Những bộ phim hay nhất về đế chế thời trang Christian Dior

Dưới đây là những bộ phim khắc họa thế giới thời trang của nhà mốt Dior mà bạn không nên bỏ qua.

Quý ngài Christian Dior bên các người mẫu. Ảnh: Keystone France/Getty Images

Một trong số những nhà thiết kế nổi tiếng nhất trên thế giới là Christian Dior. Sau khi thành lập thương hiệu thời trang vào năm 1947, ông đã làm thay đổi phong cách ăn mặc của cả một thế hệ. Do đó, không ngạc nhiên khi cuộc đời của quý ngài Christian Dior và các tạo tác của ông luôn hấp dẫn những nhà làm phim.

Trong năm 2024, giới mộ điệu đang mong ngóng series The New Look do Apple TV+ sản xuất và phát hành, sẽ lên sóng vào 14/2/2024. Nếu đang cảm thấy mòn mỏi chờ đợi, bạn có thể tạm giải khuây bằng các series phim ảnh khác về Christian Dior.

Từ phim tài liệu, phim tiểu sử cho đến các bộ phim phóng tác, sau đây là danh sách những tác phẩm bạn phải xem nếu là người hâm mộ nhà thiết kế Christian Dior cũng như thương hiệu nước Pháp mà ông gầy dựng.

Phim tiểu sử về Dior

Phim tiểu sử (biography) không hoàn toàn truyền tải lịch sử thật mà sẽ kịch tính hóa câu chuyện. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà gây ấn tượng hơn khi so với phim tài liệu lịch sử.

The New Look (2024)

Sau thành công của các bộ phim tiểu sử về thời trang như series dài tập Halston trên Netflix hay House of Gucci, Apple TV+ đã mạnh dạn sản xuất bộ phim tiểu sử kéo dài 10 tập về nhà thiết kế Christian Dior dự kiến ra mắt vào tháng Hai năm 2024. Phim được đặt tên là The New Look theo bộ sưu tập đầu tay của nhà thiết kế huyền thoại.

Diễn viên đoạt giải Emmy Award Ben Mendelsohn vào vai Christian Dior. Ảnh: Apple TV+

Theo những hé lộ đầu tiên từ Apple TV+, phim sẽ tập trung vào thời điểm tên tuổi Christian Dior nổi lên như cồn hậu Thế chiến II và soán ngôi danh vọng của quý bà Coco Chanel. Phim sẽ khám phá thành công của Christian Dior, sự cạnh tranh với nhà thiết kế Coco Chanel, mối quan hệ thân thiết với em gái Catherine Dior và cách ông đã thành lập một thương hiệu vẫn dẫn đầu ngành hơn 75 năm sau.

Diễn viên gạo cội người Pháp Juliette Binoche đóng vai Coco Chanel. Ảnh: Apple TV+

Maisie Williams vào vai Catherine Dior. Ảnh: Apple TV+

Ngoài Christian Dior là nhân vật trung tâm, những nhà thiết kế thống trị thời trang thế giới trong thập kỷ hậu chiến cũng sẽ xuất hiện, như Pierre Balmain, Cristobál Balenciaga, Hubert de Givenchy, Pierre Cardin, Yves Saint Laurent, Lucien Lelong…

Xem phim ở đâu: Apple TV+, từ 14/2/2024

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

>>> ĐỌC THÊM: NEW LOOK: BỘ SƯU TẬP CỦA DIOR LÀM THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG

Phim tài liệu về Dior

Haute Couture (1949)

Một bộ phim tài liệu rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 14 phút, nhưng ghi lại những thước phim vô giá về giai đoạn khởi đầu của nhà mốt thời trang Dior, ví dụ cảnh nhà thiết kế gạo cội tự tay chỉnh trang cho người mẫu, hình ảnh những show diễn đầu tay, cận cảnh những thiết kế dạ hội nổi tiếng của Christian Dior.

Do Henri A. Lavorel đạo diễn tận từ năm 1949, nhưng mãi tới năm 2020, vì đại dịch toàn cầu, nhà mốt Dior mới mở kho tư liệu của mình để trình chiếu bộ phim ngắn thời trang này.

Xem phim ở đâu: YouTube chính thức của Dior. Bạn cũng có thể xem phim trực tiếp ở video trên.

Ngôn ngữ: Tiếng Pháp.

Phụ đề: Anh, Pháp, Nhật, Hoa… không có phụ đề tiếng Việt.

Christian Dior – The man behind the myth (2005)

Nguồn gốc của gu thời trang của nhà thiết kế Christian Dior là gì? Điều gì đã truyền cảm hứng cho sự sáng tạo đáng kinh ngạc của ông? Bộ phim tài liệu này hy vọng sẽ làm sáng tỏ bí ẩn về người đàn ông đằng sau huyền thoại, khi tổng kết lại tuổi thơ của nhà thiết kế từ Normandy, khu vườn hoa hồng, hình ảnh thanh lịch của người mẹ… Không chỉ dừng lại ở thời trang, bộ phim này còn đề cập đến đế chế nước hoa rất thành công của Christian Dior.

Bên cạnh đó, phim có lời bình từ những nhà thiết kế nổi tiếng khác, như Pierre Cardin và John Galliano (khi phim được quay vẫn còn là giám đốc sáng tạo của thương hiệu).

Xem phim ở đâu: Phim chỉ có trên DVD. Bạn có thể mua từ Amazon.

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

Phụ đề: Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy . không có phụ đề tiếng Việt.

Dior and I (2014)

Nếu hai bộ phim trên tập trung vào Christian Dior thì Dior and I (tiếng Pháp: Dior et Moi) do Frédéric Tcheng viết kịch bản và đạo diễn lại theo chân Raf Simons. Giai đoạn này, Raf Simons vừa được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo ở Dior, và ông chỉ có ít thời gian để chuẩn bị cho bộ sưu tập thời trang cao cấp (haute couture) đầu tay. Bộ phim ghi lại quá trình sáng tạo và áp lực của Raf Simons, hé lộ về guồng công việc nặng nhọc của các giám đốc sáng tạo.

Dior and I được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Tribeca vào ngày 17/4/2014, với sự xuất hiện của các vai khách mời của các nhân vật nổi tiếng như Marion Cotillard, Isabelle Huppert, Jennifer Lawrence, Sharon Stone,… Bộ phim tài liệu nhận được đánh giá tích cực của các nhà phê bình.

Xem phim ở đâu: Xem miễn phí trên Roku, hoặc trả phí qua Hulu / Apple TV / YouTube

Ngôn ngữ: Tiếng Anh và Pháp đan xen

Phụ đề: Anh

>>> XEM THÊM: HỒN MA CỦA CHRISTIAN DIOR HIỆN DIỆN TRÊN PHIM TRƯỜNG DIOR AND I

Phim điện ảnh lấy cảm hứng từ nhà mốt thời trang Dior

Nếu các bộ phim tài liệu, tiểu sử có thể hơi khô khan khi tập trung vào yếu tố lịch sử, thì bộ phim điện ảnh sau đây lại khắc họa ma thuật của những thiết kế dạ hội từ thương hiệu Pháp.

Haute couture (2021)

Bộ phim điện ảnh tạo điểm khác biệt khi không tập trung vào đường băng xa hoa, mà lại tiến sâu vào xưởng may Dior. Câu chuyện nêu bật lên sự quan trọng của những người nghệ nhân trong ngành thời trang haute couture và giải thích lý do vì sao các nhà mốt thời trang luôn dành nhiều ngân sách đầu tư cho việc đào tạo, lưu giữ kỹ thuật nhà nghề.

Câu chuyện xoay quanh Esther, một nghệ nhân hàng đầu của Dior (Nathalie Baye thủ vai). Bà đang chuẩn bị nghỉ hưu và hoàn thiện bộ sưu tập cuối cùng của mình trước khi từ giã nhà mốt Pháp. Một ngày nọ, bà bị Jade (Lyna Khoudri) giật ví. Cô gái trẻ này sau đó hối hận và tìm cách trả ví cho bà. Nhận ra tài năng của Jade, Esther mời cô đến xưởng Dior học việc.

Đạo diễn Sylvie Ohayon cho cô đã tìm cảm hứng xây dựng cốt truyện từ mối quan hệ của chính cô với con gái, niềm đam mê của cô với nghề thủ công thời trang cao cấp, và niềm tin rằng Pháp là một quốc gia tạo ra những tác phẩm thời trang trang xuất chúng, để đời bởi có những người nghệ nhân tâm huyết với nghề.

Xem phim ở đâu: Apple TV+

Ngôn ngữ: Tiếng Pháp

Mrs. Harris Goes to Paris (2022)

Tác phẩm của đạo diễn Anthony Fabian dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Paul Gallico.

Câu chuyện bắt đầu khi bà lao công dọn dẹp Ada Harris (Lesley Manville đóng) tình cờ thấy chiếc váy Dior tại nhà chủ. Quá khao khát được sở hữu một chiếc, bà chắt chiu, gom góp đủ tiền để có thể tới Paris đặt may riêng cho mình một bộ. Trong cuộc hành trình này, bà đã gặp nhiều người bạn mới.

Bộ phim đề cập đến vấn đề phân biệt giai cấp trong haute couture, khi Ada Harris bị những khách hàng khác dè bỉu do dám đặt mua chiếc đầm đắt đỏ dù chỉ là một lao công. Nhưng Dior không hề ngần ngại thiết kế riêng sản phẩm cho bà Harris, bởi tất cả khách hàng đều đáng được trân trọng. Cũng trong chuyến phiêu lưu này, bà đã gặp những người sẽ trở nên quan trọng trong đời bà.

Để đảm bảo tính chân thực nhất có thể, nhà thiết kế phục trang đoạt giải Oscar Jenny Beavan đã được trao quyền để tái hiện tủ đồ đúng với thực tế. Bà đã đến kho lưu trữ của Dior vào cuối năm 2019. Trong 128 trang phục thuộc bộ sưu tập di sản của nhà mốt, bà chọn ra 20 mẫu từ năm 1947 đến năm 1957 để tái tạo cho phim. Dior còn cho bà Jenny Beavan mượn 5 mẫu đầm gốc.

Xem phim ở đâu: Apple TV+, YouTube, Google Play Movies, Amazon Prime (có trả phí)

Ngôn ngữ: Tiếng Anh

>>> ĐỌC CHI TIẾT: MRS. HARRIS GOES TO PARIS ĐƯA MA THUẬT HAUTE COUTURE DIOR LÊN MÀN ẢNH RỘNG

Phim giả tưởng

Trong giai đoạn đại dịch, nhà mốt Dior đã trình làng hai bộ sưu tập thời trang cao cấp (haute couture) của mình dưới dạng phim ngắn giả tưởng. Tuy chỉ là phim không lời, chúng truyền tải một cách rõ nét văn hóa và di sản của thương hiệu nước Pháp.

Le Myth Dior – Haute Couture Thu Đông 2020

Bộ phim ngắn này của Dior mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới cho giới mộ điệu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu. Bộ sưu tập haute couture được trình làng như một bộ phim cổ tích, nơi các nàng tiên của thiên nhiên bị hấp dẫn bởi váy áo do Dior thiết kế và trở thành những vị khách hàng đặc biệt của thương hiệu.

Chi tiết quan trọng trong phim là cảnh người hầu mang chiếc rương đựng đầy váy áo thu nhỏ mặc trên búp bê. Cảnh này gợi nhắc đến sự kiện Théâtre de la mode năm 1945-1946. Lúc ấy, vì Thế chiến II, các nhà thiết kế không thể gặp mặt khách hàng trực tiếp. Họ thực hiện các thiết kế thu nhỏ trên búp bê và thực hiện một triển lãm di động. Tới hơn 60 couturier như Cristobál Balenciaga, Nina Ricci, Pierre Balmain, Hermès… cùng các thương hiệu phụ kiện như Cartier, Van Cleef & Arpels đã tham gia triển lãm di động Théâtre de la mode.

Dù nhà mốt Dior thành lập sau khi triển lãm di động này diễn ra, thương hiệu đã tìm ra sự đồng điệu giữa sự kiện năm 1945 với đại dịch toàn cầu năm 2020 và tạo ra những thước phim ma thuật nhưng rất gần với thực tế.

Le Château du Tarot – Christian Dior Haute Couture Xuân Hè 2021

Bộ phim thời trang Dior mùa Haute Ccouture Xuân Hè 2021 lại xoay quanh bộ bài tarot. Thuở sinh thời, nhà thiết kế Christian Dior là người hơi mê tín. Ông tin vào ngôi sao may mắn và những lá bùa hộ mệnh. Thông qua ngôn ngữ thời trang hiện đại và giả tưởng, giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã kể lại thế giới của quý ngài Christian Dior.

“Chúng tôi quyết định quay một bộ phim về cô gái lạc vào mê cung trong tòa lâu đài. Mê cung trận này chính là nội tâm của cô ấy. Mỗi một lá bài tarot mà cô gặp tượng trưng cho một ngã rẽ cuộc đời, nơi cô ấy phải quyết định lối đi của mình. Qua mê cung, cô ấy gặp gỡ những tính cách khác của bản thân, học hỏi sự mạnh mẽ để có thể đối mặt với tương lai”, bà giải thích.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm