Bernard Arnault: Bộ não đằng sau chiến lược cao tay của LVMH

Thu mua Tiffany & Co ở mức "giảm giá", Bernard Arnault, chủ tập đoàn LVMH chứng tỏ mình là Tôn Tử của giới thời trang xa xỉ

Sau nhiều hiệp đấu cam go, cuối cùng thương vụ thu mua Tiffany & Co của tập đoàn LVMH cũng đã ngã ngũ.

Theo thông cáo báo chí chính thức từ cả đôi bên, Tiffany & Co sẽ về dưới trướng LVMH với mức giá là 15,8 tỷ đô-la Mỹ. Mức giá này đã được “ưu đãi”, giảm giá 400 triệu đô-la Mỹ, so với mức 16,2 tỷ ban đầu.

Việc đạt được hiệp định cũng giúp cả hai thoát khỏi một cuộc đấu tố đắt đỏ trên toà án. Tháng 09/2020, LVMH từng dự kiến huỷ thương vụ này vì cuộc chiến xuất nhập khẩu giữa Pháp và Mỹ. Nhiều người từng cho rằng thực chất, LVMH vẫn muốn mời Tiffany & Co về, nhưng chỉ là ở mức giá giảm. Và bây giờ, tiên đoán của họ đã thành sự thật.

>>> ĐỌC THÊM: LVMH RÚT KHỎI THƯƠNG VỤ 16 TỶ ĐÔ, TIFFANY & CO ĐÂM ĐƠN KIỆN

Lý do vì sao LVMH cần Tiffany & Co

Khi mua lại Tiffany & Co, thương vụ này sẽ giúp mở rộng thị phần đồng hồ và trang sức của LVMH. Đây là thị phần bị đánh giá là yếu nhất của tập đoàn, theo chuyên gia nghiên cứu thị trường tại Bernstein. Có được Tiffany & Co sẽ giúp LVMH cạnh tranh với Richemont (sở hữu Cartier, Piaget, Montblanc, Van Cleef & Arpels). Đặc biệt, Tiffany & Co rất mạnh tại thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi tin vào tiềm năng của thương hiệu Tiffany và tin rằng LVMH sẽ là mái nhà phù hợp cho thương hiệu”, Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn LVMH, phát biểu.

Việc thu mua Tiffany & Co này một lần nữa cho thấy tài kinh doanh của ông. Chính chiến lược thông minh, chứ không phải may mắn tình cờ, đã biến Arnault Bernard tỷ phú giàu có nhất trong giới thời trang. Ông Bernard Arnault, trong quá khứ, đã từng ba lần thắng những thương vụ hiểm hóc tương tự.

Vậy Bernard Arnault là ai? Hãy cùng Harper’s Bazaar gặp gỡ người đàn ông được mệnh danh là Tôn Tử của giới xa xỉ.

Bernard Arnault: Con sói mặc cashmere

Chân dung ông Bernard Arnault

Con đường đến với giới thời trang xa xỉ của Bernard Arnault khá ngẫu nhiên.

Chàng trai Bernard Arnault sinh trưởng trong một gia đình giàu có làm bất động sản ở miền Bắc Pháp. Lúc còn trẻ, anh chàng qua Mỹ để phát triển thị trường này cho hoạt động kinh doanh gia đình.

Năm 1984, một Bernard Arnault mới hơn 30 tuổi trở về Pháp. Lúc ấy, anh nghe nói rằng chính phủ Pháp đang đấu giá Boussac, một công ty bán lẻ và thời trang bị phá sản, cũng là chủ sở hữu nhà mốt Christian Dior.

Bernard Arnault ngay lập tức tìm cách mua lại Boussac. Anh mượn 15 triệu đô-la Mỹ của gia đình để chiến thắng cuộc đấu giá từ chính phủ. Bốn năm sau đó, anh gây sốc báo giới Pháp khi sa thải 9000 nhân viên và bán hết mọi tài sản của Boussac, chỉ giữ lại Christian Dior. Báo giới mệnh danh chàng trai trẻ là kẻ hủy diệt (Terminator).

Thương vụ hiểm hóc đầu tiên của Bernard Arnault: Giành quyền điều khiển tập đoàn LVMH

Năm 1989, với số tiền đạt được khi bán sạch khối tài sản của Boussac, Bernard Arnault đã mua một lượng cổ phần lớn trong tập đoàn LVMH. Tập đoàn lúc ấy còn khá nhỏ lẻ, chỉ là sự bắt tay giữa hai thương hiệu Louis Vuitton và Moet & Chandon hồi 1987.

Thâm nhập vào nội bộ LVMH, Bernard Arnault từ từ soán ngôi vị chủ tịch lúc bấy giờ là Henry Racamier. Henry Racamier là con rể của chắt ruột nhà sáng lập Louis Vuitton. Một người đã già cả, từ tốn và an vị với địa vị ở Louis Vuitton, Henry Racamier không thể đấu lại một Bernard Arnault trẻ tuổi ma mãnh.

Với tài chiến lược của mình, Bernard Arnault trở thành người đứng đầu tập đoàn LVMH, đá Henry Racamier ra khỏi tổng công ty. Lúc này, ông được mệnh danh là Machiavelli của giới thời trang.

*Machiavelli là người đã viết nên cuốn sách chiến lược The Prince. Tương tự như Binh pháp Tôn Tử và 36 mưu kế ở châu Á.

Thương vụ thứ nhì tốn giấy mực báo giới: Cuộc chiến giành giật Gucci

Năm 1999, ông Bernard Arnault lại để mắt đến một thương hiệu khác: Gucci.

Lúc này, Gucci đang nằm dưới quyền điều hành của nhà thiết kế Tom Ford và chủ tịch Domenico de Sole. Bộ đôi đã vực Gucci dậy từ vực thẳm scandal. Lúc ấy, Gucci là một trong những thương hiệu hot nhất nhì thị trường.

>>> Xem thêm: VÌ SAO TOM FORD LÀ “VẾT NHƠ” TRONG LỊCH SỬ THỜI TRANG GUCCI?

Ông Bernard Arnault, thông qua tập đoàn LVMH, đã âm thầm mua cổ phần vào Gucci. Đầu tiên là 5%. Rồi nâng lên 15%, 27%, và 34,4%. Sở hữu càng nhiều cổ phần, thì một cá thể sẽ càng có nhiều quyền lực định đoạt đường hướng kinh doanh của một công ty. Nhưng Bernard Arnault lại khẳng định, mình chỉ là đầu tư thụ động.

Điều này dẫn đến sự tranh đấu quyết liệt giữa Domenico de Sole và Bernard Arnault. Ông Domenico de Sole đã tìm ra một lỗ hổng trong luật pháp, cho phép ông phát hành thêm nhiều cổ phiếu, giảm thiểu mức sở hữu của LVMH.

Sau đó, Domenico de Sole bán 42% Gucci cho tập đoàn PPR (Kering ngày nay). LVMH lập tức kiện ra toà vì cho rằng hành vi này phạm pháp, không thông qua sự đồng ý của cổ đông lớn là LVMH. Rồi PPR kiện ngược lại, với Domenico de Sole cáo buộc LVMH là “hoạt động kinh doanh mờ ám”.

Vụ việc này kéo dài cho đến tận năm 2001. Hai bên cuối cùng bắt tay thuận hoà. LVMH bán đi toàn bộ cổ phiếu mình sở hữu, đạt 700 triệu đô-la Mỹ lợi nhuận. Tưởng như Bernard Arnault lỗ vì không thu được Gucci, nhưng lại lời về khoản tiền mặt.

Tỷ phú Bernard Arnault (phải) và con trai thứ ba Alexandre Arnault

Thương vụ thứ ba gây bão giới xa xỉ: Hy vọng thu mua Hermès

Đến năm 2013, tập đoàn LVMH đã tổng tiến công giới thời trang và xa xỉ châu Âu. LVMH thu mua hàng loạt các thương hiệu như BVLGARI năm 2011 và Loro Piana năm 2013.

Nhưng, mục tiêu lớn nhất của tập đoàn LVMH chính là Hermès.

Thương hiệu Pháp này vẫn do gia đình sáng lập điều hành (Giám đốc sáng tạo hiện tại của hãng, ông Pierre-Alexis Dumas, là cháu chắt của nhà sáng lập Thierry Hermès). Tuy công ty đã lên sàn chứng khoán từ năm 1993, gia đình vẫn giữ lại quyền điều khiển với 78% cổ phần.

Năm 2001, LVMH âm thầm mua lại 4,9% cổ phiếu Hermès qua một công ty con. Đến năm 2011, con số này đã lên đến 22,6%. Một chiêu “bổn cũ soạn lại” từ thời Gucci, nhưng vẫn rất thành công.

Ông Patrick Thomas, CEO của Hermès lúc bấy giờ, đã ví hành động này như một điều sỉ nhục: “Nếu bạn muốn ve vãn một người phụ nữ, thì điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là khởi đầu với việc hãm hiếp cô ta”.

Sau đó, Patrick Thomas yêu cầu LVMH bán bớt đi số cổ phiếu của Hermès, chỉ giữ lại tối đa 10%. Bernard Arnault tất nhiên không chịu. Ông còn ngang nhiên mua thêm!

Trước sự cứng đầu này, Hermès đưa LVMH ra toà. Năm 2014, toà án Pháp phán quyết bắt buộc LVMH phải bán thanh lý số cổ phiếu này.

Ông Bernard Arnault rồi cũng quy thuận. Ông bán hết toàn bộ số cổ phiếu của Hermès đi, để mua nốt 25% cổ phiếu của Christian Dior còn lại. Không thể sở hữu Hermès nhưng lại được toàn quyền nắm giữ Dior. Không phải là một thương vụ tồi.

”Ngay cả khi Arnault dường như đã thua trận, thì ông ta vẫn thắng cuộc ở một mặt nào đó”.

– Đây là lời nhận xét của Domenico de Sole cho đối thủ của mình.

Một số các thương hiệu dưới trướng tập đoàn LMVH

Có thể thấy Bernard Arnault là một nhà chiến lược toàn tài. Ông biết co giãn, vận dụng phương pháp cương nhu tuỳ trường hợp.

“Ông ta không sợ phải đấu tranh. Nhưng luôn biết đâu là giải pháp hợp lý nhất và có lợi nhất. Và ông ấy không ngại dẹp bỏ cái tôi để lấy được kết quả mình mong muốn”, theo lời Serge Carreira, giáo sư bộ môn khoa học kinh tế ở Paris.

Quay trở lại với thương vụ Tiffany & Co. Có lẽ tình hình kinh tế vực dậy mau chóng ở Trung Quốc là lý do khiến ông quyết định không nên chối từ thương hiệu Mỹ này. Việc tiếp tục thương lượng, đề nghị giảm giá, để sở hữu một thương hiệu có khả năng mang lại lợi nhuận cao, sẽ có ích hơn là những cuộc đấu tố đắt đỏ trên toà.

Với những thành tựu của mình, ông Bernard Arnault được gọi là “Con sói mặc cashmere” (the Wolf in Cashmere). Vì chẳng ai có thể đoán trước con sói này sẽ nhắm đến con mồi mới nào.

>>> XEM THÊM: CON TRAI TỶ PHÚ TẬP ĐOÀN LVMH, ALEXANDRE ARNAULT, KHÔNG MUỐN DÙNG HAI CHỮ “XA XỈ”

Trích dẫn New York Times
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

Bernard Arnault: Bộ não đằng sau chiến lược cao tay của LVMH
Bernard Arnault
Năm sinh : 5-3-1949
Nơi sinh : Roubaix, Pháp
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Doanh nhân, nhà sưu tầm
Gia đình: Vợ Hélène Mercier (1991), Anne Dewavrin (1973–1990). Con Antoine Arnault, Delphine Arnault, Alexandre Arnault, Frédéric Arnault, Jean Arnault. Cháu Elisa Niel, Maxim Arnault, Roman Arnault
Thành tựu chính
    • Chủ tịch và giám đốc điều hành của LVMH Moët Hennessy – Louis Vuitton SE
    • Tháng 4-2018, ông là người giàu nhất trong lĩnh vực thời trang, đứng đầu Amancio Ortega của Zara
    • Tính đến ngày 16-3-2021, Bloomberg Billionaires Index ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 123,7 tỷ USD