CÁC NHÀ THIẾT KẾ TRẺ LÀM GÌ ĐỂ TÁI TẠO LẠI THƯƠNG HIỆU SAU ĐẠI DỊCH COVID-19?

Gặp gỡ Lý Giám Tiền, Nguyễn Tiến Truyển và Ngô Mạnh Đông Đông. Họ đã chia sẻ những quan điểm cá nhân và kế hoạch tái tạo lại thương hiệu thời trang sau nạn dịch Corona gây chấn động toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế chung, đặc biệt là ngành thời trang. Nhiều ngành nghề cần phải thay đổi cách làm việc, mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất. Ở mặt tích cực, nạn dịch xảy ra là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi mô hình điều hành đã di vào lối mòn. Đối với ngành thời trang, các thương hiệu và nhà thiết kế cần có tư duy mới sau khi khó khăn qua đi.

Harper’s Bazaar đã có cuộc trò chuyện với 3 nhà thiết kế trẻ: Nguyễn Tiến Truyển, Lý Giám Tiền, Ngô Mạnh Đông Đông. Họ là đại diện cho thế hệ tiếp theo, định hình cho tương lai của nền thời trang Việt. Dù trải qua khó khăn vì nạn dịch, họ vẫn tràn đầy năng lượng và đưa ra những ý tưởng đột phá. Sở dĩ, những nhà thiết kế trẻ đã sẵn sàng cho những sự thay đổi quan trọng trong thời gian sắp tới.

Lý Giám Tiền

Chân dung nhà thiết kế trẻ Lý Giám Tiền. Tiền là quán quân của cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam) 2014

HARPER’S BAZAAR: Tiền đã gặp những khó khăn nào để duy trì thương hiệu thời trang trong mùa Covid-19?

LÝ GIÁM TIỀN: Kể từ dịch Covid-19, ngành thời trang chịu ảnh hưởng nặng nề. Thương hiệu thời trang của LY GIAM TIEN cũng không ngoại lệ.

Thời điểm giãn cách xã hội, mọi không có nhu cầu mua sắm quần áo. Tôi phải chuyển hình thức kinh doanh của thương hiệu từ offline đến online. Ngoài ra, tôi đã áp dụng hình thức D2C cho thương hiệu. Khi khách hàng đặt hàng sẽ được giao đến tận nơi.

Tuy nhiên, mặt trái của việc kinh doanh online là khách hàng không được trải nghiệm thực tế các sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng. Nên số lượng tiêu thụ vì thế cũng giảm dần.

Diễn viên, doanh nhân Trương Ngọc Ánh mặc trang phục của Lý Giám Tiền xuất hiện trên tạp chí Harper’s Bazaar Vietnam

HARPER’S BAZAAR: Hậu đại dịch, Tiền rút ra được kinh nghiệm nào cho bản thân?

LÝ GIÁM TIỀN: Đối với người trẻ như Tiền, việc vấp ngã trong quá trình xây dựng thương hiệu là điều không tránh khỏi . Sau Covid-19, tôi rút ra được một bài học: một kế hoạch hoàn hảo là khi không có kế hoạch nào cả!

Thực tế, những việc bạn đề ra trong kế hoạch sẽ không diễn ra như mong muốn. Bạn phải học cách tuỳ cơ ứng biến với những việc xảy ra bất ngờ như Covid-19. Hoặc có thể là những sự việc khác. Hãy linh hoạt trong mọi tình huống và bình tĩnh xử lý từng vấn đề.

HARPER’S BAZAAR: Dù khó khăn, nhưng chắc chắn Tiền vẫn giữ niềm đam mê lớn với ngành thiết kế thời trang?

LÝ GIÁM TIỀN: Đối với tôi, sự sáng tạo giống với việc đi tập luyện thể thao. Các cơ bắp nếu không rèn luyện thường xuyên sẽ bị nhỏ dần và mất đi. Tương tự, sự sáng tạo nếu không được trao dồi hay luyện tập thường xuyên. Nó cũng sẽ phai dần theo thời gian. Trong quá trình giãn cách xã hội, tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, nghiên cứu văn hoá. Điều này giúp tôi luyện những nguồn cảm hứng khác nhau để ứng dụng vào công việc thiết kế.

Siêu mẫu Thanh Hằng mặc trang phục của Lý Giám Tiền

HARPER’S BAZAAR: Tiền có cân nhắc về việc bán hàng giảm giá hoặc hạ giá thành sản phẩm; đặc biệt là một thương hiệu thuần thiết kế (designer brand) như bạn?

LÝ GIÁM TIỀN: Là một thương hiệu nhà thiết kế, tôi luôn cân nhắc sử dụng việc giảm giá sao cho phù hợp.

“Theo quan điểm của tôi, các chương trình khuyến mãi như con dao hai lưỡi. Áp dụng giảm giá sẽ tăng lợi nhuận thức thời nhưng mặt trái là làm giảm giá trị thương hiệu. Điều này sẽ tạo ra thói quen tiêu dùng sai từ khách hàng. Họ chỉ chờ giảm giá mới mua sản phẩm.”

HARPER’S BAZAAR: Nguồn thu nhập chính của Lý Giám Tiền ở thời điểm hiện tại này từ đâu, khi các sự kiện bị hạn chế? Bạn có ý định tái tạo thương hiệu sau dịch?

LÝ GIÁM TIỀN: Ảnh hưởng của đại dịch khiến các sự kiện bị hạn chế. Đơn hàng của dòng sản phẩm LYGIAMTIEN ATELIER, phục vụ thiết kế cho nhóm khách hàng nghệ sỹ, giảm đi rõ rệt. Nguồn thu chính của tôi hiện tại đến từ dòng sản phẩm Ready-to-Wear. Hậu Covid-19, tôi có kế hoạch tái tạo lại hình ảnh thương hiệu với phong cách hoàn toàn khác. Nhóm khách hàng sẽ tập trung vào phân khúc trẻ trung và năng động hơn. Hiện tại, tôi đang từng bước chuẩn bị cho hai bộ sưu tập Thu Đông & Holiday cho dịp cuối năm.

Bên cạnh thương hiệu LYGIAMTIEN ATELIER phục vụ cho nhóm khách hàng là nghệ sỹ. Lý Giám Tiền cũng đầu tư vào dòng sản phẩm ứng dụng của mình. Đây cũng là nguồn thu chính của nhà thiết kế trẻ 

Một thiết kế của Lý Giám Tiền từ bộ sưu tập “Lối riêng kiêu hãnh”, trình diễn tại tuần lễ thời trang Aquafina Xuân Hè 2019

***

Nguyễn Tiến Truyển

Nguyễn Tiến Truyển cũng là nhà thiết kế trưởng thành từ Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam). Anh đã đạt giải quán quân mùa thứ 3 vào năm 2015.

HARPER’S BAZAAR: Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế chung, đặc biệt là ngành thời trang. Truyển chắc cũng không ngoại lệ?

NGUYỄN TIẾN TRUYỂN: Kể từ khi dịch bùng phát, hầu hết các chuỗi cung ứng thời trang trên toàn cầu đều ảnh hưởng nặng nề. Tình hình kinh doanh của Truyển cũng vậy. “Người tính, không bằng trời tính”. Sau dịch, Truyển rút ra bài học về việc lập kế hoạch. Trong tất cả mọi việc, hãy lập nhiều bản kế hoạch. Điều này giúp bạn luôn có phương án phòng thủ khi có sự cố xảy ra.

Nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà mặc trang phục mang phong cách menswear, đính đính đá tỉ mỉ của Nguyễn Tiến Truyển

HARPER’S BAZAAR: Khó khăn là thế, nhưng chắc chắn Truyển vẫn duy trì đam mê và nuôi dưỡng sáng tạo của mình chứ?

NGUYỄN TIẾN TRUYỂN: Kể từ khi giãn cách xã hội, Truyển chủ động dừng lại hết mọi kế hoạch. Điều này nhằm tránh phát sinh thêm chi phí. Đối với tôi, khoảng thời gian cách ly nhằm chủ đích hồi phục. Truyển dành nhiều thời gian để suy nghĩ về định hướng, ý tưởng mới cho những bộ sưu tập sắp tới.

HARPER’S BAZAAR: Tiến Truyển suy nghĩ như thế nào về mô hình  bán hàng trực tiếp đến khách hàng (Direct To Customer)? Liệu Tiến Truyển có áp dụng hình thức trên đối với thương hiệu thời trang của mình?

NGUYỄN TIẾN TRUYỂN: Hình thức kinh doanh D2C đang khá phổ biến ở quốc tế và đang phát triển tại Việt Nam. D2C đáp ứng một bộ phận khách hàng có nhu cầu mua sắm cao. Thực tế, tôi đang xây dựng và hướng thương hiệu của mình theo hình thức này.

D2C giúp thương hiệu nắm bắt được thị hiếu của khách một cách chính xác nhất. Trực tiếp đưa sản phẩm của mình đến khách hàng thông qua kênh bán hàng trực tiếp mà không cần phải thông qua những kênh bán lẽ trung gian, tiết kiệm được rất nhiều chi phí phân phối qua các đại lí, gian hàng.

Bên cạnh phái nữ, Tiến Truyển còn phát triển dòng hàng cho nam giới với các thiết kế suit phá cách

HARPER’S BAZAAR: Các thương hiệu thời trang đang dần phát triển mô hình mua sắm trực tuyến. Tiến Truyển có ý định xây dựng thương hiệu của mình theo hướng commercial hơn không?

NGUYỄN TIẾN TRUYỂN: Tôi đã và đang thực hiện việc kinh doanh online. Ở thời đại 4.0, con người từng bước di dân qua không gian số. Việc xây dựng mô hình mua sắm trực tuyến là điều phải làm. Mua sắm trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mặt bằng. Cũng như tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.

HARPER’S BAZAAR: Giải pháp nào là tối ưu nhất cho thương hiệu của Truyển ở thời điểm hiện tại?

NGUYỄN TIẾN TRUYỂN: Tôi đang dồn lực để phát triển thương hiệu mới OUT THE RUNWAY by NGUYENTIENTRUYEN. Thương hiệu được xây dựng theo định hướng mới. Các thiết kế tập trung vào tính thương mại và ứng dụng mang phong cách thanh lịch. Phom dáng được đơn giản hoá để khách hàng của NGUYENTIENTRUYEN dễ mua, dễ mặc. Giá thành sản phẩm sẽ là ưu điểm lớn nhất của thương hiệu.

Trong thời gian tới, Tiến Truyển còn phát triển thương hiệu mang tên gọi OUT THE RUNWAY by NGUYENTIENTRUYEN

***

Ngô Mạnh Đông Đông

Ngô Mạnh Đông Đông vốn nổi danh là một nhà thiết kế quốc phục và phụ kiện. Những phụ kiện do Đông thiết kế được giới nghệ sỹ thường xuyên sử dụng

HARPER’S BAZAAR: Kể từ đại dịch bùng phát, bạn gặp những khó khăn gì để duy trì thương hiệu cá nhân? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì kể từ sau Covid-19?

NGÔ MẠNH ĐÔNG ĐÔNG: Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, không chỉ riêng tôi mà các NTK phải có những chiến lược mới. Tôi đang ấp ủ một cửa hàng của riêng mình, để kinh doanh mặt hàng trang sức có sẵn dành cho đối tượng nghệ sỹ và người nổi tiếng. Chỉ có kinh doanh mới vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch hiện nay.

HARPER’S BAZAAR: Trong thời gian qua, bạn làm gì để nuôi dưỡng sáng tạo và giữ ngọn lửa đam mê của mình với công việc thiết kế?

NGÔ MẠNH ĐÔNG ĐÔNG: Tôi vẫn tiếp tục lên ý tưởng cho các bộ National Costume cho các cuộc thi quốc tế năm sau. “Máu” thiết kế trong tôi vẫn còn rất nóng. Vì thế, trong thời điểm bệnh dịch, dù như thế nào,  tôi vẫn cứ tiếp tục triển khai các kế hoạch của mình. Mỗi ngày của tôi ở thời điểm hiện tại là lý thử mẫu thật và nghiên cứu một số kỹ thuật mới để đưa vào các thiết kế.

Bộ quốc phục “Cò” mà Ngô Mạnh Đông Đông đã cố vấn cho Nguyễn Đức Liêm trong lần chọn trang phục cho Hoàng Thuỳ thi Miss Universe 2019

HARPER’S BAZAAR: Vốn nổi danh là một nhà thiết kế phục trang & phụ kiện, Đông Đông có tham vọng phát triển thương hiệu của mình hơn nữa không?

