vật hy sinh cho danh vọng của kẻ khác.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm