Các mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ thập niên 1960 của top 5 trên sàn diễn
Gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và khán giả trong tập 8 là mẫu thiết kế của “bạn gái” Hoàng Minh Hà. Cô là một trong năm nhà thiết kế bám sát chủ đề “trang phục lấy cảm hứng từ thập niên 1960” nhất với phong cách pop art cùng phom dáng suôn dài, ôm sát cổ điển. Hồng Lam thể hiện sự đột phá trong việc xử lý chất liệu, kết hợp màu sắc tạo thành những mảng màu sống động trên chiếc đầm. Điểm trừ trong bộ trang phục của cô vẫn thuộc về kỹ thuật may chưa sắc bén, khiến những phần cut-out phía sau và gấu váy không được xử lý tinh tế. Mặc dù vậy, Hồng Lam đủ an toàn để nhận một vé vào đêm chung kết.
Chàng trai 18 tuổi Lý Giám Tiền đã khôn khéo chọn gam màu ánh kim metallic để tạo sự khác biệt cho mẫu thiết kế hướng đến tương lai (futuristic). Chiếc áo crop top được xử lý chất liệu kim loại công phu trong khi phần đuôi cá của chiếc váy mang nét cổ điển cùng những đường xếp lớp tinh xảo.
Dám nghĩ, dám làm và đặc biệt gây thiện cảm cho ban giám khảo về khả năng tự học hỏi, Giám Tiền tiếp tục được đánh giá cao nhất trong top 5, xứng đáng là cái tên có mặt trong đêm chung kết Project Runway 2014.
Bộ váy của Minh Quân sử dụng chất liệu vải nhung với các đường cắt rã táo bạo thể hiện kỹ thuật may điêu luyện. Chiếc váy không tay khoe trọn lưng trần quyến rũ nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giám khảo. Nhà thiết kế Công Trí cho rằng Minh Quân khá mạo hiểm nhưng đã thành công trong việc xử lý chất liệu khó như vải nhung. Nhà báo Thiên Hương khen ngợi kỹ thuật cắt may của Minh Quân trong khi nhà thiết kế Cory Trần tiếc vì cách kết hợp màu sắc hơi buồn tẻ. Phần cổ áo lấy cảm hứng từ áo dài Việt Nam lại dễ gây liên tưởng đến chiếc áo sườn xám của Trung Quốc, theo giám khảo Tùng Leo. Host Trương Ngọc Ánh đánh giá cao nỗ lực vượt khó, khả năng tiếp thu học hỏi của nhà thiết kế mù màu. Tựu trung tất cả ưu điểm, Minh Quân vẫn được gọi tên cho vị trí cuối cùng bước vào đêm chung kết.
Minh Công sử dụng chất liệu ren trắng kết hợp việc đính cườm khá kỳ công. Bộ trang phục gây được ấn tượng ban đầu bởi thiết kế đầm ngắn trên gối theo xu hướng cách tân nổi loạn của thập niên 1960. Tuy nhiên, ý đồ biến hóa độ dài của váy từ ngắn sang dài của nhà thiết kế đã bị phản tác dụng, khiến bộ đầm trở nên cầu kỳ, mất đi tinh thần phóng khoáng, khát khao phá bỏ quy củ của phụ nữ thời kỳ đó.
Thùy Nga quyết định làm khó mình với bộ trang phục quá cầu kỳ, vô tình để lộ nhược điểm kỹ thuật may chưa sắc sảo và kiến thức thời trang còn nông. Giám khảo Thiên Hương chỉ rõ sự rườm rà của phần váy và áo choàng. Đặc biệt, xu hướng trang phục 1960 ưa chuộng các họa tiết vuông mạnh mẽ, ít sử dụng các đường cong mềm mại và nữ tính, không thể hiện được chất nổi loạn, trong khi chi tiết trên thiết kế của Thùy Nga lại hoàn toàn trái ngược.
Dừng lại ở thử thách cuối cùng sau nhiều nỗ lực, Thùy Nga và Minh Công chắc chắn sẽ không từ bỏ niềm đam mê quyết tâm chinh phục con đường thời trang của riêng mình.