NGÔ MẠNH ĐÔNG ĐÔNG: Như đã đề cập, tôi đang từng bước xây dựng thương hiệu NMDD ACCESSORIES. Đối tượng khách hàng là những quý cô cá tính và quý bà thành đạt. Tất cả sản phẩm là phụ kiện có sẵn bao gồm nón và trang sức.  Song song, tôi sẽ trình làng những thiết kế nón dành riêng cho những bữa tiệc. Cũng như thực hiện buổi trưng bày các thiết kế phụ kiện đã kết hợp với các nhà thiết kế Việt trước đó.

Chiếc nón lấy cảm hứng từ trang phục dân tộc Mông của Hoàng Thuỳ Linh trong MV Để Mị nói cho mà nghe. Đây là sản phẩm của Ngô Mạnh Đông Đông thực hiện dưới sự đặt hàng của stylist Hoàng Ku.

HARPER’S BAZAAR: Vì đại dịch, các dự án thời trang bị đình trệ. Nguồn thu nhập chính của bạn đến từ nguồn nào?

NGÔ MẠNH ĐÔNG ĐÔNG: Hiện tại, tôi đang sản xuất phụ kiện cho một vài phim cũng như chương trình truyền hình thực tế The Blue. Bên cạnh đó, tôi đang từng bước chuẩn bị 3 bộ quốc phục cuộc thi Nam Vương, Hoa hậu thế giới và Miss Earth International. Tại tuần lễ thời trang Việt Nam 2020 sắp tới, tôi sẽ kết hợp với một nhà thiết kế mới. Hứa hẹn mang đến quý khán giả một bộ sưu tập rất đặc biệt.

Chiếc vòng cổ mà Beyoncé đeo cùng bộ trang phục của nhà thiết kế Phương My là do Ngô Mạnh Đông Đông thực hiện

Hậu Covid-19, Ngô Mạnh Đông Đông sẽ cho ra mắt thương hiệu NMDD Accessories…

… đối tượng khách hàng là những quý cô cá tính và quý bà thành đạt. Tất cả sản phẩm là phụ kiện có sẵn bao gồm nón và trang sức

Chiếc vương niệm Nữ thần Mặt trời được chế tác bằng thép không gỉ của Ngô Mạnh Đông Đông

HARPER’S BAZAAR: Cảm ơn những lời chia sẻ của các bạn!

***

Cuối bài viết này, Harper’s Bazaar muốn nhấn mạnh; nạn dịch Corona chỉ là tác nhân để thúc đẩy sự thay đổi trong mô hình kinh doanh thời trang. Sau đây, là những phương pháp vượt bão được chọn lọc từ bài viết này dành cho các thương hiệu và nhà thiết kế thời trang nội địa:

1/ Từng bước xây dựng mô hình mua sắm trực tuyến (E-commerce) dành cho khách hàng. Từng bước chuyển đổi hình thức kinh doanh hỗ trợ từ offline đến online.

2/ Áp dụng hình thức bán trực tiếp đến khách hàng (Direct To Customer). D2C giúp thương hiệu nắm bắt được thị hiếu của khách một cách chính xác nhất. Trực tiếp đưa sản phẩm của mình đến khách hàng thông qua kênh bán hàng trực tiếp mà không cần phải thông qua những kênh bán lẽ trung gian, tiết kiệm chi phí.

3/ Xây dựng thêm dòng sản phẩm dòng hàng giá cả phải chăng (Diffusion line) bên cạnh dòng sản phẩm chính. Phương pháp này sẽ giúp thương hiệu tiếp cận và trình bán đến đa dạng đối tượng khách hàng hơn.

4/ Tiếp tục phát triển thời trang bền vững (Sustainable Fashion). Thời trang bền vững giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trái đất và con người.

5/ Cân nhắc về việc bán hàng giảm giá (Devaluation of Sale). Bán hàng giảm giá là một con dao hai lưỡi. Tạo một thói quen không tốt đến khách hàng. Họ chỉ chờ giảm giá mới mua sản phẩm.

>>> Xem thêm: BÀI HỌC THÀNH CÔNG TỪ NÀNG LỌ LEM: LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm