Tôi gặp chị Briana trong một sự kiện triển lãm đồng hồ gần trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi đang đeo chiếc đồng hồ BVLGARI. Sau khi chào nhau, điều đầu tiên chị hỏi là: “Chị có thể nhìn mặt sau chiếc đồng hồ mà em đeo được không?”.
Briana có chấp niệm với việc ngắm mặt sau những chiếc đồng hồ, bởi các thiết kế cao cấp thường có nắp đáy sapphire để lộ bộ máy bên trong. Là một nghệ nhân chế tác đồng hồ, chị tìm thấy vẻ đẹp ở những răng cưa, bánh xe cân bằng, những viên hồng ngọc nhỏ xíu giúp bộ máy vận hành chuẩn xác. Nhưng trên hết vì chiếc đồng hồ có nắp lưng kính đã mở đường dẫn lối đến với thế giới đồng hồ cho chị. “Năm 2005, chị lần đầu tiên thấy mẫu đồng hồ nắp kính, hình như là mẫu IWC Portofino. Trước đó, chị chẳng biết gì về đồng hồ cả”, chị nhớ lại.
Từ cô tiểu thư Đà Lạt trở thành người phụ nữ nghị lực
Briana Lê sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Mẹ chị là nhà tạo mẫu tóc có tiếng ở thành phố mù sương tận từ năm 1965. “Lúc đó có người từ Sài Gòn lặn lội đi xe tám tiếng lên Đà Lạt để được mẹ làm tóc”, chị hồi tưởng.
Tiệm tóc Hương của mẹ chị, nằm sau thư viện tỉnh trên đường Trần Phú, gần nhà thờ Con Gà, vô cùng ăn nên làm ra từ giai đoạn thập niên 1970–1990, nên chị cũng lớn lên trong nhung lụa. “Chị mặc toàn váy áo lụa được may đo riêng. Mẹ chị cũng vậy, mỗi ngày may một bộ áo dài mới”, chị kể. “Lúc nhỏ chị quậy lắm, toàn đi trèo cây, ăn hàng ở các quán xung quanh”.
Tuy nhiên, đến năm Briana 10 tuổi, mẹ chị quyết định đưa cả gia đình đi định cư Hoa Kỳ. Cả gia đình dồn hết vốn liếng cho chuyến đi, nên khi qua đến Mỹ trở thành tay trắng. Bỗng chốc cô tiểu thư phải tự dọn nhà, phụ nấu nướng, phải mua quần áo ở cửa hàng giảm giá.
Trước cú sốc tinh thần này, Briana tự nhủ lớn lên phải xây dựng lại được một cái tiệm nhỏ cho bản thân ở Hoa Kỳ, như cách gia đình chị đã từng có ở Đà Lạt. Chị vạch ra mục tiêu: Học thật giỏi, rồi đi làm cho một công ty, tích trữ lương bổng để mở tiệm. Chưa biết là tiệm gì nhưng mình phải là chủ sở hữu doanh nghiệp riêng của mình.
“Đến bây giờ, mẹ chị vẫn tự hỏi không biết mình có đúng hay không nữa”, chị nói. “Nhưng mà chị trấn an mẹ, nếu ở lại Việt Nam chắc con sẽ hư lắm!” (cười).
Cơ duyên đến với ngành đồng hồ cao cấp
Lúc mới đến nước Mỹ, Briana gặp anh Tâm khi đi chùa. Anh Tâm là một người có tay nghề sửa đồng hồ, cũng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Người anh xem Briana như em gái kết nghĩa cũng đã là người đã giới thiệu chị đến với thế giới đồng hồ cao cấp.
Sau khi thấy chiếc đồng hồ nắp lưng kính IWC, chị có cơ hội qua xưởng sửa đồng hồ mà anh Tâm mở cùng vợ, chị Huyền. Hai anh chị trông rất thoải mái khi làm việc. Khi ấy, Briana là nhân viên phòng ban Marketing cho một công ty nội thất; lúc nào chị cũng cảm thấy rất stress. “Họ làm việc cứ như đi chơi. Chị ước mơ có được cuộc sống của hai anh chị”, chị kể.
Anh Tâm khen Briana khéo tay, có thể trở thành một thợ đồng hồ giỏi, nhưng phải đi học nghề bài bản. Nếu nghe lời khuyên của đàn anh, Briana phải vứt bỏ 10 năm kinh nghiệm làm công việc văn phòng để bắt đầu lại từ con số không.
Cuối cùng, Briana đánh liều. Với suy nghĩ, nếu muốn mở tiệm chuyên nghiệp thì phải hiểu nghề, chị dành dụm mọi vốn liếng để theo học nghề chế tác đồng hồ bài bản. Từ California, chị di chuyển sang Florida – trụ sở của trường nghề Nicolas G. Hayek Watchmaking School do tập đoàn Swatch sáng lập. “Và chị đã yêu thế giới đồng hồ cao cấp chỉ trong hai tuần đầu tiên nhập học”, Briana chia sẻ.
Trên hết, chế tác đồng hồ đòi hỏi sự khéo tay, tinh mắt và sự cần mẫn. Chị nhớ lại lần đầu tiên làm cốt bánh xe cân bằng lúc còn là học sinh: “Chị mất hết một tuần lễ để ngồi mài cốt bánh xe cân bằng, xong trong một phút miết mạnh tay quá, cái cốt chỉ nhỏ 0,08 milimét đó đã tan rã ngay trước mắt chị”.
Hai năm học chế tác đồng hồ, không ngày nào Briana không đối mặt với thử thách. Cứ ba đến bốn tháng một lần trường lại tổ chức thi, chỉ cần rớt một lần học viên sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Ấy thế mà chị đã kiên trì vượt qua bài thi tốt nghiệp, trở thành một nhà chế tác đồng hồ với bằng nghệ nhân được cấp bởi tổ chức WOSTEP Thụy Sĩ.
Một ngày của nghệ nhân chế tác đồng hồ
Khi tốt nghiệp thành công, nhiều bạn học của Briana đầu quân cho các xưởng chế tác đồng hồ lớn. Tuy nhiên chị vẫn kiên định với giấc mơ sở hữu tiệm riêng của mình. “Chị thích làm độc lập hơn, vì được tự chủ. Với lại mình sẽ sửa đồng hồ từ A đến Z, mình hiểu sâu về nó. Nhiều người khi đi làm việc cho xưởng lớn thì chỉ phụ trách một khâu thôi”, chị giải thích.
Vậy một ngày của nghệ nhân đồng hồ độc lập ra sao? Nói vắn tắt là việc nhiều vô kể, không hề ngơi tay.
Sau tốt nghiệp, Briana trở thành một trong 12 Ủy viên Quản trị và Giảng viên của Hiệp hội Horological Society of New York. Hiệp hội được các thương hiệu mời để dạy về nghệ thuật đồng hồ cho các khách hàng. Mỗi lớp kéo dài trong bốn giờ và có khi chị sẽ đi dạy nhiều ngày liền trong tuần. Các lớp trải rộng khắp thế giới, từ Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, đến Singapore, Úc.
Khi không đứng lớp, chị sẽ hoàn thành các đơn hàng sửa chữa và phục hồi đồng hồ. Dù mở tiệm trong giai đoạn đại dịch toàn cầu, “nhưng may mắn chị được khách hàng thương. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn ngủi, chị đã có thể mua được nhiều số máy móc cho xưởng của chị”, chị kể. Briana rất cảm kích và biết ơn sự hỗ trợ của khách hàng, những người bạn, những nhà sưu tầm và các thương hiệu, bởi chỉ trong vài năm ngắn ngủi, sự ủng hộ của họ đã giúp chị sắm sửa gần như đầy đủ cho xưởng.
Là một nghệ nhân độc lập, chị còn có một số những dự án khẳng định tay nghề và tên tuổi bản thân. Hiện tại, đó là hoàn thành chiếc đồng hồ quả lắc siêu chuẩn xác. “Chiếc đồng hồ quả lắc này sẽ chỉ lệch khoảng 1 giây/tháng”, chị khẳng định. “Chị sẽ dùng nó để căn giờ giấc khi chỉnh đồng hồ đeo tay”. Song song, chị đang hoàn tất chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên cho bản thân, dưới tên riêng Briana Le.
Bên cạnh đó, chị cũng giúp sư phụ của mình, ông David E. Walter, chế tác đồng hồ đeo tay phiên bản giới hạn. Dự án mới nhất của cả hai là bảy chiếc đồng hồ làm bằng tay hoàn toàn, có mức giá 28.000 đô-la Mỹ và đã cháy hàng.
Hoài bão tương lai
Briana đã đạt được giấc mơ thuở bé là sở hữu một tiệm nho nhỏ, có được sự tự chủ tài chính, chăm sóc cho mẹ về già. Vậy, ước mơ cho tương lai của chị là gì?
“Chị muốn mở một trường dạy nghề đồng hồ tại Đà Lạt cho trẻ em cơ nhỡ. Chị sẽ mua máy móc từ Thụy Sĩ. Các em có thể làm việc cho chị khi tốt nghiệp, hoặc muốn ra riêng cũng được. Chị mở trường không vì lợi nhuận mà muốn đóng góp cho quê hương của mình”, chị chia sẻ. Briana đánh giá rằng người Việt rất khéo tay, phù hợp với ngành chế tác đồng hồ cao cấp, và chị muốn giúp đỡ người khác như cách chị đã nhận được.
NGHỆ THUẬT CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ:
MOONSHINE GOLD, CHẤT LIỆU VÀNG 18K ĐỘC QUYỀN VÀ BỀN BỈ CỦA OMEGA
VẼ TRANH LÊN MẶT ĐỒNG HỒ ROLEX, NỮ TRIỆU PHÚ HEART EVANGELISTA CHỨNG TỎ THIÊN PHÚ MỸ THUẬT
VÌ SAO ĐỒNG HỒ CRASH MÉO MÓ LẠI LÀ KIỆT TÁC CỦA CARTIER
Harper’s Bazaar Việt Nam