Những bí quyết giúp nhà thiết kế Nguyễn Phương Đông xây dựng thương hiệu Decos

Nhà sáng lập của thương hiệu thời trang DECOS – nhà thiết kế Nguyễn Phương Đông bật mí về những cố gắng, nỗ lực trong suốt bốn năm qua, trong đó đã có hai năm chiến đấu với đại dịch

Harper's Bazaar_Nguyen Phuong Dong Decos_2

Nhà thiết kế Nguyễn Phương Đông là người sáng lập thương hiệu Decos

Nhìn cơ ngơi của Decos tại Đồng Khởi, một trong những con đường đắt giá bậc nhất Sài thành, Harper’s Bazaar hỏi vui: Đại dịch ai cũng khó khăn, còn Decos lại… ăn nên làm ra? Phương Đông nhoẻn một nụ cười mỉm chi thường ngày: “Chắc ăn may thôi!”. Thế nhưng chúng tôi biết, đó là cả chặng đường dài nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà thiết kế đến từ Trà Vinh. 

Quả thật, boutique mới này còn to đẹp hơn cả boutique cũ. Ánh đèn sáng rực, cùng đó là hàng trăm mẫu thiết kế ra mắt liên tục!

Mình còn trẻ, mình phải tận dụng thời gian học thêm nhiều cái mới

Decos là viết tắt từ Delicate Choices Of Shopaholic, có nghĩa là lựa chọn tinh tế của những người mê mua sắm thời trang. Đây là “đứa con” mà Nguyễn Phương Đông ấp ủ suốt bốn năm qua. Thương hiệu ra mắt thị trường trong thời gian không quá dài nhưng được phái đẹp ưu ái bởi phong cách tối giản trẻ trung, hợp thời trang, luôn cập nhật xu hướng.

Anh bảo: “Năng lực con người là vô hạn. Đừng bao giờ nghĩ bạn bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Tôi tin khi con người biết nỗ lực, không ngừng học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm lẫn chuyên môn, bạn sẽ tạo ra kỳ tích”.

Trong kinh doanh, Phương Đông luôn có chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn. Cụ thể, vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, anh tập trung vào các thiết kế mang tính ứng dụng cao, phù hợp môi trường công sở nhưng vẫn thời trang.

Theo anh, ai chẳng thích đẹp. Nếu một bộ quần áo khiến người ta thoải mái thì chưa đủ. Phải đẹp nữa.

Harper's Bazaar_Nguyen Phuong Dong Decos_2

Trong thời gian bắt đầu khởi nghiệp với Decos, Nguyễn Phương Đông nhạy bén tập trung vào marketing online. Doanh số của Decos trong suốt sáu tháng có đến 80% là từ nền tảng online. Nhà thiết kế sinh năm 84 chia sẻ: “Mùa dịch, tất nhiên ai cũng ngại đi ra ngoài mua sắm. Chúng tôi bắt buộc phải có các chiến lược marketing và chính sách hậu mãi phù hợp. Vì tôi hiểu được các khó khăn và tâm ý e ngại của khách hàng khi mua sắm trực tuyến”.

Trong đại dịch, Phương Đông dành thời gian học tập, tự tạo áp lực cho mình mỗi ngày. Anh cho biết: “Có chút thời gian rảnh là tôi lại đọc thêm sách về kinh doanh, về thời trang để tăng thêm kiến thức. Như vậy, tôi mới có thể theo kịp với sự biến chuyển nhanh chóng của ngành công nghiệp này.

Mình còn trẻ. Mình phải tận dụng học thêm những cái mới. Sau này chắc gì còn đủ nhiệt huyết như bây giờ. Nên tôi vẫn chọn làm việc, thay vì hưởng thụ”.

Bí quyết giúp Decos ghi dấu ấn trong thị trường thời trang Việt Nam, theo Nguyễn Phương Đông

Harpers-Bazaar-Nguyễn-Phương-Đông-1

Vừa đi vòng quanh cửa hàng, nhà thiết kế Nguyễn Phương Đông vừa chia sẻ bí quyết kinh doanh. Anh nhận thấy, thời trang Việt Nam có hai định hướng chính đang phát triển. Đó là dòng thiết kế cao cấp, với giá thành khá cao. Còn lại, là thời trang đại chúng, với chi phí hợp lý hơn.

Nếu tạo ra một thương hiệu mid-end cân bằng được hai yếu tố đó, thì khả năng bạn tiếp cận được đa số khách hàng là hiển nhiên. Các sản phẩm không quá đại trà, nhưng không quá xa xỉ. Thông qua thương hiệu Decos, mong muốn của Nguyễn Phương Đông là mang lại những sản phẩm chất lượng nhưng phù hợp với túi tiền của người Việt.

Nguyễn Phương Đông cho rằng: “Các thương hiệu quốc tế rất chuyên nghiệp về dịch vụ và đa dạng về mẫu mã. Nhưng họ sẽ có hạn chế nhất định trong việc nắm bắt thị hiếu của thị trường nội địa. Ngược lại, các thương hiệu Việt nhạy bén hơn, hiểu tâm lý người Việt hơn, nhưng bị hạn chế về dịch vụ”.

Nhìn ra được điều đó, cộng với kinh nghiệm bảy năm trong lĩnh vực tài chính, đã giúp Phương Đông giải bài toán khó. Nhờ vậy, trong thị trường cạnh tranh hiện nay, Decos đã ghi được dấu ấn.

Harper's Bazaar_Nguyen Phuong Dong Decos_3

Các thiết kế nằm trong bộ sưu tập Decos Resort 2022

Sự cạnh tranh là điều không tránh khỏi

Trong cuộc hẹn, anh ăn vội chiếc bánh, bên cạnh là ly cà phê đã tan hết đá. Harper’s Bazaar hỏi vui: Lúc rảnh anh thường làm gì. Nguyễn Phương Đông chỉ cười: “Công việc chiếm hết 90% thời gian của tôi. Tối đến, tôi về nhà rồi tranh thủ xem thêm các show thời trang. Có thời gian thì pha ly trà nóng rồi đọc sách. Tôi kết thúc một ngày luôn bằng cách  check email kiểm tra các công việc của ngày hôm sau”.

Với chủ nhân của Decos, được làm công việc mình yêu thích cũng là một hình thức giải trí. Vì quá bận rộn, Phương Đông hầu như không có bạn thân trong nghề. Những bạn bè quanh anh chủ yếu là các mối quan hệ do yêu cầu công việc.

Anh xem họ vừa là đồng nghiệp, vừa là những anh chị em giúp mình tiến bộ mỗi ngày. Trong ngành thời trang, Phương Đông ngưỡng mộ rất nhiều nhà thiết kế. Anh cố gắng học hỏi những điều hay từ họ. Tuy nhiên, Lâm Gia Khang là người có ảnh hưởng nhất định đến công việc của anh ở hiện tại. Trước đây hai người đã có thời gian hợp tác làm cùng một thương hiệu nên ít nhiều có sự ảnh hưởng trong công việc.

Nói về sự cạnh tranh, nhà sáng lập Decos tin rằng bất kỳ một ngành nghề nào cũng luôn cạnh tranh. Thế nhưng anh chỉ nghĩ đơn giản:

“Tôi nghĩ giữa những người có cùng hướng đi, cùng chạy trên một con đường, ai cũng muốn về đích trước. Cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Nhưng bất kỳ sự cạnh tranh nào cũng nên lành mạnh”. 

Harper's Bazaar_Nguyen Phuong Dong Decos_4

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm