5 thành tựu tiêu biểu của nhà thiết kế avant garde Issey Miyake

Nhà thiết kế có công giúp đưa tên tuổi văn hóa Nhật Bản đến với bạn bè năm châu qua đời vì ung thư

Chân dung nhà thiết kế Issey Miyake năm 2014 tại tổng cục ở Tokyo. Ảnh: Mark C O’Flaherty/FT

Nhà thiết kế người Nhật Issey Miyake, nổi tiếng vì những thiết kế dập ly và nước hoa best-seller, đã qua đời ở Tokyo hôm 5/8. Theo thông tin chính thức từ đại diện Miyake Design Studio, nhà thiết kế mất vì bệnh ung thư gan. Ông hưởng thọ 84 tuổi.

Một buổi lễ tang nhỏ đã được tổ chức cho gia đình thân quyến và bạn bè của ông. Tuy nhiên, sẽ không có lễ tang long trọng cho giới mộ điệu đến viếng thăm – đây là ước nguyện của nhà thiết kế quá cố.

Issey Miyake lớn lên trong chiến tranh nhưng nhìn thấy vẻ đẹp trong mọi thứ xung quanh

Sinh ra ở Hiroshima năm 1938, Issey Miyake sống sót qua trận đánh bom nguyên tử năm 1945, tuy nhiên ông mắc tật ở chân và khập khiễng đến cuối đời. Mẹ ông mất vì nhiễm phóng xạ chỉ 3 năm sau. Dù vậy, nhà thiết kế vẫn quyết tâm không để quá khứ nhiều gian truân khiến mình mất đi niềm tin vào cuộc sống. Ông chọn theo đuổi sự nghiệp làm đẹp cho đời.

Đầu tiên, Issey Miyake theo học ngành đồ họa và tốt nghiệp từ trường đại học mỹ thuật Tama ở Tokyo. Năm 1965, chàng trai trẻ người Nhật chuyển đến Paris khi đổi hướng sang ngành thiết kế thời trang. Lúc này, Issey Miyake gia nhập trường Chambre Syndicale de la Couture Parisienne, rồi học việc cùng Guy Laroche và Hubert de Givenchy. Sau đó, ông đến New York thực tập cùng Geoffrey Beene.

“Tôi học haute couture, và ngành học ấy rất tốt, nhưng họ đã hoàn thiện kỹ thuật rồi, và không còn gì để cho tôi vượt qua nữa”, Issey Miyake chia sẻ trong một buổi phỏng vấn cùng WWD. “Nên tôi phải di chuyển đến New York để làm điều gì đó mới, phải suy nghĩ về thứ gì đó khác với thời trang châu Âu”.

Nhà thiết kế Issey Miyake hậu show diễn ở Paris năm 1991. Ảnh: Getty Images

Năm 1970, Issey Miyake sáng lập studio mang tên mình ở Tokyo. Các thiết kế của ông mang màu sắc tươi vui, có tính ứng dụng cao, và sử dụng phom dáng mới lạ. Ông cũng trở thành một trong những nhà thiết kế người Nhật đầu tiên trình diễn BST thời trang ở Paris, giúp đưa tên tuổi Nhật Bản ra thế giới trong thập niên 1970.

Bên cạnh thời trang, ông cũng mở rộng dòng sản phẩm với nước hoa, kính mát, đồng hồ và cả đèn trang trí nội thất.

Show diễn Issey Miyake Homme Plissé Xuân Hè 2023 sử dụng nghệ sỹ xiếc và vũ công để cho thấy khả năng bay bổng của phục trang. Ảnh: ImaxTree

Từ cuối thập niên 1990, nhà thiết kế từ từ rút khỏi ánh hào quang. Thương hiệu Issey Miyake được các hậu bối kế thừa. Nhà thiết kế trưởng của thương hiệu hiện tại là Satoshi Kondo. Họ tiếp tục thay mặt Issey Miyake trình làng những bộ sưu tập thời trang mới tại tuần lễ thời trang Paris qua những show diễn táo bạo, kết hợp xiếc, múa và biểu diễn. Còn chính ông thì lui về hậu trường để thử nghiệm với những gì mang tính chất khái niệm hơn, trừu tượng hơn.

