Mrs. Harris Goes to Paris đưa ma thuật haute couture Dior lên màn ảnh rộng

Một bộ phim nhẹ nhàng về thời trang, nếu là người yêu thích thương hiệu Christian Dior, bạn không nên bỏ qua

Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 sắp diễn ra vào ngày 12/3. Một trong những giải thưởng thường niên được chú ý là hạng mục Thiết kế trang phục (Costume Design). Bộ phim Mrs. Harris Goes to Paris giành được đề cử của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh cho hạng mục này.

Dựa trên cuốn tiểu thuyết của Paul Gallico, do Anthony Fabian đạo diễn, chuyện phim kể về góa phụ làm nghề lao công Ada Harris (Lesley Manville đóng), sống tại London thời hậu chiến. Tình cờ nhìn thấy chiếc váy Christian Dior tại nhà của khách hàng, bà Harris quyết định đến Paris để tậu cho mình một bộ đầm của thương hiệu thời trang cao cấp này.

Ada Harris (Lesley Manville đóng) lần đầu nhìn thấy chiếc váy Ravissante. Ảnh: www.universalpictures.co.uk

Êkíp “căng não” khi tái tạo thiết kế của Bậc thầy Dior

Thời trang là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên tác phẩm điện ảnh. Những bộ trang phục là phần nội tại bên trong một bộ phim, với Mrs. Harris Goes to Paris còn hơn như thế. Thách thức của Mrs. Harris Goes to Paris không chỉ nằm ở trang phục, mà còn tái hiện lại show diễn thời trang Dior. Ngoài ra, thời trang trong phim phải thích hợp với thời đại ở London và Paris vào những năm 1950.

Đạo diễn Anthony Fabian và nhà thiết kế phục trang Jenny Beavan trên phim trường. Ảnh: David Lukacs

May mắn thay, người đảm nhiệm vai trò thiết kế phục trang cho phim Mrs. Harris Goes to Paris là nhà thiết kế trang phục người Anh Jenny Beavan. Bà là cái tên không xa lạ với giải Oscar. Với 12 đề cử, bà sở hữu ba tượng vàng trong những phim A Room with a View (1986), Mad Max: Fury Road (2015) và Cruella (2021).

Công việc của Beavan là làm cho các nhân vật trở nên sống động qua những bộ trang phục. Trong Mrs. Harris Goes to Paris những bộ đầm là điểm then chốt. Việc tái tạo lại những thiết kế có ảnh hưởng lâu dài của Dior thực sự gây căng thẳng cho nhà thiết kế. Trong đó phải kể đến ba bộ đầm quan trọng: Ravissante, Venus và Temptation. “Ba nhân vật chính” này được nhà văn Paul Gallico mô tả trong cuốn tiểu thuyết Mrs. ‘Arris Goes to Paris, xuất bản vào năm 1958.

Những “nhân vật” quan trọng trong phim: Những chiếc đầm haute couture Christian Dior

Venus và Ravissante, hai thiết kế quan trọng trong phim. Ảnh: David Lukacs

Ravissante là đầm Dior đầu tiên mà Harris nhìn thấy trong phòng ngủ của một khách hàng. Đó là chiếc váy chữ A màu oải hương, thắt lưng không dây, được thêu những cánh hoa rất tinh xảo. Bà Harris đã “phải lòng” với bộ đầm Ravissante ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Jenny Beavan phác thảo lại Ravissante từ chiếc đầm cocktail Miss Dior, trong BST Xuân Hè Haute Couture năm 1949. Phiên bản mới được Beavan làm “sống lại” với sự kết hợp của hoa huệ tây, hoa hồng, đinh hương và cánh hoa lưu ly. Tất cả cánh hoa được thêu thủ công rất tỉ mỉ.

Người mẫu Natasha (Alba Baptista thủ vai) trong bộ đầm Temptation. Ảnh: Universal Pictures

Với Temptation, Beavan thiết kế dựa theo chiếc đầm đính sequin Diablotine, thuộc BST Thu Đông Haute Couture năm 1957. Chiếc đầm có điểm nhấn là áo khoác bolero, nhằm tôn thêm sức quyến rũ với phần khoét ở cổ. Beavan và đội của bà đã khâu tay vật liệu sequin trên toàn bộ chiếc đầm nhằm tạo hiệu ứng điện ảnh. Thêm lớp vải tuyn đen để chiếc váy trông mềm mại, lấp lánh sau camera ở góc quay thích hợp.

Ada Harris mặc Venus tại xưởng may của Dior. Ảnh: Universal Pictures

Bộ trang phục có sự “diễn xuất” nhiều nhất trong Mrs. Harris Goes to Paris là Venus. Chiếc váy lụa dài cúp ngực màu xanh, trang trí hình lông công rất công phu ở phần thân trước. Có ba chiếc đầm Venus tạo ra cho các nhân vật. Trong đó, một phiên bản dành riêng cho Pamela Penrose (Rose Williams đóng) để có thể đốt cháy.

Thiết kế trang phục theo tinh thần của Christian Dior

Bậc thầy Dior đã có cuộc cách mạng hóa ngành thời trang vào năm 1947 khi giới thiệu bộ sưu tập New Look. Những chiếc váy đầm xòe (full-skirted), thắt eo, vai thon nhỏ, nhấn ngực trong New Look tạo nên làn sóng mới vào thời đó và vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Khi tạo lại diện mạo mới của huyền thoại Christian Dior, Jenny Beavan đã có chuyến hành trình thú vị đến kho lưu trữ của nhà mốt Pháp. Bà hy vọng mượn được một vài bộ váy haute couture cho phim. Những người tại Dior giúp đỡ Beavan hết sức tận tình, tuy nhiên, những gì họ có từ những năm 1950 rất giới hạn.

Người mẫu Natasha (Alba Baptista đóng), nàng thơ của Dior trong phim. Ảnh: David Lukacs, Christian Dior

“Có khoảng 128 trang phục trong bộ sưu tập và chúng tôi tái tạo lại 20 chiếc váy. Đa số chúng có màu đen và trắng, bởi vì đó là Dior. Nhưng tôi muốn màu mạnh mẽ hơn cho ba bộ đầm quan trọng trong phim. Lavender, xanh và đỏ thẫm là những màu mà bà Harris yêu thích. Đó là những sáng tạo của chúng tôi nhưng được thiết kế theo tinh thần của Christian Dior.” Jenny Beavan cho biết.

>>> XEM THÊM: NEW LOOK: BỘ SƯU TẬP CỦA DIOR LÀM THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG

Tái hiện lại show thời trang Dior

Một trong những cảnh quay chính của phim là show thời trang kỷ niệm 10 năm của Dior. Bà Harris ngồi ở hàng ghế đầu, giữa các khách hàng Paris giàu có, để chiêm ngưỡng những bộ đầm lộng lẫy. Có 17 bộ váy được tái tạo cho cảnh quay này, chúng đều dựa trên thiết kế từ kho lưu trữ của Dior.

Đạo diễn Anthony Fabian tái hiện lại show diễn thời trang kỷ niệm 10 năm của Dior. Ảnh: www.universalpictures.co.uk

Jenny Beavan tái tạo lại trang phục từ các mẫu thiết kế của Bậc thầy Dior những năm 1950. Photo: David Lukacs, Christian Dior

Nhà thiết kế Beavan đã mượn 5 chiếc đầm từ bộ sưu tập Di sản. Thế nhưng, chúng không phải là nguyên bản của những năm 1950. Năm bộ trang phục được thương hiệu Christian Dior tái tạo lại vào những năm 1990. Bộ đầm đen chấm bi trắng Porto Rico, thuộc BST Thu Đông Haute Couture năm 1954, được giữ nguyên trạng. Beavan đã thuê nó từ Cosprop, một công ty cho thuê phục trang hàng đầu trên thế giới.

Bộ đầm Porto Rico được thuê từ bên ngoài và giữ nguyên bản gốc. Ảnh: David Lukacs, Christian Dior

Những thiết kế còn lại Beavan dựa theo cuốn sách mẫu vẽ của Dior năm 1957 với thông tin về mẫu vải, phác họa thiết kế, hình ảnh chi tiết. Ngoài ra, cuốn sách tham khảo Christian Dior: History & Modernity, 1947-1957 của Alexandra Palmer rất hữu ích cho Jenny.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm