Sở hữu đôi gò bồng đảo căng tròn và quyến rũ giúp chị em phụ nữ tự tin hơn trong việc lựa chọn trang phục và xuất hiện trước đám đông. Để nâng cấp vòng 1, đa số phụ nữ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ngực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người do dự trước phương án này khi cho rằng việc phẫu thuật khá rủi ro. Sự thật có đúng như vậy không?
Các phương pháp nâng ngực
Hiện nay có hai phương pháp nâng ngực phổ biến nhất: phương pháp ghép mỡ tự thân và phẫu thuật đặt túi ngực (implant).
Nâng ngực với mỡ tự thân
Phương pháp ghép mỡ tự thân ít biến chứng xâm lấn nhưng phải tiến hành nhiều lần. Bởi mỗi lần ghép không đủ tăng kích cỡ ngực như mong muốn và hình dạng chưa được hoàn thiện. Một hạn chế khác là cảm nhận khi chạm vào ngực sau khi thực hiện cấy mỡ không giống với mô ngực bình thường. Do đó, phương thức này thường được sử dụng cho những khách hàng bị dị ứng với các loại túi ngực.
Nâng ngực với túi ngực
Nâng ngực sử dụng túi là phương pháp phổ biến hiện nay. Ưu điểm của phương pháp này là dễ phẫu thuật và có nhiều kích cỡ, cũng như hình dáng bầu ngực để bạn lựa chọn. Bên cạnh đó, bạn không phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần như phương pháp cấy mỡ tự thân. Hơn nữa, ngực đặt túi cho cảm giác chân thực như mô ngực bình thường khi chạm vào.
Tuy nhiên, do đây là phương thức phẫu thuật xâm lấn nên có thể có một số biến chứng như chảy máu hay nhiễm trùng. Đặc biệt, có những trường hợp bị dị ứng túi ngực tạo nên bao xơ. Đây là sự cố rất khó xử lý khi gặp phải. Mức độ an toàn của các phương pháp trên phụ thuộc nhiều vào trình độ, kinh nghiệm của bác sỹ cũng như cơ sở vật chất của trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ.
Để an toàn và đạt được kết quả tốt nhất, bạn nên chọn lựa thật kỹ bác sỹ cũng như bệnh viện nơi tiến hành phẫu thuật.
>>> Xem thêm: Những điều bạn cần biết về nâng ngực nội soi
Khi nào nên phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực
Bạn chỉ nên phẫu thuật vòng 1 sau khi đã được tư vấn kỹ với bác sỹ chuyên khoa mà mình tin tưởng. Những trường hợp nên nâng ngực đó là:
- Trên 18 tuổi và đảm bảo đủ sức khỏe.
- Ngực quá nhỏ hoặc quá to dẫn đến việc không tự tin với bản thân.
- Ngực chảy xệ sau sinh và cho con bú.
- Phụ nữ sau phẫu thuật điều trị ung thư vú.
- Người gặp biến chứng từ các cuộc phẫu thuật nâng ngực hoặc thu ngực trước đó.
- Trường hợp chống chỉ định phẫu thuật nâng ngực
Bạn không nên phẫu thuật nâng cấp vòng 1 khi:
- Không đảm bảo đủ sức khỏe.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
- Người đang điều trị ung thư.
- Người dưới 18 tuổi.
Nếu bạn mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp,… cần tư vấn thêm với bác sỹ điều trị trước khi quyết định phẫu thuật.
Lưu ý về chế độ ăn uống và sinh hoạt
Bạn cần nhịn ăn 10 tiếng trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bạn có thể ăn uống nhẹ khi tỉnh hẳn để tránh cảm giác buồn ói. Tránh các chất kích thích, rượu, cà phê, thuốc lá… Những ngày đầu sau mổ nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên hạn chế vận động mạnh hoặc đột ngột. Bạn cũng cần giữ vệ sinh và tránh vận động tăng tiết mồ hôi nhiều trong những ngày đầu sau phẫu thuật.
Chọn kích thước túi ngực như thế nào cho phù hợp?
Nhiều người không tìm hiểu kỹ mà lựa chọn kích thước ngực quá to khiến sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn mà lại không đẹp. Để khách hàng có thể lựa chọn được một bộ ngực có kích thước và hình dáng phù hợp là điều khá khó. Đa số các bác sỹ thường tư vấn dựa vào những yếu tố sau:
- Chiều cao, cân nặng, số đo vòng 2 và vòng 3 của khách hàng.
- Dựa theo mong muốn của từng người. Từ đó, bác sỹ sẽ tư vấn, lựa chọn kích thước và hình dáng phù hợp.
Ngoài ra, sự yêu thích và quy chuẩn về ngực to hay nhỏ giữa mỗi dân tộc và mỗi quốc gia thường khác nhau. Ví dụ như phụ nữ châu Mỹ Latin thường thích sở hữu vòng 1 to, nóng bỏng. Trong khi đó, phụ nữ châu Á lại thường ưu tiên chọn kích cỡ ngực nhỏ hơn để phù hợp với vóc người thanh mảnh của họ.
Những câu hỏi thường gặp về việc phẫu thuật thẩm mỹ vòng một
1. VỀ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC TRONG QUÁ TRÌNH ĐẶT TÚI NGỰC?
Bạn cần ngưng nạp tất cả các loại thức ăn và đồ uống 10 tiếng trước phẫu thuật. Các loại thuốc khác chỉ ngưng dùng khi chúng ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật hoặc gây mê ví dụ như các loại thuốc chống đông trong điều trị tim mạch (ngưng 2 ngày trước phẫu thuật) vì có thể gây chảy máu hậu phẫu.
2. PHỤ NỮ SAU SINH BAO LÂU CÓ THỂ PHẪU THUẬT NÂNG NGỰC?
Khi ngực không còn cương sữa, em bé đã cai sữa hoàn toàn và tình trạng hậu sản ổn định là bạn có thể tiến hành phẫu thuật nâng ngực.
3. NÂNG NGỰC XONG CÓ NÊN ĐI MÁY BAY KHÔNG?
Khoảng 3 – 4 ngày đầu sau phẫu thuật, bạn không nên di chuyển xa vì cần theo dõi hậu phẫu. Áp lực khoang máy bay không ảnh hưởng đến túi ngực nên bạn có thể đi máy bay trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, tốt nhất là nên đi máy bay sau khi cắt chỉ 1 tuần và vết thương đã hoàn toàn hồi phục.
4. SẮP XẾP THỜI GIAN SAU HẬU PHẪU NHƯ THẾ NÀO?
- Sau ngày thứ 1 có thể về nhà đi lại nhẹ nhàng.
- Từ ngày thứ 2 – 7 chỉ cần đến phòng khám bác sỹ thay băng cách mỗi 2 ngày. Thời gian này có thể tham gia công việc văn phòng nhẹ nhàng.
- Ngày thứ 8 sau khi cắt chỉ có thể làm công việc nội trợ và văn phòng.
- Sau 1 tháng, bạn có thể trở về công việc bình thường (tránh mang vác các vật nặng đột ngột).
5. NHỮNG LƯU Ý ĐỂ PHỤC HỒI SAU PHẪU THUẬT
>>> Xem thêm: 7 bài tập thể dục nhẹ nhàng hậu giải phẫu ngực
∗∗∗
Harper’s Bazaar Việt Nam