Những thành tựu của Issey Miyake vẫn được ghi nhớ đến nay, thông qua nhiều huân chương Pháp lẫn quê hương Nhật, trong đó có Huân chương Văn hóa do chính Nhật hoàng Akihito trao tặng năm 2010.

>>> XEM THÊM: NHỮNG CHIẾC VÁY TUNG BAY CỦA ISSEY MIYAKE PHẢI KHIẾN CẢ PARIS VUI VẺ

Những sản phẩm tiêu biểu nhất của Issey Miyake

1. Tattoo Dress: Chiếc đầm mô phỏng hình xăm toàn thân

Đầm Tattoo, từ BST Issey Miyake Thu Đông 1971, bằng cotton jersey. Ảnh: The Kyoto Costume Institute, photo by Masayuki Hayashi / Goole Arts & Culture

Thiết kế ra mắt năm 1971 được in họa tiết mô phỏng hình xăm toàn thân. Tại Nhật, hình xăm toàn thân bị đánh đồng với xã hội đen (yakuza). Nhưng Issey Miyake muốn chứng tỏ rằng hình xăm có thể bộc lộ quan điểm nghệ thuật. Do đó, thiết kế của ông được tô vẽ chân dung hai nghệ sỹ nhạc rock tài hoa bạc mệnh là Jimi Hendrix (1942 – 1970) và Janis Joplin (1943 – 1970). Hình vẽ do Makiko Minagawa, một nhà thiết kế vải vóc, thực hiện.

Vì chiếc đầm gây tiếng tăm này, tên tuổi Issey Miyake nổi lên như cồn. Trung tâm thương mại Bloomindale’s tại Mỹ ngay lập tức đặt mua nhiều bộ sưu tập của ông, giúp ông khởi nghiệp thành công.

2. Dòng sản phẩm xếp ly Pleats Please

Đầm Minaret bằng polyester dập ly, thiết kế năm 1995. Ảnh: Cincinnati Art Museum / Google Arts & Culture

Nếu khi khởi nghiệp, Issey Miyake vẫn còn dùng chất liệu truyền thống như len, lụa, thì qua đến năm 1973 ông tập trung đầu tư chủ yếu cho các chất liệu tiên tiến như nylon và polyester.

Vào thập niên 1980, ông bắt đầu nghiên cứu ra một chất liệu vải mới có thể được co giãn cả bằng chiều ngang lẫn chiều dọc, bằng cách ép hàng loạt xếp ly nhỏ li ti vào trong vải. Cảm hứng đến từ chiếc đầm lụa xếp ly do Mariano Fortuny và Henriette Negrin chế tác vào đầu thập niên 1900.

“Năm 1988, tôi bắt đầu thử nghiệm với xếp ly. Tôi muốn chúng giữ hình dáng tốt mà vẫn dễ giặt”, ông nhớ lại.

Pleats Please mùa Xuân Hè 2014. Ảnh: Issey Miyake

Thành quả là bộ sưu tập Pleats Please, ra đời vào năm 1993. Pleats Please trở thành một thương hiệu tiêu biển cho Issey Miyake, được ưa chuộng vì khả năng phù hợp với mọi vóc dáng dù có thiết kế avant garde, dễ mặc khi đi du lịch dù trông như hàng haute couture, dễ chăm sóc dù có hàng trăm đường dập ly.

Năm 2013, Issey Miyake ra mắt Homme Plissé, phiên bản nam của dòng Pleats Please cho nữ. Dòng sản phẩm này được phân phối rộng rãi hơn ở thị trường Âu Mỹ, chủ yếu vì độ tiện lợi của nó. “Tính chất bền bỉ của chất liệu cùng sự đa dạng về phom dáng, màu sắc và họa tiết chính là điểm thu hút của dòng sản phẩm. Còn những đường dập ly mảnh như dây đàn accordion giúp nhận diện thương hiệu tốt hơn bất kỳ logo nào”, theo Bruce Pask, giám đốc thời trang nam tại trung tâm thương mại Neiman Marcus.

3. Túi Bao Bao Issey Miyake có khả năng gấp gọn

Những phiên bản cải tiến theo năm tháng của dòng túi Bao Bao. Ảnh: Issey Miyake

Bên cạnh việc xếp ly cho hàng thời trang, nhà thiết kế người Nhật cũng mang những nếp gấp đến cho túi xách. Năm 2000, ông giới thiệu chiếc túi Bao Bao như hình xếp origami.

Chiếc túi được làm từ những mảnh vinyl hình tam giác trên nền lưới. Do phom dáng có khả năng xếp nếp, túi Bao Bao dễ dàng uốn dẻo theo cơ thể của người đeo, tạo cảm giác thoải mái; và cũng gấp khúc tùy theo sản phẩm đặt bên trong, khiến túi có thể đựng được nhiều vật phẩm hình dạng lung tung.

4. Nước hoa Issey Miyake kết hợp sản xuất cùng tập đoàn Shiseido

Dòng nước hoa L’Eau d’Issey có nhiều mùi hương đa dạng cho cả nam lẫn nữ. Ảnh: Issey Miyake

Năm 1991, tập đoàn Shiseido tiếp cận Issey Miyake để sản xuất nước hoa mang tên ông. “Khi nói đến nước hoa, tôi nghĩ đến nước. Nên chúng tôi gọi nó là L’Eau d’Issey (nước của Issey), cũng là một cách chơi chữ từ odyssey (một chuyến viễn du)”, nhà thiết kế từng nói.

Còn Chantal Roos, người từng giúp xây dựng dòng nước hoa này cùng cố nhà thiết kế, cho biết ông từng thốt lên câu nói, “Tôi không thích nước hoa, tôi không thích mùi hương. Tôi chỉ thích nước nguyên chất chảy qua trên làn da một người phụ nữ”. Từ câu nói đó, họ đã tạo nên mùi hương nhẹ như nước, thoang thoảng chút hương hoa và gỗ.

Hương nước hoa được đặt trong chai do chính nhà thiết kế tạo hình, gợi nhớ đến mặt trăng mọc trên đỉnh tháp Eiffel. Từ khi ra đời, nó ngay lập tức thắng nhiều giải thưởng trong ngành nước hoa. Chính nhà thiết kế cũng ngạc nhiên trước sự đón nhận của công chúng cho L’Eau d’Issey. “Bây giờ, người ta biết đến tôi vì nước hoa hơn là thời trang”, ông từng nói đầy trào phúng trong một buổi phỏng vấn năm 1994.

>>> XEM THÊM: NƯỚC HOA HỌ OZONIC LÀ GÌ: MÙI HƯƠNG CỦA MƯA, BIỂN VÀ GIÓ TƯƠI MÁT

5. Áo cổ lọ cho nhà sáng lập Apple, Steve Jobs

Steve Jobs mặc chiếc áo cổ lọ Issey Miyake giới thiệu chiếc iPhone nguyên thủy

Trong số những fan cứng của Issey Miyake có Steve Jobs. Tương truyền, năm 1981, Issey Miyake từng thiết kế áo đồng phục cho Sony, và Steve Jobs đặc biệt yêu thích thiết kế của ông. Nhà đồng sáng lập Apple ngỏ ý muốn Issey Miyake thiết kế đồng phục cho Apple. Tuy nhiên, nhân viên Apple chẳng ai thích điều này! “Họ chê tôi ngay trên sân khấu”, Steve Jobs nói cùng Isaacson. “Ai cũng ghét ý tưởng ấy”.

Cho dù nhân viên Apple không thích đồng phục thì chính Steve Jobs đã đặt Issey Miyake thiết kế một loại đồng phục cho mình. Đó chính là chiếc áo cổ lọ đen, mà ông mặc cùng quần jeans Levi’s 501 và giày thể thao New Balance 991 hàng ngày. Steve Jobs đã đặt đến hàng trăm chiếc, lúc ấy giá 175 đô-la Mỹ/chiếc, từ tổng công ty. “Tôi có đủ để mặc đến ngày cuối đời”, Steve Jobs từng nói.

Khi Steve Jobs mất năm 2011, người ta đổ xô đi mua chiếc áo giống ông ấy, nhưng thương hiệu Issey Miyake cũng quyết định ngừng sản xuất sản phẩm này.

Thời trang Issey Miyake đậm tính chất avant garde nhưng không mất đi nguồn gốc thủ công

BST Pleats Please mùa Xuân Hè 2020. Ảnh: Issey Miyake

Nhà thiết kế luôn nhấn mạnh rằng mình tạo nên những thiết kế ứng dụng chứ không phải thời trang. Do đó, dù các sản phẩm của Issey Miyake có mang phong cách avant garde hay trông như phục trang haute couture, chúng đều thuộc dòng ready-to-wear ở mức giá hữu nghị.

Đặc biệt, từ khi tìm ra chất liệu xếp ly, ông thử nghiệm nhiều với những chiếc đầm nylon được làm từ một miếng nylon liền mạch, không có đường cắt may bình thường.

“Phục trang Miyake là một tấm vải quấn quanh người. Chúng tôi bắt đầu từ đó và đặt câu hỏi, phục trang là gì và có thể trở thành thứ gì, từ đó tìm ra những ý tưởng mở rộng trên hành trình chế tác sản phẩm cần thiết cho thế giới hiện tại”, trích dẫn chú thích từ thương hiệu Issey Miyake.

“Khi người ta nghĩ đến việc may quần áo thì phải có vải vóc, phác họa, cắt vải, may vá và nó trở thành phục trang. Một cách dễ thương nhưng truyền thống. Có lẽ tôi hơi phản nghịch, nhưng thật vui khi có thể tìm ra một cách khác để chế tạo phục trang”, ông từng chia sẻ.

Ghế Cabbage Chair làm từ giấy phế thải trong công đoạn xếp ly vải. Nendo thiết kế sử dụng giấy washi của Issey Miyake. Ảnh: Masayuki Hayashi

Dù vậy, ông chưa bao giờ quên đi cái gốc là một nhà thiết kế được đào tạo trong môi trường thủ công. Issey Miyake tiếp tục đỡ đầu cho những xưởng chế tác giấy washi truyền thống của Nhật Bản ở Tohoku, sử dụng sản phẩm của họ cho những phục trang đầy nếp gấp của mình. Kỹ thuật thủ công tạo nên origami và washi cũng được phản ánh trong các thiết kế của Issey Miyake.

Đối với ông, công nghệ luôn đi đôi với thủ công. “Chúng ta cần cả hai. Nếu mất đi tính thủ công, tương lai chúng ta cũng sẽ không có kỹ thuật hay công nghệ mới”.

TÌM ĐOC VỀ NHỮNG NHÀ THIẾT KẾ NHẬT BẢN TÀI BA QUÁ CỐ:

Trích dẫn CNN, WWD, FT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

Miyake Issey

• Nhà thiết kế Nhật Bản theo trường phái avant-garde

• Người sáng lập nên đế chế thời trang avant-garde có tính ứng dụng cao, công nghiệp hóa và không trực thuộc bất kỳ tập đoàn nào

• Từng học nghề cùng Guy Laroche, Hubert de Givenchy và Geoffrey Beene

• Nhà thiết kế áo cổ lọ đen đặc trưng yêu thích của Steve Jobs

• Là một trong ba giám đốc của 21 21 DESIGN SIGHT, bảo tàng thiết kế đầu tiên của Nhật Bản. Bảo tàng này cũng được quyên góp bởi quỹ The Issey Miyake Foundation

• Qua đời vì ung thư gan, hưởng thọ 84 tuổi

Năm sinh : 1938
Nơi sinh : Hiroshima, Nhật Bản
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Nhà thiết kế